Cộng Tác Trong Việc Làm Sáng Danh Chúa


Chúa Nhật 26 Thường Niên, Năm B

 (Ds 11:25-39; Gc 5:1-6; Mc 9:37-42,44,46-47)

Khi so sánh mình với người khác, người ta có thể nẩy ra cảm giác ghen tuông, ganh tị. Sở dĩ có cảm giác ganh tị, ghen tuông vì người ta sợ bị nép vế, bị mất ảnh hưởng hoặc bị đe doạ. Khi ông Môsê được thần khí của Thiên Chúa ngự xuống nói chuyện, thì ông dùng một phần thần khí ngự trên ông mà đặt trên 72 kì mục trong lều trại. Còn hai kì mục nữa là ông En-đát và ông Mê-đát không có mặt ở trong lều trại mà cũng nhận được thần khí nói tiên tri (Ds 11:27). Ðiều đó làm ông Giôsuê thắc mắc. Ông Môsê khuyên ông Giôsuê đừng quan tâm, vì càng nhiều người nói tiên tri, thì Thiên Chúa càng được vinh danh.

Ðến lượt thánh Gioan tông đồ cũng quan ngại về việc Ðức Giêsu ban tặng quyền năng cho người nghe. Ông Gioan sinh ghen tị vì có người không cùng nhóm các tông đồ đã dùng danh Chúa mà trừ quỉ (Mc 9:38). Ông Gioan muốn nói là có người nào khác cũng đã hành động theo thần trí của Thiên Chúa. Ông tưởng đó là sai trái, và không được phép vì người đó không thuộc nhóm các tông đồ. Chúa bảo ông Gioan: Không ai lấy danh nghĩa Thày mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó có thể nói xấu về Thày (Mc 9:39).

Theo lời Chúa dạy, người môn đệ Chúa không thể để cho đầu óc hẹp hòi đến nỗi đòi độc quyền làm việc từ thiện nọ, việc bác bác ái kia, mà ngăn cản người khác hay nhóm khác không được làm. Ngăn cản người khác hay nhóm khác, không cùng tổ chức, hay cùng tôn giáo với mình làm việc từ thiện bác ái là hạn chế vinh danh Thiên Chúa. Người tín hữu phải vui mừng khi có người làm việc thiện và việc lành, dù người đó không thuộc về nhóm, hay mình không ưa thích người đó. Người tín hữu cần cộng tác với những người có thiện chí và thiện ý trong việc làm giảm bớt nỗi thống khổ của loài người, làm tăng phẩm giá con người, và làm việc cổ võ công bình bác ái.

Cộng tác với người khác, với những hội đoàn xã hội và tôn giáo khác trong việc bác ái, xã hội, không có nghĩa là ta phải nhượng bộ những điều ta tin tưởng về đạo giáo. Trái lại ta phải giữ vững lập trường về đức tin công giáo. Cộng tác với người khác cũng không có nghĩa là không cần tìm sự hiệp nhất trong một đức tin. Chúa Giêsu không bảo người lấy danh Chúa mà trừ quỉ (Mc 9:38) không cần tìm hiệp nhất với nhóm tông đồ. Chúa chỉ bảo ông Gioan đừng ngăn cản người ấy mà thôi. Vì thế mà người tín hữu vẫn cần cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong một đức tin vào Chúa Kitô.

Nếu Chúa dạy ta phải vui mừng với người làm việc thiện và cộng tác với họ, thì Chúa cũng bảo ta phải xa tránh sự dữ và gương xấu vì gương xấu và sự dữ làm lu mờ danh Chúa. Chúa bảo ta không được làm cớ vấp phạm cho người khác, nhất là cho người yếu đức tin phải sa ngã. Chúa bảo ai làm cớ vấp phạm cho người yếu đức tin thì đáng trách phạt. Cớ vấp phạm có thể gây ra bằng lời nói hay việc làm khiến người khác có thể bắt chước. Như vậy làm cớ vấp phạm hay gương xấu là tội gấp đôi: do tội của đương sự và làm cớ sinh tội cho người khác.

Nếu Chúa bảo ta phải cộng tác và cổ võ công việc thiện hảo, thì Người cũng bảo ta phải tẩy chay việc dữ, tẩy chay những tệ đoan, những bất công trong xã hội loài người. Nếu sự việc ta làm, sự vật ta có, nếu chi thể ta gây dịp tội, gây nguy hại cho đức tin, cho sự cứu rỗi, Chúa bảo ta phải kiểm soát và canh chừng, phải làm chủ chính mình và làm chủ tình thế, chứ không để mình làm nô lệ cho dục vọng và ham muốn. Như vậy nếu truyền hình, phim ảnh, sách báo và mạng tin có thể làm sa đoạ đời sống tinh thần, làm suy giảm đức tin, làm cản trở mối liên hệ với Chúa, và làm nguy hại cho phần rỗi linh hồn, người tín hữu phải kiểm soát, hoặc loại bỏ.

Ðiều Chúa dạy trong Phúc âm hôm nay là người môn đệ phải sẵn sàng chịu mất một tay, một chân, một mắt nếu những chi thể này làm cản trở cho phần rỗi linh hồn. Khi Chúa nói thà vào nước Trời với một tay, một chân, một mắt còn hơn là sa hoả ngục với hai tay, hai chân và hai mắt là nói theo nghĩa ẩn ý, nhấn mạnh đến giá trị của nước trời hơn một phần chi thể, chứ không nhất thiết phải hiểu theo nghĩa đen. Ta có thể cảm thấy khó tin lời Chúa, bởi vì đường lối của Chúa khác với đường lối loài người, và những giá trị siêu nhiên khác với những giá trị trần thế. Tuy nhiên lời Chúa vẫn là sự thật, và lời Chúa là lời ban sự sống. Chúa đến để làm đảo lộn những giá trị của loài người vì hệ thống giá trị của loài người đã bị tội lỗi làm nhiễm độc. Do đó mà Chúa đã ban cho loài người Mười Giới răn và những giáo lí Phúc âm nêu ra những gì phải làm, những gì phải tránh để được vào nước Trời.

Trong kinh Lạy Cha, Ðức Giêsu dạy các tông đồ cầu nguyện: Nguyện cho danh Cha cả sáng. Vậy làm sao ta có thể làm cho danh Chúa cả sáng? Nói cách khác, làm sao ta làm cho danh Chúa được vinh danh? Phụng vụ Lời Chúa hôm nay dạy ta cộng tác với những người có thiện chí và thiện ý trong việc làm sáng danh Chúa bằng cách làm việc từ thiện, bác ái, xã hội và nhân đạo cũng như xa tránh những việc làm lu mờ danh Chúa là tội lỗi và gương xấu.

Lời cầu nguyện xin cho danh Chúa được cả sáng:

Lạy Chúa Giêsu,
Trong kinh Lạy Cha,
Chúa dạy chúng con cầu nguyện cho danh Cha cả sáng.
Xin dạy con biết làm việc và cộng tác với người khác
trong những việc tìm kiếm vinh danh Chúa.
Xin cũng dạy con biết xa tránh và chận đứng
những việc làm lu mờ danh Chúa là tội lỗi và nết xấu
để danh Chúa được lan rộng. Amen.

LM Trần Bình Trọng