Chúa Nhật 21 Thường Niên C
(Lc 13, 22-30)
Một lần nữa, thánh sử Luca nhắc đến lộ trình của Chúa Giêsu đang tiến về Giêrusalem cùng với các môn đệ. Hành trình lên Giêrusalem phải chăng là hành trình đi qua cửa hẹp nhưng đồng thời cũng là hành trình mở ra tiệc cánh chung mà ở đó một khi cửa phòng tiệc đã đóng lại, thì không ai có thể bước vào.
Một vấn nạn vẫn thường xảy ra những cuộc tranh luận trong giới chức tôn giáo thời đó về việc vào thời sau hết, ai sẽ là người tham dự vào thế giới mới? Phải chăng là dân tộc Israel hay còn một dân tộc nào khác nữa? Và, phải chăng số người được cứu rỗi sẽ rất ít, mà kẻ hư mất thì lại nhiều? Vấn nạn đó vẫn chưa có lời giải đáp cho đến khi có người đặt ra với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, những người được cứu thì ít, có phải không?”.
Sở dĩ người Dothái hỏi Chúa vấn nạn trên là bởi vì họ vốn cho rằng ơn cứu rỗi chỉ dành cho riêng họ mà thôi. Nay họ chờ mong Chúa xác nhận lại quan điểm đó của họ. Dụng ý của họ ở đây là gì? Chúng ta thấy nếu Chúa Giêsu đồng tình với cách họ quan niệm, vô hình trung, người Dothái sẽ dựa vào đó mà sinh ra kiêu căng, tự mãn vì đã nắm chắc phần rỗi, chả cần cố gắng cho bản thân cũng như cho cộng đồng. Còn những người không phải Dothái thì sao? Chắc một điều họ sẽ sinh ra chán nản, căm ghét tất cả, vì cho rằng có cố gắng cũng vô ích bởi ơn cứu rỗi đâu có dành cho mình. Ngược lại nếu Chúa Giêsu cho rằng ơn cứu rỗi cho một số đông thì chắc chắn sẽ có kẻ tự cho mình đang nằm trong số đông đó, rồi sinh ra căn bệnh ỷ lại, bình chân như vại, chả cần cố gắng tập tành nhân đức gì nữa, vì biết chắc đã có giấy “thông hành” vào nước trời rồi, sợ gì.
Chính vì thế, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi này. Trái lại Người đưa ra một lời cảnh báo cho hết mọi người đừng đoán già đoán non ai sẽ vào hưởng hạnh phúc mai sau, số lượng ít hay nhiều,… mà phải lo cho lợi ích phần rỗi của mình cho xứng đáng bằng cách “chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”.
Cửa hẹp ở đây là gì? Trước hết, cửa hẹp ở đây chính là hành trình lên Giêrusalem của Chúa. Chúng ta biết Chúa Giêsu nhất quyết tiến về Giêrusalem, tức là Người chấp nhận bước vào con đường hẹp- con đường sẽ dẫn Người đến cái chết bi thảm trên thập giá. Con đường hẹp mà Chúa đi cũng là con đường thách đố của lòng tin, tình yêu và nguồn cậy trông; con đường đó đòi hỏi cần phải có sức phấn đấu cao và sự kiên trì thật vững vàng. Sau nữa, con đường hẹp đó còn là một cuộc vận lộn sau cùng, nghĩa là cuộc chiến đấu sau hết trong giờ phút lâm chung- giờ phút quyết định trước khi cửa tiệc cánh chung nước trời khoá lại. Thấy được như thế, chúng ta mới hiểu rõ lời cảnh báo của Chúa Giêsu mang tính cấp thiết trong đời sống hiện tại như thế nào.
Như thế, Chúa Giêsu không hề có chế độ ưu đãi nào trong việc tham dự bàn tiệc Cánh chung. Con đường hẹp và đàng sau đó là phòng tiệc cánh chung không dành cho những ai “hữu danh vô thực”. Tức là không phải cứ mang danh Kytô hữu, là con cháu Apraham thì đương nhiên được chủ nhà Giêsu mở cửa mời vào. Cuối con đường hẹp là căn phòng dự tiệc nước Thiên Chúa chỉ mời đón những ai biết đón nhận giáo huấn của Chúa Giêsu và đem ra thực hành, những con người không ngừng hoán cải, không ngừng cải thiện đời sống mình theo gương Thầy Chí Thánh.
Đường theo Chúa Giêsu không thênh thang dễ đi nhưng là gồ ghề chật hẹp, vì đó là con đường chứng nhân, con đường mời gọi sống các giá trị Tin mừng. Thế nên, đối với những ai yêu mến con đường này, tuy có hẹp nhưng vẫn đủ rộng để mời gọi, để hấp dẫn họ bước vào. Một khi chúng ta chấp nhận bước vào con đường hẹp Tin mừng với một trái tim nồng cháy, chắc chắn cửa nước trời sẽ rộng mở đón chúng ta vào dự tiệc và được chính chủ nhà là Thiên Chúa không ngừng yêu mến và trở nên người phục vụ chúng ta.
LM Phạm Ngọc Ngôn, Csjb