Lc 1, 26-38
Tạm biệt vị Tiền hô của Thiên Chúa – Thánh Gioan Tẩy Giả, từ nay cho đến Lễ Giáng Sinh, chúng ta cùng nhau chiêm ngắm chân dung một nhân vật rất ư quan trọng trong lịch sử Cứu độ: Đức Trinh nữ Maria. Chính Đức Maria là mẫu gương tuyệt vời, là nguồn cảm hứng cho toàn thể địa cầu. Chính nhờ Mẹ và nơi Mẹ, Chúa Giêsu Kytô- Đấng Cứu độ trần gian, mặc lấy xác phàm nhân loại, giáng sinh làm người để cứu chuộc nhân loại. Chúa nhật cuối cùng của Mùa Vọng mời gọi chúng ta chiêm ngắm chân dung tuyệt mỹ cũng như sứ mạng cao quý mà Thiên Chúa đã ưu ái dành cho Mẹ.
Khác với việc truyền tin cho Dacaria, diễn ra trong bối cảnh huy hoàng của Đền thờ Giêrusalem, việc truyền tin cho Đức Maria ở một nơi thật khiêm tốn và bé mọn- nơi “một thành xứ Galilê”, trong căn nhà đơn sơ tại Nazarét. Khung cảnh tuy đơn sơ bé mọn nhưng chứa đựng một bầu khí tuyệt vời thánh thiện. Bầu khí ấy cho phép chúng ta chiêm ngưỡng trước mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa tuy vô cùng cao quý nhưng lại thật gần gũi, thật thân thiết với cái nghèo đói – nghèo đến trần trụi, nhất của kiếp người.
Thánh sử Luca dường như có ý muốn nhấn mạnh đến Mẹ – thiếu nữ Sion, là một trinh nữ trong vai trò của người nhận sứ điệp Thiên Chúa. Từ Trinh nữ ở đây phải hiểu như thế nào? Trinh nữ, tiếng Hylạp là Parthenos để chỉ mọi thiếu nữ và, mặc nhiên, được xem là đồng trinh. Điều này càng được khẳng định cách vững chắc trước câu hỏi mà Đức Mẹ đặt ra với sứ thần: “Việc ấy xảy đến thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”
Không chỉ là Trinh nữ, Đức Maria còn được biết đến qua danh hiệu “Đấng đầy ân sủng” của Thiên Chúa- tên mới mà sứ thần đặt cho Mẹ. Chúng ta biết đây là kiểu nói rất hiếm gặp trong Kinh thánh, chỉ vài lần mà thôi (x. Hc 18,17; Ep 1,16). Đấng đầy ân sủng (Kekhritomene) ở thể thụ động và có thể hiểu rằng Đấng ấy đã, đang và sẽ đầy ân sủng. An sủng ở đây không chỉ hiểu là đặc sủng của nhà vua và lòng sủng ái của người yêu mà còn là người làm đẹp lòng Thiên Chúa, nó không còn chỗ cho tội lỗi xâm chiếm.
Trước sứ điệp của sứ thần, Đức Maria chỉ bối rối chứ không sợ hãi như trường hợp Dacaria. Đức Mẹ cố tìm hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm vừa được mạc khải một cách bất ngờ. Cũng như Dacaria, Mẹ cũng đặt vấn đề với sứ thần nhưng khác với Dacaria, Mẹ không hoài nghi mà xuất phát từ lòng tin đi tìm ánh sáng. Đặt vấn đề như thế, Mẹ đã làm hài hoà giữa đức tin và lý trí, và đó là dấu hiệu của một niềm tin biết vận dụng lý trí để truy tìm chân lý. Chúng ta biết đức tin không lý trí là đức tin mù quáng; và, lý trí mà không có đức tin thì không còn mầu nhiệm, không còn sự linh thánh nữa. Thế nên câu hỏi của Đức Maria- cách nào đó, đưa đến một mạc khải rõ ràng về Chúa Giêsu. Qua đó chúng ta biết tường tận người con mà Mẹ sinh ra chính là “Con Thiên Chúa” – tước hiệu mà Cựu ước và Luca dùng để chỉ Đấng Mêsia, tức Chúa Giêsu, con Mẹ, người sẽ làm thay đổi bộ mặt địa cầu, sẽ dẫn đưa nhân loại từ trong bóng đêm tội lỗi về với ánh sáng Tin mừng cứu rỗi.
Lý trí đã dẫn đưa Mẹ tìm hiểu mầu nhiệm cao siêu này và nhờ ơn Thiên Chúa qua sự hướng dẫn của sứ thần, giờ đây Mẹ đã hiểu ý định của Thiên Chúa- tuy chưa trọn vẹn, nhưng cũng đủ để mẹ phó thác, dấn bước trong niềm tin của mình. Lời thân thưa “Xin vâng” không chỉ biểu hiện của một thái độ khiêm nhường mà còn là một hành động của niềm tin. Tiếng “Xin vâng” của Mẹ, chứng tỏ rằng Mẹ đã hiểu phần nào về mầu nhiệm cao quý mà Thiên Chúa ưu ái dành cho Mẹ. Dấn bước trong niềm tin “Xin vâng”, Mẹ đã cho chúng ta bài học về sự dấn thân, về “đêm tối của niềm tin “ là gì. Cho hay, đức tin không phải là ngọn đèn cao áp để có thể nhìn tường tận nhưng chỉ như con đom đóm lúc ẩn lúc hiện; như tiếng sấm trong màn đêm, lúc sáng lúc tối để chúng ta bước từng bước một. Nó vừa đủ sáng cho những ai vững tin dấn bước nhưng đồng thời, nó cũng làm chồn chân cho những ai e dè ngần ngại dấn thân. Và vì thế, chúng ta mới hiểu tiếng Xin vâng của Mẹ chính là tiếng Xin vâng lên đường, là chặng tới của một niềm tin mà Mẹ đã trọn vẹn phó thác trong sự quan phòng của Thiên Chúa.
Lễ Giáng sinh đang đến gần là dịp nhắc nhớ mỗi người Kytô hãy mở rộng tâm hồn đón Chúa ngự đến. Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến trong chính ngôi nhà thiêng liêng của mỗi người. Người đang đứng bên ngoài, gõ cửa và chờ đợi chúng ta. Thiên Chúa mong chờ tiếng đáp trả “xin vâng” của mỗi người chúng ta như xưa Đức Maria đã quảng đại đáp trả mà không cần tính toán so đo. “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền”. Tiếng “Xin vâng” của mẹ vẫn còn mãi vang vọng và mời gọi chúng ta mỗi ngày…
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb