CHÚA NHẬT 2 TN B (1 Sm 3, 3b-10.19; 1 Cr 5,13c-15a. 17-20; Ga 1, 35-42)
Thử hỏi ai trong chúng ta là người không biết yêu? Và khi yêu nhau, tâm trạng của tình yêu nó làm sao đó và chẳng ai có thể diễn tả được. Chỉ có những tâm hồn đang yêu mới diễn tả và mới hiểu được tình yêu là gì.
Đơn giản, đứa trẻ, nhìn vào đứa trẻ chúng ta sẽ thấy lộ ra tình yêu của chúng với cha mẹ chúng là như thế nào. Chúng hình như không muốn xa lìa cha mẹ chúng chút nào cả. Bằng chứng tôi thấy rõ nhất là ở gia đình, có hai đứa cháu trai năm nay đứa học lớp 10, đứa học lớp 5. Hai đứa cháu này không bao giờ chịu rời xa cha mẹ chúng cả. Dù nghe người khác bảo là dẫn đi Siêu Thị hay đi mua đồ chơi, mua thức ăn cho chúng là những điều chúng thích nhưng chẳng bao giờ dụ chúng được. Có lẽ một phần do bản tính nhưng căn cốt đó là vì yêu cha yêu mẹ chúng, chúng sợ xa cha xa mẹ nên chẳng chịu rời xa cha mẹ. Yêu là như vậy đó.
Hay là như chúng ta, hơn một lần chúng ta tiễn biệt người thân chúng ta như ông, như bà, như cha, như mẹ. Ít nhiều gì đó, chúng ta cảm thấy cái giây phút hạ huyệt, cái giây phút đưa vào lò thiêu nó đau đớn đến mức nào. Có những người khóc ngất, có những người xỉu vì xa cha, xa mẹ, xa ông, xa bà của mình. Tại sao khóc? Chẳng cần suy nghĩ, ta có thể trả lời ngay là vì yêu. Yêu nên sợ xa, sợ mất người mà mình yêu.
Nhìn vào tình yêu đôi lứa chúng ta sẽ thấy rõ nét nhất về sự xa cách này. Khi vì hoàn cảnh chưa đến được với nhau, chưa được ở gần nhau thì cái lòng nó nao nao làm sao đó. Hình như lúc nào anh chị cũng muốn được ở gần nhau, được ở bên nhau hết. Có những lúc đi xa thì chỉ tổ làm giàu cho các mạng di động thôi vì lúc nào cũng liên lạc cả. Không được ở gần nhau vì hoàn cảnh nào đó thì cũng mong được nghe tiếng của nhau. Vì sao vậy? Vô duyên quá chăng? Không! Đó là vì yêu, yêu nên người ta mới mong mỏi được ở gần nhau, ở bên nhau.
Tất cả những hình ảnh đơn sơ ấy biểu lộ tình yêu giữa con cái với ông bà cha mẹ, giữa hai người yêu nhau. Phải nhìn nhận thẳng với nhau rằng, trước khi yêu ta tin cái người ta yêu. Thử hỏi đứa trẻ xem, nó tin ai nhất? Chắc chắn nó tin cha mẹ nó nhất trên đời nên nó mới yêu. Thử hỏi không tin xem nó có dám yêu chăng?
Hai anh chị cũng thế! Dù không nói ra, dù không cân – đo – đong – đếm được nhưng hình như tự hai người nó phát ra cái tín hiệu rất là lạ đó là tin nhau. Tin nhau rồi họ mới tìm đến nhau và mới yêu. Thật sự mà nói, chẳng ai dám đi yêu cái người mà mình không tin cả. Từ tin bắt đầu đến yêu. Yêu nhau nên muốn ở lại bên nhau là chuyện bình thường thôi. Nếu yêu mà không tin nhau đó là tình yêu bất thường, tình yêu dị dạng và tình yêu móp méo.
Hình ảnh tin, yêu và ở lại bên nhau được Thánh Gioan nói cho chúng ta qua trang Tin mừng mà chúng ta vừa nghe. Gioan thuật lại rằng có hai môn đệ đang đứng với ông, thấy Đức Giêsu đi ngang và Gioan giới thiệu ngay: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Sau khi nghe giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, lập tức hai môn đệ đi ngay. Tại sao đi ngay? Vì lẽ là môn đệ Gioan, tin Gioan nên mới đến với Chúa Giêsu và ở lại với Chúa Giêsu. Không đơn giản như Thánh Gioan thuật lại, muốn đến và ở lại như vậy chắc có lẽ phải qua một thời gian, một giai đoạn tìm hiểu và rồi tin và rồi yêu như những người trẻ đến với nhau vậy. Và muốn có được kết qủa như ngày hôm nay của hai môn đệ ông Gioan là do hai môn đệ ấy đã lắng nghe ông Gioan nói về Chúa Giêsu trong thời gian hai ông ở với Gioan. Phải lắng nghe hai ông ấy mới biết Chúa Giêsu là ai để rồi mới ngong ngóng tìm Chúa và hôm nay mới gặp được Chúa và theo Chúa, ở với Chúa.
Muốn biết về ai, muốn tin vào ai và muốn yêu người ấy thì chuyện quan trọng nhất đó là lắng nghe. Khi ta không lắng nghe nói về người đó, nói với người đó thì làm sao ta biết, ta tin và ta yêu được.
Hình ảnh về sự lắng nghe, về tin, về yêu ấy được Samuael thuật lại trong trang sách của ông mà chúng ta cũng vừa được nghe.
Trong cơn ngủ đấy nhưng Samuel được nghe tiếng gọi, ông giật mình đến hỏi thầy của mình. Cả đến 3 lần, 3 lần ấy ông Êli đều xác nhận không phải là ông gọi nhưng chính Thiên Chúa gọi Samuel. Và Samuel lại tiếp tục trong cơn ngủ của mình. Thiên Chúa lại đến với Samuel và thực thi theo lời thầy mình dạy, Samuel đã thân thưa với Chúa: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng tai nghe”. Sau khi thân thưa, thỏ thẻ với Chúa về tâm tình, về thái độ của mình thì ơn của Thiên Chúa đến với ông như chúng ta nghe: “Samuel lớn lên, Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu”. (1 Sm 3, 19)
Thật sự là thế, Samuel lớn lên trong ơn nghĩa của Chúa nhờ thái độ, nhờ tâm tình lắng nghe Chúa và rồi Chúa ở với ông. Chúa ở với ông đồng nghĩa là ông ở trong Chúa.
Chúng ta, nhìn lại mình, chúng ta thấy buồn cười lắm! Chúng ta được nghe các thánh, các tông đồ và nhiều người nói về Chúa cho chúng ta nhưng tâm hồn của chúng ta nó cứ trơ trơ ra làm sao đó. Không chỉ các thánh, các tông đồ nhưng ngay bản thân chúng ta thôi, Thiên Chúa đã nhiều lần trực tiếp bằng những biến cố này biến cố khác trong cuộc đời Chúa nói với chúng ta đấy nhưng chuyện quan trọng là chúng ta có đủ kiên nhẫn, có đủ lắng đọng để nghe không?
Tạ ơn Chúa vì ngày nay xã hội phát triển, thậm chí phát triển quá mức tưởng tượng. Tất cả những gì xã hội mang đến cho con người là con dao 2 lưỡi. Nó phục vụ rất tốt cho cuộc sống của con người nhưng ngược lại nó cũng làm cho con người ra hư hỏng. Nếu biết dùng thì con người sẽ dùng những vật chất, những phát triển văn minh sẽ phục vụ con người nhưng không khéo nó sẽ làm hỏng con người. Nếu không cẩn thận, nếu không có chiều sâu tâm linh đậm đặc đủ con người sẽ mãi chạy theo những đam mê, những cám dỗ của vật chất, của xác thịt, của danh vọng.
Những thú vui của danh vọng, địa vị, vật chất ấy đôi khi đã làm cho con người đánh mất cảm thức về Chúa, không còn thấy Chúa có chỗ đứng trong cuộc đời của mình nữa. Sự thật thật bi đát, sự thật thật đau lòng đó là dù cho giàu có, danh vọng, hưởng thụ đến mức nào đi chăng nữa nhưng không có Chúa cuộc đời nó cứ rỗng rỗng tuếch tuếch làm sao đó.
Thánh Vịnh 49 hơn một lần nhắc nhỡ chúng ta về phận con người:
Hãy nghe đây, ngàn muôn dân hỡi,
lắng tai nào, hết thảy thế nhân,
cả thường dân lẫn người quyền quý,
hạng phú gia với kẻ cơ bần.
Miệng tôi nói lời hay lẽ phải,
lòng gẫm suy câu khéo điều khôn,
tai lắng nghe nhịp câu ngạn ngữ,
mượn phím đàn giải nghĩa nhiệm mầu.
Ngày vận hạn cớ chi phải sợ,
lúc bọn gian manh theo sát bủa vây tôi?
Chúng cậy vào của cải,
lại vênh vang bởi lắm bạc tiền.
Nhưng nào có ai tự chuộc nổi mình
và trả được giá thục hồi cho Thiên Chúa?
Mạng người dù giá cao mấy nữa,
thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời.
Nào phàm nhân sống mãi được sao
mà chẳng phải đến ngày tận số?
Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết,
kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong,
bỏ lại tài sản mình cho người khác.
Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ,
nhưng ba tấc đất mới thật là nhà,
nơi họ ở muôn đời muôn kiếp.
Dù sống trong danh vọng,
con người cũng không thể trường tồn;
thật nó chẳng khác chi
con vật một ngày kia phải chết.
Phường tự mãn tự kiêu, số phận là thế đó,
bọn ỷ tài khéo nói, hậu vận chính là đây.
Như đoàn vật nhốt trong âm phủ,
chính tử thần canh giữ chăn nuôi,
chúng nhào thẳng xuống nơi huyệt mả,
sẽ tiêu tan cả đến hình hài,
chốn âm phủ thành nơi cư ngụ.
Nhưng Chúa Trời sẽ chuộc mạng tôi,
gỡ tôi ra khỏi quyền lực âm phủ.
Đừng sợ chi khi có kẻ phát tài,
hoặc cửa nhà tăng thêm vẻ phong lưu,
vì khi chết, nó đâu mang được cả,
kiếp vinh hoa chẳng theo xuống mộ phần.
Lúc sinh thời, nó tự hào tự đắc:
“Mình làm nên, thiên hạ tán dương mình! ”
Nhưng rồi nó cùng tổ tiên về chung kiếp,
chẳng bao giờ còn được thấy ánh dương!
Dù sống trong danh vọng,
con người cũng không hiểu biết gì;
thật nó chẳng khác chi
con vật một ngày kia phải chết.
Chúng ta vẫn bị giằng co giữa những cái mong manh của cuộc đời và Chúa nên rồi chúng ta cứ quay quắt trong những cái mong manh ấy. Vì sao chúng ta bị quay quắt? Vì lẽ chúng ta đã lìa xa Chúa, chúng ta đã không tìm Chúa, không đến, không lắng nghe lời Chúa như hai môn đệ của ông Gioan và Samuel.
Vâng! Tất cả rồi sẽ qua đi, tất cả rồi sẽ mất hết, còn lại duy chỉ mình Chúa thôi. Xin Chúa cho chúng ta ghi nhớ rằng chỉ mình Chúa là đủ cho cuộc đời chúng ta để rồi dù cuộc đời này có bao nhiêu ồn ào, bao nhiêu náo động chúng ta luôn lắng đọng tâm hồn để chúng ta đến bên Chúa, để ở lại với Chúa và để nghe lời Chúa. Khi Lời Chúa ngự vào tâm hồn chúng ta chúng ta sẽ tìm thấy sự bình an thật sự trong cuộc đời.
Anmai, CSsR