VATICAN -Bài giảng Đức Benedict XVI giảng trong Thánh Lễ ngài chủ tọa trong Vương Cung Thánh Pherô ngày lễ Các Thánh 1.11.2006 như sau:
Anh Chị Em thân mến,
Cử hành Thánh Thể của chúng ta mở đầu hôm nay với lời khuyên “Anh Em hãy vui mừng trong Chúa.” Phụng vụ mời chúng ta chia sẻ sự vui sướng trên trời của các thánh, hầu nếm niềm vui. Các thánh không phải là một đẳng cấp hạn chế những kẻ được chọn, nhưng là một đoàn người vô số mà hôm nay phụng vụ khuyên chúng ta hướng mắt nhìn lên các ngài.
Giũa đoàn người đông đảo này, không những xuất hiện các vị thánh được chính thức thừa nhận, nhưng các kẻ đã được rửa tội của mọi thời đại và quốc gia đã tìm kiếm thực hiện ý Chúa với tình yêu và lòng trung. Nhiều vị chúng ta không biết mặt và tên, nhưng với con mắt đức tin chúng ta thấy các ngài sáng chói như các vì sao đầy vinh quang trên bầu trời thần linh.
Hôm nay Giáo Hội cử hành phẩm giá của mình như “mẹ các thánh, hình ảnh của thành đời đời” (Alessandro Manzoni), và bày tỏ vẻ đẹp của mình như nàng dâu vẹn sạch của Chúa Kitô, nguồn mạch và gương mẫu của mọi sự thánh thiện. Giáo Hội không thiếu những đứa con phóng túng và thật sự phiến loạn, nhưng chính trong các thánh mà ngài nhận ra những nét đặc điểm của ngài và chính xác trong những đặc điểm ấy mà ngài thưởng thức niềm vui sâu xa nhất của ngài.
Trong bài đọc thứ nhất tác giả sách Khải Huyền diễn tả “một đoàn người thật đông không tài nào đếm nỗi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7:9). Đoàn người này gòm có các thánh thời Cựu Ước, bắt đầu với Abel người công chính và tổ phụ Abraham, và sau đó là các thánh thời Tân Ước, nhiều thánh tử đạo lúc bắt đầu Kitô Giáo, những vị chân phước và các thánh của những thời đại tiếp sau, và sau cùng những chứng nhân Chúa Kitô trong thời đại chúng ta. Điều chung cho các ngài là lòng muốn nhập thể Tin Mừng trong sự sống các ngài qua sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Đấng đời đời ban sự sống cho dân Chúa.
Nhưng “ích gì sự chúng ta ngợi khen các thánh, sự chúng ta cảm phục vinh quang, sự long trọng chúng ta cử hành?” Một bài giảng danh tiếng của thánh Bernard trong ngày lễ các thánh bắt đầu với câu hỏi này. Đó là một câu hỏi chúng ta có thể hỏi mình cả bây giờ. Lời giải đáp Thánh Bernard cống hiến cũng thích hợp cho chúng ta: “Các thánh chúng ta,” ngài nói, “không cần những sự tôn vinh của chúng ta và các ngài không được gì do sự kính nhớ của chúng ta. Đối với tôi, tôi phải thú nhận, khi tôi nghĩ tới các thánh, tôi cảm thấy mình bị đốt nóng bởi những sự ao ước cả thể” (Homily 2, “Opera omnia.” Ed. Cisterc, 5, 364 ff.).
Hãy xem ý nghĩa lễ trọng hôm nay: Khi nhìn gương sáng các thánh sự ao ước cao độ nên như các thánh được thức tỉnh trong chúng ta; hạnh phúc được sống gần Chúa, trong ánh sáng của Người, trong đại gia đình bạn hữu của Chúa. Làm thánh có nghĩa là sống gần Chúa, sống trong gia đình của Người. Và đó là ơn gọi của tất cả chúng ta, được Công Đồng Vatican hai tái khẳng định mạnh mẽ, và trong ngày này bắt chúng ta phải lưu ý một cách trọng thể.
Nhưng chúng ta phải nên thánh, những người bạn của Chúa, cách nào? Một câu đáp đầu tiên cho câu hỏi này là: Muốn nên thánh không cần làm những sự và những công việc khác thường, cũng không cần có những đặc sủng ngoại lệ. Nhưng điều này chỉ nói với chúng ta điều không phải là sự thánh. Câu trả lời tích cực là muốn nên một vị thánh điều hơn hết là cần nghe lời Chúa Giêsu và sau đó theo Người và không mất nhiệt tâm trước những khó khăn.
“ Nếu ai muốn phục vụ Thầy,” Người nói, “ thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quí trọng người ấy” (Ga 12:26). Bất cứ ai phó thác mình cho Người và yêu Người cách chân thành, sẽ chết cho mình như hột lúa mì chôn dưới đất.
Người ấy biết trên thực tế rằng ai ra sức giữ mạng sống mình thì sẽ mất còn ai thí mạng sống mình, thì sẽ được sống (x. Ga 12:24-25). Kinh nghiệm của Giáo Hội chứng tỏ rằng, mặc dầu theo những con đường khác nhau, tất cả mọi hình thức của sự thánh thiện phải luôn lưôn qua con đường thánh giá, con đường từ bỏ mình.
Những tiểu sử các thánh miêu tả những người nam và những người nữ, dầu luôn luôn vâng theo những ý định Thiên Chúa, đôi khi chịu những đau khổ, những cơn bắt bớ và sự tử đạo không thể tả. Các ngài đã bền chí trong nhiệm vụ các ngài. “Họ là những người đã trải qua cơn thử thách lớn lao,” chúng ta đọc trong sách Khải Huyền, “Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (7:14).
Tên các ngài được viết trong sổ trường sinh (x. Kh 20:12); thiên đàng là nởi ở đời đời của các ngài. Gương các thánh khuyến khích chúng ta theo những bước chân các ngài, cảm nghiệm niềm vui của những kẻ phó thác mình cho Chúa, bởi vì nguyên nhân duy nhất của sự buồn là sống xa Người.
Sự thánh thiện đòi hỏi một cố gắng kiên trì, nhưng điều đó có thể đối với mọi người bởi vì đó không phải là việc làm của con người nhưng hơn hết là một ân huệ của Thiên Chúa, là Đấng ba lần thánh (x. Isaiah 6:3). Trong bài đọc hai Tông Đồ Gioan nhận xét: “Anh em hãy xem Chúa yêu thương chúng ta là dường nào cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa. Mà thực sự chúng ta là con thiên Chúa” (1 Galatians 3:1)
Do đó Chính Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước và trong Chúa Giêsu Người đã làm cho chúng ta nên nghĩa tử. Trong sự sống chúng ta tất cả là một ân huệ tình yêu của Người. Làm sao có thể dửng dưng trước một mầu nhiệm cả thể như vậy? Làm sao có thể không đáp trả tình yêu của Cha trên trời bằng cách sống một đời sống của những đứa con thảo?
Trong Chúa Kitô Người đã tự hiến mình trọn vẹn cho chúng ta và đã kêu gọi chúng ta tới một tương quan cá nhân và sâu xa với Người. Như vậy, chúng ta càng bắt chước Chúa Kitô và kết hợp với Người, chúng ta càng đi vào mầu nhiệm sự thánh thiện thần linh. Chúng ta khám phá chúng ta được Người yêu thương vô cùng và sự đó thúc đẩy chúng ta yêu thương anh em chúng ta. Yêu thương luôn có nghĩa là một hành vi bỏ mình, “mất mạng mình,” và bằng cách này chúng ta trở thành hạnh phúc.
Do đó chúng ta tới bài Tin Mừng ngày lễ này, tức là sự công bố các mối phúc mà mới đây chúng ta đã nghe vang dội qua vương cung này.
Chúa Giêsu nói: Phúc thay những kẻ nghèo tinh thần, phúc thay những kẻ sầu khổ, những kẻ hiền lành, phúc thay những kẻ khát khao nên người công chính, những kẻ có lòng xót thương, phúc thay những kẻ có lòng thanh sạch, những kẻ kiến tạo hoà bình, những kẻ bị bắt bớ vì sống công chính (x. Matthew 5:3-10).
Thật sự, kẻ có phúc tuyệt hảo là chỉ mình Người, Chúa Giêsu. Trên thực tế, Người thật sự khó nghèo tinh thần, là kẻ sầu khổ, kẻ hiền lành, kẻ khát khao nên người công chính, kẻ xót thương, kẻ có lòng trong sạch, kẻ kiến tạo hoà bình; Người là kẻ bị bắt bớ vì sống công chính.
Những mối phúc cho chúng ta thấy diện mạo thiêng liêng của Chúa Giêsu và như vậy diễn tả mầu nhiệm của Người, mầu nhiệm sự chết và sống lại, mầu nhiệm sự thương khó và niềm vui sống lại. Mầu nhiệm này, là mầu nhiệm mối phúc thật sự, mời chúng ta theo Chúa Giêsu và như vậy là con đường đến hạnh phúc
Trong mức độ chúng ta chấp nhận đề nghị này và theo Người—mỗi người theo những hoàn cảnh riêng mình—chúng ta cũng có thể tham gia trong cái phúc của Người. Với Người sự không thể trở thành sự có thể và cuối cùng con lạc đà chui qua lỗ kim (x. Mark 10:25); với sự giúp đỡ của Người, chỉ với sự giúp đỡ của Người, chúng ta có khả năng trở nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành (x. Matthew 5:48).
Anh chị em thân mến, bây giờ chúng ta đi vào trung tâm việc cử hành Thánh Thể, là sự khuyến khích và là sự nuôi dưỡng sự thánh thiện. Trong chốc lát, Chúa Kitô sẽ trở thành hiện diện một cách cao hơn, Người là cây nho thật mà những tìn hữu dưới đất và các thánh trên trời kết hợp với, như những cành.
Sự hiệp thông của Giáo Hội lữ hành trong thế giới với Giáo Hội khải hoàn trong vinh quang sẽ được tăng cường. Trong Kinh Tiền Tụng chúng ta sẽ công bố các thánh là những bạn hữu và những kiểu sống cho chúng ta. Chúng ta sẽ xin các thánh giúp chúng ta bắt chước các ngài và thực hiện việc đáp ứng quảng đại với tiếng gọi thần linh như các ngài đã làm. Chúng ta sẽ đặc biệt kêu cầu Đức Maria, mẹ của Chúa và là gương chiếu sự thánh thiện. Xin Mẹ, Đấng chí thánh, làm cho chúng ta nên những môn đệ trung thành của con mẹ là Chúa Giêsu kitô! Amen;
ĐGH Benedictô XVI
Lễ Các Thánh