Ông Thấy và Đã Tin
CHÚA NHẬT PHỤC SINH (B)
Công vụ Tông Đồ 10: 34a, 37-43; Tv 118; Côlôsê 3: 1-4; Gioan 20: 1-9
Quý vị thường làm gì khi người thân yêu qua đời? Sau cú sốc và nỗi buồn ngay khi hay tin, sau khi canh thức và an táng; sau khi đặt những cánh hoa lên quan tài và rồi quan tài được hạ xuống huyệt; sau bữa ăn của các thành viên trong gia đình và bạn bè thân thuộc; sau khi… Cuối cùng, chúng ta bỏ những quần áo của người quá cố. Chúng ta quyết định xem những gì thuộc sở hữu của người quá cố nên được giữ lại, và những gì cần chia sẻ cho những người trong gia đình hoặ bạn bè thân thuộc của người quá cố.
Thời gian trôi qua, hiếm khi chúng ta lướt qua những tấm ảnh của họ trong quyển album cũ kỹ, hay bắt gặp nụ cười của họ trong khung hình trên tủ thờ. Chúng ta nỗ lực để tiếp tục sống với những người đang còn sống và chăm sóc sự sống. Chúng ta không mong lại thấy cái chết – không phải bên phía này của ngôi mộ.
Bài Tin mừng hôm nay chẳng ghi lại gì về thực tế của cái chết. Maria Mađalêna là một bằng chứng về thái độ đối với cái chết và nỗi đau theo sau đó. Cô vẫn còn rất gần với cái chết thảm thương của Đức Giêsu. Cô đi đến mồ “khi trời còn tối”. Quả là còn quá sớm để có thể nắm được vấn đề và tiếp tục sống.
Maria chỉ muốn ở gần Đức Giêsu mà cô yêu mến bao nhiêu có thể. Ngôi mồ là nơi cuối cùng cô nhìn thấy Người và vì thế cũng là nơi mà cô muốn tới. Rồi cô sẽ quen với những gì còn lại của đời mình – ở phía sau Đức Giêsu. Dĩ nhiên, điều này thì hoàn toàn khác biệt, vì Đức Giêsu đã biến đổi và trở thành trung tâm của đời cô. Nhưng sau cái chết chúng ta chúng ta có thể làm tốt nhất những gì mình có thể. Khi Maria đến bên ngôi mộ, và thấy ngôi mộ trống không, cô kết luận chắc chắn rằng “người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”.
Bài Tin mừng hôm nay chỉ là một nửa của câu chuyện. Sau này Maria sẽ trở lại, gặp Đức Giêsu, nghĩ Người là bác làm vườn và rồi sau đó nhận ra Người là Chúa Phục Sinh khi Người gọi đích danh cô. Chẳng lẽ quý vị không muốn họ sẽ gộp luôn phần còn lại của câu chuyện vào trong bài đọc phụng vụ hôm nay sao? Nếu chúng ta muốn một kết cục rõ ràng cho những câu chuyện mầu nhiệm thì chúng ta không chịu nổi và không thỏa mãn chỉ với câu chuyện bỏ lửng như ta có hôm nay.
Hãy đón nhận nó, những gì cuộc sống hiện nay mang lại cho chúng ta thường thì chưa hoàn tất và chỉ phảng phất một nửa câu chuyện thôi – ngôi mộ trống và sự bối rối. Nhưng rồi “người được Đức Giêsu yêu” đến và nhìn vào trong mộ, thấy những vật để lại nơi đã từng có một người chết, nhưng “ông thấy và đã tin” – dù chưa hiểu trọn vẹn những lời ám chỉ của Sách Thánh về việc “Người phải trỗi dậy từ cõi chết”.
Dĩ nhiên, Người phải trỗi dậy từ cõi chết, nếu không thì hôm nay chúng ta chỉ có thể tưởng nhớ về cái chết của người thầy Giêsu vĩ đại. Người phải trỗi dậy từ cõi chết nên chúng ta không chỉ tôn vinh thầy Giêsu nhưng còn thờ lạy Đức Giêsu là Chúa của chúng ta. Việc Người trỗi dậy từ cõi chết khiến cho tất cả mọi sự trở nên khác đối với chúng ta là những người tin. “Hãy chứng minh xem!” những kẻ chống đối thách thức chúng ta. Chúng ta không thể chứng minh, chúng ta có ngôi mộ trống. Nhưng chúng ta cũng là những người “được Đức Giêsu yêu” và chúng ta đã được cho nhìn thấy. Trong Tin mừng Gioan, nhận được một dấu là nhìn bằng con mắt đức tin. Chúng ta có một ngôi mộ trống và chúng ta vẫn tin Người đã sống lại – cùng với người môn đệ được yêu chúng ta “thấy và tin”.
Điều gì khiến cho người môn đệ ấy tin? Có thể làm gì với những khăn liệm được gấp ngay ngắn ấy? Và nữa, ai lại có thể đánh cắp xác mà lại còn xếp những tấm vải liệm ấy? Vâng, đó chỉ là chi tiết phụ, nhưng không phải là cái khiến người ta tin vào một điều không thể xảy ra. Nếu như những tấm vải đó đủ để chứng minh thì tại sao Phêrô và Maria đã không “thấy và tin”? Tin mừng Gioan rất giàu tính hình ảnh. Nếu vải liệm để lại, thì, theo lối trình bày của Gioan, nghĩa là sự chết đã bị để lại phía sau – Đức Giêsu đã phục sinh vào trong sự sống mới. Người môn đệ được yêu đã hiểu được thông điệp ấy, ngài đã thấy và tin.
Gioan nói đến một điều là họ chưa thực sự hiểu được lời sách thánh rằng “Người phải trỗi dậy”. Sau này khi Đức Giêsu gặp các môn đệ trong căn phòng đóng kín trên lầu vì sợ, Người đã thổi hơi ban Thần Khí của Người cho các ông. Thánh Gioan có lẽ đang hướng cộng đoàn của mình quay lại với sách thánh, nơi đó các tín hữu sẽ được Thánh Thần hướng dẫn để rồi sẽ thấy và tin chắc chắn hơn vào Đức Kitô phục sinh. Ngài đã thổi Thần Khí của ngài trên chúng ta, khởi đầu lúc ta nhận phép rửa và sau đó hướng chúng ta về với sách thánh để giúp chúng ta tin tưởng vào Chúa Phục Sinh.
Nhưng, vẫn có môn đệ khác, “người được Đức Giêsu yêu”. Trong bữa tiệc ly ông tựa đầu vào ngực Đức Giêsu và ông đi vào trong sân của vị thượng tế sau khi Đức Giêsu bị bắt, còn dẫn Phêrô vào bên trong. Người môn đệ khác ấy cùng với Thân Mẫu của Đức Giêsu đứng dưới chân thập giá và Đức Giêsu đã trao phó Thân Mẫu của Người cho ông. Quả là những cử chì đáng yêu và tin tưởng giữa hai phía! Từ tình yêu của người môn đệ dành cho Đức Giêsu, đức tin của người môn đệ ấy đơm hoa kết trái và kết quả là chúng ta, những người dù chưa thấy, được vững mạnh trong đức tin. Người môn đệ được yêu giúp chúng ta tin rằng chúng ta cũng được Đức Giêsu yêu mến.
Hồi nhỏ, khi chơi bóng trên đường phố, chúng ta hay đổi bên để bắt đầu trận đấu mới. Đôi khi tỷ số quá nghiêng về một bên nên có người đề nghị “Hay mình chơi lại từ đầu!” Chúng ta lại đổi bên và bắt đầu chơi ván mới. Sẽ có người nói lớn tiếng, “Bàn mới nha!” Những người bên đội thua sẽ gạt ý nghĩ về bàn thua vừa rồi qua một bên và có một cơ hội mới để lật lại thế cờ.
Cứ cho đó là một ví dụ đơn giản – một bàn chơi và sự phục sinh – nhưng việc Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết không chỉ như phép lạ của việc hồi sinh. Lazarô đã được làm cho sống lại, nhưng ông rồi cũng lại chết. Đức Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết và không bao giờ chết nữa. Sự phục sinh của Người mang lại một thời đại mới. Giờ đây mọi sự đều có thể. Chúng ta thua một ván chơi nhưng, “đây hoàn toàn là một ván mới!” (Nếu chúng ta thảy viên súc sắc, chúng ta có thể nói phần thắng thế nghiêng về chúng ta).
Quá khứ bị bỏ lại phía sau. Chúng ta đã thua một trận đấu nhưng Thiên Chúa đã kéo thế trận và chúng ta đang nghiêng về phe thắng. Giờ đây tất cả đều có thể đối với chúng ta, vì chúng ta được hứa là sẽ được chia sẻ sự phục sinh của Người. Trong ánh sáng của sự phục sinh được hứa ban cho chúng ta, chúng ta có thể gạt qua một bên những thất bại của quá khứ và thay đổi lối nghĩ cũng như cách hành xử về phía chúng ta và tha nhân. Trận đấu vẫn chưa kết thúc, nhưng chúng ta, những môn đệ được yêu đã thấy và đã tin, “Đó là một ván mới!” và chúng ta đã thắng.
Có bao nhiêu người bên phía thắng? Cuộc đàm thoại giữa Phêrô và Cornêliô trong bài đọc thứ nhất cho ta thấy điều đó. Trong con mắt của người Dothái, dân ngoại là kẻ vô đạo và thua thiệt trước mặt Đức Chúa. Nhưng việc Phêrô nói với Cornêliô người Rôma chẳng có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào. Phêrô thấy được điều Thiên Chúa đã muốn là ơn cứu độ bao gồm cả cho dân ngoại. Cornêliô cũng có ước mơ và lời này đã hướng dẫn ông tìm kiếm sứ điệp cứu độ (10,1-8).
Thiên Chúa đã hành động mạnh mẽ vì gia đình nhân loại và đã quy tụ tất cả trong hành vi cứu độ của Đức Giêsu. Như Phêrô nói với Cornêliô: “phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội”. Hay, trích lại lời có tính ngôn sứ gần đây, như anh Tony, bạn thân hồi nhỏ của tôi nói rằng “đây là một bàn hoàn toàn mới!”
Lm Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò-Vấp
VỌNG PHỤC SINH
Bài đọc 1: St 22, 1-2. 9a. 10-13. 15-18 Bài đọc 2: Xt 14, 15-15, 1 Bài đọc 3: Is 55, 1-11 Bài đọc 4: Bar 3, 9-15. 32; 4, 4 Bài đọc 5: Rm 6, 3-11 Tin mừng: Mc 16, 1-8
Đức Kitô, Đấng chiến thắng tử thần Theo truyền thống rất cổ kính của Giáo Hội, đây là đêm đáng lưu ý của Thiên Chúa. Đêm Giavê canh thức để đem dân Chúa ra khỏi đất Ai cập; “đó là đêm của Giavê (đêm) canh thức của toàn thể con cái Israel theo các thế hệ của họ” (Xh 12, 42). Lễ Vọng đêm nay là mẹ của các lễ vọng khác trong năm Phụng vụ. Đồng thời, đây cũng là cao điểm của cả năm Phụng vụ, vì nếu không có sự Phục Sinh của Đức Kitô thì quả thật, chúng ta là những kẻ bất hạnh, vô phúc nhất trên cõi đời này như lời thánh Phaolô: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, vậy thì lời rao giảng của chúng tôi thật hư không, và hư không nữa việc anh em tin… Nếu ta đặt mối hy vọng vào Đức Kitô vẻn vẹn vho lúc sinh thời này thôi, thì quả ta là những kẻ khốn nạn nhất trong thiên hạ” (1 Cr 15, 14).
Giờ đây, dưới ánh sáng của Đấng Phục Sinh, chúng ta cùng nhìn lại các bài đọc trong phần phụng vụ lời Chúa hôm nay, để một lần nữa nhận ra sự quan phòng kỳ diệu và nhất là tình yêu của Thiên Chúa đối với từng người chúng ta trong suốt dòng lịch sử nhân loại.
Trước hết, bài đọc trích từ sách Sáng Thế thuật lại câu chuyện Abraham hiến tế con mình cho Thiên Chúa. Khi nghe lệnh truyền của Thiên Chúa, cho dù không hiểu và đau đớn, ông đã không do dự đem đứa con của lời hứa, đứa con một duy nhất đi hiến tế. Đây quả thực là một hành động của đức tin như lời giải thích của tác giả thư Do thái: “Bởi tin, Abraham đã hiến dâng Isaac khi Thiên Chúa thử lòng, và ông tiến dâng đứa con một.. . bởi ông nghĩ rằng: Thiên Chúa quyền phép đủ để làm cho người chết sống lại, do đó ông đã được lại con ông, sự đã nên như triệu báo” (Dt 11,17-19). Triệu báo hay hình bóng nói đó ám chỉ sự sống lại của Đức Kitô để từ đó phát sinh một dân tộc mới.
Tuy nhiên, để chuẩn bị cho dân mới này, lịch sử cứu độ còn phải trải qua một dài đoạn dài trong thời gian với nhiều thăng trầm thay đổi. Trước hết, đó là cuộc Vượt Qua của dân Do thái ra khỏi Ai cập đi về Đất Hứa, ngang qua Biển Đỏ như chúng ta vừa nghe trong bài sách Xuất hành. Đây là cuộc Vượt Qua quan trọng nhất trong lịch sử dân Do Thái. Một cuộc Vượt Qua được ghi khắc sâu đậm trong tâm thức của dân Chúa và được họ lập lại hàng năm. Từ đây, dưới sự hướng dẫn của các ngôn sứ, dân Israel ngày càng vững tin rằng: Thiên Chúa đã tỏ uy quyền mà giải thoát dân Ngài trong cuộc Vượt Qua này, ắt Ngài sẽ không bỏ rơi, nhưng sẽ còn cứu thoát họ mãi mãi. Cuộc Vượt Qua đó là hình ảnh sống động nhất tiên báo phép Rửa tội, tái sinh chúng ta trong sự sống mới mà chúng ta được lãnh nhận nhờ cuộc Vượt Qua của Đức Kitô.
Nếu như cuộc Vượt Qua Biển Đỏ chỉ là giải thoát cho dân Do thái, thì cuộc Vượt Qua của Đức Kitô có giá trị đem lại ơn cứu độ cho mọi dân tộc trong đó có chúng ta, như lời tiên báo của ngôn sứ Isaia: “Đây Ta đặt người làm nhân chứng cho các dân, làm tướng lãnh tôn sư các dân tộc”. Đây là một trong những lời tiên tri có tính phổ quát nhất của Cựu Ước. Lời tiên tri này vượt quá sự khôn ngoan và suy luận tự nhiên của con người, như Lời Chúa khẳng định qua miệng của vị ngôn sứ: “Tư tưởng của Ta không phải tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải đường lối của Ta, … Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy”.
Và quả thật, với kinh nghiệm thường ngày, chúng ta cũng nhận ra rằng: Tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa quả thật khác xa cách tính toán và suy nghĩ của con người chúng ta. Con người chúng ta ai cũng trốn tránh cái chết, nhưng Đức Giêsu đã tự nguyện đi con đường thập giá với cái chết nhục nhã trên thập giá. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã Vượt Qua cái chết đó để khai mở một cuộc sống mới trong vinh quang bất diệt. Sự sống lại của Đức Kitô không phải là một niềm tin mơ hồ, nhưng được chính các sứ thần nói với các phụ nữ ra viếng mồ Chúa: “Các bà đi tìm Chúa Giêsu chịu đóng đinh: nhưng Người đã sống lại, không còn ở đây nữa”. Như vậy, thế lực sự chết cho dù có mạnh cũng không cầm giữ được Đức Kitô, như lời khẳng định của thánh Phaolô: “Đức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Người đã chết, tức là chết một lần dứt khoát với tội lỗi, mà khi Người sống là sống cho Thiên Chúa”.
Và để nhận được sự sống mới của Đấng Phục Sinh, thánh Phaolô mời gọi chúng ta chịu thanh tẩy trong sự chết của Đức Kitô, hay nói cách khác, chúng ta phải đóng đinh con người cũ của chúng ta vào thập giá của Đức Kitô, “để cho xác thịt tội lỗi bị huỷ đi, hầu cho chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa… Mà nếu chúng ta đã chết với Đức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người”.
Mỗi người chúng ta nhờ bí tích rửa tội đã nhận được sự sống mới của Đức Kitô. Tuy nhiên, đời sống mới này lại tồn tại trong một bản tính yếu đuối, hậu quả của tội lỗi, nên luôn cần được của ăn bổ dưỡng và linh dược phòng ngừa, chữa trị. Vì thế, mỗi người chúng ta cần siêng năng, sốt sắng lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích Giao hoà và Thánh Thể, và chính nhờ sự hiệp thông mật thiết với Đức Kitô, Đấng Phục Sinh, ngay ở đời này, chúng ta hy vọng sẽ được liên kết với nhau và với Người trong đời sống vĩnh cửu sau này. Amen.
Lm Trần Thanh Sơn