Thứ Năm Tuần 13 TN, Năm lẻ.
Bài đọc: Genesis 22:1-19; Matthew 9:1-8.
Trong lãnh vực đức tin, con người không thể nói họ chỉ tin những gì họ có thể hiểu được. Lý do đơn giản là có những mầu nhiệm của Thiên Chúa vượt quá tầm hiểu biết của con người; chẳng hạn các Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi, Mình Máu Thánh Chúa, Thánh Giá, đau khổ … Để hiểu những mầu nhiệm này, con người cần mặc khải của Thiên Chúa qua Đức Kitô.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng cho chúng ta thấy phải tin tưởng và vâng lời Thiên Chúa, mặc dù con người không luôn hiểu lý do tại sao. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Sáng Thế tường thuật đức tin sắt đá của Abraham vào Thiên Chúa, qua việc sẵn sàng sát tế người con duy nhất cho Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chữa người bại liệt và tha thứ tội lỗi vì ông có niềm tin nơi Ngài. Chúa cũng kiên nhẫn mặc khải cho các kinh sư về quyền tha tội của Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa thử thách đức tin của Abraham.
1.1/ Đức tin sắt đá của Abraham vào Thiên Chúa: Có nhiều điều chúng ta học hỏi được từ câu truyện lịch sử này, hôm nay chúng ta chỉ chú ý đế hai điểm chính:
(1) Abraham không hỏi lý do tại sao Thiên Chúa muốn ông làm điều đó: Nhiều người trong chúng ta chắc chắn sẽ đặt câu hỏi tại sao Thiên Chúa muốn Abraham làm điều đó, vì nó hoàn toàn đi ngược lại với sự suy luận của loài người: Làm sao người cha có can đảm cầm dao giết con, nhất là đứa con thừa tự mà Thiên Chúa ban cho trong lúc tuổi già!
Abraham không thắc mắc, vì ông đặt trọn vẹn niềm tin nơi Thiên Chúa: Chúa bảo “Đi!” ông đi. Chúa bảo: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Isaac, hãy đi đến xứ Moriah mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho.” Sáng hôm sau, ông Abraham dậy sớm, thắng lừa, đem theo hai đầy tớ và con ông là Isaac, ông bổ củi dùng để đốt lễ toàn thiêu, rồi lên đường đi tới nơi Thiên Chúa bảo. Abraham không cần hỏi vì ông quá tin tưởng vào Thiên Chúa; ông biết Thiên Chúa có mục đích khi Ngài truyền ông phải làm bất cứ điều gì. Khi chưa hiểu được lý do, Abraham dùng đức tin để bước đi.
(2) Tình phụ tử vẫn phải đặt sau tình yêu Thiên Chúa: Ba ngày trong cuộc hành trình là khoảng thời gian dài để Abraham có thể đổi ý, không làm theo lệnh truyền của Thiên Chúa, nhất là sau khi nghe câu truyện đối thoại giữa hai cha con:
– Isaac thưa với cha là ông Abraham: “Cha!”
– Ông Abraham đáp: “Cha đây con!”
– Cậu nói: “Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?”
– Ông Abraham đáp: “Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ.” Rồi cả hai cùng đi.
Tuy thế, tình yêu của Abraham dành cho Thiên Chúa mạnh hơn tình phụ tử của Abraham dành cho Isaac; nên khi tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Abraham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói Isaac con ông lại, và đặt lên bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông Abraham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình.
1.2/ Phần thưởng dành cho Abraham:
(1) Đức tin cần được tôi luyện trong thử thách: Nếu một người sẵn sàng sát tế người con một của mình để chứng tỏ niềm tin cho Thiên Chúa, chẳng cần gì phải thử thách người đó nữa. Thiên Chúa, Đấng thấu hiểu mọi bí ẩn trong con người, đã hiểu rõ đức tin của Abraham dành cho Ngài. Một khi Thiên Chúa đã nhìn thấy đức tin của ông, việc sát tế Isaac không còn cần thiết nữa; nên Thiên Chúa ra lệnh cho sứ thần đình chỉ việc sát tế Isaac: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!”
Chúng ta đã so sánh việc sát tế Isaac trên núi Moriah với việc sát tế Chúa Giêsu, Người Con Một của Thiên Chúa, trên đồi Golgotha, không xa Moriah bao nhiêu. Điểm khác biệt giữa hai biến cố là Isaac không chết; nhưng Chúa Giêsu đã đổ máu chết thực sự để chuộc tội cho con người. Lý do Chúa Giêsu phải chết là Thiên Chúa muốn chứng thực tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Con người cần bằng chứng vì con người không thể nhìn thấu tâm tư của Thiên Chúa.
(2) Thiên Chúa chúc lành cho giòng dõi Abraham: Sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông Abraham một lần nữa và nói: “Đây là sấm ngôn của Đức Chúa, Ta lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho giòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Giòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta.”
Một người làm quan cả họ được nhờ. Vì hành động anh hùng và vâng lời của tổ-phụ Abraham, Thiên Chúa chúc lành ông và cho toàn giòng dõi của ông. Cũng như vì sự bất tuân của Adam, mà ông và toàn giòng dõi ông bị chúc dữ. Đức tin của một người không bao giờ chỉ giữ lại trong người đó, nhưng sẽ lan tràn và sinh lợi ích cho nhiều người.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu có quyền tha tội và quyền chữa lành (Mark 2:1-12; Luke 5:17-26).
2.1/ Các kinh-sư chất vấn quyền tha tội của Chúa Giêsu: Người ta khiêng đến cho Chúa Giêsu một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!”
(1) Phản ứng của các kinh-sư: Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: “Ông này nói phạm thượng!” Truyền thống Do-thái tin: Chỉ một mình Thiên Chúa có quyền tha tội.
(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Nhưng Đức Giêsu biết ý nghĩ của họ, liền nói: “Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy? Trong hai điều: một là bảo: “Con đã được tha tội rồi!” hai là bảo: “Đứng dậy mà đi!” điều nào dễ hơn?
Dĩ nhiên điều dễ làm hơn là bảo: “Con đã được tha tội rồi!” vì chẳng ai có thể xác quyết quyền này. Điều khó hơn là truyền cho bệnh nhân: “Đứng dậy mà đi!” vì ai ai cũng có thể chứng nhận người truyền có thể làm việc ấy hay không. Để chứng minh cho họ biết Ngài có cả hai quyền, Chúa Giêsu truyền cho người bại liệt: “Đứng dậy, vác giường đi về nhà!” Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà.
2.2/ Quyền tha tội liên quan đến việc chữa lành:
(1) Chúa Giêsu có quyền tha tội: Bệnh tật là hậu quả của tội; nếu chữa lành bệnh tật là cũng lấy đi tội lỗi, nguyên nhân của bệnh. Chúa Giêsu dùng việc chữa lành để chứng minh Ngài có quyền tha tội.
(2) Chúa Giêsu là Thiên Chúa: Ngoài ra, như mấy kinh sư tin tưởng: Chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội; mà Chúa Giêsu có quyền tha tội; cho nên Ngài phải là Thiên Chúa. Như thế, lời kết tội Chúa Giêsu của các kinh sư “Ông này nói phạm thượng!” là sai.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải vâng lời những gì Thiên Chúa truyền và sự quan phòng của Ngài, cho dù chúng ta không hiểu tại sao xảy ra như vậy. Ngài sẽ soi sáng hay mặc khải cho chúng ta hiểu sau.
– Để hiểu các mầu nhiệm của Thiên Chúa, chúng ta cần khiêm nhường nhận giời hạn hiểu biết của con người, và cầu xin sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP