Kính Thánh Batholomew Tông Đồ
Bài đọc: Revelation 21:9b-14; John 1:45-51.
Có những sự vật vì ngôn ngữ không đủ để diễn tả; nên con người cần phải đến mà xem mới biết; ví dụ, các kỳ quan thế giới. Có những danh nhân được nhiều người ca tụng; nhưng để hiểu con người của họ, một người cần đến tiếp xúc trực tiếp với họ; ví dụ, nữ hoàng Phương Nam đến gặp vua Solomon để học hỏi sự khôn ngoan của ông. Đức Kitô là đối tượng của niềm tin mà con người cần học hỏi và có kinh nghiệm trực tiếp. Người khác có thể giới thiệu hay nói về Đức Kitô cho con người; nhưng để có thể tin chắc chắn vào Đức Kitô, con người cần đến với Ngài để học hỏi và có kinh nghiệm cá nhân với Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nhấn mạnh đến kinh nghiệm trực tiếp một người phải có, trước khi tin vào đối tượng mà họ đang muốn tìm hiểu. Trong Bài Đọc I, thiên thần của Thiên Chúa mang tác giả lên một ngọn núi cao, để ông có thể chiêm ngưỡng tận mắt Hiền Thê của Con Chiên là Giáo Hội. Hiền Thê đây chính là Thành Thánh Jerusalem lý tưởng đến từ trời, là tập hợp của 12 chi tộc Israel của Thiên Chúa trong Cựu Ước và 12 Tông-đồ của Đức Kitô trong Tân Ước.
Trong Phúc Âm, Philip sau khi nhận biết Đức Kitô, đến gặp Nathanael để giới thiệu Đức Kitô với ông. Nathanael nghi ngờ khi Philip nói Đức Kitô đến từ Nazareth; nhưng Philip nhấn mạnh ông cứ đến mà xem cho chính ông. Nathanael đã tới và nhận ra Đức Kitô.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I:
1.1/ Giáo Hội là Tân Nương, Hiền Thê của Đức Kitô: Một thiên thần đến bảo tác giả: “Lại đây, tôi sẽ chỉ cho ông thấy Tân Nương, Hiền Thê của Con Chiên.” Rồi đang khi tôi xuất thần, thì người đem tôi lên một ngọn núi cao hùng vĩ, và chỉ cho tôi thấy Thành Thánh, là Jerusalem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Thành rực sáng tựa đá quý tuyệt vời, như ngọc thạch trong suốt tựa pha lê.”
+ Giáo Hội được ví như thành thánhJerusalem, nơi là nguồn gốc và trung tâm điểm của Giáo Hội. Sự kiện Thành Thánh Jerusalem xuất hiện từ trời muốn nói lên đây là mô hình kiểu mẫu mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Giáo Hội. Giáo Hội lữ hành trần thế sẽ được chung hưởng vinh quang với Giáo Hội vinh quang trên trời.
+ Vinh quang của Giáo Hội là phản ánh vinh quang của Thiên Chúa: Sự hiện diện của Thiên Chúa làm vinh quang của Ngài bao trùm Giáo Hội. Những chi tiết mô tả ở đây muốn nói lên sự thánh thiện vô tì tích của Giáo Hội sau khi đã được tẩy rửa và thánh hóa bởi Máu của Con Chiên là Đức Kitô.
1.2/ Giáo Hội là sự kết hợp liên tục giữa Cựu Ước và Tân Ước:
+ 12 chi tộc Israel (Eze 48:30-35, Exodus 28:17-31): “Thành có tường rộng và cao, với mười hai cửa do mười hai thiên thần canh giữ, và trên các cửa có ghi tên mười hai chi tộc con cáiIsrael.”
+ 4 phương: Đông,Tây,Nam, Bắc; mỗi phương có 3 cửa để tiếp nhận mọi dân tộc vào Giáo Hội.
+ 12 Tông-đồ của con chiên (Matthew 19:28, Luke 22:29): “Tường thành xây trên mười hai nền móng, trên đó có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên.”
2/ Phúc Âm:
2.1/ Phải trút bỏ thành kiến để học hỏi những điều mới lạ: Thánh Thomas Aquinas nói: “Yêu ai là mong muốn sự tốt lành cho người ấy.” Trong quãng đời công khai rao giảng của Đức Kitô, chúng ta thấy kiểu mời gọi này: Khi đã nhận biết Đức Kitô, Gioan Tẩy Giả giới thiệu Ngài cho hai môn đệ đi theo (John 1:35-37). Một trong hai môn đệ là Anrê đã giới thiệu Đức Kitô cho em mình là Phêrô (John 1:40-42). Trong trình thuật hôm nay, Philip mời gọi ông Nathanael đến gặp Chúa và nói: “Đấng mà sách Luật Moses và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, ngườiNazareth.” Ông Nathanael liền bảo: “Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được?” Ông Philíp trả lời: “Cứ đến mà xem!”
Thành kiến giam hãm và ngăn cản con người không nhìn ra sự thật. Hai điều có thể ngăn cản Nathanael không đến với Chúa: Thứ nhất, sự cạnh tranh giữa các làng mạc: Nathanael quê ở Cana; giữa Cana vàNazarethcó thể có sự cạnh tranh vì hai làng rất gần nhau. Thứ hai, theo Kinh Thánh, Đấng Thiên Sai sẽ xuất hiện tại Bethlehem là quê hương của vua David, chứ đâu xuất hiện tại Nazareth, một làng quê mùa phía Bắc như vậy. Đứng trước nhận định khinh thường như thế, Philip không nản chí, nhưng vẫn khuyến khích bạn: thì cứ thử đến mà xem! Nathanael có lẽ vì nể tình bạn với Philip, nên đi đến gặp Đức Kitô.
2.2/ Cuộc hạnh ngộ giữa Đức Kitô và Nathanael.
(1) Đức Kitô khơi dậy niềm tin nơi Nathanael: Đức Giêsu thấy ông Nathanael tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một ngườiIsrael, lòng dạ không có gì gian dối.” Đây là ý tưởng của Thánh Vịnh 32:2, “Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch tội, và lòng trí chẳng chút gian tà.”
Phản ứng trước tiên của Nathanael là sửng sốt vì ông chưa gặp Ngài bao giờ, thế mà Ngài lại thấu suốt cuộc đời của ông. Ông Nathanael hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giêsu trả lời: “Trước khi Philíp gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Lại một ngạc nhiên nữa, Chúa Giêsu có khả năng nhìn thấy mọi nơi, điển hình là lúc ông đang nói chuyện với Philip dưới gốc cây vả. Biết mình không còn gì có thể giấu Chúa Giêsu, ông khiêm nhường thú nhận: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là VuaIsrael!”
(2) Đức Kitô hứa sẽ cho Nathanael thấy những điều kỳ diệu hơn nữa: Đức Giêsu đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”
+ Thị kiến chiếc thang của Jacob: Cụm từ “Thiên thần lên lên xuống xuống” nhắc nhở chúng ta thị kiến chiếc thang trong giấc mơ của tổ-phụ Jacob tạiBethel(Genesis 28:12-13). Đức Kitô giải thích Ngài là chiếc thang nối kết giữa Trời và Đất, các sứ thần của Thiên Chúa sẽ không ngừng lên xuống để dâng lời cầu nguyện của con người lên Thiên Chúa, và chuyển ơn thánh từ Thiên Chúa xuống cho con người.
+ Ai là Nathanael mà Tin Mừng Gioan đề cập đến ở đây? Có nhiều cách cắt nghĩa khác nhau: (1) một hình ảnh lý tưởng tượng trưng cho con cái Israel; (2) có người cho là Phaolô hay người “môn đệ được Chúa yêu;” và (3), là tông-đồ Bartholomew mà Tin Mừng Nhất Lãm đề cập tới. Sự kiện chúng ta mừng lễ thánh Bartholomew chứng tỏ Giáo Hội chấp nhận cách giải thích số (3).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần dành thời giờ để học hỏi và phát triển mối liên hệ mật thiết với Đức Kitô. Chỉ có thế mới giúp chúng ta có được một niềm tin yêu vững mạnh nơi Ngài.
– Bổn phận của chúng ta là giới thiệu cho mọi người đến với Đức Kitô, chứ không phải tập trung vào chúng ta. Chúng ta có thể giới thiệu Đức Kitô cho tha nhân bằng lời giảng hay bằng cuộc sống chứng nhân của mình. Chúng ta đừng bao giờ ngăn cản tha nhân đến với Thiên Chúa vì lời giảng hay hành động của chúng ta.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP