Chúa Nhật 6 Thường Niên B
Mc 1, 40 – 45
Trong cuộc sống nhân sinh, sinh – lão – bệnh – tử luôn là những thực tại hữu hình con người phải đối diện. Là con người, không ai có thể được miễn trừ. Chính vì thế, điều lo lắng của con người là khi đối diện với điều “không tránh khỏi” này, làm sao càng sớm, bao có thể, để thoát khỏi sự ràng buộc rất khó chịu này. Do đó, khi có cơ hội, đối tượng luôn tìm mọi cách, tìm mọi phương thế để tìm thầy, chạy thuốc hầu chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo. Người mắc bệnh phong trong Tin mừng hôm nay cũng vậy. Anh ta tìm đến với Chúa Giêsu và được Người chữa lành.
Chúng ta biết phong cùi là một trong những chứng bệnh nan y nguy hiểm. Bên cạnh sự đau đớn về thể xác, bệnh nhân còn chịu sự hắt hủi, khinh miệt từ phía cộng đồng. Thật thế, chiếu theo luật, bệnh nhân một khi được chứng thực đã mắc phải căn bệnh kinh khủng này, lập tức bị cách ly khỏi cộng đồng dân cư. Họ phải ăn mặc rách rưới, tóc tai để bù xù và khi thấy người nào tiến về phía mình, họ lập tức phải la lên “ô uế, ô uế” để tránh nhiễm ô uế cho người đó. Thời Chúa Giêsu, mấy ông tư tế còn “vẽ rắn thêm chân”, khiến cho bệnh nhân càng bị cộng đồng khinh miệt cách thậm tệ. Mấy đấng lý luận rằng, bệnh nhân không chỉ mất hết các mối quan hệ với Giavê Thiên Chúa mà còn là cách thế Người dùng để trừng phạt họ vì bảy mối tội đầu như vu khống, giết người, làm chứng gian, ham truỵ lạc, kiêu căng, trộm cắp và tham lam.
Về nguyên tắc, bệnh nhân phong không được đến gặp trực tiếp bất cứ ai, vì như thế sẽ làm họ ô uế. Thế nhưng Tin mừng hôm nay cho thấy, bệnh nhân bất chấp luật lệ, anh đến tìm gặp người mà anh biết sẽ giúp anh thoát khỏi sự đau đớn cũng như sự khinh bỉ do lề luật đặt ra. “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Và anh đã được toại nguyện. Cũng theo nguyên tắc, không ai đến gần bệnh nhân phong mà không bị mắc tội ô uế, cần phải qua thanh tẩy mới có thể tái gia nhập cộng đoàn. Chúa Giêsu, hơn ai hết, hiểu rõ điều đó. Nhưng Người đã vượt xa lề luật khi giơ tay chạm vào bệnh nhân, giúp cho anh lành bệnh. “Tôi muốn, anh sạch đi”. Chúa Giêsu đã giúp anh thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo, dẫn đưa anh tái hoà nhập cộng đoàn. Như thế, với Chúa Giêsu, chẳng ai bị ô uế cả. Những bệnh nhân phong – những con người bị đặt ra ngoài lề xã hội, là những người đáng thương, vì thế, cần phải giúp đưa họ tái hội nhập, trả cho họ quyền được sinh hoạt với cộng đồng.
Đứng trước bệnh nhân đang đau khổ, Chúa Giêsu đã vượt qua mọi trở ngại của lề luật, Người không ngần ngại chạm đến thân thể lở loét hôi thối của bệnh nhân để yêu thương chăm sóc họ. Bởi sứ mạng của Chúa Giêsu đến trần gian là để chữa lành con người cả về thể xác lẫn tâm hồn. Đây là điểm khác biệt giữa giáo huấn của Chúa Giêsu với giáo huấn truyền thống mà Người từng hấp thụ trong Dothái giáo. Khi đối xử với những người cùng khổ trong xã hội như thế, Chúa Giêsu đã để lại cho nhân loại một tấm gương về lòng nhân bản tuyệt vời. Để rồi từ đây, các môn đệ, các thế hệ Kytô hữu tiếp nối truyền thống nhân bản này để ra đi chăm lo cho những người đau khổ nghèo hèn- đặc biệt những người bị xã hội bỏ rơi, sống vất vưỡng không nơi nương tựa, dẫn đưa họ hoà nhập vào cộng đồng, “bắt” xã hội phải tôn trọng phẩm giá nhân vị của họ.
Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta phản tỉnh về thái độ ứng xử của chúng ta đối với những anh em đồng loại đang gặp những khổ đau về thể xác cũng như tinh thần. Chúa Giêsu khi đối diện với những thực tại này của nhân loại, Người đã không ngoảnh mặt làm ngơ; trái lại, Người đã không ngừng yêu thương, cứu chữa họ, giúp họ sống xứng đáng với nhân phẩm mà họ đáng được hưởng. Còn chúng ta thì sao? Rất mong cần một đáp trả từ chính lương tâm mỗi người.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb