Đền Thờ Đức Giêsu: Thờ Phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự Thật

Việc tẩy uế đền thờ tạo dịp để đức Giê-su đề cập với giới lãnh đạo Do Thái một đề tài nóng bỏng và then chốt: phải phụng thờ Thiên Chúa như thế nào cho phải lẽ? Thật vậy, đền thờ Giê-ru-sa-lem là trái tim của dân tộc Do Thái, nơi đó họ dâng lễ vật phụng thờ lên Gia-vê, đồng thời thanh tẩy mình khỏi tội nhơ. Thế nên khi đức Giê-su thách thức: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại!” các tư tế lập tức có phản ứng; tuy nhiên các môn đệ lại dần hiểu ra rằng: đây là một mạc khải vĩ đại mà đức Giê-su không chỉ tuyên bố, nhưng đã thực tế minh định bẳng chính sự kiện Vượt Qua vĩ đại của riêng Ngài. ‘Khi Người từ cõi chết chỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, và họ tin rằng… Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói đây là chính thân thể Người’.

‘Làm sao thờ phượng, hay đúng hơn, đi vào tương quan với Thiên Chúa cách chân thực nhất?’ là vấn nạn thầm kín của nhiều tâm hồn qua bao thời đại. Các tư tế Do Thái nghĩ rằng mình đã có lời giải đáp rõ ràng: cứ lên đền thánh Giê-ru-sa-lem dâng lễ vật theo luật định. Sau này người phụ nữ Sa-ma-ri bình dân và tầm thường cũng sẽ nêu cùng một vấn nạn: “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa”. Giải đáp vấn nạn này, đức Giê-su cũng thẳng thừng không kém: “Giờ đã đến, và chính là lúc này đây, những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” (Ga 4, 19-26)

Nối kết hai đoạn văn này lại với nhau, ta tìm thấy một mạc khải quan trọng bậc nhất: nơi thờ phượng Thiên Chúa xứng hợp nhất chính là Đền Thờ Đức Giê-su, và chốn duy nhất để tôn thờ Chúa Cha là trong thần khí và sự thật. Hay nói cách khác, chỉ duy nhất nơi Đức Giê-su Ki-tô, ta mới tôn thờ được Chúa Cha cách chân thực trong thần khí và sự thật.

–          Nếu người Do Thái và Sa-ma-ri vẫn hiểu thần khí’ là sức mạnh của Gia-vê, thì đức Giê-su chắc đang đề cập tới một sức mạnh gì đặc biệt hơn hẳn. Đúng vậy, đó là sức mạnh mà Người sẽ thực hiện, cũng chính tại Giê-ru-sa-lem, qua cái chết thập giá và sống lại của mình: sức mạnh cứu độ. Thờ phương Chúa Cha trong ‘thần khí’ của tha thứ và xót thương thì chỉ có Ki-tô hữu mới có thể làm được, nhờ đức Giê-su dạy cho biết.

–          Sự thật, đối với Ki-tô hữu, sẽ không phải là triết lý gì cao siêu, nhưng là một điều cụ thể và thực tế mà ai cũng có thể hiểu được. Tông đồ Gio-an đã từng khảng định: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta… Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta” (1Ga 1, 8-10). Sự thật là thế đó! Không thể phụng thờ một Chúa Cha đầy từ tâm và xót thương nếu không chân thành nhìn nhận sự thật mười mươi ‘tôi đã phạm tội’. Đó cũng là cách thờ phương Thiên Chúa độc đáo nhất mà chỉ Ki-tô hữu mới tích cực chu toàn.

Đức Giê-su không chỉ muốn tẩy uế đền thờ Giê-ru-sa-lem, Người thậm chí còn công khai yêu cầu phá bỏ hoàn toàn để xây dựng lại một đền thờ mới. Phải chăng điều này đồng nghĩa tới việc kẻ phụng thờ phải từ bỏ lề thói tôn thờ Thiên Chúa theo kiểu phượng tự của các tôn giáo cổ điển, để triển khai một lối phụng thờ mới tập trung vào một Thiên Chúa từ nhân cứu độ, trong thái độ thẳng thắn và khiêm tốn nhìn nhận con người tội lỗi và yếu hèn của mình, đồng thời kín múc lấy nguồn nước hằng sống là ơn cứu độ của thập giá đức Ki-tô. Công việc này không thể một sớm một chiều, “đền thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà trong ba ngày ông xây lại được sao?” Phải, không thể, nếu không dứt khoát đi vào cuộc tử nạn và phục sinh của đức Ki-tô Giê-su.

Nếu thế, tôi phải dứt khoát thôi, nhất là trong mùa chay thánh này!

Lạy Thiên Chúa cứu độ, xin dạy con biết tôn thờ Chúa trong thần khí và sự thật. Trước hết xin giúp con can đảm phá huy đền thờ Giê-ru-sa-lem con đã mất bao công sức xây dựng nên. Từ nay, con muốn dứt khoát đi vào con đường thập giá: khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi mình và mở rộng lòng đón lấy ơn cứu độ. Như Phao-lô, con không muốn tôn thờ một Thiên Chúa nào khác ngoài đức Ki-tô thập giá. Amen

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB