Đã là người, ai cũng muốn nâng mình lên, muốn khẳng định mình, muốn nâng cao giá trị của mình.
Tại sao mọi người đều cùng có chung một khát vọng như thế?
Chính Thiên Chúa đã đặt vào lòng chúng ta khát vọng đó để thôi thúc chúng ta vươn lên, để “trở nên người thành toàn, đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô.” Chính Chúa Giê-su cũng mời gọi mọi người vươn tới những giá trị cao cả:”Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5, 48)
Như thế, khát mong trở nên con người thành toàn là một khát vọng rất chính đáng và tự nhiên.
Nhưng thử hỏi:Người ta có thể vươn tới lý tưởng nầy bằng cách nào?
1.Những phương thức sai lầm
Những luật sĩ và biệt phái thời Chúa Giê-su muốn nâng cao giá trị của mình bằng cách làm những việc đạo đức bề ngoài cốt để cho người ta thấy; họ “đeo những hộp kinh lớn hơn người khác trên trán, mang những tua áo dài hơn mọi người chung quanh, ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm những hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và mong được thiên hạ gọi là thầy.” (Mt 23, 5-7)
Các môn đệ Chúa Giê-su cũng đôi lần tranh luận để xác định giữa các ông, ai là người lớn nhất. (Mc 9,33-37. Lc 9,46-47)
Rồi một bữa nọ, tưởng rằng mai đây Chúa Giê-su sẽ được lên ngôi cao, hai anh em Gioan và Giacôbê đến nài xin Chúa Giê-su cho mình được ngồi bên hữu và bên tả ngai vinh hiển của Người. Nghe vậy, mười môn đệ kia bất bình với Gioan và Gia-cô-bê, có lẽ vì hai anh em nầy toan tính nắm giữ hai chiếc ngai mà họ đang ngấp nghé. (Mc 10, 35-41)
Trong xã hội hôm nay cũng thế, ai cũng muốn được trọng vọng, được tôn vinh, được nâng cao bằng cách nầy hay bằng cách khác.
2. Đâu là phương cách thực sự mang lại giá trị cho đời người
Giá trị con người không tuỳ thuộc vào của cải hay địa vị xã hội như những người biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giê-su tưởng lầm. Họ tưởng rằng hễ “đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài, được ngồi vào chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm được hàng ghế đầu trong hội đường, được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy…” là có giá trị trước mặt mọi người. Thật ra, giá trị con người không do những thứ nầy mang lại.
Giá trị con người cũng không tuỳ thuộc vào ghế cao, ghế thấp, vào địa vị, công danh như hai môn đệ Gioan và Giacobê lầm tưởng, nhưng giá trị đó tuỳ thuộc vào phẩm chất và lòng đạo đức của con người.
Qua Công Đồng Vaticano II, Giáo Hội khẳng định:“Giá trị con người không tuỳ thuộc nơi “tôi-có” (= bản thân ta và những gì ta sở hữu) mà tuỳ thuộc nơi “tôi-là” (= bản chất đích thật của ta)”.
Biệt thự của ta, vàng bạc của ta, chức vụ lớn lao của ta… không làm cho ta có giá hơn những người không nhà, không vàng bạc, không địa vị, không chức quyền. Chỉ có phẩm chất cao đẹp và lòng đạo đức (nếu có) của ta mới có thể làm cho ta có giá trị hơn người khác mà thôi.
Nhân dịp nầy, Chúa Giê-su dạy cho các môn đệ, các luật sĩ và biệt phái và cho cả chúng ta biết phương thế đích thực để làm cho mình nên cao trọng. Đó là hạ mình phục vụ tha nhân như người tôi tớ:“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mc 10, 43. Mt 23,11)
Lời dạy nghe thật ngược đời, khó được mấy ai chấp nhận, nhưng đó là chân lý!
Cuộc đời Mẹ Tê-rê-xa Calcutta minh chứng điều đó.
– Mẹ đã hiến thân làm tôi tớ phục vụ những mảnh đời cùng khổ nhất trên thế gian nầy nên Mẹ trở thành người phụ nữ được trọng vọng và yêu mến nhất trên thế giới.
– Năm 1975, kỷ niệm 25 năm mẹ Têrêxa lập Dòng Thừa Sai Bác Ái, các vị đại diện của 18 tôn giáo đã họp nhau tại Calcutta để tham dự tuần lễ cầu nguyện, cảm tạ Thượng Đế vì sự đóng góp của một người phụ nữ mang danh “Thừa Sai Bác Ái”.
– Năm 1996, quốc hội lưỡng viện của Hoa Kỳ nhất trí phong tặng mẹ danh hiệu “Công Dân Danh Dự” của Hoa Kỳ. Mẹ là nhân vật thứ tư trên thế giới được ban tặng danh hiệu nầy.
– Ngày 10 tháng 2 năm 1979, Mẹ được nhận giải Nô-ben Hoà Bình vì sự nghiệp hiến thân mình phục vụ những người cùng khốn.
– Ngày 5 tháng 9 năm 1997, Mẹ Têrêxa qua đời tại Calcutta, Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ tổ chức an táng trọng thể Mẹ Têrêxa theo nghi thức quốc táng, một vinh dự từ trước tới nay chỉ dành cho các lãnh tụ hàng đầu của đất nước có nhiều công trạng với quốc gia.
– Ngày 19 tháng 10 năm 2003, Mẹ được Giáo Hội nâng lên hàng Chân Phước chỉ 6 năm sau ngày qua đời!
Cuộc đời và sự nghiệp của Mẹ Tê-rê-xa Calcutta minh chứng lời dạy của Chúa Giê-su là chân lý.
Ước gì mỗi người chúng ta thôi tìm kiếm vinh quang cho mình bằng những hình thức hư ảo, nhưng biết dấn thân phụng sự tha nhân theo lời dạy của Chúa Giê-su và theo gương Chân Phước Tê-rê-xa Calcutta để cho thế giới nầy được ấm lên bằng lửa yêu thương và hạnh phúc hơn bằng tinh thần phục vụ.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà