Đối Với Thiên Chúa, Không Có Gì Là Không Thể Thực Hiện Được

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG (B)

2 Samuen 7: 1-5, 8b-12, 14a,16; Tv 89; Roma 16: 25-27; Lc 1: 26-38

Chào mừng Gabriel trở lại. Quý vị nhớ rằng thiên thần Gabriel trước đây đã đến với Dacaria để loan báo cho ông biết ông và vợ sẽ sinh Gioan Tẩy Giả, người sẽ đi trước Đức Kitô. Giờ đây ngài lại được sai đến với đức Maria để loan tin về sự sinh hạ của Đức Giêsu. Những câu chuyện này nằm trong một phần của Tin mừng Luca, được gọi là “Tin mừng thời thơ ấu” (1,5-2,52). Những câu chuyện trong phần này chuẩn bị cho chúng ta đến với cuộc đời của Đức Giêsu.

Sự ra đời của Gioan và Đức Giêsu đan lẫn vào nhau. Luca tường thuật chúng bằng một cách thức cho thấy Thiên Chúa đang hành động trong một khoảnh khắc mới trong lịch sử nhân loại. Hãy quay trở lại một chút, vì bài đọc thứ nhất giúp chúng ta hiểu được những gì sẽ diễn ra trong các trình thuật Tin mừng.

Khi đọc những bản văn Kinh thánh tôi luôn chú ý xem khi nào những từ “Nhưng” hoặc “Tuy nhiên” xuất hiện trong bản văn. Những từ này thường theo sau việc mô tả sự thiếu thốn và thất bại của con người và là dấu chỉ mà giờ đây Thiên Chúa bước vào thực hiện những gì mà tự sức mình con người tự không làm nổi. Quý vị có thể soạn toàn bộ bài giảng ở trong một bản văn nơi từ “Nhưng” xuất hiện – nó báo cho biết, “Hãy sẵn sàng, Thiên Chúa sắp hành động!” Bài đọc thứ nhất của ngày hôm nay là một đoạn văn với một chữ “Nhưng” và những gì diễn ra sau đó cho thấy Thiên Chúa can thiệp.

Vua Đavit đã xây dựng một cung điện xinh đẹp cho mình và giờ đây lương tâm ông áy náy. Ông nói với ngôn sứ Nathan, “Ông xem, tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải”. Khi dân Israel hành trình qua sa mạc gian khổ, thì hòm bia luôn đồng hành với họ và được lưu giữ trong lều. Lều là dấu Thiên Chúa hiện diện với họ; họ đi đến đâu thì Thiên Chúa cũng đi đến đó. Lều là nơi Thiên Chúa gặp gỡ dân và là sự đảm bảo về sự hiện diện và bảo vệ của Thiên Chúa. Thiên Chúa cư ngụ trong một túp lều khiêm tốn giữa một dân du cự đang thiếu thốn. Đó chẳng phải là hình ảnh diệu kỳ cho Đức Giêsu hay sao? Túp lều của sự hiện diện của Thiên Chúa khiêm tốn đồng hành với chúng ta.

Đavít có dự định xây một đền thờ cho Thiên Chúa. Nhưng Đavít là con người của chiến tranh. Con trai của ông, Salomon là người của hòa bình và chính Salomon mới là người xây đền thờ. Chẳng phải hai chữ “Salomon” và “Shalom” (tiếng Hippri có nghĩa là ‘bình an’) khá giống nhau đó sao? Trong khi Đavít có những dự định, thì những kế hoạch của Thiên Chúa còn vượt xa những dự định của Đavít. Đây là một bài đọc khác, với một loạt những cụm từ “Ta phán”. Có tới 10 mệnh đề như thế và chúng cho thấy chính Thiên Chúa đang thực hiện, nói đi nói lại, “Ta sẽ….Ta đã…” Thiên Chúa muốn một đên thờ, nhưng không phải được xây bằng đá và hứa ban một triều đại trường tồn cho Salomon và con cháu ông. “Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi… Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.” Giờ đây chúng ta chuyển qua bài Tin mừng để xem Thiên Chúa làm thế nào để hoàn tất kế hoạch của Chúa: xây một đền thờ hầu cư ngụ trong đó và khiêm tốn đồng hành với dân.

Vâng, hôm nay Gabriel đã trở lại. Nhưng chính sự hiện diện và lòng tin của Đức Maria mới là tiêu điểm chúng ta cần chú ý. Gabriel cất lời chào Maria và báo tin những gì Thiên Chúa sẽ làm trong cuộc đời của cô – cô đẹp lòng Thiên Chúa (“đầy ân sủng”). Như thường xảy ra trong sách thánh, câu chuyện bắt đầu với tình yêu bao dung do Thiên Chúa khởi phát. Và rồi cuộc đối thoại bắt đầu. Thiên Chúa chiếu cố đến Maria và cô đáp lại trong tín thác. Cô không cần phải sợ hãi; Thiên Chúa cần lòng tin của cô. Lời “Xin vâng” của cô làm cho công trình của Thiên Chúa nơi cô được thực hiện. Rồi trọng tâm của sự việc được mở rộng ra như là công trình của Thánh Thần được loan báo. Qua Thánh Thần, Thiên Chúa sẽ xây một ngôi đền mới và vĩnh cửu cho dân.

Đoạn mà tôi thích trong câu chuyện này là: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Tin mừng cho thấy rõ điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với các môn đệ của Đức Kitô. Điều này bao gồm cả việc nhận lấy thập giá của Người và đi theo Đức Giêsu bằng cách yêu thương và phục vụ tha nhân, đặc biệt là những người khó ưa. Điều này quả là không thể đối với chúng ta, những con người thuần túy. Hôm nay, chúng ta được đức Maria, đấng đã đáp lại những gì mình nghe, hướng dẫn “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Chúng ta cũng thưa “Vâng” với Thiên Chúa và đặt niềm tin tưởng vào những gì sứ thần Gabriel nói với chúng ta hôm nay, “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Trong câu chuyện này, Maria không hề im lặng. Lòng tin của cô mạnh mẽ nhưng cô vẫn muốn biết làm thế nào mà những lời của Gabriel có thể thực hiện được. Thần Khí của Thiên Chúa không làm cho chúng ta thành những người đón nhận thụ động trước những ơn lành của Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng không khiến chúng ta câm nín trong sứ vụ thầm lặng. Mầu nhiệm thường để lại trong chúng ta nhiều thắc mắc. Câu trả lời của Gabriel dành cho thắc mắc của Maria, “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà” không phải là một lời giải thích cho Maria biết sự việc sẽ xảy ra thế nào, và làm sao có thể thụ thai. Gabriel đưa ra cho Maria một sự cam đoan và lời mời gọi tin tưởng. “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà”. “Ngự xuống” (“phủ bóng”) là dấu hiện diện bảo vệ của Thiên Chúa. Maria chẳng hiểu những lời Gabriel sẽ diễn ra làm sao, nhưng sự ưng thuận trong tin tưởng của cô là những gì cần làm. Giờ đây, Thiên Chúa có chốn để thực hiện công trình của Người.

Xuyên suốt Tin mừng Luca có nhiều chủ đề “ứng nghiệm” nói đến Đức Kitô như sự ứng nghiệm lời hứa được thực hiện với dân Dothái. Vì thế, Luca mô tả biến cố Truyền tin này như thể khoảnh khắc thành toàn của những lời ngôn sứ xưa; đặc biệt là lời hứa rằng Thiên Chúa sẽ “chọn một nơi” cho dân của Chúa và sẽ thiết lập một “nhà” cho họ và một vương quốc vĩnh cửu.

Còn một tuần nữa chúng ta sẽ đón Giáng sinh. Sự nô nức của mùa này đã bắt đầu từ mấy tuần trước. Nhưng tường thuật của Luca công bố việc sinh hạ của Đức Giêsu với đầy sự kính trọng và bình an – dù vẫn còn đó những thắc mắc. Hầu hết chúng ta đến tham dự Thánh lễ này trong tâm trạng của những vội vã chuẩn bị cho những ngày này. Luca đúng là một thiên tài thuật truyện và nghe nội dung và cung điệu của biến cố Truyền tin có thể có một ảnh hưởng lặng lẽ trên những bối rối của chúng ta. Hãy đón nhận điều đó và để cho sức mạnh của Lời thực hiện. Hãy lắng nghe sự cam đoan trong đoạn văn và hãy để Thánh Thần “ngự xuống” trên chúng ta để mang lại đời sống mới, trong những nơi mà ở đó chúng ta loạng choạng hay cảm thấy trống vắng.

Đàng sau mỗi câu chuyện Kinh thánh, thường là sau những từ “Nhưng” hay “Tuy nhiên”, chúng ta khám phá ra một Thiên Chúa của ân sủng. Ân sủng đến như một món quà vì công trạng của con người không thể đạt được hay đáng được như thế. Niềm tin mà câu chuyện Truyền tin mời gọi chúng ta thực hiện thì có trong chính đoạn văn, “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Vậy đâu là điều mà chúng ta gắn nhãn “không thể” trong cuộc sống của chúng ta? Chúng ta có dành chỗ cho Thiên Chúa nói chữ “Nhưng” của ân sủng cho chúng ta và dành chỗ cho Thiên Chúa đến với sức mạnh để giúp chúng ta hay không? Luca, qua Tin mừng của mình, tiếp tục kể hết chuyện này đến chuyện khác về ân sủng của Thiên Chúa được bày tỏ qua lời nói và hành động của Đức Kitô. Và rồi khi câu chuyện ra như kết thúc tại ngôi mộ và thất bại, thì Thiên Chúa lại nói một chữ “Nhưng” và nâng Đức Giêsu lên khỏi cõi chết. Câu chuyện bắt đầu với chúng ta trong những ghi nhận Tin mừng thuở ban đầu sẽ được chuyển sang cho các môn đệ trong căn phòng trên lầu khi cũng một Thánh Thần ban sự sống ấy “rợp bóng” trên các ông.

Qua Phép Rửa và Thêm Sức của mình, chúng ta cũng được Thánh Thần phủ bóng và giờ đây chúng ta tìm cách để cho Thánh Thần hoạt động trong đời sống của chúng ta khi chúng ta phục sự Chúa. Khi chúng ta gặp những trở ngại và chán nản trong sứ vụ chúng ta sẽ lại nghe lời vọng của Tin mừng hôm nay: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Lm Jude Siciliano OP

Chuyển ngữ  – Anh em HV Đaminh Gò-Vấp