Dưới đây là bản dịch diễn từ của ĐTGM Chales J. Chaput, TGP Denver, Colorado đọc tại Edmonton, Alberta ngày 30 tháng 4, năm 2009 và được đăng trên website First Things ngày 11 tháng 5, 2009.
* * *
Tôi muốn mở đầu bằng một câu trích từ Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrinthô. Câu này sẽ được dùng làm nền tảng cho buổi đàm thoại của chúng ta hôm nay:
“Vì trước tiên, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà tôi cũng đã nhận được là, Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta theo Kinh Thánh, Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã sống lại theo lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, hầu hết những người đó hiện nay còn sống, dầu một số đã an nghỉ. Sau đó Người đã hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau cùng, Người cũng đã hiện ra với tôi, như một đứa bé sinh non.” [1]
Điều gì làm cho những câu này trở nên quan trọng? Thánh Phaolô là một nhà truyền giáo vĩ đại mà thế giới chưa bao giờ thấy và sẽ không bao giờ thấy. Ngài đã nói với một lòng xác tín tuyệt đối về việc Chúa Giêsu đã hiện ra với ông Kêpha và Nhóm Mười Hai; với 500 anh em; và lại hiện ra với Thánh Giacôbê và các tông đồ. Nhưng những lời then chốt trong câu này, mà thật ra cũng là những lời then chốt trong toàn thể cuộc đời Thánh Phaolô, nằm ở cuối câu: “Sau cùng, Người cũng đã hiện ra với tôi, như một đứa bé sinh non”.
Đức Tin Công Giáo không đơn thuần chỉ là một sưu tập những giáo thuyết và tư tưởng, hay một khối kiến thức, hoặc một hệ thống những niềm tin, mặc dù tất cả những điều ấy đều quan trọng. Tận nguồn gốc, Kitô giáo là một kinh nghiệm; một kinh nghiệm đổi đời và cá nhân về Đức Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh. Tất cả những điều khác trong cuộc đời Thánh Phaolô, và tất cả những điều khác trong cuộc đời chúng ta như người Công Giáo, đều phát sinh từ cuộc gặp gỡ riêng với Đức Kitô ấy. Nếu chúng ta thật sự tìm kiếm Người, thì chúng ta sẽ luôn luôn tìm thấy Người. Nhưng một khi tìm thấy Người, chúng ta cần phải sẵn sàng đón nhận hậu quả, vì cuộc đời chúng ta sẽ hoàn toàn đảo ngược.
Tôi xin chia sẻ với anh chị em một câu truyện để cắt nghĩa điều tôi muốn nói. Đó là câu truyện về một chàng thanh niên tên là Franz sống khoảng 60 năm trước đây trong một làng nhỏ ở Áo Quốc. Franz là con rơi của một nhà nông, sau đó ông này bị chết trong Thế Chiến Thứ Nhất. Anh là một thiếu niên lêu lổng. Dân địa phương kể lại rằng anh là người đầu tiên trong làng cỡi xe gắn máy. Không phải vì anh lái xe an toàn hay giữ đúng vận tốc.
Franz là lãnh tụ một lũ du côn thường dùng dao và xích sắt để đánh nhau với những bọn du côn khác ở những thành lân cận. Anh cũng là một thứ dân vô loại, và mê gái. Anh làm cho một cô gái có bầu và bị nguời ta buộc phải rời khỏi thành phố. Người ta nói rằng anh đã làm việc ở một mỏ sắt một thời gian.
Vì một lý do không ai hiểu rõ, anh Franz đã trở về làng như một con người hoàn toàn thay đổi. Anh vẫn luôn đi nhà thờ, dù trong những ngày lêu lổng nhất. Nhưng khi trở về, anh là một người Công Giáo nghiêm chỉnh, chứ không phải chỉ là một người Công Giáo ngày Chúa Nhật. Anh đã bắt đầu trả tiền nuôi đứa con ngoại hôn của anh. Anh đã cưới một người phụ nữ Công Giáo tốt lành và sống ổn định để thành một nông dân, một người chồng và một người cha tốt, dưỡng dục ba người con và phục vụ như một giáo dân nòng cốt ở giáo xứ địa phương.
Tôi sẽ kể cho anh chị em phần lại còn của câu truyện sau. Nhưng tôi muốn trưng dẫn một vài điều mà anh Franz đã viết trong một bức thư gửi người con đỡ đầu của anh. Anh viết: “Cha có thể nói từ kinh nghiệm bản thân của cha rằng cuộc đời thường đau khổ biết bao khi một người sống đời Kitô hữu lưng chừng. Nó giống tình trạng cây cỏ hơn là tình trạng sống.” [2]
Tôi nhớ đến anh Franz khi tôi bắt đầu nghĩ về đề tài tối hôm nay: “Đời Sống Mới trong Đức Kitô” của chúng ta. Nhiều tín hữu ngày nay không ngừng bị cám dỗ chấp nhận một Kitô giáo nửa chừng, để sống “đời sống hai mặt”, là một người khi chúng ta ở nhà thờ hay cầu nguyện và là một người khác khi ở với bạn bè hay gia đình, hoặc ở sở làm, hay khi nói về chính trị.
Một phần của sự cám dỗ này đến từ những áp lực bình thường của xã hội. Chúng ta không muốn nổi bật. Chúng ta không muốn bị coi là lập dị, nên chúng ta giữ kín những niềm tin về tôn giáo cho mình. Làm như chúng ta đã nội tâm hóa câu châm ngôn cổ: “Không bao giờ được nói về tôn giáo hay chính trị giữa những người có học.” Chính tôi không bao giờ chấp nhận loại tư tưởng này. Tôn giáo, chính trị, công bằng xã hội – chính là những điều chúng ta phải bàn đến. Không có gì khác quan trọng hơn. Có mấy điều có thể quan trọng hơn niềm tin tôn giáo, là điều liên quan đến ý nghĩa tối hậu của cuộc đời, và chính trị, là điều liên quan đến việc chúng ta phải cùng nhau tổ chức đời sống thế nào vì công lý và công ích.
Đó là những điều mà chúng ta cần phải nói đến đêm nay nếu chúng ta thật sự muốn có một đời sống mới, một đời sống trọn vẹn và không bị phân chia, trong Đức Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là chúng ta bắt đầu với một loại “chẩn bệnh” cho nền văn hóa mà chúng ta đang sống, và những thách đố mà nó buộc chúng ta phải đương đầu. Lý do thật đơn giản. Chúng ta đang sống trong thời đại đầu tiên của lịch sử nhân loại mà trong đó toàn thể xã hội được tổ chức quanh nguyên tắc “sống hai mặt”.
Triết gia người Gia Nã Đại Charles Taylor gọi giai đoạn của chúng ta là “thời đại thế tục.” Việc chúng ta làm sao mà đi đến thời điểm này là một đề tài quá lớn để thảo luận đêm nay. Điểm đáng nói là chỉ trong vòng vài thế kỷ mà chúng ta đã đi từ sống trong một thế giới hầu như người ta không thể không tin có Thiên Chúa, đến một thế giới mà niềm tin vào Thiên Chúa không được coi là cần thiết nữa hoặc chẳng còn có nghĩa lý gì.
Hầu hết mọi người ngay nay có thể sống cả đời như là không có Thiên Chúa. Đương nhiên là ở Tây Phương – và tôi ám chỉ tất cả các quốc gia tân tiến theo kiểu dân chủ Tây Phương, chứ không phải chỉ có Gia Nã Đại và Hoa Kỳ, chúng ta được phép tin vào Thiên Chúa, kể cả được cùng nhau cầu nguyện và phụng tự. Nhưng chúng ta luôn được các cơ quan truyền thông đại chúng dạy là không bao giờ được “áp đặt” những quan điểm tôn giáo của mình trên người khác. Tư tưởng kỳ cục này luôn được trình bày như một cách sống rất hợp lý và giác ngộ. Anh muốn tin gì thì tin; tôi muốn tin gì thì tin; và chính phủ bằng lòng không bảo chúng ta điều gì phải tin và điều gì không được tin.
Nhưng sự thể chỉ xem ra hợp lý và giác ngộ chứ thật ra không phải thế. Đây là một ví dụ mới xảy ra: ĐTC Bênêđictô vừa tông du Phi Châu vào tháng ba. Trên máy bay có một phóng viên hỏi ngài về dịch AIDS và việc Hội Thánh không cho phép dùng bọc cao su. Hiện nay không có có mấy quốc gia hay tổ chức nào đã đổ nhiều tiền và nỗ lực nhân sự vào cuộc chiến chống bệnh AIDS ở Phi Châu bằng Hội Thánh Công Giáo. Điều này là sự kiện theo thống kê. Vì thế khi ĐTC trả lời câu hỏi như thế, ngài nói không phải là theo quan điểm thần học mà với sự hiểu biết thật sự về những điều kiện có thật.
Và ĐTC Bênêđictô đã nói rằng cổ võ việc dùng bọc cao su không ích lợi gì. Trên thực tế nó còn có hậu quả ngược lại. Không ai nghe câu trả lời của ngài quá điểm này. Khắp nơi trong vài ngày truyền thông đã loan đi rằng vị Giáo Hoàng bảo thủ này đang sát tế hàng triệu người dân Phi Châu mắc bệnh AIDS trên bàn thờ tín điều luân lý cứng ngắt của Hội Thánh. Chỉ đếm sơ qua người ta đã thấy hơn 4 ngàn bài báo nói về đề tài này. Điều kinh ngạc là tính đồng nhất của lời phê bình – rằng ĐTC và Hội Thánh hủ lậu và trung cổ, và các niềm tin của Công Giáo là một mối đe dọa cho nền y tế công cộng.
Việc gì đã xảy ra? ĐTC đã thách đố một trong những điều có tính cách chính thống nho nhỏ được thời đại chúng ta tôn thờ, đó là việc tôn thờ bọc cao su, và lý tưởng được đề cao là làm tình là một “nhu cầu” căn bản của con người mà không ai được quyền thắc mắc bao giờ – dù trong trường hợp người ta có thể mất mạng khi theo đuổi nhu cầu đó.
Như thế người ta đã cấm bàn luận nơi công cộng. Không ai ngừng lại để suy nghĩ rằng điều ĐTC nói không phải chỉ là niềm tin tôn giáo, nhưng thật sự có ý nghĩa trên thực tế. Việc phân phát bọc cao su cho dân chúng chỉ tạo cho người ta một một ngộ nhận rằng họ được an toàn, cùng khuyến khích chính những cách ăn ở đưa đến việc truyền lây bệnh AIDS. Điều thất vọng hơn nữa là người ta biết rằng những khoa học gia nghiên cứu các phương thức phòng ngừa bệnh AIDS thực sự đồng ý với ĐTC.
Chúng ta được dạy để nghĩ rằng mình đang sống trong một xã hội cởi mở, kính trọng quyền tự do tôn giáo và tự do trao đổi những tư tưởng khác nhau. Nhưng không phải thế đâu. Đừng tự lừa dối mình. Có thể một ngày không xa người ta sẽ được quyền cấm không cho chúng ta giữ một vài quan điểm luân lý nào đó, và không cho phép chúng ta từ chối làm một vài điều nào đó mà chúng ta nhận thấy là ác. Khi ấy vấn đề được đặt ra là: Chúng ta sẽ sống trong cái thế giới mới này thế nào? Chúng ta làm sao để sống “đời sống mới trong Đức Kitô” trong thời đại không có niềm tin này?
Chúng ta thật sự không thể trả lời câu hỏi này cho đến khi chúng ta hiểu rõ là Kitô hữu có nghĩa gì. Điều đó có nghĩa là phải biết rõ về Đức Chúa Giêsu Kitô. Đây là một trong những sản phẩm phụ của thời đại thế tục của chúng ta: Chúng ta thật không còn biết nghĩ gì về Chúa Giêsu. Tại sao? Bởi vì nền văn hóa của chúng ta đã sửa lại khuôn mặt Chúa Giêsu. Chúng ta biến Người thành hình ảnh và giống lòng trắc ẩn chung chung. Ngày nay Người không còn là Chúa, Con Thiên Chúa, nhưng giống một người tử tế được giác ngộ theo thuyết nhân bản.
Vấn đề là thế này: Nếu Chúa Giêsu không phải là Chúa, nếu Người không phải là Con Thiên Chúa, thì Người không làm được gì cho chúng ta. Khi ấy Tin Mừng chỉ hơn kém một triết lý sống đáng chú ý mà thôi. Và là điểm đầu tiên và Tin Mừng là điều chúng ta cần để sống trong thời đại thế tục: Chúng ta cần phải tin tưởng vào Tin Mừng, và cần phải tin tưởng vào Hội Thánh là cơ quan cho chúng ta các sách Tin Mừng. Chúng ta cần tin thật rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và Con Đức Mẹ Maria; Thiên Chúa thật và Người thật; là Đấng có Lời ban sự sống đời đời. Nếu chúng ta không xác tín vào chân lý ấy, thì không có điều gì khác tôi đề cập đến đêm nay sẽ còn ý nghĩa.
Đây là điểm thứ nhì: Chúa Giêsu đã không từ trời xuống để bảo chúng ta phải đi nhà thờ vào ngày Chúa Nhật. Người cũng không chết trên Thánh Giá và sống lại để chúng ta có thể cầu nguyện nhiều ở nhà và tử tế hơn một chút với những người hàng xóm. Có một điều mà ngay cả những người không có đức tin có thể thấy là các sách Tin Mừng không phải là những tài liệu được thỏa hiệp. Chúa Giêsu muốn tất cả chúng ta. Và không phải chỉ vào ngày Chúa Nhật. Người muốn chúng ta yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức, và hết trí khôn. Người muốn chúng ta yêu người lân cận như chính mình. Nói cách khác, một một tình yêu hoàn hảo.
Chúng ta cần phải tin vào Lời Đức Kitô. Chúng ta phải yêu Người như là sự sống của chúng ta lệ thuộc vào đó. Ngay bây giờ. Và không được bào chữa. Anh chị em có nhớ người đàn ông trong Thánh Kinh thưa với Chúa Giêsu rằng: Tôi sẵn sàng trở thành môn đệ Thầy, nhưng trước hết tôi cần sửa soạn đám táng cho cha tôi không? Cách Chúa Giêsu trả lời thật thẳng thừng và đúng hơn là hơi quá khích: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết. Hãy theo Thầy và công bố Nước Thiên Chúa.” [3] Dĩ nhiên là Chúa không ra lệnh cho chúng ta không được thảo kính cha mẹ. Điều mà Chúa Giêsu nói là không có ưu tiên nào khẩn cấp trong đời sống chúng ta bằng việc đi theo Người và rao giảng Nước Trời.
Điểm thứ ba của tôi bắt nguồn từ hai điểm trên: Làm môn đệ Đức Chúa Giêsu Kitô không phải chỉ là một trong nhiều bình diện của đời sống anh chị em. Làm một Kitô hữu là con người anh chị em. Chỉ có thế. Và là một Kitô hữu có nghĩa là cuộc đời anh chị em có một sứ vụ. Có nghĩa là cố gắng mỗi ngày để trở nên một môn đệ tốt hơn, để trở nên giống Chúa Giêsu hơn trong tư tưởng và việc làm.
Chân Phước Charles de Foucauld đã nói, “Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi linh hồn mà Ngài đã dựng nên yêu mến Ngài với toàn thể con người. . . . Nhưng Ngài không đòi hỏi mọi linh hồn phải chứng tỏ tình yêu của họ bằng cùng một công việc, phải leo lên Thiên Đàng bằng cùng một cái thang, phải đạt được sự tốt lành bằng cùng một cách. Vậy tôi phải làm thứ công việc nào? Con đường nào là đường lên Thiên Đàng của tôi?” [4].
Thiên Chúa mong mỏi những gì lớn lao từ mỗi người chúng ta. Đó là lý do tại sao Ngài dựng nên chúng ta. Để yêu mến Ngài và phục vụ lẫn nhau, cùng đóng vai trò của mình trong việc làm cho Nước Tình Yêu ngự đến. Như thế anh chị em phải tự hỏi mình cùng những câu hỏi mà Chân Phước Charles đã tự hỏi. Thiên Chúa muốn anh chị em làm gì? Ngài muốn anh chị em đi theo Đức Kitô cách nào?
Giờ đây, anh chị em sẽ làm gì để tìm câu trả lời cho những câu hỏi này? Bằng cách thư chuyện với Thiên Chúa, cách khiêm nhường và chân thành, trong cầu nguyện. Bằng cách biết Đức Kitô mỗi ngày một hơn qua việc đọc và cầu nguyên bằng Tin Mừng mỗi ngày. Bằng cách mở lòng ra đón nhận ân sủng Ngài ban cho chúng ta trong các bí tích. “Các con hãy xin thì sẽ được ban cho, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ cửa thì sẽ được mở cho” [5]. Không phải qua việc anh chị em chọn làm gì với đời mình. Nhưng là qua việc khám phá ra Thiên Chúa muốn anh chị em dùng cuộc đời anh chị em thế nào để truyền bá Tin Mừng tình yêu của Ngài và Nước Ngài.
Đồng thời, Chân Phước Charles là một trong những câu chuyện vĩ đại của thế kỷ thứ 20. Ngài là một người Pháp sống hầu hết đời ngài như một đứa con hoang đàng, phung phá gia tài trong rược chè, trai gái và những thú vui cùng đường. Nhưng một khi nhận biết Đức Chúa Giêsu Kitô, cuộc đời ngài thay đổi hoàn toàn. Ngài cảm thấy được mời gọi theo Đức Kitô, ngài đi đến Nadareth để dấn thân sống một cuộc đời làm việc lao động khiêm tốn, cầu nguyện và bác ái. Vài năm sau, việc theo gương Đức Kitô dẫn ngài đến Sa Mạc Sahara, ở đó ngài sống như một nhà ẩn tu và sau cùng chết một cái chết tử vì đạo.
Hầu hết anh chị em sẽ nhận ra rằng con đưởng lên Thiên Đáng của anh chị em được bắt đầu gần nhà hơn. Thực ra, đó chính là điều Thiên Chúa muốn. Trong Tin Mừng Thánh Luca [6], Chúa Giêsu gặp và tỏ mình ra cho hai môn đệ trên đường Êmmau. Các ngài không đi về Giêrusalem hay Mạc Tư khoa hoặc Ottawa hay Bắc Kinh hoặc Hoa Thịnh Đốn. Các ngài đang trên đường về nhà. Trong Tin Mừng Thánh Marcô [7] cũng thế, thiên sứ bảo các người phụ nữ ở ngôi một trống rằng Chúa Giêsu “đang đi trước anh em về Galilêa; ở đó anh em sẽ gặp Người như Người đã bảo anh em.” Galilêa là một nơi vô danh và chẳng quan trọng gì. Nhưng đó là nhà của các môn đệ.
Nói cách khác, Đức Kitô tỏ mình ra cho những kẻ theo Người trong đời sống bình thường. Người gặp chúng ta trên đường đời, còn chúng ta gặp đi gặp lại Người trong việc “bẻ bánh”, và khi chúng ta cầu nguyện bằng Luật Môsê, các tiên tri, thánh vịnh và toàn thể Thánh Kinh. Việc chúng ta gặp gỡ Người trong những hoàn cảnh cá nhân của mình mở trí chúng ta hiểu ý nghĩa của tất cả những điều này. Chúa Giêsu muốn chúng ta mọc lên ở nơi Người trồng chúng ta. Công tác của anh chị em là rao giảng Tin Mừng bằng đời sống anh chị em bất kỳ anh em ở đâu và làm bất cứ việc gì, đi học, làm việc, dưỡng dục con cái, sống trong gia đình.
Còn một điểm cuối cùng triước khi chúng ta bắt đầu phần đặt câu hỏi và thảo luận đêm nay. Đó là: Yêu Hội Thánh; anh chị em hãy yêu Hội Thánh như mẹ và thầy của anh chị em. Hãy giúp xây dựng Hội Thánh, thanh lọc đời sống và việc làm của Hội Thánh. Tất cả chúng ta đều tức giận khi thấy sự yếu đuối của con người và tội lỗi trong Hội Thánh. Nhưng chúng ta luôn luôn cần phải nhớ rằng Hội Thánh còn hơn là tổng số các phần tử nhân loại cộng lại nhiều.
Hội Thánh là Hiền Thê của Đức Kitô. Chúa Thánh Thần là Đấng hoạt động trong Đức Chúa Giêsu Kitô và các tông đồ của Người vẫn còn hoạt động trong Hội Thánh. Chúa Giêsu đã hứa với các tông đồ rằng khi các ngài giảng dạy, thì chính Chúa giảng dạy. Khi các ngài tha tội, thì chính Chúa tha tội. Khi các ngài nói lời, “Này là Mình Thầy,” thì bánh và rượu trở nên Mình và Máu Người. Chúa Giêsu không quên những lời hứa của Người. Hội Thánh ở đâu thì Chúa Giêsu ở đó – cho đến tận thế. Và chúng ta luôn muốn ở nơi nào có Chúa Giêsu, bởi vì không có con đường nào để về nhà với Thiên Chúa trừ khi đi qua Người.
Vậy anh chị em hãy yêu Hội Thánh. Và đây là điều cốt yếu: Biết và tôn trọng những điều Hội Thánh dạy. Điều Hội Thánh dạy là điều Đức Kitô muốn anh chị em và mọi người khác phải biết – vì sự tốt lành và phần rỗi của anh chị em cùng chia sẻ những giáo huấn ấy với người khác.
Các lãnh tụ của các xã hội bị tục hóa ngày nay muốn tự cho mình là nhân bản và nhân đạo. Nhưng cũng những xã hội này đang biện minh cho việc giết chết hàng triệu trẻ em trong bụng mẹ và cắt chia những phôi thai trong phòng thí nghiệm. Chúng ta giết những người tàn tật cùng già cả và gọi đó là “chết cách xứng đáng.” Chính ngôn ngữ của chúng ta đang bị đảo lộn. Gia đình không còn là sự hiệp thông giao ước giữa một người nam và một người nữ đem lại sự sống mới và như thế đem lại tương lai cho xã hội nữa. Thực ra, hiện có quá ít các trẻ em đang được sinh ra trong các quốc gia tân tiến kiểu Tây Phương đến nỗi chúng ta thắc mắc rằng có phải nền văn minh của chúng ta đã mất ý chí sinh tồn hay không.
Chỉ có Hội Thánh đứng lên chống lại những khuynh hướng bất nhân này trong các xã hội của chúng ta. Đó là sứ vụ của anh chị em, các tín hữu giáo dân nam nữ, để đảm bảo rằng giáo huấn của Đức Kitô được rao giảng và giải thích cùng được bảo vệ ở mọi giai tầng của xã hội chúng ta – trên chính trường, ở sở làm và trong văn hóa. Đìều này cần sự can đảm thật. Có đủ mọi thứ áp lực, tinh vi và không mấy tinh vi, để bán rẻ Chúa Giêsu. Để làm giảm bớt hay giảm thiểu Tin Mừng của Người. Để lựa và chọn một số trong các giáo huấn của Người. Nhưng chúng ta không thể làm như thế. Anh chị em hãy hứa cùng Đức Chúa Giêsu Kitô rằng anh chị em không bao giờ làm trái ngược các giáo huấn của Hội Thánh bằng những lời nói hay việc làm của mình.
Chỉ có chân lý mới có thể giải phóng con người. Chân lý ấy là Đức Chúa Giêsu Kitô. Cho nên nếu chúng ta thật sự yêu thương tha nhân thì chúng ta sẽ muốn cho họ biết chân lý. Toàn thể chân lý. Chứ không phải chỉ một phần của chân lý là điều làm cho họ cảm thấy thoải mái mà không thách thức họ thay đổi.
Một Kitô hữu chân chính không thể sống cuộc đời hai mặt; toàn thể phương cách chúng ta suy nghĩ và hành động phải được biến đổi bởi đức tin của mình, nếu không chúng ta sẽ biến mình thành những kẻ giả hình. Như người bạn chúng ta là anh Franz đã nói, là Kitô hữu lưng chừng giống như một cây cỏ. Đó không thật sự là đời sống. Nó chỉ là một sự tồn tại. Và điều này nhắc cho tôi rằng đã đến lúc kể tiếp cho anh chị em phần còn lại của câu truyện về anh Franz.
Đức Quốc xâm lăng Áo Quốc vào năm 1938. Không giống như các hàng xóm, anh Franz đã không chịu hợp tác bất cứ cách nào với chế độ Quốc Xã mới bởi vì anh coi Hitler là một kẻ thù của Đức Kitô và Hội Thánh. Anh đã chiến đấu trong một cuộc kháng chiến luân lý cá nhân trong vòng năm năm. Nhưng cuối cùng anh bị bắt vì bất tuân lệnh gia nhập quân đội Đức Quốc.
Trong khi chờ đợi bị kết án, nhiều người, kể cả gia đình anh và linh mục địa phương, đã thúc giục anh đã bằng lòng cách đãi bôi với chế độ để cứu mạng. Nhưng anh Franz đã không chịu.
Vì thế 66 mùa hẻ trước đây, vào ngày 9 tháng 8 năm 1943, anh Franz đã chết trên đoạn đầu đài của Đức Quốc Xã. Ngày nay chúng ta tưởng nhớ đến anh như Chân Phước Franz Jägerstätter – một vị tử đạo vì chân lý, chân lý ấy nói rằng một người Công Giáo không bao giờ được phép sống đời hai mặt; rằng không thể có cái gọi là Kitô hữu nửa chừng.
Chân Phước Franz đã viết những lá thư tuyệt vời gửi cho vợ ngài từ khám đường. Trong một thư ngài đã nói về những vị tử vì đạo vĩ đại của Hội Thánh. Ngài đã viết: “Nếu chúng ta hy vọng một ngày nào đó đạt được mục tiêu, thì chúng ta cũng phải trở thành những anh hùng của Đức Tin. Bởi vì bao lâu chúng ta còn sợ người ta hơn sợ Thiên Chúa thì chúng ta không bao giờ thành công.” Khi khác ngài viết: “Điều quan trọng là chúng ta đừng để một ngày qua đi vô ích mà không dùng nó để sinh lợi cho đời sống vĩnh hằng.” [8].
Đó là điều chính yếu cho bất cứ ai muốn trở thành một Kitô hữu chân chính. Đó là con đường dẫn đến đời sống mới trong Đức Kitô: Tận dụng mỗi ngày để đạt đến đời sống vĩnh hằng. Và thời điểm để bắt đầu là bây giờ.
Cám ơn và nguyện xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.
+TGM Charles J. Chaput
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
Chú Thích:
- 1 Corinthians 15:3-7
- Gordon Zahn, In Solitary Witness: The Life and Death of Franz Jägerstätter (Beacon, 1964), 32
- x. Luca 9:59–60
- Charles de Foucauld (Modern Spiritual Masters Series), 69–70.
- Matthew 7:7.
- Lc 2413-37
- Mc 16:7
- Zahn, 35, 73