Thứ Ba Tuần 23 TN1
Bài đọc: Colossians 2:6-15; Luke 6:12-19
Xưa cũng như nay, người tín hữu sống trong thế giới bị cám dỗ rất nhiều bởi các tư tưởng và chủ thuyết sai lạc nhằm đưa con người xa lìa sự thật của Thiên Chúa. Nếu không được bén rễ sâu trong chân lý, người tín hữu sẽ dễ dàng bị lung lay đức tin, hay bị thay đổi vì những học thuyết này.
Các bài đọc hôm nay muốn giúp con người nhận ra đâu là những điều chính yếu mang lại ơn cứu độ cho con người. Trong bài đọc I, thánh Phaolô quả quyết Đức Kitô và các giáo lý của Ngài là trọng tâm giúp con người đạt tới ơn cứu độ. Các tín hữu cần cầu nguyện và kết hợp sâu xa với Ngài, đồng thời cũng phải học hỏi và thi hành những gì Ngài dạy. Đừng để cho bất kỳ một học thuyết nào mê hoặc và thuyết phục để các tín hữu sống xa những lời dạy của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cầu nguyện suốt đêm với Thiên Chúa để có thể chọn lựa những Tông Đồ dám hy sinh để xây dựng Giáo-hội mà Ngài sắp thiết lập. Sau khi đã chọn lựa, Ngài cho các ông ở với mình để dạy dỗ và ban tặng những ơn thánh cần thiết để các ông thi hành sứ vụ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Giêsu Kitô.
1.1/ Những điều người môn đệ cần làm: Trình thuật hôm nay là phần dạy dỗ của Thư Colossê. Các tín hữu Colossê bị cám dỗ từ nhiều phía: giáo thuyết của những người Do-thái đòi họ phải cắt bì và tuân giữ các Lề Luật; giáo thuyết của các triết-gia theo Phái Thuần Tri (Gnosticism) hứa hẹn họ có những kiến thức bí mật giúp linh hồn thoát ra khỏi thân xác để hưởng hạnh phúc đời đời; giáo thuyết dạy Đức Kitô cũng chỉ là một trong số các thần, và phải tôn thờ nhiều thần; các giáo thuyết dạy phải tôn thờ mặt trời, các tinh tú, và phải giữ cẩn thận các ngày, tháng, năm… Thánh Phaolô dạy các tín hữu phải tránh xa các giáo thuyết này, tập trung trong Đức Kitô, và làm những điều sau đây:
(1) Nếu anh em đã nhận Đức Giêsu Kitô làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Người. Người tín hữu sống kết hợp với Đức Kitô bằng việc tham dự Lễ Bẻ Bánh và đời sống cầu nguyện.
(2) Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Giêsu Kitô: Sống Lời Chúa là nền tảng cuộc đời của các tín hữu.
(3) Hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn, và để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ: Người tín hữu hãy để cho đức tin vào Thiên Chúa hướng dẫn cuộc đời và đừng lo lắng chi cả.
(4) Hãy coi chừng chớ để ai gài bẫy anh em bằng mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức Kitô. Để đề phòng những giáo huấn sai lạc, người tín hữu đòi phải biết những giáo huấn chân thật của Đức Kitô.
Nói tóm, người tín hữu không cần một thần nào khác ngoài Đức Kitô để được hưởng ơn cứu độ, vì “Thật vậy, nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể, và trong Người, anh em được sung mãn: Người vốn là đầu mọi quyền lực thần thiêng.”
1.2/ Phép Rửa của Đức Kitô đủ để mang lại ơn cứu độ cho con người: Kế tiếp, thánh Phaolô nói về tầm quan trọng của bí tích Rửa Tội trong việc mang lại ơn cứu độ cho con người, để chống lại việc những người Do-thái đòi các tín hữu phải được cắt bì: “Trong Người, anh em đã được chịu phép cắt bì, không phải phép cắt bì do tay người phàm, nhưng là phép cắt bì của Đức Kitô, có sức lột bỏ con người tội lỗi của anh em.”
Khi chịu bí-tích Rửa Tội, người tín hữu cùng được mai táng với Đức Kitô và cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. Hơn nữa, trước khi chịu bí-tích Rửa Tội, một người coi như đã chết vì tội; nhưng sau khi được chịu bí-tích này, người tín hữu được Thiên Chúa cho cùng sống với Đức Kitô, vì Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của họ.
Thánh Phaolô cũng xác tín Lề Luật không đủ sức để cứu độ con người, đó là lý do Thiên Chúa hủy bỏ Giao-ước cũ: “Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.” Ngài cũng tuyên bố: Không một kiến thức nào (chống lại giáo phái Thuần Tri, Gnosticism) có thể giải thoát con người trừ kiến thức về Đức Kitô.
2/ Phúc Âm: Chọn các Tông Đồ dám hy sinh tiếp tục sứ vụ xây dựng Giáo Hội.
2.1/ Đức Kitô chọn các Tông-đồ: Tại Caesarea Philip, Chúa Giêsu đã chính thức chọn Phêrô là Đá để xây dựng Giáo-hội mà Ngài sắp thiết lập. Tuy nhiên, một mình Phêrô không đủ để điều hành một số người quá lớn nên Chúa chọn thêm 11 Tông Đồ để cùng điều hành. Một số những điều chúng ta học được từ cách chọn lựa của Chúa Giêsu hôm nay:
– Ngài không chọn bất cứ ai, nhưng từ những môn đệ của Ngài. Chúng ta cần phân biệt hai danh từ môn đệ và tông đồ. Theo tiếng Hy-lạp, danh từ môn đệ, mathetês, đến từ động từ học hỏi, người môn đệ là người học hỏi từ Thầy mình; trong khi danh từ tông đồ, apóstolos, đến từ động từ sai đi, tông đồ là người được sai đi. Chính Chúa Giêsu đã cho Giáo-hội một cấu trúc: các môn đệ, các tông đồ, Phêrô người kế vị Ngài; không phải ai cũng được sai đi và ai cũng có quyền quyết định.
– Ngài đã thức suốt đêm để đàm đạo với Chúa Cha để chọn các Tông Đồ theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Nhìn vào danh sách những người được chọn, chúng ta chẳng thấy có gì nổi bật nơi họ, nếu xét theo tiêu chuẩn của con người như khôn ngoan, đạo đức, nổi tiếng, quyền thế, giầu có … Chẳng những thế, họ còn là những người yếu đuối, tội lỗi, và tính tình rất khác nhau: Một Phêrô yếu đuối vừa mạnh dạn tuyên xưng sẽ không bao giờ bỏ Chúa, lại chối Chúa 3 lần trong đêm đó. Một Matthew thu thuế bị coi là người tội lỗi và kẻ thù của người Do-thái lại được Chúa chọn để ở chung với Simon biệt danh là Quá Khích. Sở dĩ có biệt danh này vì ông là người bảo thủ, rất ghét đế quốc Rôma và có thể ám sát những người làm tay sai cho họ. Và một Giuđa Iscarioth, mà Người biết trước sẽ trở thành kẻ phản bội.
2.2/ Chúa Giêsu chuẩn bị cho các ông thi hành sứ vụ: Sau khi đã chọn xong, Chúa Giêsu bắt đầu huấn luyện các ông bằng những lời dạy dỗ và gương sáng của chính Ngài. Các ông phải hy sinh từ bỏ nghề nghiệp và gia đình để đi theo Chúa và sống với nhau, học những lời giảng dạy của Ngài, trừ quỉ và chữa lành.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Để khỏi mất đức tin, người môn đệ cần kết hợp sâu xa với Đức Kitô trong lời cầu nguyện và năng lãnh nhận các bí-tích.
– Để có thể chống lại những lạc thuyết của thế gian, người môn đệ cần học hỏi các chân lý của Đức Kitô và mang ra áp dụng trong đời sống.
Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng [audio:http://loinhapthe.com/LCHN/audio/Thu%20Ba%20Tuan%2023%20TN1.mp3] hoặc tải xuống
Nguồn: loinhapthe.com