Đức Mẹ Maria Dẫn vào Tuần Thánh

our-lady-of-sorrows-440x300

1.

Mùa chay năm nay khác các mùa chay trước đây. Khác ở chỗ mùa chay năm nay có nhiều báo động. Báo động ở nhiều lãnh vực.

Riêng trong lãnh vực đạo đức, báo động được coi là khẩn cấp và nghiêm trọng. Nghiêm trọng đến nỗi những người có trách nhiệm dám quả quyết: Nếu không chấn chỉnh đạo đức, sẽ không tránh được những sụp đổ có liên quan đến Non Sông và Dân Tộc. Đó là một báo động công khai trong xã hội Việt Nam hôm nay.

Còn trong Hội Thánh Việt Nam, chính tình hình thực tế về đạo đức hiện nay đang là một báo động. Một chiếc xe đứt thắng, đang trên đường nguy hiểm, bên bờ vực thẳm, thế mà các người trong xe vẫn ngủ ngon, người lái xe vẫn say mê nghe nhạc chiến thắng, đó chính là hình ảnh về tình hình đạo đức ở một số nơi. Hình ảnh đó là một báo động khẩn cấp.

Chính bản thân tôi cũng đang cảm nhận sâu sắc một sự thực đau buồn, mà thánh Phaolô xưa đã tự thú: “Sự thiện tôi muốn làm, thì tôi không làm. Nhưng sự ác tôi không muốn, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,19).

2.

Nhận thức đúng về một tình hình có nhiều báo động không cho phép chúng ta dửng dưng vô cảm.

Nhưng tôi cảm thấy mình quá yếu đuối, để có thể cứu vãn được tình hình. Với tâm tình khiêm tốn và khó nghèo, tôi chạy lại bên Đức Mẹ Maria. Mẹ dẫn tôi vào Mùa Chay, đặc biệt là Tuần Thánh của Mẹ. Tuần Thánh là thời gian đề cao việc Chúa cứu chuộc nhân loại.

Mẹ nói với tôi một cách nhẹ nhàng. Đúng hơn là Mẹ không nói, mà chỉ chia sẻ tâm tình. Một sự chia sẻ không thực hiện bằng lời nói, mà bằng cảm nhận tự sâu thẳm đáy lòng.

3.

Chia sẻ bao trùm và tập trung nhất, mà Mẹ ban cho tôi, đó là sự cứu độ chỉ đến từ Chúa Giêsu. Mẹ giúp tôi tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Trong chương trình cứu độ, Chúa Giêsu chú ý nhất đến sự cứu nhân loại khỏi xiềng xích tội lỗi và án phạt ghê gớm do tội lỗi gây nên. Công việc cứu thế của Người là chuỗi dài những lời nói và việc làm khuyên dạy người ta mến Thiên Chúa và yêu thương nhau. Đỉnh cao nhất của công trình cứu độ là sự Chúa Giêsu tự nguyện dâng mình làm của lễ trên thánh giá.

Sự tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, khi trở thành một sự sống thiêng liêng được Đức Mẹ chia sẻ cho, đã làm cho tôi gắn kết mật thiết hơn với Chúa Giêsu. Tôi bước theo Người, là tôi cầu nguyện như Người cầu nguyện. Tôi bước theo Người, là tôi dâng mình làm của lễ như Người đã dâng mình.

4.

Khi Chúa Giêsu đã trở thành trung tâm đời sống của tôi, tôi hiểu dễ dàng hơn thái độ của Mẹ, khi Mẹ theo Chúa Giêsu vác thánh giá, và khi Mẹ đứng dưới chân thánh giá.

Thái độ của Mẹ trong suốt thời gian Chúa Giêsu, Con Mẹ, phải chịu khổ cực, là thinh lặng, một sự thinh lặng anh hùng và thánh thiện.

5.

Mẹ thinh lặng trước những lời nói hung hăng và những quyết định độc ác của các thượng tế, luật sĩ đối với Chúa Giêsu. Không những Mẹ không một lời phản đối, thách thức, chửi rủa họ, Mẹ còn nuốt những đớn đau và nhục nhã vào lòng đầy yêu thương của Mẹ. Yêu thương của Mẹ cũng là yêu thương của Chúa Giêsu. Một yêu thương sẵn sàng tha thứ. Yêu thương đó cũng còn là cầu nguyện cho những kẻ làm khổ mình. Hơn thế nữa, yêu thương đó lại âm thầm đền tội thay cho những kẻ bắt bớ mình. Thinh lặng như thế là một thái độ rất tích cực, góp phần cứu độ những gì coi như không thể cứu độ bằng những phương tiện tự nhiên. Thinh lặng đó là một thứ đối thoại không lời mà bao sâu thẳm.

6.

Mẹ thinh lặng trước sự thay lòng đổi dạ của quần chúng. Quần chúng là đám đông đã tưng bừng đón mừng Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem mấy ngày trước đó. Quần chúng là từng trăm ngàn người đã được nghe những lời chân thật yêu thương Chúa giảng, đã được thấy những phép lạ giải cứu đầy xót thương của Chúa, đã được chia sẻ cuộc đời thánh thiện của Chúa. Nhưng quần chúng đông đảo đó đã để mình bị khích động một cách dễ dàng. Họ đã nông nổi nghe theo nhóm quyền lực xấu, để hò hét lên án Chúa Giêsu. Mẹ không trách họ. Mẹ thinh lặng để cho những làn sóng vô ơn bạc nghĩa tràn vào lòng Mẹ. Lòng Mẹ vẫn dạt dào yêu thương, tha thứ. Lòng Mẹ vẫn cầu nguyện và đền tội thay cho những kẻ lỗi lầm. Như thế thinh lặng của Mẹ là một thái độ tích cực, chứa đầy ơn cứu độ. Thinh lặng đó là một thứ đối thoại âm thầm của trái tím dâng hiến.

7.

Mẹ thinh lặng trước tình trạng coi như phá sản của 12 tông đồ. Mẹ không mắng trách họ. Mẹ đón nhận cảnh tan rã thê thảm của các tông đồ vào lòng Mẹ. Lòng Mẹ vẫn dịu dàng xót thương. Lòng Mẹ vẫn rộng mở, chở che những người con yếu đuối lỗi lầm. Lòng Mẹ vẫn quảng đại, sẵn sàng đền tội thay cho đàn con khờ dại. Như thể, thinh lặng của Mẹ là một thái độ tích cực, có sức thánh hoá. Thinh lặng đó là một thứ đối thoại dịu dàng của tấm lòng hiền mẫu.

8.

Mẹ thinh lặng trước bản án sai trái của quan Philatô và trước những độc ác của quân quốc thi hành bản án đối với Chúa Giêsu. Mẹ có thể phản kháng. Mẹ có thể nguyền rủa. Mẹ có thể xin Chúa trừng phạt những kẻ lạm quyền. Nhưng Mẹ đã thinh lặng. Mẹ để cho những độc ác của các quyền lực đâm nát trái tim Mẹ. Mẹ đau đớn. Nhưng trong đau đớn, Mẹ vẫn yêu thương tha thứ, vẫn dâng mình đền tội thay cho mọi tội nhân. Như thế, thinh lặng của Mẹ là một thái độ rất tích cực, chứa đầy ơn thánh cứu độ. Thinh lặng đó là một thứ chọn lựa anh dũng cao thượng, vượt trên mọi đối thoại trần gian.

9.

Với những chia sẻ trên đây, Đức Mẹ dẫn tôi tới La Salette. Nơi đây, Đức Mẹ đã hiện ra dưới hình ảnh một người phụ nữ ngồi khóc. Mẹ khóc vì tội lỗi loài người. Mẹ khóc vì loài người sẽ không tránh được hình phạt do tội lỗi, nếu loài người không ăn năn sửa mình.

Trong tâm tình cảm tạ, tôi xin nói ngay là: Chia sẻ của Đức Mẹ đã làm cho tôi thức tỉnh. Tôi nhận ra mình thực sự hèn yếu. Tôi không thể tự cứu mình. Tôi càng không thể cứu được bất cứ ai. Huống chi tôi đâu có thể cứu được một tình hình Hội Thánh và Đất Nước. Nhưng Mẹ chỉ cho tôi cách đón nhận ơn cứu độ của Chúa Giêsu. Mẹ đã làm gương về cách đón nhận đó. Cách đó là yêu thương tự hạ trong cầu nguyện, sám hối và tin tưởng tuyệt đối vào lòng thương xót Chúa.

Sự thinh lặng của Mẹ còn dạy tôi về sự nhã nhặn và sự kềm chế của tu đức. Sự thinh lặng của Mẹ nhắc nhở tôi chú ý nhiều đến sự thanh vắng nội tâm, kết hợp với Chúa Giêsu, lắng nghe Người, âm thầm bước theo Người, nhất là cùng với Người dâng mình làm của lễ trên thánh giá.

Số người đứng bên Đức Mẹ dưới chân thánh giá Chúa Giêsu ngày Chúa chịu nạn rất ít. Nhưng số người đó mỗi ngày mỗi tăng thêm. Xin hết lòng cảm tạ Chúa và Đức Mẹ đã cho phép tôi được cùng với họ bám chặt lấy Đức Mẹ là nguồn sản sinh sự sống, niềm vui và lòng trông cậy.

+GM GB Bùi Tuần