Đại hội các gia đình thế giới 2012 – Bài giáo lý số 3: Gia đình sống thử thách

Đại hội các gia đình thế giới 2012 tại Milano
“Gia Đình: công việc và ngày lễ”:

GIÁO LÝ CHUẨN BỊ

Bài 3: Gia đình sống thử thách

A. Bài hát và lời chào mở đầu

B. Kinh Chúa Thánh Thần

C. Bài đọc Lời Chúa

13 Thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: “Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người”.14 Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai Cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrôđê băng hà, hầu làm cho trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: “Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”.

19 Khi Hêrôđê băng hà, thì đây thiên thần Chúa hiện ra cùng Giuse trong giấc mơ bên Ai Cập20 và bảo: “Hãy trỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm hại mạng sống Người đã chết”.21 Ông liền trỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel.22 Nhưng nghe rằng Arkhêlao làm vua xứ Giuđa thay cho Hêrôđê là cha mình, thì Giuse sợ không dám về đó. Ðược báo trong giấc mộng, ông lánh sang địa phận xứ Galilêa,23 và lập cư trong thành gọi là Nadaret, để ứng nghiệm lời đã phán qua các tiên tri rằng: “Người sẽ được gọi là Nadarêô”. (Mt 2,13-14.19-23).

D. Giáo lý Kinh Thánh

1. Thiên thần Chúa hiện ra cùng Giuse trong giấc mơ. Đời sống gia đình, cách này hay cách khác, sớm muộn gì cũng gặp phải những thử thách. Vì thế cần phải có sự khôn ngoan, óc phân định và niềm hy vọng, và phải hy vọng thật nhiều, lắm lúc phải hy vọng cả khi không có một chứng cớ hiển nhiên nào từ phía con người. Khổ đau, giới hạn và sự thất bại là một phần đời sống thụ tạo của chúng ta, một đời sống vốn được ghi dấu bởi tội lỗi và bị tội lỗi làm suy giảm mọi vẻ đẹp và làm hư hoại mọi điều thiện hảo. Điều này không có nghĩa là chúng ta buộc phải chịu khuất phục, nhưng việc chấp nhận thân phận này thôi thúc chúng ta tín thác vào sự hiện diện từ ái của Thiên Chúa, Đấng có thể đổi mới mọi sự.

Với cung giọng đầy kịch tính, đoạn Tin Mừng trên mô tả cuộc hành trình của một gia đình, cụ thể là gia đình Đức Giêsu, có vẻ tương tự như nhiều gia đình khác: con trẻ gặp nguy hiểm, cần phải lên đường ngay trong đêm tối để đến một vùng đất lạ. Gia đình non trẻ này buộc phải cất bước trên một con đường có thể có nhiều bất trắc đang chờ đón, phức tạp và bất ổn. Đó cũng là những gì mà ngày nay đang xảy ra cho nhiều gia đình, những gia đình bị buộc phải rời bỏ nơi sinh sống để có thể tạo lập cho con cái một môi trường sống tốt đẹp hơn và để bảo vệ chúng khỏi những nguy hiểm của thế giới chung quanh. Tuy nhiên, có lẽ câu chuyện trốn sang Ai Cập ngụ ý nói đến một sự kiện phổ quát hơn, có liên quan đến mọi gia đình: các cha mẹ nhất thiết phải bước đi trong hành trình cuộc sống để đạt tới trưởng thành cũng như để con cái họ được lớn lên, với ý thức về ơn gọi của mình. Để được điều đó nhiều khi phải trả giá bằng những quyết định đau đớn. Đó là hành trình kiến tạo gia đình, hành trình sinh dưỡng và giáo dục con cái, một hành trình gian khổ, khó khăn, đòi hỏi nhiều cố gắng mà lắm khi có nhiều khó khăn không thể tránh khỏi làm nản chí nhiều gia đình.

Trong đoạn Tin Mừng này, Đức Giêsu ra đi khi còn là một hài nhi, nhưng khi trở về, Ngài đã được gọi bằng tên của một người lớn: “Người sẽ được gọi là Nadarêô” (c.23), tước hiệu này báo trước số phận của Ngài trên thập giá. Như vậy, chính từ hành trình của mỗi gia đình, ngoài việc cha mẹ được trưởng thành hơn, con cái sinh ra cũng được lớn lên theo đến mức có thể đích thân đón nhận ơn gọi của mình. Những nhân vật chính của hành trình gia đình là cha mẹ, đặc biệt là người cha. Cha mẹ được kêu gọi chuẩn bị trước những điều kiện sống tốt đẹp nhất cho con cái. Theo một kiểu nói của Kinh Thánh, thánh Giuse được báo mộng cho biết nhu cầu cần phải lên đường. Trước đó, thánh nhân cũng được báo mộng (Mt 1,20-21) bởi sứ thần truyền tin cho biết việc Đức Maria mang thai và kêu gọi ngài hãy đón nhận và đem Mẹ về nhà mình (x. Mt 1,20-21).

Chúng ta biết rất ít về thánh Giuse, nhưng một điều chắc chắn: ngài “là người công chính” (Mt 1,19). Đức công chính, nhân đức của những mối tương quan liên vị, đặt an toàn của tha nhân lên hàng đầu. Như thế, thánh Giuse vì là người công chính nên đã quyết định từ bỏ Đức Maria cách kín đáo thay vì tố cáo ngài với công chúng. Với một tâm hồn đơn sơ ngài biết nhận ra chương trình của Thiên Chúa và đón nhận sự can thiệp của Thiên Chúa trong các biến cố của cuộc sống gia đình. Điều căn bản là phải biết “lắng nghe các thiên thần”, tức là biết phân định thiêng liêng các biến cố và những cơ hội của đời sống gia đình, để sao cho các mối quan hệ luôn được chăm chút, được tạo điều kiện thuận lợi và được chữa lành. Gia đình thật sự sống nhờ những tương quan tốt đẹp, nhờ những cái nhìn tích cực đối với nhau, nhờ sự quý mến và tin tưởng lẫn nhau, và nhờ sự quan tâm bảo vệ cho nhau. Từ bầu khí này cha mẹ mới có thể nhận định cách kỹ càng và quyết định đúng lúc để bảo vệ sự sống cho con cái. Điều này đúng cho mọi gia đình, không chỉ cho những gia đình đang sống trong những hoàn cảnh nguy hiểm cụ thể, mà còn cho cả những gia đình đang sống trong những điều kiện bề ngoài có vẻ an toàn hơn. Cha mẹ phải luôn lưu tâm tạo cuộc sống tốt đẹp cho con cái và bảo vệ chúng khỏi những cạm bẫy và nguy hiểm.

Thiên thần mời gọi thức tỉnh, nhận lấy, đem đi trốn … và phó thác trong khi lưu lại tại đất khách quê người cho tới khi Chúa báo lại. Thánh Giuse nhận lấy trách nhiệm và là nhân vật chính trong biến cố này, nhưng ngài không cảm thấy lẻ loi, bởi vì ngài tin tưởng vào Đấng quan phòng chăm lo cho cuộc sống của con người. Sự tin tưởng vào Thiên Chúa không miễn cho chúng ta khỏi phải suy nghĩ, đánh giá tình huống, và tiến tới quyết định, đúng hơn tin tưởng giúp ta sống được trong mọi hoàn cảnh mà không bao giờ phải thất vọng hay thoái thác. Thánh Giuse là con người tỉnh thức, có thể đối diện với mọi biến cố để bảo vệ sự sống cho người mẹ và con trẻ, nhưng đồng thời ngài cũng hành động với ý thức hoàn toàn Thiên Chúa phù trợ và bảo vệ thực sự.

2. Đem Con Trẻ và mẹ Người. Thánh Giuse vâng phục, đem Con Trẻ và mẹ Người tránh xa khỏi hoàn cảnh nguy hiểm. Vua Hêrôđê, lẽ ra phải là người bảo đảm sự sống cho dân của mình, nhưng thực tế lại trở thành kẻ bách hại mà người ta phải xa tránh. Ngày nay cũng vậy, gia đình gặp nhiều nguy hiểm và cạm bẫy lừa lọc: từ nào là đau khổ, đói nghèo, áp bức, và cả hoàn cảnh phải làm việc với nhịp độ quá tải, rồi đến một xã hội chạy theo chủ nghĩa tiêu thụ, với thái độ dửng dưng, tình cảnh bị bỏ rơi và cô đơn… Cả thế giới có thể tỏ ra như thù nghịch, đối thủ tấn công sự sống của những con người nhỏ bé nhất dưới nhiều hình thức khác nhau. Mỗi người cha người mẹ có trách nhiệm phải làm cho thế giới này nên dễ sống hơn cho con cái và phải cho chúng thấy rằng cuộc sống là tốt đẹp và đáng sống.

Những gì cha mẹ làm để chăm sóc con cái ở tuổi thơ ấu được thúc đẩy bởi lý do này, đó là: cha mẹ cảm thấy xót xa khi con khóc, họ đau đớn và làm mọi cách để cho con bớt đau đớn. Cha mẹ làm hết sức cho con cái để cuộc sống sao cho thật tốt đẹp, thật sự là một hồng ân, là phúc lành nhờ Danh Chúa. Ý nghĩa của hành trình sang Ai Cập là thế này: vượt qua đêm tối nhằm tìm kiếm một nơi an toàn để bảo vệ con trẻ khỏi những tấn công rình rập, khỏi bạo lực, nhưng mang lại niềm hy vọng, giúp giữ gìn một khái niệm tốt đẹp về Thiên Chúa và về cuộc sống.

Trong công trình này, người cha xem ra có vai trò hàng đầu: chính người cha là người phải tỉnh thức và khởi xướng. Thánh Giuse được giao phó coi sóc mẹ và con trẻ; ngài biết là phải đưa cả hai sang Ai Cập bình an. Thiên thần nhắc đến hai lần, “hãy đem Con Trẻ và mẹ Người”, và bản văn cũng lặp lại những lời này hai lần khác nữa. Những lời này vang lên như một lời khích lệ những người cha vượt qua những nghi ngại để tiến tới, lo chăm sóc con trẻ và người mẹ. Các ngành khoa học nhân văn ngày nay đang tái khám phá tầm quan trọng có tính quyết định của vai trò người cha trong sự phát triển toàn diện của con cái.

Bản văn Kinh Thánh gợi lên rằng người cha tìm thấy căn tính và vai trò của mình khi gìn giữ người mẹ, tức là khi chăm sóc mối tương quan của vợ chồng. Chúng ta biết rõ là sự hoà hợp giữa cha mẹ có vai trò quyết định trong việc bảo vệ, giữ gìn và khích lệ con cái như thế nào. Chúng ta cũng biết người đàn ông gặp khó khăn như thế nào khi phải bảo vệ người phụ nữ khỏi những đêm cô đơn, im lặng và không giao tiếp. Nếu nhìn kỹ, cả những điều này cũng là những mối nguy làm cho đời sống của con cái thêm khó khăn.

3. Trốn sang Ai Cập. Hành trình của một gia đình là: ra đi, rời khỏi vùng đất khắc nghiệt để đến một nơi dễ sống hơn, là đất nước Ai Cập, một thời vốn là vùng đất của cảnh trạng nô lệ và đau khổ, nhưng cũng là nơi Thiên Chúa mạc khải tình yêu thương đối với dân Israel của Ngài.

Đối với dân Israel, đất Ai cập gắn liền với nhiều ý nghĩa: đó là nơi Giacop và các con của ông được đón tiếp cư ngụ và trước đó nữa, nơi Giuse con của Giacop đã bị đem đến sau khi bị anh em bán. Đó là vùng đất mà dân Israel từng chịu cảnh nô lệ và cảm nghiệm được ơn giải thoát. Và cũng là vùng đất từng cưu mang chính Môsê và sau đó ông đã trốn thoát. Thiên thần kêu gọi thánh Giuse đến chính vùng đất đó để cứu thoát con trẻ, điều này như muốn nói rằng nhờ được viếng thăm trở lại và lưu trú trong hy vọng và tin tưởng mà ngay cả một nơi của chết chóc cũng có thể trở thành cái nôi cho sự sống. Nhưng để được như vậy cần phải can đảm trở lại đó và quyết định sống tại nơi khó khăn đó, nhờ tin tưởng vào Thiên Chúa của sự sống. Niềm tin vào Thiên Chúa có thể làm mới mọi sự và trả lại sức sống cho các gia đình.

Thánh Giuse lên đường “đang lúc ban đêm”. Trong đêm tối, không thấy gì cả, người ta như đui mù. Tuy nhiên người ta có thể lắng tai và nghe tiếng nói nâng đỡ, khích lệ mình. Có nhiều thứ “đêm tối” bao trùm trên đời sống gia đình: có những đêm tối đầy những giấc mơ, tốt có xấu có; có những đêm vợ chồng lần mò trong bóng tối khi mối tương quan giữa họ đang gặp khó khăn; những đêm tối vì con cái gặp khủng khoảng, chúng trở nên câm lặng, xa cách, hoặc bướng bỉnh và nổi loạn… như không thể chấp nhận được. Tất cả những đêm tối này – như trình thuật về việc trốn sang Ai cập cho chúng ta thấy – có thể vượt qua được và đưa con cái đến nơi an toàn khi người ta càng tin tưởng lắng nghe Lời của Chúa.

Cha mẹ cần bảo vệ con cái khỏi muôn vàn đêm tối của các mối quan hệ, của các vấn đề của chúng, và những đêm tối đôi khi rất đau đớn do chính chúng chọn lựa những điều sai trái. Đặc biệt vào những lúc này, người cha cần quan tâm chăm sóc con hơn, bảo đảm chắc chắn, dẫu cho cả khi người mẹ cảm thấy đau lòng, tìm được cho con một nơi nương náu. Nơi nương náu đó thường không phải là nơi nào khác ngoài tâm hồn của chính cha mẹ, nơi đó hình ảnh của đứa con không bao giờ suy suyển và cũng nơi đó cha mẹ tìm lại được sự kiên nhẫn và niềm hy vọng để tiếp tục yêu thương con.

Đức Giêsu sẽ chịu chết tại Giêrusalem, tại chính vùng đất mà Người từng được đem đi khỏi để tị nạn, và chết bởi chính bàn tay của cùng một thế lực mà trước kia cha mẹ Người đã cố bảo vệ cho Ngài. Trong cuộc sống gia đình, đến một lúc nào đó cha mẹ phải tự rút lui. Sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ của mình là đồng hành với con để giúp chúng nhận ra ơn gọi của mình, cha mẹ nên đứng sang một bên, để cho thánh ý Thiên Chúa được thể hiện. Gia đình không trường cửu, và sau khi đã giúp con cái nhận ra giá trị tốt đẹp của cuộc sống đã lãnh nhận, cha mẹ nên khích lệ con cái ra đi, và đi xa hơn nữa trên con đường cuộc đời của chúng. Cha mẹ biểu lộ sự khôn ngoan của mình qua sự hiện diện kín đáo, khi biết đứng sang một bên, điều đó không phải là bỏ mặc con cái, nhưng là một hình thức quý trọng và vun trồng tự do giúp chuẩn bị cho tương lai của thế giới.

Và cũng trong giấc mộng, thánh Giuse nhận ra là đã đến lúc phải đưa gia đình về lại đất Israel. Ngài cân nhắc, đánh giá hoàn cảnh và quyết định – nhờ một lời tiên tri nhiệm mầu soi sáng – lập cư tại Nadaret, nơi đó an toàn hơn ở vùng Giuđêa. Giấc mộng một lần nữa lại trở thành nơi mặc khải và chiến thắng sự thù địch và bạo lực mặc dù nó vô hình và gần như không chắc chắn, nhưng nó lại trở thành nơi phân định kỹ lưỡng và can đảm, có thể đánh bại được vũ khí hiển nhiên và chắc chắn nhất của quyền lực. Không gì có thể làm suy giảm sự quan phòng của Thiên Chúa, một sự quan phòng luôn có thể cứu giúp những ai tin tưởng thoát khỏi những tình huống khó khăn và nguy hiểm nhất. Thiên Chúa luôn hiện diện trong những đêm tối của gia đình chúng ta, và trong nơi kín ẩn và đôi khi tăm tối của các biến cố, Ngài dệt nên chương trình cứu độ của Ngài.

E. Lắng nghe Giáo huấn [của Giáo hội]

Số 18 của Tông huấn Familiaris Consortio trình bày một bức tranh sống động về “những đêm tối của gia đình” có thể đè nặng trên mọi lứa tuổi cũng như thời kỳ của đời sống con người. Tông huấn giúp cho mọi người trên thế giới, với trí khôn sáng suốt và con tim trắc ẩn, đọc được những khó khăn riêng của gia đình trong thời hiện tại. Thu thập những bận tâm mục vụ của các Nghị Phụ, Đức Gioan Phaolô II muốn Giáo Hội ưu ái lưu ý đến những đau khổ và lao nhọc mà đời sống gia đình đang phải chịu và hôm nay cũng kêu gọi các chủ chăn, thừa tác viên giáo dân, các gia đình, hãy làm phong phú thêm cái nhìn của Giáo Hội trên đoàn dân đông đảo như “đàn chiên không người chăn dắt”.

Nâng đỡ gia đình gặp khó khăn

Noi gương vị Mục Tử Nhân Lành, mọi người được kêu gọi dấn thân cách quảng đại, thông minh và khôn ngoan hơn nữa, vào mục vụ cho các gia đình – mà thường vì ngoài ý muốn hay bị áp lực bởi nhiều yếu tố khác nhau – vốn đang phải đối diện với những hoàn cảnh khó khăn khách quan […]

Những khó khăn khách quan như thế có thể kể ra, ví dụ như, những gia đình di trú vì lý do công ăn việc làm; gia đình có những người buộc phải vắng mặt lâu ngày, như quân nhân, những người đi biển, những người lữ hành thuộc mọi kiểu; gia đình của những tù nhân, của những người lưu vong, những người bị lưu đày; những gia đình sống bên lề xã hội trong các thành phố lớn; những gia đình lang thang không nhà; những gia đình chỉ có một cha hoặc mẹ; những gia đình có con bị tàn tật hay nghiện ngập ma tuý, rượu chè; những gia đình không còn giữ hay có nguy cơ mất nguồn gốc văn hoá, xã hội; những gia đình bị miệt thị vì lý do chính trị hay lý do khác; những gia đình nội bộ chia rẽ vì ý thức hệ; những gia đình không thể dễ dàng liên lạc với giáo xứ; những gia đình bị hành hung hay bị ngược đãi vì lý do đức tin; những gia đình của các cặp vợ chồng vị thành niên; những người già thường buộc phải sống trong cô đơn và thiếu các phương tiện sinh sống xứng đáng.

Những khó khăn khác mà gia đình cần đến cộng đoàn giáo hội và các chủ chăn giúp đỡ, có thể là: con cái ở tuổi thiếu niên năng động bướng bỉnh, có khi làm náo động; hôn nhân của chúng tách lìa chúng ra khỏi gia đình gốc; người thân thiếu thông cảm hay thiếu yêu thương; bị người bạn đời bỏ rơi hay phải chịu cảnh goá bụa, hay sự mất mát của một người thân làm thay đổi sâu sắc căn tính nguyên thuỷ của gia đình [Familiaris Consortio 18].

F. Những câu hỏi để thảo luận dành cho các đôi vợ chồng và theo nhóm

Những câu hỏi dành cho các đôi vợ chồng:

1. Đâu là những “thử thách” hiện tại của gia đình chúng ta? Chúng ta đối diện với chúng như thế nào?

2. Tôi là người đàn ông thế nào đối với người mẹ của các con tôi? Tôi là người phụ nữ thế nào đối với người cha của các con tôi? Chúng tôi là người cha người mẹ thế nào đối với các con của chúng tôi?

3. Làm sao để thăng tiến đôi vợ chồng chúng ta trong tin tưởng và hy vọng trước những hoàn cảnh khó khăn và đau khổ?

4. Chúng ta có thể thực hiện một quyết định nho nhỏ nào?

Những câu hỏi dành cho nhóm gia đình và cộng đoàn:

1. Đâu là những điều chính yếu đang đe dọa các gia đình trong nền văn hoá và xã hội chúng ta hiện nay ?

2. Chúng ta làm thế nào để cho thế giới dễ sống hơn đối với con cái chúng ta ?

3. Làm thế nào để giúp cộng đoàn chúng ta gia tăng niềm hy vọng vào tương lai ?

G. Một quyết tâm cho đời sống gia đình và xã hội

H. Cầu nguyện tự phát. Kinh Lạy Cha.

I. Bài hát kết thúc.

(Dịch từ bản tiếng Ý)

Lm Đa Minh Nguyễn Công Đắc

Nguồn: hdgmvietnam.org