Đại hội các gia đình thế giới 2012 – Bài giáo lý số 8: Ngày lễ: thời gian dành cho gia đình

Đại hội các gia đình thế giới 2012 tại Milano
“Gia Đình: công việc và ngày lễ”:

GIÁO LÝ CHUẨN BỊ

Bài 8: Ngày lễ: thời gian dành cho gia đình

A. Bài hát và lời chào mở đầu

B. Kinh Chúa Thánh Thần

C. Bài đọc Lời Chúa

1 Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất.

2 Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi.

3 Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người.

4 Đó là gốc tích trời đất khi được sáng tạo (St 2,1-4a).

8 Ngươi hãy nhớ ngày sabat, mà coi đó là ngày thánh. 9 Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. 10 Còn ngày thứ bảy là ngày sabat kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. 11 Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sabat và coi đó là ngày thánh (Xh 20,8-11).

D. Giáo lý Thánh Kinh

1. Ngày thứ bảy của tạo dựng. Con người tân thời tạo nên thời giờ rảnh rỗi và đánh mất ý nghĩa của ngày nghỉ lễ. Cần phải khôi phục ý nghĩa của ngày lễ, và đặc biệt của ngày Chúa nhật, như là “một thời gian cho con người”, đúng hơn là một “thời gian dành cho gia đình”. Tìm lại được trọng tâm của ngày nghỉ lễ là điều quyết định ngay cả để làm cho lao động mang tính nhân văn, để mang lại cho nó một ý nghĩa mà không giảm thiểu nó thành chỉ như một đáp ứng cho nhu cầu, nhưng là mở ra cho quan hệ và cho chia sẻ: với cộng đoàn, với tha nhân và với Thiên Chúa.

Ngày thứ bảy đối với người Kitô hữu là “ngày của Chúa”, vì đó là ngày mừng kính Đấng Phục sinh hiện diện sống động trong cộng đoàn Kitô hữu, trong gia đình và trong đời sống cá nhân. Đó là lễ vượt qua trong tuần. Ngày Chúa nhật không phá vỡ sự tiếp nối với ngày sabat Do thái, nhưng đúng hơn, hoàn tất nó. Như thế, để hiểu tính độc đáo của ngày Chúa nhật Kitô giáo, ta cần quy chiếu về ý nghĩa của giới răn ngày sabat. Để thánh hóa ngày nghỉ lễ, theo giới răn đó, dân Chúa cần phải dành một thời gian cho Thiên Chúa và cho con người. Trong Cựu ước có một mối liên hệ chặt chẽ giữa ngày thứ bảy của tạo dựng và luật thánh hóa ngày sabat. Giới răn ngày sabat, dành riêng một thời gian cho Thiên Chúa, cũng gìn giữ ý hướng của Ngài muốn tạo nên một thời gian dành cho con người.

Sau sáu ngày làm việc, ngày nghỉ lễ là sự hoàn tất công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Trong ngày thứ nhất Thiên Chúa thiết lập thước đo thời gian với sự đan xen ngày và đêm; vào ngày thứ tư Thiên Chúa tạo nên các vầng sáng, mặt trời, và mặt trăng, để chúng “làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm” (St 1,14), trong ngày thứ bảy Thiên Chúa “đã hoàn thành công việc Người làm” (St 2,2). Khởi đầu, trung tâm và kết thúc của tuần lễ tạo dựng được đánh dấu bởi thời gian, có đích đến trong ngày của Chúa. Ngày thứ bảy là thời gian nghỉ ngơi và thông truyền phúc lành cho toàn thể tạo thành. Nó không chỉ cắt ngang dòng sinh hoạt của con người, mà còn mang lại sự phong nhiêu vốn gắn liền với việc nghỉ ngơi của Thiên Chúa. Phụng tự và lễ mừng mang lại ý nghĩa cho thời gian của nhân loại. Nhờ phụng tự thời gian đưa con người vào hiệp thông với Thiên Chúa và Thiên Chúa bước vào lịch sử con người. Ngày thứ bảy gìn giữ thời gian cho con người, bảo vệ không gian của sự vô cầu và tương quan giữa người với người.

Ngày nghỉ lễ như là “thời gian rảnh rỗi” ngày nay được sống trong khung cảnh của “ngày cuối tuần” có khuynh hướng luôn nới rộng ra hơn nữa và mang tính tản mạn và lảng tránh. Thời gian cuối tuần, nhất là trong bầu khí kích động, làm cho ngày Chúa nhật thành ngột ngạt. Thay vì nghỉ ngơi, người ta chuộng giải trí, thoát khỏi thành phố, và điều đó ảnh hưởng đến gia đình, nhất là nếu có con cái độ tuổi thanh thiếu niên. Thật khó khăn gia đình mới có thể tìm được một thời gian sum vầy trong thanh bình và gần gũi. Ngày Chúa nhật mất đi chiều kích gia đình. Nó được người ta sống như là một thời gian riêng tư “cá nhân” hơn là “cộng đồng”. Thời gian rảnh rỗi thường trở nên một ngày “di động” và có nguy cơ không còn là một ngày nghỉ “tại chỗ”, để thích nghi với các đòi hỏi của công việc và tổ chức công việc.

Người ta không chỉ nghỉ ngơi để trở lại với công việc, mà để mừng lễ. Thật thích hợp lúc này hơn bao giờ hết gia đình cần khám phá lại ngày nghỉ lễ như là nơi để gặp gỡ Chúa và gần gũi nhau, bằng cách tạo ra bầu khí gia đình, nhất là, khi con cái còn nhỏ. Bẩu khí sống những năm đầu đời tại nhà cha mẹ vẫn được khắc ghi mãi trong ký ức của con người. Cũng như những hành vi đức tin vào ngày Chúa nhật và các ngày lễ hàng năm phải đánh dấu đời sống gia đình, trong nhà và trong việc tham gia vào đời sống cộng đoàn. Người ta nói rằng “không phải dân Do Thái giữ ngày sabat cho bằng ngày sabat giữ gìn dân Do thái”. Như thế, ngay cả ngày Chúa nhật Kitô giáo cũng gìn giữ gia đình và cộng đoàn Kitô hữu mừng lễ, bởi vì nó mở ra cho ta gặp gỡ mầu nhiệm thánh về Thiên Chúa và canh tân các tương quan gia đình.

2. Giới răn thánh hóa ngày sabat. Giới răn thứ ba của Thập giới nhắc lại cuộc giải phóng khỏi Ai Cập, là ơn tự do tạo thành dân Israel. Đây là một “dấu chỉ trường tồn” của giao ước giữa Thiên Chúa và con người, mà mọi sự sống kể cả sự sống loài vật đều tham dự vào. Trái đất (được nghỉ ngơi vào năm thứ bảy) và toàn thể tạo thành (nghỉ trong năm thánh toàn xá, năm sabat) cũng tham dự vào giao ước đó (Lv 25, 1-7.8-55). Vì thế, ngày sabat của Thập giới có một ý nghĩa xã hội và giải phóng. Giới răn này không chỉ liên hệ tới công trình tạo dựng mà còn với hành động cứu độ: “Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai Cập, và Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó… Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày sabat” (Đnl 5, 15). Công trình tạo dựng và tưởng niệm việc giải phóng nối kết với nhau. “Giữ ngày sabat” có nghĩa là thực hiện một cuộc “xuất hành” vì tự do của con người, vượt qua từ “kiếp nô lệ” đến “phục vụ”. Sáu ngày con người sẽ làm việc nhọc nhằn, nhưng ngày thứ bảy sẽ không còn việc lao dịch nữa để con người có thể phục vụ trong hân hoan tạ ơn và chúc tụng. Vì vậy ngày sabat giúp con người thoát ra khỏi tình trạng lao dịch/nô lệ để đưa vào tình trạng phục vụ/tự do.

Trong Phụng vụ có một lời nguyện tuyệt vời (Lời nguyện tiến lễ Chúa nhật XX) có thể giúp chúng ta tìm lại ngày nghỉ lễ như là sự hoàn tất công việc của con người: “Lạy Chúa, xin chấp nhận lễ vật của chúng con và thực hiện cuộc trao đổi mầu nhiệm này giữa phận nghèo hèn của chúng con và sự cao cả của Chúa: là cho chúng con đón nhận chính Chúa khi chúng con dâng tiến của lễ do Chúa tặng ban”. Bản văn gợi lên cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa sự nghèo nàn của chúng ta và sự cao cả của Thiên Chúa. Cuộc trao đổi này được thực hiện trong cuộc gặp gỡ giữa công việc và ngày nghỉ lễ, giữa chiều kích “hiệu năng” và chiều kích “vô cầu” của cuộc sống. Trong nhà và trong cộng đoàn Kitô hữu, gia đình sống niềm vui biến cuộc sống mọi ngày thành phụng vụ sống động. Trong kinh nguyện gia đình, đôi vợ chồng chuẩn bị và tỏa sáng phụng vụ sẽ được cử hành vào ngày lễ. Nếu con cái thấy cha mẹ mình cầu nguyện trước chúng và với chúng, chúng sẽ học cầu nguyện trong cộng đoàn Hội thánh.

3. Lời nguyện tiến lễ nhắc trên đây kết thúc như thế này: cho chúng con đón nhận chính Chúa để đổi lại (khi chúng con dâng tiến của lễ do Chúa tặng ban). Cầu xin Chúa không chỉ được sức khỏe, thanh bình, bình an trong gia đình, nhưng không gì hơn ngoài chính Người. Ý nghĩa của những nhọc nhằn vất vả ngày thường là biến công việc của chúng ta thành lễ vật tạ ơn, nhận biết những ơn lành Chúa đã tặng ban cho chúng ta: sự sống, người bạn đời, con cái, sức khỏe, việc làm, những vấp ngã và đứng dậy tiếp tục sống. Sự tự do Kitô hữu hệ tại ở việc giải phóng con người khỏi lao dịch và trong lao động, để con người trở nên tự do đối với Thiên Chúa và với người khác. Người ta, nam cũng như nữ, nhất là gia đình, phải đưa vào lối sống của mình ý nghĩa của ngày nghỉ lễ, làm sao để sống mà không chỉ như là chạy theo mưu sinh, nhưng còn là như cộng đoàn gặp gỡ.

Gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân là trọng tâm của ngày nghỉ lễ. Bàn tiệc của ngày Chúa nhật, ở tại nhà và với cộng đoàn, khác với bàn ăn ngày thường. Bàn ăn mỗi ngày phục vụ cho nhu cầu sinh tồn, bàn tiệc của ngày Chúa nhật để sống niềm vui gặp gỡ. Bàn tiệc ngày lễ là thời gian cho Thiên Chúa, là không gian để lắng nghe và hiệp thông, sẵn sàng thực hành thờ phượng và bác ái. Việc mừng lễ và phục vụ là hai hình thức căn bản của lề luật, qua đó người ta tôn vinh Thiên Chúa và đón nhận ơn lành yêu thương của Ngài. Khi chúng ta thờ phượng Thiên Chúa, Ngài thông truyền cho chúng ta tình yêu thương của Ngài cách vô điều kiện. Khi phục vụ, ơn chúng ta nhận được trở thành tình yêu được chia sẻ và được sống với người khác. Ngày của Chúa còn phải trở thành một ngày của con người! Nếu tiếp cận ngày nghỉ lễ theo cách đó, thì gia đình có thể sống ngày nghỉ lễ như là ngày “của Chúa”.

E. Lắng nghe Giáo huấn [của Giáo hội]

Gia đình mà biết tạm ngưng dòng thời gian liên tục và dừng chân để cảm mến tưởng niệm những ơn lành Chúa đã ban cho, là tập bước vào sự nghỉ ngơi của Chúa. Gia đình được mời gọi nghỉ ngơi trong Chúa biết định hướng lại những ngày sống tản mạn hướng đến ngày của tạ ơn. Gia đình biết biến những chờ đợi của mỗi ngày thành sự mong đợi duy nhất Ngày của Chúa. Gia đình trở về như người phong được chữa lành để tạ ơn Chúa vì Ngài đã cứu độ mọi người. Cầu khẩn liên lỉ gia đình làm ngắn lại thời gian chờ đợi ngày thứ tám, ngày mà Đấng Phu quân đã hứa với Hiền thê: “Vâng, anh đến ngay đây!” Amen. Xin hãy đến, lạy Chúa Giêsu (Kh 22, 20).

Ngươi hãy nhớ ngày sabat

Giới luật Thập giới qua đó Thiên Chúa buộc giữ ngày sabat, trong Sách Xuất hành, có một công thức đặc trưng: “Ngươi hãy nhớ ngày sabat mà coi đó là ngày thánh” (20,8). Và hơn thế nữa, bản văn linh hứng còn cho nó một lý do khi nhắc lại công trình của Thiên Chúa: “Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sabat và coi đó là ngày thánh” (c.11). Trước khi buộc một điều gì đó, giới luật ra một dấu gì đó để ghi nhớ. Luật mời gọi hãy tỉnh thức tưởng nhớ đến những công trình lớn lao và nền tảng của Thiên Chúa, đó là tạo thành. Sự tưởng niệm ấy làm sống động toàn thể đời sống đạo của con người, để rồi qui về ngày mà con người được kêu gọi nghỉ ngơi. Như thế, sự nghỉ ngơi mang một giá trị thánh thiêng tiêu biểu: người tín hữu được mời gọi nghỉ ngơi không chỉ như Thiên Chúa nghỉ ngơi, mà còn nghỉ ngơi trong Chúa, qui về Người mọi công trình tạo dựng, với tâm tình ca ngợi, tạ ơn, trong tình thân mật con thảo và trong tình bạn phu thê.

Đề tài “nhắc nhớ” về những kỳ công Chúa đã thực hiện, liên quan đến ngày nghỉ lễ sabat, cũng xuất hiện trong sách Đệ Nhị Luật (5,12-15), trong đó nền tảng của điều luật không được lấy từ trong công trình tạo dựng cho bằng trong công trình giải phóng của Thiên Chúa trong cuộc Xuất hành: “Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai Cập, và Đức Chúa, Thiên Chúa Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó. Bởi vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày sabat” (Đnl 5,15). Công thức này xem ra như bổ túc cho công thức trước đây: nếu được cùng xem xét, chúng cho thấy ý nghĩa của “ngày của Chúa” bên trong một nhãn giới thống nhất của thần học tạo dựng và cứu độ. Như vậy, nội dung của điều luật trước hết không phải là ngưng làm việc, mà là mừng những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện.

Trong phạm vi sống sự “tưởng niệm” này, đầy tâm tình tạ ơn và ca ngợi Thiên Chúa, sự nghỉ ngơi của con người, trong ngày của Chúa, mới mang ý nghĩa đầy đủ. Với tinh thần đó, con người bước vào sự “nghỉ ngơi” của Thiên Chúa và tham dự vào đó một cách sâu xa, đồng thời có thể cảm thấy một sự rung động vui sướng mà chính Đấng Tạo hóa đã cảm thấy sau khi tạo dựng, Ngài thấy mọi sự Ngài làm ra “đều rất tốt đẹp” (St 1,31). [Tông Thư Dies Domini (Ngày của Chúa), 16t.]

F. Những câu hỏi để thảo luận dành cho các đôi vợ chồng và theo nhóm

Những câu hỏi dành cho các đôi vợ chồng:

1. Chúng ta sống phong cách ngày Chúa nhật như thế nào ở trong gia đình chúng ta?

2. Ngày Chúa nhật của chúng ta có đúng là một ngày “nghỉ ngơi trong Chúa” không?

3. Đối với Kinh Thánh ngày nghỉ lễ là thời gian của sự tự do nội tâm, lắng nghe nhau và sống tình thân gia đình: bầu khí trong nhà chúng ta trong ngày Chúa nhật như thế nào?

4. Gặp gỡ Chúa và tha nhân là trọng tâm của ngày nghỉ lễ: ngày Chúa nhật của chúng ta có thực sự qui tâm về việc mừng Chúa và dành thời gian dành cho những người khác không?

Những câu hỏi dành cho nhóm gia đình và cộng đoàn:

1. Những lối sống ngày nghỉ lễ và thời gian rảnh rỗi trong xã hội hiện nay như thế nào?

2. Các cộng đoàn Kitô hữu đề nghị những kinh nghiệm nào để sống ngày Chúa nhật như là thời gian dành cho Chúa và cho những người khác?

3. Giáo xứ và các cộng đoàn Hội thánh có giúp người ta “giữ ngày Chúa nhật” không? Có thể đưa ra những sáng kiến nào để thực hiện ?

4. Việc cử hành ngày Chúa nhật có thể trở thành “bụi gai bốc cháy” giúp tìm lại ý nghĩa về Thiên Chúa như thế nào?

G. Một quyết tâm cho đời sống gia đình và xã hội

H. Cầu nguyện tự phát. Kinh Lạy Cha.

I. Bài hát kết thúc.

(Dịch từ bản tiếng Ý)

Gioakim Trương Đình Giai

Nguồn: hdgmvietnam.org