Đại hội các gia đình thế giới 2012 – Bài giáo lý số 1: Huyền nhiệm Nadaret

Đại hội các gia đình thế giới 2012 tại Milano
“Gia Đình: công việc và ngày lễ”:

GIÁO LÝ CHUẨN BỊ

Bài 1: Huyền nhiệm Nadaret

A. Bài hát và lời chào mở đầu

B. Kinh Chúa Thánh Thần

C. Bài đọc Lời Chúa

11 Người đến giữa người nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.

12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. (Ga 1,11-12).

40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua.

51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. 52 Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta. (Lc 2,40-41.51-52).

D. Giáo lý Kinh thánh

1. Người đến giữa người nhà mình. Tại sao gia đình phải chọn một lối sống? Ngày nay gia đình làm việc và nghỉ lễ theo lối mới như thế nào? Hai đoạn Kinh Thánh mô tả cách Chúa Giêsu đã đến giữa chúng ta (Ga 1,11-12) và đã sống trong một gia đình nhân loại (Lc 2,40-41.51-52).

Đoạn Kinh thánh đầu giới thiệu cho chúng ta Chúa Giêsu đang ở giữa người nhà của mình: “Người đến giữa người nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận Người, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa”. Lời vĩnh cửu xuất phát từ cung lòng Chúa Cha, đến giữa người nhà mình và ở trong một gia đình nhân loại. Dân Thiên Chúa, đáng lẽ rộng lòng đón tiếp Lời, lại tỏ ra khô khan hờ hững. Người nhà không đón nhận Người, mà còn xoá đi vị trí trung tâm của Người. Mầu nhiệm Đức Giêsu Nadaret bị khước từ được định vị ngay tại trọng tâm cuộc viếng thăm của Người giữa chúng ta. Còn những ai đón nhận Người, “thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa”. Dưới chân thập giá Thánh Gioan chứng kiến những gì mà ngài công bố trong phần khởi đầu sách Tin Mừng của ngài được thực hiện. Đức Giêsu, “khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh” (Ga 19,26) trao cho mẹ người con mới và giao phó mẹ mình cho người môn đệ yêu quý. Tác giả Tin mừng còn thêm: “và từ lúc ấy môn đệ đón bà về nhà mình” (19,27). Đây là “lối sống” mà Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta để đến giữa chúng ta: một lối sống có khả năng tiếp đón và sinh sôi nảy nở.

Chúa Giêsu đòi hỏi gia đình phải là nơi tiếp đón và truyền sinh sự sống cách sung mãn. Gia đình không những ban cho sự sống thể lý, mà còn mở ra cho lời hứa và niềm vui. Gia đình trở nên có khả năng “tiếp đón” nếu biết giữ sự thân mật riêng tư, lịch sử của từng người, các truyền thống gia đình, niềm tin tưởng cuộc sống, niềm trông cậy vào Chúa. Gia đình trở nên có khả năng “truyền sinh” khi chuyển thông những ơn đã lãnh nhận, khi giữ được nhịp nhàng trong cuộc sống hằng ngày giữa làm việc và nghỉ ngơi, giữa yêu thương và bác ái, giữa bổn phận và tự nguyện trao ban. Đây là ơn phúc nhận được trong gia đình: bảo vệ và chuyển thông sự sống, nơi vợ chồng và nơi con cái.

Gia đình có nhịp điệu riêng, giống như nhịp đập của trái tim; là nơi của nghỉ ngơi và đà vươn tới, nơi đến và đi, nơi của an bình và mơ mộng, của dịu dàng và trách nhiệm. Vợ chồng phải xây dựng hoà khí trước khi những đứa con ra đời. Công việc không thể làm cho nhà cửa hoang vắng, gia đình phải học cách sống và nối kết thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Gia đình thường xuyên phải đối phó với những áp lực bên ngoài không cho phép lựa chọn điều lý tưởng, nhưng các môn đệ của Chúa là những người, sống trong những tình huống cụ thể, biết thêm hương vị cho tất cả mọi thứ, ngay cả những gì không thể thay đổi được: họ là muối đất. Đặc biệt, ngày Chúa nhật nên là thời gian dành cho niềm tin, sự thoải mái, gặp gỡ, nghỉ ngơi, và chia sẻ. Chúa nhật là thời điểm gặp gỡ giữa người nam và người nữ. Hơn hết, ngày Chúa nhật là Ngày của Chúa, là thời gian cầu nguyện, thời gian dành cho Lời Chúa, Thánh Thể, mở rộng ra với cộng đoàn và việc bác ái. Và vì thế ngay cả các ngày trong tuần cũng sẽ nhận được ánh sáng từ ngày Chúa nhật và nghỉ lễ: ít tản mát và gặp gỡ sẽ nhiều hơn, bớt hối hả và đối thoại nhiều hơn, ít bận tâm đến vật này việc kia nhưng hiện diện với nhau nhiều hơn. Một bước đầu tiên theo hướng này là xem chúng ta đang sống trong nhà như thế nào, chúng ta làm gì trong tổ ấm của chúng ta. Cần quan sát nơi ở của chúng ta như thế nào và xem xét cách ăn lối ở của chúng ta, những lựa chọn chúng ta đã thực hiện, những ước mơ mà chúng ta đã vun trồng, những đau khổ chúng ta đang sống, những đấu tranh chúng đang cầm cự, những hy vọng chúng ta đang nuôi dưỡng.

2. Huyền nhiệm Nadaret. Trong ngôi làng miền Galilê này, Chúa Giêsu sống thời gian dài nhất của cuộc đời mình. Chúa Giêsu trở thành người: rong ruổi nhiều năm trải qua nhiều kinh nghiệm của con người để cứu độ tất cả: Người trở thành một người trong chúng ta, bước vào trong một gia đình nhân loại, sống ba mươi năm trong thầm lặng tuyệt đối và ba mươi năm ấy trở thành một mạc khải của mầu nhiệm khiêm hạ Nadaret.

Câu điệp khúc mở đầu đoạn văn phác hoạ một vài nét về “huyền nhiệm Nadaret”. Đó là nơi để lớn lên trong khôn ngoan và ân sủng của Thiên Chúa, trong khung cảnh của một gia đình tiếp đón và truyền sinh. “Con trẻ lớn lên và thêm sức mạnh, đầy khôn ngoan và ân sủng Thiên Chúa”. Huyền nhiệm Nadaret nói với chúng ta cách đơn giản rằng Chúa Giêsu, Lời đến từ trên cao, Con của Chúa Cha, mặc lấy bản tính nhân loại của chúng ta, trở thành trẻ thơ, rồi lớn lên như một cậu bé trong một gia đình, sống kinh nghiệm tôn giáo và lề luật, cuộc sống hàng ngày đánh dấu bởi những ngày làm việc và nghỉ ngơi ngày sabat, và các ngày lễ. “Con Đấng Tối Cao” mặc lấy những đau khổ của thân phận mỏng dòn và nghèo hèn, được dẫn dắt bởi các mục tử và những người bày tỏ niềm hy vọng của Israel. Tuy nhiên, huyền nhiệm Nadaret, còn hơn thế nhiều: đó là một bí nhiệm đã hấp dẫn các vị thánh lớn, như Têrêsa Lisieux và Charles de Foucauld.

Thật vậy, câu điệp khúc kết thúc đoạn văn này nói rằng Chúa Giêsu “đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadaret và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và loài người”. Đây là mầu nhiệm sâu thẳm của Nadaret: Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa, đã dìm mình trong bản tính nhân loại chúng ta ba mươi năm. Những lời nói của con người, những mối quan hệ gia đình, kinh nghiệm về tình bằng hữu và xung đột, về sức khỏe và bệnh tật, về niềm vui và nỗi đau đã trở nên ngôn ngữ mà Chúa Giêsu học để nói Lời Thiên Chúa. Những lời nói của Chúa Giêsu, những hình ảnh, những khả năng Người có khi nhìn ngắm các cánh đồng, người nông dân đang gieo hạt, mùa lúa chín vàng, người đàn bà nhào bột, người chăn chiên bị lạc mất con chiên, người cha có hai con trai, từ đâu đến, nếu không phải từ gia đình và môi trường của Nadaret. Chúa Giêsu đã học được ở đâu khả năng tuyệt vời để kể chuyện, tưởng tượng, so sánh bằng ẩn dụ, cầu nguyện trong cuộc sống và bằng cuộc sống? Những điều đó không phải là do Chúa Giêsu dìm mình trong cuộc sống ở làng Nadaret sao? Bởi thế chúng ta nói rằng Nadaret là nơi của sự khiêm hạ và ẩn mình. Lời ẩn dật, hạt giống rơi xuống lòng đất rồi chết đi để đem lại quà tặng là chính tình yêu Thiên Chúa, ngay cả dung nhan từ phụ của Thiên Chúa. Đây chính là huyền nhiệm của Nadaret.

3. Những mối quan hệ gia đình. Chúa Giêsu sống trong một gia đình được in dấu ấn truyền thống đạo đức Do thái và sự trung thành giữ lề luật: “Hằng năm cha mẹ Người lên Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Chúa Giêsu được mười hai tuổi, họ đã đi lên đó theo phong tục của ngày lễ này”. Gia đình và lề luật là bối cảnh mà Chúa Giêsu đã lớn lên trong sự khôn ngoan và ơn sủng. Gia đình Do Thái và tôn giáo Do Thái giáo, một gia đình theo phụ hệ và một tín ngưỡng gia truyền, với các lễ mừng hằng năm, với ý nghĩa của ngày Sabat, với kinh nguyện và công việc hàng ngày, với phong cách của một tình yêu vợ chồng thuần khiết và dịu dàng, tất cả làm cho ta hiểu được Chúa Giêsu đã sống kinh nghiệm sâu xa về gia đình mình như thế nào.

Chúng ta cũng lớn lên trong một gia đình nhân loại, bên trong những mối quan hệ tiếp đón làm chúng ta phát triển và đáp ứng với cuộc sống và với Thiên Chúa. Chúng ta cũng trở thành những gì chúng ta đã nhận lãnh. Huyền nhiệm Nadaret là tập hợp của tất cả mối quan hệ này: gia đình và truyền thống tôn giáo, nguồn gốc của chúng ta và những người thân của chúng ta, cuộc sống hằng ngày và những ước mơ cho ngày mai. Cuộc phiêu lưu của đời sống con người xuất phát từ những gì chúng ta đã nhận được: sự sống, gia đình, tình yêu, ngôn ngữ, đức tin. Bản tính nhân loại của chúng ta được trui rèn từ một gia đình cụ thể với sự giàu có và nghèo khó của gia đình ấy.

E. Lắng nghe Giáo huấn [của Giáo hội]

Đời sống gia đình mang nơi mình một phong cách độc đáo, mới mẻ, sáng tạo để sống và hưởng nếm giữa vợ chồng và để chuyển thông cho con cái sao cho thế giới được biến đổi. Lối sống Tin mừng trong đời sống gia đình ảnh hưởng bên trong cũng như bên ngoài Giáo hội, bằng cách chiếu toả đặc sủng bí tích hôn nhân, điều răn mới về tình yêu Chúa và tha nhân. Như một gợi ý, Tông huấn Gia đình Familiaris Consortio số 64 khuyến khích chúng ta tái khám phá một diện mạo thân thuộc của Giáo Hội bằng việc tiếp nhận “một lối sống các mối quan hệ cách nhân bản và huynh đệ hơn”.

Lối sống Tin mừng trong đời sống gia đình

Được sinh động và nâng đỡ bởi điều răn mới yêu thương, gia đình Kitô hữu đón tiếp, tôn trọng, phục vụ mọi người, luôn nhìn mọi người theo phẩm giá của họ như là nhân vị và là con cái Thiên Chúa.

Điều này trước tiên phải được sống từ bên trong gia đình và nhờ đôi vợ chồng, nhờ nỗ lực dấn thân hằng ngày nhằm thăng tiến một cộng đoàn đích thực các nhân vị, đặt nền tảng và được nuôi dưỡng bởi sự hiệp thông bên trong của tình yêu. Kế đến, điều này phải được phát triển trong môi trường rộng lớn hơn của cộng đồng Giáo Hội, là nơi gia đình Kitô hữu hội nhập vào: nhờ đức ái của gia đình, Giáo Hội có thể và phải mặc lấy chiều kích gia đình hơn, nghĩa là thân thiết hơn, bằng cách áp dụng một lối sống các mối quan hệ nhân bản và huynh đệ hơn.

Đức ái đi xa hơn biên giới chỉ giữa những anh em thực sự trong đức tin, bởi vì “mọi người là anh em tôi”; nơi mỗi người, nhất là người nghèo hèn, yếu đuối, đau khổ và bị đối xử bất công, đức ái biết khám phá ra gương mặt của Chúa Kitô và người anh em để yêu thương và phục vụ.

Để cho việc phục vụ con người được gia đình sống theo phong cách Tin mừng, cần chăm chút thực hiện những gì Công đồng Vaticanô II viết: “Để việc thực thi bác ái đó vượt lên trên mọi nghi ngờ và biểu lộ được là bác ái đích thực, cần phải nhìn thấy nơi tha nhân hình ảnh của Thiên Chúa, vì họ đã được dựng nên theo hình ảnh Ngài, và khi ta giúp cho người túng thiếu điều gì thì cũng là giúp cho chính Chúa Kitô điều ấy” (AA 8). [Familiaris Consortio, 64].

F. Những câu hỏi để thảo luận dành cho các đôi vợ chồng và theo nhóm

Những câu hỏi dành cho các đôi vợ chồng:

1. Gia đình chúng ta có là nơi đón tiếp và truyền sinh sự sống cách sung mãn trên các bình diện nhân bản và Kitô giáo không?

2. Chúng ta có những quyết định/chọn lựa nào để gia đình trở thành nơi tăng trưởng trong khôn ngoan và ân sủng của Thiên Chúa?

3. Những mẫu quan hệ nào trong gia đình, về tình cảm, về tôn giáo, bổ ích giúp tăng trưởng vợ chồng và con cái?

Những câu hỏi dành cho nhóm gia đình và cộng đoàn:

1. Có những lối sống mới nào dành cho gia đình ngày nay giữa công việc và nghỉ lễ?

2. Những lựa chọn và tiêu chuẩn nào hướng dẫn cuộc sống hằng ngày của chúng ta?

3. Ta phải đối diện với những khó khăn nào về mặt truyền thông và xã hội khi làm cho gia đình trở nên là nơi phát triển nhân bản và Kitô giáo?

4. Ta gặp phải những khó khăn về văn hoá nào khi thông truyền những mô hình sống tốt và sống đức tin?

G. Một quyết tâm cho đời sống gia đình và xã hội

H. Cầu nguyện tự phát. Kinh Lạy Cha.

I. Bài hát kết thúc.

(Dịch từ bản tiếng Ý)

Lm Đaminh Nguyễn Công Đắc
Nguồn: hdgmvietnam.org