Đại hội các gia đình thế giới 2012 – Bài giáo lý số 4: Gia đình linh hồn của xã hội

Đại hội các gia đình thế giới 2012 tại Milano
“Gia Đình: công việc và ngày lễ”:

GIÁO LÝ CHUẨN BỊ

Bài 4: Gia đình linh hồn của xã hội

A. Bài hát và lời chào mở đầu

B. Kinh Chúa Thánh Thần

C. Bài đọc Lời Chúa

5,43 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.

6,1 “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. 2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, 4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 5,43 – 6,4).

D. Giáo lý Kinh Thánh

1. Anh em đã nghe Luật dạy rằng… còn Thầy, Thầy bảo anh em. Tại sao giáo dục con cái chúng ta sống quảng đại, có thái độ tiếp đón, có lòng biết ơn, tinh thần phục vụ, tình liên đới, sống hòa bình, và tất cả các đức tính xã hội, thật quan trọng cho phẩm chất con người trong cuộc sống? Người ta rút ra được từ đó điều gì có lợi? Có lẽ không thêm tiền của, uy tín, an sinh. Tuy nhiên chỉ khi lo vun trồng các đức tính này con người mới có được một tương lai trên mặt đất này. Các đức tính đó tăng trưởng là nhờ có những người, như các bậc cha mẹ, kiên trì giáo dục những thế hệ mới đạt tới sự thiện. Sứ điệp Kitô giáo khích lệ chúng ta hướng tới một cái gì đó vĩ đại hơn, đẹp đẽ hơn, phiêu lưu hơn và hứa hẹn nhiều hơn. Đó là nhân tính của gia đình, nhờ chút ánh sáng thần linh hiện diện trong đó mà ngay cả tội lỗi cũng không lấy đi được, có thể đổi mới xã hội theo kế hoạch của Đấng Tạo Thành. Tình yêu Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta bước vào con đường biết yêu thương người thù địch, con đường hiến thân cho người không quen biết, quảng đại đi xa hơn những gì phải làm. Gia đình tham dự vào sự quảng đại tràn đầy của Thiên Chúa chúng ta: vì thế người ta có thể ngắm nhìn xa hơn và có thể có một niềm vui sống lớn hơn, một niềm hy vọng mạnh mẽ hơn, can đảm lớn hơn trong những chọn lựa.

Có nhiều lời của Chúa Giêsu được ghi lại trong các Phúc Âm soi sáng cho đời sống gia đình. Ngoài ra, sự hiểu biết khôn ngoan của Chúa Giêsu về cuộc sống con người được lớn lên nhờ bầu khí gia đình trong đó Người đã sống phần lớn cuộc đời mình. Chính trong gia đình Người đã học biết sống bao nhiêu thứ tình cảm, đã cảm nghiệm được sự đón tiếp, sự dịu hiền, sự tha thứ, sự quảng đại, sự tận tụy. Trong gia dình của mình, Người đã nhận thấy rằng cho đi thì hơn là đòi chiếm hữu, tha thứ thay cho trả thù, trao hiến thì hơn là giữ lại cho mình, chấp nhận tiêu hao đi mà không giữ lại sự sống của riêng mình. Việc loan báo Nước Trời của Chúa Giêsu phát sinh trong kinh nghiệm gia đình trực tiếp và Người xây dựng mọi mối tương quan, khởi đi từ chính những tương quan gia đình, trong khi soi sáng những tương quan đó bằng một ánh sáng mới và trải rộng chúng ra vượt quá biên giới của luật cũ. Chúa Giêsu kêu mời chúng ta vượt qua nhãn giới ích kỷ của các liên hệ gia đình và xã hội, để mở rộng tình cảm ra vượt quá vòng chật hẹp của gia đình riêng của mình, để trở nên men công chính cho đời sống xã hội.

Gia đình là trường học đầu tiên dạy về tình cảm, là chiếc nôi của sự sống con người nơi đó con người có thể đối diện với sự ác và vượt qua. Gia đình là một nguồn mạch quí hóa của sự thiện trao ban cho xã hội. Gia đình là hạt giống từ đó nảy sinh ra những gia đình khác được mời gọi để làm cho thế giới nên tốt đẹp hơn. Thế nhưng, những mối liên hệ gia đình có thể cản trở việc phát triển vai trò xã hội của tình cảm. Điều này xảy ra khi gia đình chiếm hữu cho mình mọi nguồn lực, khép kín với lối suy nghĩ chỉ quanh quẩn trong vòng gia đình mình mà không góp một di sản nào cho tương lai của xã hội.

Chúa Giêsu muốn giải thoát các cặp vợ chồng và gia đình khỏi cám dỗ đóng kín vào chính mình: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình… Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu?” Với những lời có tính cách mạng này, Chúa Giêsu nhắc các thính giả của mình về cái họa ảnh Thiên Chúa “thuở xưa”, mời gọi họ hiến thân mình cho tha nhân theo đường lối của Thiên Chúa, không lo âu sợ hãi, vượt trên những tính toán và bảo đảm lợi lộc riêng tư.

Những người nghe Chúa Giêsu ngỡ ngàng khi Người dạy làm sao có thể con cái nên giống Chúa Cha trên trời. Người lôi chúng ta ra khỏi sự chây lười buông xuôi và ích kỉ, và Người nói với chúng ta một cách mạnh mẽ rằng hãy yêu thương kẻ thù địch và cầu nguyện cho kẻ bách hại chúng ta, điều này ở trong tầm tay của chúng ta. Người nói chúng ta có thể loại bỏ bạo lực khỏi con tim của mình khi ta tha thứ cho những người xúc phạm đến mình. Người nói sự quảng đại của chúng ta có thể vượt qua kiểu suy nghĩ chỉ biết tính toán đổi chác thôi.

2. Anh em mới là con của Cha anh em, Đấng ngự trên trời. Chúa Giêsu đòi hỏi cách sống đặc biệt này và như thế Người mặc khải rằng con người được tạo dựng để dành cho những điều cao cả này. Người tỏ lộ trong giáo huấn là các gia đình, trong ý định của Thiên Chúa, có thể hiến dâng sống theo con đường yêu thương của Người.

Trong gia đình chúng ta được dạy để biết nói “cám ơn” và “xin vui lòng”, được dạy để trở nên quảng đại và sẵn sàng phục vụ, sẵn sàng nhường những gì mình sở hữu cho người khác, lưu tâm tới những nhu cầu và cảm xúc của người khác, và nhìn tới những nỗi vất vả và khó khăn của những người thân cận mình. Trong những hành động nhỏ nhặt của đời sống thường ngày con cái học biết thiết lập những tương quan tốt đẹp với người khác và học sống chia sẻ. Vun trồng những đức tính cá nhân là bước đầu tiên để đi tới việc giáo dục các đức tính xã hội. Trong gia đình người ta dạy cho trẻ con biết cho mượn đồ chơi của chúng, biết giúp bạn ở trường, biết xin một cách lịch sự nhã nhặn, không xúc phạm tới người yếu kém, và biết quảng đại để làm ơn giúp đỡ. Bởi thế, người lớn cố gắng nêu gương biết sống quan tâm, tận tụy, quảng đại, vị tha. Như thế gia đình trở nên nơi đầu tiên để ta học biết ý nghĩa đích thật về sự công bằng, liên đới, thanh bạch, đơn sơ, lương thiện, chân thật và ngay thẳng, cùng với sự say mê tìm hiểu lịch sử con người và xã hội.

Cha mẹ, như Giuse và Maria, ngạc nhiên khi thấy con cái của mình chững chạc trước thế giới người lớn, khi chúng tỏ ra có khả năng làm thầy dạy cho cả người lớn: “Hai ông bà tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng hết sức ngạc nhiên về trí thông minh và sự đối đáp của cậu” (Lc 2, 46-47). Cũng như gia đình Nadaret, mỗi gia đình qua con cái của mình trao ban cho xã hội gia sản nhân loại mà mình đã sống, gồm cả khả năng biết yêu thương thù địch, khả năng tha thứ không nuôi thù oán, khả năng biết vui mừng với những thành công của người khác, khả năng trao ban nhiều hơn cả điều người khác xin ta…

Thật ra, cả trong gia đình cũng có những chia rẽ và xâu xé, cả trong gia đình cũng nảy sinh những thù địch, và thù địch đây có thể là người bạn đời, là cha hay mẹ, là con, là anh hay chị, em … Thế nhưng, trong gia đình người ta yêu thương nhau, người ta thành thực ước muốn điều tốt cho người khác, người ta đau khổ khi có ai đó đau ốm, cả khi người này sống như “thù địch”, người ta cầu nguyện cho những ai làm mất lòng mình, người ta sẵn sàng từ bỏ những tư hữu của riêng mình miễn sao cho người kia được hạnh phúc, người ta hiểu rằng sự sống thật tươi đẹp khi hi sinh cho người khác.

Gia đình là “tế bào thứ nhất và sống động của xã hội” (Familiaris Consortio 42), bởi vì trong gia đình người ta học biết mối liên hệ với người khác quan trọng như thế nào. Trong gia đình người ta nhận thấy năng lực của tình cảm không thể bị đóng kín “giữa nội bộ” mà thôi, nhưng phải nhằm tới một chân trời rộng lớn hơn của đời sống xã hội. Nếu chỉ được sống trong khung cảnh của gia đình nhỏ bé, tình cảm ấy sẽ dần trở nên nhàm chán, và thay vì làm lan tỏa ra hơi thở của mình, sau cùng gia đình sẽ bị nghẹt thở. Cuộc sống của gia đình được triển nở nhờ mở rộng những mối liên hệ và tình cảm ra bên ngoài, nếu không, con người sẽ bị đóng kín lại như ở trong chuồng làm ta chết mòn.

3. Cha của anh… thấu suốt những gì kín đáo. Các mối liên hệ và tình cảm gia đình sẽ được bảo vệ tốt hơn hơn khi người ta sống tốt và quảng đại với các gia đình khác, khi biết quan tâm tới các nỗi đau của họ, tới các vấn đề con cái của họ cho dù có khác với con cái của chúng ta. Gia đình càng mở ra với xã hội, càng biết quan tâm và trợ giúp nhu cầu của người khác, mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, giữa chồng với vợ, càng tốt đẹp. Bằng cách đó, gia đình có được những động lực để chu toàn nhiệm vụ xã hội của mình, đồng thời trở nên nền tảng và nguồn lực chính yếu của xã hội. Khả năng yêu thương có được thường vượt qua những nhu cầu của gia đình riêng của mình. Vợ chồng trở nên sẵn sàng phục vụ và giáo dục các thanh thiếu niên khác, ngoài con cái mình: như thế, các cha mẹ trở nên những người cha và người mẹ của nhiều người.

“Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”: sự hoàn thiện hay trọn lành đem các gia đình hướng tới gần Chúa Cha là Đấng ngự trên trời. Đó là một đời sống hiến dâng xa hơn, bên ngoài khung cảnh gia đình, là một dấu vết của tình yêu tràn đầy mà Thiên Chúa đổ xuống trên các thụ tạo.

Bao nhiêu gia đình mở cửa gia đình mình để đón tiếp, lo lắng giúp đỡ những người khó nghèo và gặp tai ương, hoặc chỉ là gõ cửa nhà bên cạnh để hỏi xem họ có cần giúp gì không, hoặc trao tặng một cái áo còn tốt để làm quà, hoặc cho các bạn học của con mình trọ nhà để cùng học và làm bài… Hoặc nữa, đón nhận một đứa trẻ không có gia đình, giúp các gia đình chỉ còn một ông bố hay một bà mẹ giữ được bầu khí ấm áp của gia đình, người ta hợp lực để nâng đỡ các gia đình khác trong muôn vàn khó khăn ngày nay, bằng cách dạy cho con cái biết nâng đỡ hỗ trợ với người khác biệt chúng ta về chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo. Như vậy, thế giới này được nên đẹp hơn và đáng cư ngụ hơn cho tất cả mọi người và toàn thể xã hội được lợi thêm phẩm chất cuộc sống.

Không phải ngẫu nhiên mà đoạn Phúc Âm, sau khi nhắc nhở tới sự trọn lành, lại nói về vấn đề bố thí làm phúc. Đó là điều mà trong thời đại xa xưa, trong một nền kinh tế tự lập, như là một cách thế để phân bổ lại các nguồn lợi tức, một hình thức cụ thể thực hành sự công bình xã hội. Chúa Giêsu khuyên nhủ chúng ta đừng tìm cách để người khác nhìn nhận mình, như thể lợi dụng người nghèo để làm cho mình được tăng uy tín, nhưng hãy hành động cách kín đáo. Trong nơi kín ẩn của tâm hồn cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa xác nhận căn tính riêng của người con, rất giống Chúa Cha; một mục tiêu cao cả, bề ngoài xem ra không thể đạt tới được, mà cuộc sống trong gia đình làm cho nó nên gần gũi hơn.

E. Lắng nghe Giáo huấn [của Giáo hội]

Gia đình ban tặng cho xã hội món quà quí giá của tình yêu vô điều kiện, được khoác bộ áo của sự dịu hiền, lòng nhân hậu, sự phục vụ, tính vô vị lợi và sự kính trọng lẫn nhau. Hơn nữa, như đoạn sau đây của Tông huấn Familiaris Consortio cho thấy, giáo huấn của Giáo hội luôn nhằm làm sáng tỏ làm thế nào gia đình, ngoài việc trở nên trường học dạy sống các tình cảm, cũng là “trường học đầu tiên dạy các nhân đức xã hội”. Quả thế, gia đình có một chiều kích công cộng riêng và độc đáo, ảnh hưởng tích cực trên hoạt động xã hội và sự bền vững của các mối liên kết xã hội.

Nhiệm vụ xã hội của gia đình

Gia đình có những mối liên kết sống động và hữu cơ với xã hội, bởi vì gia đình là nền tảng và là nguồn cung ứng lương thực không ngưng nghỉ cho xã hội nhờ bổn phận phục vụ sự sống của nó. Quả thế, từ gia đình sinh ra các công dân và trong gia đình các công dân này tìm được trường học đầu tiên dạy cho họ các đức tính xã hội, là linh hồn của cuộc sống và của sự phát triển của chính xã hội. Như thế, do chính bản tính và ơn gọi của mình, thay vì đóng kín vào chính mình, gia đình mở ra với các gia đình khác và với xã hội, khi đảm nhận trách vụ xã hội của mình. Chính kinh nghiệm về hiệp thông và tham dự, những điều phải là đặc tính của cuộc sống hằng ngày của gia đình, là sự đóng góp đầu tiên và căn bản của gia đình cho xã hội. Các mối liên hệ giữa các phần tử trong cộng đoàn gia đình được gợi hứng và được hướng dẫn bởi luật về “sự vô cầu” (gratuità), khi tôn trọng và cổ vũ phẩm giá con người nơi tất cả và mỗi người như là tước hiệu của giá trị duy nhất. Luật sống đó biến thành sự tiếp đón chân thành, những gặp gỡ và đối thoại, tinh thần sẵn sàng giúp đỡ không vụ lợi, phục vụ quảng đại, liên đới sâu xa (Familiaris Consortio, 42).

F. Những câu hỏi để thảo luận dành cho các đôi vợ chồng và theo nhóm

Những câu hỏi dành cho các đôi vợ chồng:

1. Đâu là những giá trị mà con cái chúng ta học hỏi được từ cách sống của chúng ta?

2. Gia đình chúng ta đã chú ý thế nào với đời sống xã hội?

3. Đâu là sự trợ giúp của chúng ta dành cho người nghèo và người túng thiếu?

Những câu hỏi dành cho nhóm gia đình và cộng đồng:

1. Đâu là những nhu cầu khẩn thiết nhất trong cộng đoàn của chúng ta?

2. Chúng ta có thể làm gì cho những người đang túng thiếu?

3. Đâu là những gia đình chúng ta có thể giúp đỡ? và làm thế nào để giúp đỡ?

G. Một quyết tâm cho đời sống gia đình và xã hội

H. Cầu nguyện tự phát. Kinh Lạy Cha.

I. Bài hát kết thúc.

(Dịch từ bản tiếng Ý)

ĐÔ Phanxicô B. Trần Văn Khả

Nguồn: hdgmvietnam.org