Đại hội các gia đình thế giới 2012 – Bài giáo lý số 6: Công việc: nguồn sống đối với gia đình

Đại hội các gia đình thế giới 2012 tại Milano
“Gia Đình: công việc và ngày lễ”:

GIÁO LÝ CHUẨN BỊ

Bài 6: Công việc: nguồn sống đối với gia đình

A. Bài hát và lời chào mở đầu

B. Kinh Chúa Thánh Thần

C. Bài đọc Lời Chúa

10 Tìm đâu ra một người vợ đảm đang?
Nàng quý giá vượt xa châu ngọc.

11 Chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng,
chàng sẽ chẳng thiếu chi lợi lộc.

12 Suốt đời, nàng đem lại hạnh phúc
chứ không gây tai hoạ cho chồng.

13 Nàng tìm kiếm len và vải gai,
rồi vui vẻ ra tay làm việc.

14 Giống như những thương thuyền,
nàng đem lương thực về từ tận phương xa.

15 Nàng thức dậy khi trời còn tối,
cung cấp phần ăn cho cả nhà, và sai bảo con ăn đứa ở.

16 Nàng để mắt đến một thửa ruộng và tậu lấy;
nàng dùng huê lợi đôi tay mình làm ra
mà canh tác một vườn nho.

17 Nàng thắt lưng cho chặt,
luyện cánh tay cho mạnh mẽ dẻo dai.

18 Nàng thấy công việc sinh nhiều lợi nhuận,
đèn trong nhà thắp sáng thâu đêm.

19 Nàng tra tay vào guồng kéo sợi,
và cầm chắc suốt chỉ trong tay.

20 Nàng rộng tay giúp người nghèo khổ
và đưa tay cứu kẻ khốn cùng.

21 Nàng không sợ người nhà bị lạnh vì tuyết sương,
bởi cả nhà đều được mặc hai áo.

22 Nàng tự tay làm lấy chăn mền,
nàng mặc toàn vải gai, vải tía.

23 Chồng nàng được tiếng thơm nơi cổng thành
khi ngồi chung với hàng kỳ mục trong dân.

24 Nàng dệt vải đem bán,
cung cấp dây lưng cho nhà buôn.

25 Trang phục của nàng là quyền uy danh giá,
nàng mỉm cười khi nghĩ đến tương lai.

26 Nàng khôn ngoan trong lời ăn tiếng nói
và dịu hiền khi dạy dỗ bảo ban.

27 Nàng để mắt trông nom mọi việc trong nhà,
bánh nàng ăn là do mồ hôi nước mắt nàng làm ra,

28 con nàng đứng lên ca tụng nàng có phúc,
chồng nàng cũng tấm tắc ngợi khen:

29 “Có nhiều cô đảm đang,
nhưng em còn trổi trang gấp bội.”

30 Duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân.
Người phụ nữ kính sợ Ðức Chúa
mới đáng cho người đời ca tụng.

31 Hãy để cho nàng hưởng những thành quả tay nàng làm ra.
Ước chi nơi cổng thành nàng luôn được tán dương ca tụng
do những việc nàng làm. (Cn, 31,10-31)

D. Giáo lý Thánh Kinh

1. Tìm đâu ra một người phụ nữ đảm đang? Theo mô tả của sách Châm ngôn, hoạt động của người phụ nữ mang một giá trị quan trọng hàng đầu trong kinh tế gia đình. Người phụ nữ, là khuôn mặt của sự khôn ngoan nhân loại và thần linh, qua công việc của mình thể hiện thiên tài sáng tạo của cả nhân loại. Thật vậy, các phẩm chất được gán cho người phụ nữ, có thể có giá trị đối với mọi người được mời gọi ý thức trách nhiệm đối với gia đình và công việc.

Mô tả này là chân dung của người phụ nữ lý tưởng sống các mối tương quan tốt đẹp ở giữa gia đình. Trong Israel, tin tưởng vào tài khéo tổ chức công ăn việc làm của người vợ, người chồng có thể toàn tâm theo nghề quan tòa, vốn là vai trò thuộc về những người đàn ông khôn ngoan, bình thường họ là những người lớn tuổi đã đắc thủ được sự khôn ngoan theo thời gian.

Phân chia nhiệm vụ như thế giữa việc nội trợ và việc nghề nghiệp cho thấy rõ tầm quan trọng của việc người chồng và người vợ nhất trí chung khi lên kế hoạch công việc của cả hai. Mỗi người được kêu mời làm hết sức mình để người kia có thể thể hiện tài năng của mình tốt hơn. Đến lượt mình, xã hội phải trợ giúp gia đình hết mức để các đôi vợ chồng có thể chọn lựa công việc của mình một cách tự do và có trách nhiệm. Con cái cũng vậy, cùng với người chồng, ca ngợi người mẹ, tán dương các ơn thiên phú của bà. Với những nét hẳn rất lý tưởng, bức tranh gia đình này được đưa ra như một khuôn mẫu từ đó có thể rút ra cảm hứng và hứng khởi. Gia đình mẫu mực sống trong sự kính sợ Chúa và đặt niềm tin tưởng vào Ngài. Sự thịnh vượng mà gia đình thụ hưởng, được nhìn nhận như là ơn Chúa ban, được gìn giữ và nâng cao giá trị nhờ làm việc siêng năng hằng ngày.

Người phụ nữ cảm thấy trách nhiệm được giao và cố gắng hết sức để sống phù hợp với bổn phận được yêu cầu. Qua thái độ của mình, người phụ nữ mời gọi mọi người không chỉ chịu trách nhiệm về hành động của mình, mà còn biết quan tâm đến các thành viên khác trong gia đình và lưu tâm đến đời sống xã hội góp phần vào công ích. Các ơn huệ và tài năng thiên phú riêng vừa là một trách nhiệm đối với Chúa vừa là trách nhiệm đối với tha nhân. Tư tưởng này tương ứng với dụ ngôn các nén bạc được trao cho mỗi người để sinh lợi (x. Mt 25,14-30).

2. Nàng thức dậy khi trời còn tối. Việc người phụ nữ thức khuya dậy sớm vì công việc nói lên một lòng hăng say loại trừ mọi hình thức lười biếng. Sự siêng năng của người phụ nữ, không hề chểnh mảng, sau cùng được nhấn mạnh trong bản văn và được ghi nhận rằng nàng “để mắt trông nom mọi việc trong nhà và không ăn thứ bánh không bởi mồ hôi nước mắt nàng làm ra”. Mọi người được mời gọi biết tỉnh thức luôn để không sa chước cám dỗ làm biếng, xem nhẹ trách nhiệm riêng của bản thân và lơ là nhiệm vụ.

Chân dung người phụ nữ lý tưởng, không chút lười biếng, là hình ảnh tiêu biểu của những ai không sợ lao nhọc và hy sinh vì biết rằng việc mình bỏ sức ra không uổng công nhưng mang một ý nghĩa. Thật vậy, với công việc của mình, người ấy chu cấp cho nhu cầu của gia đình mình và ngay cả có thể trợ giúp người nghèo và người hành khất.

Tấm gương này, luôn mang tính thời sự, chất vấn đời sống gia đình. Trong các trách nhiệm của gia đình cũng có trách nhiệm mở lòng ra trước nhu cầu của kẻ khác dù ở xa hay gần. Sự quan tâm đến người nghèo là một trong những hình thức yêu thương tha nhân đẹp nhất mà gia đình có thể sống. Ý thức việc làm của mình giúp đỡ được ai đó đang sống trong thiếu thốn, thêm sức cho ta dấn thân và nâng đỡ khi ta mệt mỏi. Mặt khác, khi cho người túng thiếu, chia sẻ với người nghèo những tài nguyên mình có tức là nhìn nhận rằng tất cả mọi sự mà chúng ta đã đón nhận đều là hồng ân, và ở cội rễ của mọi sự thịnh vượng ta đang có dẫu sao cũng là bởi ơn Chúa, chúng ta không thể khư khư giữ lại cho mình, mà cần phải chia sẻ với kẻ khác. Với thái độ như thế người ta làm thăng tiến công bình xã hội và góp phần vào công ích, phủ nhận một thái độ sống ích kỷ chỉ biết chiếm hữu của cải và dửng dưng đối với ích chung.

3. Nàng khôn ngoan trong lời ăn tiếng nói. Một phẩm chất đặc biệt của gia đình lý tưởng là không ngồi lê đôi mách. Người ta nói với nhau về điều gì ở trong gia đình? Đâu là nội dung của các cuộc nói chuyện? Nét duyên dáng của người phụ nữ như mô tả trong sách Châm ngôn cũng có được là do nàng biết “khôn ngoan trong lời ăn tiếng nói và dịu hiền khi dạy dỗ bảo ban”. Nhiệm vụ của cha mẹ là dạy dỗ con cái thực thi điều thiện và tránh điều ác và cuối cùng là yêu chuộng giới răn yêu thương Thiên Chúa và tha nhân. Cuộc sống xứng hợp của cha mẹ củng cố và làm cho giáo huấn của họ trở nên xác thực, nhất là khi liên quan đến thực thi điều thiện và sống yêu thương. Mẫu gương của người sống điều mình dạy vẫn mãi có giá trị, và nhất là ngày nay, vẫn giữ được tất cả hiệu quả không thể sánh được của nó.

Truyền thông ngày nay thường bị bóp méo. Người ta nói nhiều và gởi những thông điệp hời hợt, thiếu trách nhiệm về những hậu quả của điều mình nói. Người có trách nhiệm thường tìm kiếm sự thật về các sự kiện và nói về điều mình xác tín. Sự khôn ngoan trong Kinh Thánh kêu gọi ta tránh dối trá và những lời nói vô bổ. Gia đình Kitô hữu, lắng nghe Lời Chúa, có trách nhiệm lớn lao làm chứng cho Lời Chúa một cách trung thành, tránh để Lời Chúa bị bóp nghẹt bởi nhiều lời vô ích.

Trong một xã hội mà truyền thông bị bóp méo và dối trá là nguyên nhân của biết bao đau khổ và ngộ nhận, gia đình có thể trở nên bối cảnh thuận lợi cho việc giáo dục sự chân thành và sự thật. Biết chấp nhận những sai lầm của mình, xin tha thứ và mang lấy trách nhiệm của mình một cách phù hợp, là một lối sống hoàn toàn không tự phát, đó là điều cần dạy cho con cái ngay từ tuổi thơ ấu nhất.

Khôn ngoan trong lời ăn tiếng nói, người phụ nữ lý tưởng “dịu hiền khi dạy dỗ bảo ban’. Sự khôn ngoan của lời ăn tiếng nói hệ tại ở chỗ lên tiếng bảo vệ sự thiện, tránh những lời nói chỉ có tính chỉ trích làm hủy hoại cuộc đối thoại trong gia đình. Để đạt mục đích đó, phải lắng nghe Lời Chúa, để một khi phẩm chất của truyền thông được soi sáng và nên phong phú, đời sống gia đình được phúc âm hóa hơn.

4. Tin tưởng nàng nghĩ đến tương lai. Đời sống gia đình, và đời sống của người phụ nữ trong gia đình, không dễ dàng và không ở trong tầm tay, như được mô tả rất lý tưởng trong sách Châm ngôn. Chẳng hạn, như người nữ buộc phải làm việc gấp đôi cả trong và ngoài nhà. Các đôi vợ chồng nếu, chẳng hạn như, biết chia sẻ với nhau nhiệm vụ gia đình và cộng tác với nhau trong những việc nhà, đó là điều hết sức quan trọng có tính quyết định, cả về phương diện thực tế lẫn tình cảm. Ngày nay sự hiện diện của ông bà trở nên thật quý giá biết bao đối với nhiều gia đình, thế nhưng có thể có nguy cơ đóng góp của họ đối với gia đình được nhìn nhận quá ít và bị bóc lột thái quá.

Sự duyên dáng của người phụ nữ trong tin tưởng hướng đến tương lai, tức sống hy vọng về tương lai, là hết sức thời sự. Ngay trong những lao nhọc hằng ngày, nhiều gia đình nên như một dấu chỉ hy vọng đích thực đối với xã hội chúng ta. Đức trông cậy bắt nguồn từ lòng tin tưởng vào Chúa Quan phòng.

Đối với mỗi người vợ và người mẹ ta phải có bổn phận bày tỏ lòng hết sức biết ơn. Sách Châm ngôn lưu ý: “Hãy tỏ lòng biết ơn họ về thành quả do tay họ làm nên”. Công việc nội trợ trông nom nhà cửa, giáo dục con cái, giúp đỡ người già và người đau yếu, có một giá trị xã hội cao hơn nhiều nghề nghiệp lao động với lương cao. Ta phải biết ơn và đánh giá xứng đáng sự đóng góp không thể thay thế được của người phụ nữ vào việc đào tạo gia đình và phát triển xã hội.

Gia đình là bối cảnh cho việc rèn luyện nhiều nhân đức, và cũng là trường dạy biết ơn cha mẹ đã dấn thân quảng đại vô cầu và yêu thương. Học biết nói lời “cám ơn” trân trọng là điều thật cần thiết.

“Ơn huệ và trách nhiệm” là một cặp nhân tố trong đó công việc của gia đình và của mỗi người trong gia đình gắn liền với nhau. Mọi người được mời gọi nhận ra các ơn huệ mình đón nhận từ Chúa, và sẵn sàng dùng những ơn riêng của mình mà phục vụ người khác và quí trọng những ơn riêng của người khác. Mỗi người có trách nhiệm đối với cuộc sống của người khác. Nhờ lao động, mỗi người mang thiện ích đến cho mọi người trong gia đình và cũng có thể góp phần giúp đỡ ai đang thiếu thốn. Sống như thế, tình cảm và mối liên hệ gia đình được trải rộng đến mức có thể nhận thấy nơi mỗi người nam và mỗi người nữ là anh chị em, tất cả đều là con cái cùng một Cha trên trời.

E. Lắng nghe Giáo huấn [của Giáo hội]

Công việc là một nguồn lợi cho gia đình theo hai nghĩa, trước hết nó là một nguồn nuôi sống và phát triển gia đình, và đồng thời đó cũng là nơi thực thi sự liên đới giữa các gia đình và giữa các thế hệ với nhau. Giáo huấn của Giáo hội gợi ý liên kết công việc với gia đình. Ngoài ra, làm sao ta có thể hình dung ra được một mô hình phát triển nào đó không có gia đình mà lại có thể mang lại hoa trái, và qua các chọn lựa riêng phong nhiêu có thể định hướng cho những phát triển về sau?

Thông điệp Laborem Exercens đề nghị liên kết công việc với gia đình và nhắc chúng ta nhớ rằng “gia đình vừa là một cộng đoàn được hiện thực hóa nhờ lao động và là trường lao động nội bộ đầu tiên cho mỗi người” [Laborem Exercens, 10].

Công việc và gia đình

Lao động là căn bản để hình thành cuộc sống gia đình, và cuộc sống gia đình vốn là một quyền tự nhiên và là một ơn gọi của con người. Cả hai phạm trù giá trị – một nối kết với lao động, còn phạm trù kia tương hợp với tính cách gia đình của đời sống con người – cần phải kết hợp với nhau một cách đúng đắn, và một cách đúng đắn thẩm thấu lẫn nhau. Lao động theo một cách nào đó là điều kiện để có thể xây dựng một gia đình, vì để xây dựng gia đình người ta cần phải có những phương tiện sinh sống, mà theo cách tự nhiên con người có được là nhờ làm việc. Làm việc và siêng năng làm việc cũng là điều kiện cho mọi tiến trình giáo dục trong gia đình, chính vì lý do là: mỗi người “trở thành người”, ngoài những yếu tố khác, còn phải qua làm việc, và việc trở thành người diễn tả đúng mục tiêu chính yếu của mọi quá trình giáo dục. Dĩ nhiên, theo một nghĩa nào đó, ở đây có liên hệ đến hai phương diện của lao động: phương diện tạo điều kiện cho sự sống và duy trì cuộc sống gia đình, và phương diện nhờ đó thực hiện được các mục đích của chính gia đình, nhất là giáo dục. Tuy nhiên hai mục đích này liên kết với nhau và bổ túc cho nhau về nhiều mặt.

Nói chung cần phải nhớ và xác định rằng gia đình là một trong những tiêu chí tham chiếu quan trọng nhất, và trật tự đạo đức – xã hội của lao động cần phải được thiết lập theo đó. Giáo lý của Hội thánh luôn dành một sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề này, và chúng ta sẽ còn phải trở lại với đề tài đó trong văn kiện này. Thật vậy, gia đình vừa là một cộng đoàn được hiện thực hóa nhờ lao động và là trường lao động nội bộ đầu tiên cho mỗi người. [Laborem Exercens, 10]

F. Những câu hỏi để thảo luận dành cho các đôi vợ chồng và theo nhóm

Những câu hỏi dành cho các đôi vợ chồng:

1. Chúng ta có cảm tạ Chúa vì Ngài đã ban cho ta công việc làm để nuôi sống gia đình chúng ta không?

2. Nơi chúng ta, con người lao động và ơn gọi làm vợ chồng và làm cha mẹ tương quan với nhau như thế nào?

3. Việc nhà và chăm sóc con cái có được chia sẻ bởi cả hai người không?

Những câu hỏi dành cho nhóm gia đình và cộng đoàn:

1. Trong thế giới lao động có tồn tại những phân biệt bất công giữa người nam và người nữ, giữa người nữ độc thân và người nữ đã lập gia đình không?

2. Gia đình, trường học, giáo xứ có vai trò giáo dục nào trong việc đào tạo giới trẻ về giá trị của lao động và về trách nhiệm xã hội?

3. Làm thế nào khôi phục lại tình liên đới trong thế giới lao động ngày nay? Giáo hội có thể giúp đỡ thế nào?

G. Một quyết tâm cho đời sống gia đình và xã hội

H. Cầu nguyện tự phát. Kinh Lạy Cha.

I. Bài hát kết thúc.

(Dịch từ bản tiếng Ý)

Gioakim Trương Đình Giai

Nguồn: hdgmvietnam.org