Cuộc đời luôn có đau khổ và hạnh phúc. Hai trạng thái này luôn đan quyện vào một đời người. Con người vốn dĩ sợ đau khổ và mong tìm hạnh phúc. Thế nhưng đau khổ lại cứ bám riết lấy đời người, còn hạnh phúc lại thật mong manh.
Phật Thích Ca khi nhìn vào cuộc đời chỉ thấy toàn là bể khổ. Sinh – bệnh – lão – tử dường như là định mệnh bể khổ dành cho con người. Phật Thích Ca đã đưa ra một con đường giải thoát chúng sinh khỏi bể khổ. Đó là con đường diệt dục. Diệt mọi lòng ham muốn mới mong tìm được hạnh phúc.
Biết bao nhà lãnh tụ các quốc gia luôn nỗ lực hạn chế nỗi khổ và gia tăng niềm vui hạnh phúc cho người dân.
Phải chăng là một nghịch lý khi Đức Giêsu đề nghị ta hãy đi vào đau khổ? Phải chăng Ngài chỉ muốn các tín đồ của Ngài sống trong đau khổ?
Nhìn vào cuộc đời của Chúa, đó là một cuộc đời đi vào đau khổ. Từ trời cao Ngài đã đi vào dòng đời trong thân phận con người. Sinh ra trong thân phận thấp hèn, nghèo khó, thuộc giai cấp cùng đinh và hòa lẫn trong giới lao động cùng khổ. Ngài đến trần gian không nhằm mục đích xóa bỏ đau khổ mà là hiện diện cùng với những con người đau khổ. Suốt 30 năm sống đời ẩn dật trong một xóm nghèo lao động. Phải chăng Ngài đã phí thời gian khi ở với gia đình, khi cùng với cha mẹ lao động để kiếm sống như bao con người khác? Tại sao Ngài đã làm phép lạ hóa bánh nuôi trên năm ngàn người ăn mà lại phải chắt chiu từng hạt cơm, chén mắm từ công thợ khi có khi không?
Bài Phúc âm hôm nay còn cho thấy, khi danh tiếng Ngài đã vang dội khắp nơi. Uy tín Ngài đã bao trùm mọi nơi. Khi mọi người chỉ còn chờ Ngài đi vào thành Giêrusalem là họ sẽ tung hô Ngài làm vua để giải thoát dân khỏi cảnh đói khổ lầm than. Thế mà Ngài lại nói đến đau khổ và sự chết. Ngài còn đòi hỏi các môn sinh của mình phải từ bỏ danh lợi thú để đi vào con đường thập giá, con đường mà nhiều người đang muốn vượt ra, nay Ngài lại mời gọi đi vào.
Tuy nhiên, con đường Chúa Giêsu đi không dừng lại ở đau khổ và sự chết. Nếu kết thúc cuộc đời của Ngài chỉ dừng lại ở bi kịch thập giá thì cửa mồ của sự chết sẽ khép lại toàn bộ sự nghiệp của Ngài đã vun trồng. Ngài đã đi qua đau khổ để tiến tới vinh quang. Ngài đã đi qua sự chết để mở ra cánh cửa phục sinh vinh hiển. Giá trị đau khổ Ngài chịu đã đem lại niềm vui cứu độ cho toàn thể nhận loại. Sự chết của Ngài đã khai mở cánh cửa thiên đàng cho tất cả những ai tín trung theo Ngài.
Con đường Chúa Giêsu đã đi không phải là con đường trải thảm rộng thênh thang. Đó là con đường hẹp và đầy chông gai. Con đường từ bỏ hằng ngày. Từ bỏ thiên tính của mình để hòa nhập với khối đông của nhân loại. Từ bỏ quyền lợi của mình để phục vụ lợi ích nhân loại. Từ bỏ những tiện nghi vật chất để sống rầy đây mai đó, để thi ân giáng phúc cho tha nhân. Đó là con đường Ngài mời gọi chúng ta. Hãy từ bỏ lòng tự cao tự đại để sống hòa đồng với anh em. Hãy từ bỏ lòng tham của danh lợi thú để sống thanh khiết và công bình bác ái với tha nhân. Từ bỏ đòi hỏi hy sinh. Hy sinh bản thân để đem lại niềm vui cho tha nhân. Hy sinh thời giờ để phục vụ anh chị em chung quanh. Từ bỏ và hy sinh không làm cho ta bé nhỏ đi nhưng được lớn lên và trưởng thành hơn. Một người trưởng thành là một người biết hy sinh và nhường nhịn cho người nhỏ hơn. Một người được gọi là trưởng thành là người dám lãnh lấy trách nhiệm với gia đình và với xã hội.
Thế nên, sợ hãi đau khổ là sợ hãi trách nhiệm. Trốn chạy đau khổ là trốn tránh trách nhiệm. Kẻ sợ hãi trách nhiệm đó là người vô dụng, và người trốn tránh trách nhiệm chỉ là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Là người kytô hữu, Chúa mời gọi chúng ta vác lấy thập giá hằng ngày của mình mà theo Chúa. Thập giá ở đây là chính bổn phận và trách nhiệm trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Người chồng và người vợ phải có bổn phận và trách nhiệm quan tâm, lo lắng và đem lại hạnh phúc cho nhau. Người cha và người mẹ phải có bổn phận và trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ con cái nên người. Con cái phải có bổn phận thảo hiếu, kính yêu và vâng lời cha mẹ, đồng thời cũng biết chia sẻ trách nhiệm với gia đình trong khả năng và sức lực của mình.
Nếu mỗi người đều biết chu toàn bổn phận của mình một cách ý thức và trách nhiệm là chúng ta đang trồng cây hạnh phúc ở giữa gia đình và xã hội mà chúng ta đang sống. Thập giá của bổn phận sẽ không còn là nỗi khổ mà là niềm vui, vì chúng ta đang cống hiến tài sức và trí tuệ của mình để đem lại hạnh phúc cho gia đình và xã hội. Ngược lại, nếu chúng ta bỏ bê và thiếu trách nhiệm trong bổn phận là chúng ta đang hủy diệt cây hạnh phúc và trồng cây Thập giá đau khổ cho gia đình cũng như xã hội.
Xin Chúa giúp chúng con biết noi gương bắt chước Chúa luôn can đảm đón nhận thập giá của bổn phận hằng ngày đối với Chúa và tha nhân. Cho dẫu có chịu nhiều thiệt thòi mất mát khi phải chu toàn bổn phận với Chúa và tha nhân, vì “được lời lãi cả thế gian, chết mất linh hồn nào ích gì? Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền