Dấu Lạ Đầu Tiên

Chúa Nhật II Thường Niên, năm C
(Is.62, 1-5; 1Cor.12, 4-11; 3, 4-7; Ga.2, 1-11)

cana1Kitô hữu ngày nay dễ dàng biết rằng Đức Giêsu có thể làm phép lạ hóa nước thành rượu thượng hảo hạng, vì Ngài là Thiên Chúa nhập thể; tuy nhiên những người đồng dự tiệc với Đức Giêsu không hiểu được như vậy. Vì vậy, biến cố Đức Giêsu làm dấu lạ đầu tiên này đã tác động mạnh mẽ trên những người biết sự việc này. Qua dấu lạ này, người ta và các môn đệ của Đức Giêsu nhận ra Ngài là một con người rất đặc biệt, Ngài là người của Thiên Chúa, là Đấng Thiên Chúa sai đến.“Vạn sự khởi đầu nan”. Đức Giêsu bắt đầu sự nghiệp bằng việc rao giảng. Không biết Ngài rao giảng có thành công hơn những thầy dạy khác trong dân Do Thái không? Tin mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu làm phép lạ hóa nước thành rượu theo sự thỉnh cầu của Đức Mẹ. Tin Mừng Gioan cho thấy Đức Maria là người đầu tiên hy vọng vào Đức Giêsu, tin vào Đức Giêsu! Người ta tin vào Đức Giêsu sau khi thấy dấu lạ Ngài làm, còn Đức Maria tin vào Đức Giêsu trước cả khi Đức Giêsu làm phép lạ. Đức Maria cũng là người biết Đức Giêsu hơn ai khác: Mẹ dám ngỏ lời nhắc nhở Đức Giêsu: “họ hết rượu rồi”.

Đức Maria rất tế nhị, Mẹ biết điều làm cho đôi tân hôn bối rối và không biết giải quyết làm sao. Mẹ biết nếu Đức Giêsu biết điều này, Đức Giêsu có thể làm một cái gì đó cho họ; và Mẹ đã không thất vọng. Qua sự kiện này, chúng ta thấy Đức Mẹ hiểu Đức Giêsu đến độ nào! “Ngài nói sao, các anh cứ làm như vậy”. Đức Giêsu đã can thiệp như Mẹ tiên đoán. Thật là đúng khi các Kitô hữu tôn Mẹ là Mẹ Hằng Cứu Giúp, vì ngày xưa Mẹ đã biết, và đã tế nhị can thiệp với Thiên Chúa cho con người, thì nay Mẹ cũng vẫn làm như vậy.

“Qua dấu lạ này, các môn đệ đã tin vào Ngài” (Ga.2, 11). Các môn đệ của Đức giêsu tin Đức Yêsu là ai? Chắc chắn không phải các môn đệ tin rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể vì lúc đó mầu nhiệm cao siêu này chưa được con người nhận rõ. Có lẽ các môn đệ tin Đức Giêsu là Người từ Thiên Chúa, Người của Thiên Chúa, là Đấng Thiên Chúa sai đến để yêu thương và giúp đỡ dân. Cho dù người ta có biết có ý thức hay không, Đức giêsu vẫn là Thiên Chúa nhập thể. Thế nhưng, điều này các môn đệ chưa ý thức, chưa biết được vào thời điểm đó. Đức Giêsu cũng là người phải khơi dậy và củng cố đức tin của các môn đệ đối với Ngài. Sau này Ngài hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Con Người là ai?…. Còn anh em, anh em bảo thầy là ai?” (Mt.16, 16).

Đức tin của các môn đệ đối với Đức Giêsu mỗi ngày một lớn dần, nhưng không phải là đồng đều đối với tất cả mọi người. Một số môn đệ khi nghe Đức Giêsu giảng dạy nhiều điều khó nghe, đã bỏ Đức Giêsu không theo Ngài nữa: ”Lời này chướng quá, ai nghe cho nổi……Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Đức Giêsu nữa” (Ga.6, 60.66). Khủng hoảng đức tin vào Đức Giêsu lên tột đỉnh với biến cố Đức Giêsu bị treo thập giá, nhưng với biến cố Phục Sinh và những lần hiện ra cho các tông đồ, các môn đệ Đức giêsu tin vào Đức Giêsu mãnh liệt hơn, và biết Ngài là ai rõ ràng hơn sau biến cố Phục Sinh.

Với tác động của Thánh Thần, các tông đồ nhận ra chân tướng của Đức Giêsu: Người thuộc hoàn toàn về Thiên Chúa đến độ có thể nói Ngài là Thiên Chúa nhập thể, Ngài là Thiên Chúa. Cũng với tác động của Thánh Thần, các tông đồ nhận ra Thánh Thần là ai, sau khi đã nhận ra Đức Giêsu là ai, sau khi nhớ lại những gì Đức Giêsu đã nói với họ (Ga.14, 16.26; 15, 26; 16, 13). Thánh Thần là quyền năng của Thiên Chúa; Ngài biến đổi lòng người, Ngài giúp con người tin vào Đức Giêsu.

Theo thánh Phaolô, Thánh Thần làm sinh động Hội Thánh qua những ân sủng của Ngài. Tất cả những gì hay tốt con người có, đặc biệt những gì con người đang phục vụ Giáo Hội, đều đến từ Thánh Thần của Ngài. Thánh Thần ban ơn khôn ngoan để giảng dậy, ban ơn quảng đại để phục vụ anh chị em mình, ban đặc sủng để chữa bệnh. Thánh Thần ở nơi cung lòng mỗi người (Ga.14, 16; 1Cor.3, 16-17).

Thánh Thần đổi mới mọi sự, đổi mới vận mạng một dân thành: thành Giêrusalem không còn bị ruồng bỏ nữa, nhưng được yêu vì. Cũng chính Thánh Thần biến đổi lòng dạ con người, đưa dẫn con người trở về với Thiên Chúa, đưa con người trở về với anh chị em mình. Thánh Thần thanh tẩy tâm hồn con người, thánh hóa con người, làm cho con người trở nên dễ yêu dễ thương, trở nên xinh đẹp trước mặt Thiên Chúa và trước mặt con người. “Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is.62, 5).

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

  1. Bạn có cảm nghiệm những gì xảy tới cho những anh em sống xung quanh, liên hệ mật thiết với bạn, và bạn đã xin Thiên Chúa can thiệp không? Xin chia sẻ nếu bạn có điều này.
  2. Chỉ với phép lạ biến nước thành bánh, đã đủ cho người ta kết luận Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể chưa? Tại sao?
  3. Bạn có cảm nghiệm Thánh Thần gần gũi với bạn không? Xin chia sẻ.

LM Phạm Thanh Liêm, SJ