Bài của góp ý của Đức Hông Y Albinô Luciani – tức là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I – trong Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Giáo Lý năm 1985.
Mộn Giáo Lý không phải chỉ nhắm đến việc truyền thụ các chân lý được mặc khải, mà phải truyền thụ những chân lý này cách nào để người nhận sẽ lãnh nhận chúng bằng Đức Tin và được thúc đẩy sống những chân lý ấy. Vâng, để kể lại và nói như Thánh Augustinô rằng bằng cách nào để người nghe “audiendo credat, credendo speret, seprendo amet (tin điều mình nghe, hy vọng vào điều mình tin, yêu mến điều mình hy vọng).” Credat: để người ấy có thể thoáng thấy Thiên Chúa ở đằng sau người Giáo Lý viên là “Người Đưa Thư” của Ngài. Speret: để người ấy có thể vui mừng, vì nhận thức rằng mình có trước mặt một Giáo Lý sẽ làm cho mình thỏa mãn cách cao thượng vừa như một con người đồng thời vừa như con cái Thiên Chúa. Amen: như thế, cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu, người ấy sẽ ra đi “như lằn tên” và lăn xả vào những việc lành phải làm cho Thiên Chúa, cho tha nhân và cho chính mình.
Để làm cho giới trẻ thích thú và quyết tâm, việc dạy Giáo Lý phải luôn phấn khởi. Các em không muốn đời mình tua tủa những chữ “không”, bị cài then và khóa kín, bị vây bởi đủ loại rào cản; đừng làm cái này, đừng nhìn đến cái kia; đừng đụng vào đây, đừng đi qua đó; điều này xấu, điều kia tệ hơn. Các em muốn sống, muốn lớn lên, muốn chinh phục và đóng vai chủ động. Trong một môn Giáo Lý mà các em chỉ là khán thính giả, tệ hơn nữa nếu trên thực tế, chỉ toàn “các em không được”, “các em phải”, thì các em sẽ bị nghẹt thở. Sự khôn ngoan trong việc dạy Giáo Lý là chỉ cấm các em làm những điều không được phép, và thúc đẩy các em làm điều lành. Câu châm ngôn của Thánh Catarina thành Siêna là “Làm bao giờ cũng có ích”. Đức Hồng Y Ferrari nói: “Cách tốt nhất để tránh sự dữ là ‘làm’ việc lành; nếu chúng ta thúc đẩy giới trẻ làm việc lành, việc dữ sẽ chẳng còn bao nhiêu chỗ đứng trong đời sống các em.” Một Hạnh Các Thánh được chọn khéo sẽ là một khích lệ lớn lao cho các người trẻ để giúp các em quyết tâm. “Các Thánh so với Thánh Kinh như một bản nhạc được một nghệ sĩ tài hoa trình diễn so với các dòng nhạc trong sách; các ngài cho thấy phải áp dụng giáo huấn này hay giáo huấn kia trong Thánh Kinh cách cụ thể trong đời sống, trong những trường hợp như thế, và các ngài lôi cuốn người ta theo gương sáng của các ngài” (Thánh Phaxicô đệ Salê).
Toàn Thể Cộng Đồng Tín Hữu
Nên ý thức rằng Đức Tin, đặc biệt là Đức Tin của giới trẻ, chỉ phát triển được trong bầu khí đầm ấm khi sống giữa những người đi theo đường lối Kitô giáo; đó là cha mẹ, là những người, trên hết mọi sự, phải cảm thức rằng mình là những Giáo Lý viên đều tiên cho con cái, là những giám mục, và cha sở trong gia đình.
Nên ý thức rằng người trẻ thường là những người tốt nhất để dạy Giáo Lý cho đồng bạn, vì các em này thường tìm người gần gũi nhất làm cố vấn và làm mẫu gương trong đời các em, đồng thời muốn sống trong nhóm, mà trong đó các em tùng phục và vâng lời những “thủ lãnh tài ba”, là cách mà các em thường không muốn làm khi đối xử với cha mẹ hay các nhà giáo dục. Tuy nhiên, cộng đồng để dạy Giáo Lý lý tưởng là giáo xứ, nếu đó là một cộng đồng thực sự; nếu những nhóm được học Giáo Lý khác coi đó như là trọng tâm; nếu trong đó có bầu khí mới mẻ của giáo phận và của một Công Giáo tính có liên quan đến tình thương yêu, lòng kính trọng, và vâng phục Đức Giám Mục và Đức Thánh Cha.
Liên Quan giữa Môn Giáo Lý và Thần Học
Các thần học gia sẽ giúp ích nhiều cho môn Giáo Lý, nếu một đằng họ đặt kết quả lao công của họ dưới quyền sử dụng của Huấn Quyền, và đằng khác ấn hành, đào sâu và giải thích các tài liệu của Huấn Quyền. Vì trong việc soạn thảo các sách Giáo Lý, tôi cho rằng sự đóng góp của họ cũng như của các nhà sư phạm thật cần thiết, mặc dù các giám mục mới có quyền chuẩn y sách Giáo Lý. Vì lý do đó xin đề nghị là các nhà thần học phải có tinh thần phục vụ Hội Thánh chân thành, và chủ trương của một thần học gia không phải chỉ nói về Thiên Chúa (talk about God), nhưng nói (lời) của Thiên Chúa (of God).
Trái lại, một Professoren-Kirche (Giáo Hội của các Giáo Sư), đối nghịch lại với “Giáo Hội của các Mục Tử” sẽ trở thành “Một Bệnh Dịch cho Hội Thánh”. GS. George May của Đại Học Mainz đưa ra một thí dụ điển hình. Một nhà thờ Tin Lành kia trước đây có một giáo đoàn lớn, nhưng dần dần chẳng còn ai. Một linh mục từ Trier hỏi người giữ nhà thờ: “Chuyện ấy xảy ra thế nào?”. Người giữ nhà thở trả lời: “Trước tiên có một mục sư từ Greifswall đến và ông ấy nói: “Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.” Rồi có một mục sư khác đến từ Rostock và nói rằng: “Chúa Giêsu chỉ là người.” Sau cùng một mục sư từ Tubigen đến và nói: “Chẳng có Chúa Giêsu.” Cho nên dân chúng kết luận rằng” “Nếu họ không đồng ý với nhau, thì tốt nhất là chúng ta ở nhà.” Và họ đã ở nhà.”
Văn hóa hiểu ở đây không phải theo nghiã nhân bản cổ điển như quan điểm của một số người, mà ở mức cao hơn, nghĩa là cách người ta nói năng, ăn mặc, giải trí, bày tỏ vui buồn, mừng lễ, v.v…
Hai Nguyên Tắc
Trước văn hóa này, cần phải nắm chắc và thực hành hai nguyên tắc dưới đây:
1. Việc dạy Giáo Lý phải cố gắng làm cho Đức Tin thấm nhuần tất cả các sự biểu thị tôn giáo trong các nền văn hóa khác nhau, nếu những biểu thị này không trái ngược với Lời Chúa;
2. Giáo Lý phải khai thác các yếu tố tốt trong những văn hóa này sao có lợi cho Lời Chúa. Làm như thế vì bác ái, vì Lời Chúa phải được chuyển qua tất cả mọi phương tiện. Làm thế mà không sợ đương đầu với nguy hiểm, và đưa vào những điều mới. Cũng làm mhư th361 với tinh thần của Đức Thánh Cha Gioan, như ngài đã nói trong diễn từ khai mạc Công Đồng (11 tháng 10, 1962) rằng một mặt thì diễn tả chân lý bằng những hình thức mới, mặt khác đòi hỏi phải “có một sự tuyết đối trung thành cách mới mẻ, bình thản, và lặng lẽ với tất cả giáo huấn của Hội Thánh một cách trọn vẹn và chính xác, như vẫn còn chiếu sáng trong các Sắc Lệnh của Công Đồng Trentô và Công Đồng Vatican I.” Cần phải dung hoà giữa Thánh Vincentê đệ L6rin và De Lubac cùng Carnegie. Thánh Vincentê nói noviter, sed non nova (canh tân, nhưng không mới). De Lubac nói: “Tại sao cứ nhất định đòi dạy cho mặt trời đang mọc các màu của hoàng hôn?”… Còn Carnagie viết: “Tôi thích dâu với kem bỏ lên trên. Nhưng nếu tôi đi câu, tôi không móc dâu vào lưỡi câu để thu hút cá, mà móc trùng, vì đó là mồi mà cá thích.”
Nội Dung của Giáo Lý:
Như một mục tiêu, hãy cố gắng đi đến việc trình bày tất cả các chân lý của Đức Tin. Tuy nhiên về phương diện sư phạm, hãy đi từ từ. Có một nấc thang chân lý không? Nếu đó là những chân lý về Đức Tin, thì mọi người phải tin vào những chân lý này cùng một cách họ vâng phục Thiên Chúa, là Đấng mặc khải chúng; nhưng nếu kiến thức hiển nhiên thì không cần thiết phải làm như thế.
Trái lại, có một nấc thang, vì trên thực tế, có một số chân lý có thể làm sáng tỏ những chân lý khác.
Khi diễn tả những chân lý này, môn Giáo Lý hãy nhấn mạnh rằng Tin Mừng là Tin làm cho người ta mừng rỡ; rằng Đức Kitô là trung tâm của chương trình cứu độ; Đức Kitô là, như đã là, cái nóc của một cái nhà có hai mái. Cựu Ước tiến lên về phía Người, dọn đường cho Người: Tân Ước, là Hội Thánh – Kitô nối dài – và các bí tích thì từ Người mà xuống, đưa khách lữ hành từ một thế giới chóng qua sang thế giới vĩnh cửu.
Hãy trình bày Luân Lý như sự trả lời cao thượng của con người đối với tình yêu của Thiên Chúa; một câu trả lời không thể làm được nếu không có sự trợ giúp của Thiên Chúa, và sự trả lời này không đem lại hạnh phúc cho Thiên Chúa mà cho chúng ta.
Cho nên, một điểm cần chú ý đặc biệt là phải vui mừng, tuy nhiên cũng đừng quên sự kính sợ Thiên Chúa. Hội Thánh và các Thánh, dựa vào Tin Mừng (Matthew 25:31-33; Lc 12:15-21; Lc 13:22-30); như đã nhấn mạnh, bằng một cách thế và vào thời điểm thuận tiện, điều rất quan trọng trong việc cứu rỗi linh hồn, là vì chúng ta không biết sẽ chết khi nào, nên chúng ta có nhiệm vụ xa lánh dịp tội.
Giáo Lý Viên
Hãy trình bày cho các Giáo Lý viên biết nhiệm vụ và sứ mệnh của họ; nhiệm vụ là làm cho công việc của họ được chân chính bằng cách hiệp thông với giám mục và thu góp đủ các ơn cần thiết.
Ơn Luân Lý: một đời sống thánh thiện và đạo đức (một người không chỉ rao giảng điều mình biết, mà chính mình là ai; nếu tôi không tốt, thì từ chính tôi, từ chính con người tôi sẽ phát sinh sự chối bỏ những lời tốt lành nói ra từ miệng tôi). tình yêu đối với Hội Thánh và đối với học sinh (Theo Lacordaire: “Nếu không yêu tha nhân thì không thể làm điều tốt cho họ”).
Ơn trí tuệ: để biết rõ những điều mình dạy, và để biết, thì phải học và liên tục cập nhật hóa. Đức Cha Huet, giáo phận Avrances, đã không tiếp giáo dân vì ngài “bận học”. Giáo dân của giáo phận trìng lên Đức Thánh Cha: “Đệ trình Đức Thánh Cha, lần sau, xin gửi đến cho chúng con một giám mục “đã học xong”. Nhưng chẳng có một giám mục hay một Giáo Lý viên nào mà “đã học xong”.
Ơn biết dạy học và sư phạm: để có thể thích nghi, mở rộng hay thu hẹp địa bàn của bài giảng của mình cho thích hợp với khả năng người nghe. Cũng như tự thích nghi càng nhiều càng tốt với ý muốn và nguyện vọng của học sinh. Nếu các Giáo Lý viên ý thức và hiểu những mong muốn và ước vọng chính đáng của các người trẻ, thì người Giáo Lý viên dễ hướng dẫn các em hơn, và hướng các em về những gì Thiên Chúa thích và mong đợi.
Trích từ L’Osservatore Romano
Xuất bản hằng tuần bằng Tiếng Anh
Ngày 12 thánh 10, năm 1978, trang 3
GLV Phaolô Phạm xuân Khôi chuyển ngữ