Để Nước Trời Trị Đến

Lễ Thăng Thiên – Lc 24,46-53

“Tôn giáo là một thứ thuốc phiện”. Người ta vốn quen câu nói này của Karl Marx (1818-1883), ông tổ của chủ thuyết cộng sản. Sự gì cũng có nguyên cớ của nó. Phải chăng thái độ sống cứ ngước mắt nhìn trời mà xao lãng các bổn phận thế trần của một bộ phận Kitô hữu nơi nào đó, thời nào đó đã khiến cho Karl Marx có thành kiến lệch lạc đối với tôn giáo? Và rồi sau này nhiều người, nhiều thể chế đã từng vin vào đó để ra sức công kích, thậm chí tìm cách tiêu diệt tôn giáo, cách riêng Kitô giáo.

Năm sự Mừng, thứ hai thì gẫm, Chúa Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời. Ái mộ những sự trên trời không có nghĩa là ái mộ những sự đâu đó trên cao xanh, không thuộc thế trần này. Mầu nhiệm Chúa lên trời không dạy chúng ta xa rời thực tế mà trái lại, phải nỗ lực làm cho các thực tại trần gian này trở thành vĩnh cữu, bất diệt. Vì những sự trên trời chính là những sự mà kẻ trộm không thể lấy mất và mối mọt không thể phá hoại (x. Mt 6,19-21).

Chúa Kitô lên trời vừa lấy lại vinh quang danh dự của một vị Thiên Chúa có từ ngàn đời với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đồng thời vừa đưa các thực tại thế trần này vào trong vinh quang của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nghĩa là với mầu nhiệm Ngôi hiệp và mầu nhiệm lên trời của Đấng Cứu Độ, thì các loài thụ tạo, đặc biệt loài người, từ nay có con đường đi vào vĩnh cửu. Con đường ấy là nhờ và qua Đức Kitô. “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga14,6). Một vấn đề đặt ra đó là chúng ta cần tích cực xin cho “nước đất này” lên cao hay là xin cho “Nước Trời” trị đến?

“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời…” (x. Mt 6,9-10). Căn cứ vào kinh Lạy Cha, lời kinh duy nhất mà Chúa Kitô truyền dạy, thì chúng ta dễ dàng trả lời rằng cần phải xin cho Nước Trời trị đến. Mầu nhiệm Chúa về trời là một trong những chìa khóa giúp ta cộng tác với ơn Chúa làm cho Nước Trời ngự đến. Chúa về trời không phải để rời xa chúng ta nhưng để ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, cách sâu xa và hiệu quả, đặc biệt nhờ Thánh Thần Người sẽ ban tặng.

“Đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ…” (Lc 24,51-52). Các tông đồ ở lại Giêrusalem để chờ lãnh nhận quyền năng từ trời ban xuống như lời Chúa Giêsu phán trước đó: “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa” (c.49). “Điều Cha Thầy đã hứa”, theo các nhà chú giải đó là hồng ân Thánh Thần mà các Tông đồ sẽ lãnh nhận trong ngày Lễ Ngũ Tuần.

Bỏ trời cao, bỏ thân phận của một vị Thiên Chúa, Ngôi Hai xuống thế làm người, sống kiếp phàm nhân là vì lợi ích của chúng ta. Chúa làm người để loài người chúng ta được nhận làm con cái Thiên Chúa. Nay Người lại bỏ thế gian mà lên trời cũng vì ích lợi của chúng ta. Chúa lên trời để dọn chỗ cho chúng ta trong vinh quang hằng hữu của Ba Ngôi Thiên Chúa (x. Ga 14,3).

“Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16,7). Như thế, có thể nói rằng mầu nhiệm Chúa về trời là điểm tới của tình yêu tự hủy. Yêu thương ai mà chấp nhận ẩn mình đi, để cho người mình yêu được phát triển, sinh hoa kết trái, thì quả là một tình yêu nhưng không, vị tha đến cùng. Chúa Kitô tuy ẩn mình đi, nhưng vẫn mãi ở cùng chúng ta, đặc biệt bằng Thánh Thần mà Người ban tặng. Câu kết của Tin mừng Matthêu và Maccô giúp ta xác tín chân lý này. “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20). “Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,20).

Đâu có tình yêu thương đích thực, thì đấy có Thiên Chúa hiện diện. “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16). Ở đâu có Thiên Chúa hiện diện thì đó là Nước Trời. Thiên Chúa không muốn Nước Trời ở đâu xa, Người muốn Nước Trời ở giữa chúng ta (x. Lc 17,21).

“Thiên Chúa vui thích ở giữa dân Người” (x. Tv 149,4). Lắm khi chúng ta muốn sau khi chết thì được lên trời, nghĩa là hưởng hạnh phúc thiên đàng, nhưng lại không thích, đúng hơn là không muốn Chúa ở giữa chúng ta ngay trong cuộc sống trần thế này. “Cha đến đây thì chúng con vui, nhưng cha ở một chút thôi, cha ở lâu quá thì chúng con không được thoải mái”. Câu nói thực lòng của một bạn trẻ trong một cuộc vui khiến chúng ta liên tưởng đến thái độ sống của không ít Kitô hữu. Chắc chắn không ai dám to gan như triết gia Friedrich Wilhelm Nietzche (1844-1900) muốn Thiên Chúa biến mất đi hay chết đi, nhưng vẫn có thể có nhiều người không thực sự thoải mái, đúng hơn là không thực sự bình an khi Chúa hiện diện. Có nhiều nguyên do nhưng chắc chắn có nguyên do này: họ sợ những việc làm đen tối, bất chính của họ bị phơi bày, họ sợ thái độ sống ích kỷ, thiếu yêu thương của họ bị vạch trần.

Thiết tưởng rằng cách thế mừng mầu nhiệm Chúa Kitô lên trời đẹp lòng Người nhất đó là hãy nỗ lực làm cho Danh Chúa được cả sáng nơi chính cuộc sống hôm nay, nước Chúa trị đến ngay trong trần thế và ý Chúa thể hiện ở dưới đất này.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa