Lễ Thánh Gia Thất
Lc 2,41-52
Theo thánh sử Luca, thời thơ ấu của Chúa Giêsu có cả thảy hai chuyến hành trình lên Giêrusalem. Lần thứ nhất khi Chúa được 40 ngày tuổi và lần này lúc Chúa được 12 tuổi như là thời điểm đánh dấu việc kết thúc giai đoạn tuổi thơ của Chúa. Chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của bài tin mừng mà giáo hội muốn gửi đến trong ngày lễ Thánh Gia Thất.
Theo luật Dothái giáo, mọi nam nhân khi đến tuổi trưởng thành theo luật định, phải hành hương về Giêrusalem mỗi năm ba lần. Đó là vào những dịp như đại lễ Vượt qua, lễ Ngũ tuần và lễ Lều (x. Xh 23, 14-17; 34, 22-23; Đnl 16,16). Như thế, gia đình Thánh Gia Thất luôn luôn trung thành tuân giữ lề luật này.
Chúng ta biết là những cư dân sống xa Giêrusalem, khi muốn về dự lễ, thường họ tổ chức thành từng đoàn để việc hành hương được diễn ra thuận tiện. Trong việc tổ chức đó, thường họ quy định đi sao thì đi nhưng khi đến một địa điểm nào đó đã ấn định thì sẽ dừng lại để nghỉ ngơi. Chính vì thế chúng ta mới thấy việc cha mẹ Chúa Giêsu khi đến nơi đã ấn định, các ngài tìm trong đoàn hành hương không thấy Chúa, nên đã vội vã chạy về Giêrusalem kiếm tìm.
Sau ba ngày tìm kiếm- một con số không chỉ mang tính tượng trưng mà còn là một sự tiên báo về thời gian Chúa chịu chết và sống lại sau này- cha mẹ mới tìm ra Người. Tuy nhiên, phần nào đó chúng ta cũng thấy được vào những dịp đại lễ, hầu hết mọi người đều dồn về Giêrusalem dự lễ nên việc tìm một cậu bé 12 tuổi không phải là việc dễ.
Khi tìm ra Chúa Giêsu, hai ông bà thấy rằng hoá ra người con mà hai ông bà lặn lội, lo lắng tìm kiếm ròng rã mấy ngày trời không phải tụ tập với chúng bạn để phá phách, để nghịch gợm, nhưng là đang ngồi giữa các Rabbi để nghe giảng dạy. Trả lời cho lời mắng nhẹ nhàng của Mẹ, câu nói đầu tiên của Chúa Giêsu hướng về Cha của Người. Câu trả lời của Chúa Giêsu sự thực là một lời nhằm giải thích cho điều răn đã lưu truyền từ lâu trong lịch sử dân Dothái dưới thời Môsê. Nếu Mẹ Maria dựa vào điều răn thứ tư -thảo kính cha mẹ, để mắng nhẹ người con yêu dấu của mình, thì câu trả lời của Chúa Giêsu lại ngầm ý bao hàm không chỉ tôn thờ Thiên Chúa mà cả thảo kính cha mẹ nữa. Thật vậy, “bổn phận trong nhà Cha” mà Chúa Giêsu nói đến trước hết đó chính là việc tôn thờ Thiên Chúa là Cha -điều răn thứ nhất; kế đến, đó còn là việc chỉ đến người cha mà Chúa Giêsu là người con có bổn phận thảo kính mến yêu -điều răn thứ tư. Như thế, đối với Chúa Giêsu, điều răn thứ tư cũng đồng thời là điều răn thứ nhất mà lề luật truyền dạy phải kính yêu Thiên Chúa như Cha. Sở dĩ cha mẹ Chúa Giêsu không hiểu được điều này là vì chính Chúa Giêsu đã xem việc thảo kính cha mẹ (điều răn thứ tư) với việc tôn thờ Thiên Chúa (điều răn thứ nhất) “tuy hai mà một”. Thật thế, chúng ta không thể nói đến việc tôn thờ Thiên Chúa, đến việc chu toàn luật Thiên Chúa mà lại lơ là bổn phận thảo kính cha mẹ hoặc ngược lại. Cả hai đều đan quyện vào nhau làm nên một mối dây liên kết không thể tách rời cả trong việc tôn thờ Thiên Chúa lẫn việc thảo kính cha mẹ.
Chúa Giêsu trải qua thời gian sống nơi trần thế dưới sự dạy dỗ và hướng dẫn của thánh Cả Giuse và Mẹ Maria như để tham dự tất cả vào tiến trình ơn gọi làm người; nhờ đó Ngài mới thánh hóa tất cả những gì là thực tại của con người nhằm cứu độ con người. Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy trong đời sống gia đình, nhiệm vụ thiết yếu của mỗi người không chỉ nhằm vào việc bổn phận của con cái là yêu thương, chăm sóc, vâng lời cha mẹ và bổn phận của cha mẹ là hướng dẫn, dạy dỗ con cái nên người,… mà đó còn là việc tất cả mọi thành phần trong gia đình đều phải quy hướng về Thiên Chúa để thực thi thánh ý Người. Đây là điều rất quan trọng. Vì nếu sống trong thánh ý Thiên Chúa, chúng ta dễ dàng chấp nhận những gì đi ngược lại với những gì thuộc bản tính con người, nhiều khi đó là những đau khổ của chính mình hay của những người thân thuộc.
Mừng lễ Thánh Gia Thất, chúng ta tạ ơn Chúa đã cho chúng ta chiêm ngưỡng mầu gương gia đình Thánh trong đó Thánh Cả Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu là những mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta noi theo; đồng thời chúng ta cũng tri ân Chúa đã ân ban cho chúng ta có được những người cha người mẹ dấu yêu, suốt một đời lam lũ hy sinh nuôi dạy con cái nên người. Xin Chúa qua lời bầu cử của Thánh Gia Thất, thương ban cho các bậc làm cha làm mẹ cũng như mọi gia đình trên thế giới này biết yêu thương nhau, cùng nhau mưu cầu thiện ích cho nhau ngõ hầu xã hội nhờ đó trở nên thánh thiện, công bình và bác ái hơn.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb