Chúa Nhật IV Phục Sinh Năm C
Dương Ân Điển là đứa trẻ bị bỏ rơi, người ta nhặt được nó ở một quầy bán thịt, trong cái chợ nghèo vùng núi miền nam đảo Đài Loan. Câu chuyện thương tâm này xảy ra năm 1974, ấy là lúc vừa lọt lòng, em đã không có hai cánh tay, chân phải thẳng đơ không thể co duỗi.
Thế mà, 25 năm sau, đứa bé tàn tật bất hạnh ấy đã trở thành nhà danh họa tài ba, chuyên vẽ tranh bằng chân và miệng. Cô đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm ở Mỹ và Nhật, và là thành viên của Hiệp Hội quốc tế những người vẽ tranh bằng chân và miệng.
Cuộc đời cô thay đổi nhanh chóng như thế, thành công rực rỡ như thế, cũng là nhờ mục sư Dương Húc và vợ ông là Lâm Phương Anh nhận nuôi. Đặc biệt là ông Tưởng Kinh Quốc đã cho cô đi giải phẫu chỉnh hình cột sống, nắn chân phải, sửa đường làm cầu cho cô dễ dàng đi tới trường. Ông đã nói với cô: “Cháu không có tay, nhưng còn chân, và có thể làm được rất nhiều việc”. Chính tình thương, sự chăm sóc, và lời động viên của ông Tưởng Kinh Quốc đã thay đổi số phận của một con người.
“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27). Thiên Chúa là chủ chiên nhân lành, Người yêu thương mỗi người chúng ta bằng một tình yêu cá biệt, cho dù chúng ta có què quặt đui mù, có xấu xa đốn mạt đến đâu, mỗi người chúng ta đều có chỗ đứng độc nhất vô nhị trong tình yêu bao bọc của Chúa; mỗi người chúng ta đều có vị trí đặc biệt trong trái tim yêu thương của Người. Tấm lòng quảng đại yêu thương của ông Tưởng Kinh Quốc dành cho cô bé tàn tật Dương Ân Điển chỉ là hình bóng tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa đối với chúng ta, những con chiên của Người.
Vâng, chiên của Chúa thì nghe Chúa, biết Chúa và theo Chúa.
– Nghe Chúa chính là lắng nghe Lời Chúa qua Kinh Thánh, nơi giáo huấn của Giáo Hội, và những ơn soi sáng trong tâm hồn mình. Nghe Chúa chính là để có một mối tương giao thân tình với Người, và nhất là để tin vào Người. Thánh Phaolô viết: “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô”.
– Biết Chúa không chỉ là học hỏi và suy niệm theo nghĩa tri thức, mà chính là hiểu biết sâu xa, yêu mến thân tình, đến nỗi kết hợp cả thân xác lẫn tâm hồn. Chính tình yêu mới làm cho chúng ta nhận biết Chúa một cách đích thực đến nỗi đoán biết cả thánh ý Người.
– Theo Chúa chính là một thái độ hoàn toàn tự do, tự nguyện dấn thân, và trao phó thân phận cho duy một mình Người. Theo Chúa cũng chính là từ bỏ, từ bỏ con người cũ, nếp sống cũ, đường lối cũ. Các môn đệ đã bỏ mọi sự, Mađalêna đã bỏ đường tội lỗi, Augustinô đã bỏ đời trụy lạc, để đi theo Người.
Nghe Chúa, biết Chúa và theo Chúa để được những gì? Đức Kitô đã trả lời: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”. Đoàn chiên đi theo chủ chiên nhân lành thì đồng cỏ xanh với dòng suối mát chắc chắn phải là đích đến của chúng, vì chủ chiên Giêsu chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Người không những ban cho chúng ta sự sống đời đời mà còn bảo đảm sự sống ấy chắc chắn không thể mất được.
Không chỉ Chúa Con mà cả Chúa Cha cũng gìn giữ, bảo vệ chúng ta trong bàn tay yêu thương của Người: “Cha Tôi, Đấng đã ban chúng cho Tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha”. Chúa Cha đã trao ban đoàn chiên cho Chúa Con như quà tặng quí giá nhất, nên Chúa Con cũng gìn giữ và yêu mến đoàn chiên như Chúa Cha đã yêu mến và gìn giữ vậy. Như thế, chúng ta được bảo vệ an toàn tuyệt đối trong cả hai bàn tay, của cả cha lẫn mẹ, còn hình ảnh nào đẹp hơn thế nữa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên nhỏ bé đơn sơ, để chúng con được nằm gọn trong bàn tay yêu thương của Chúa.
Giữa một thế giới ồn ào vì tranh giành quyền lực, của cải, xin cho chúng con lắng nghe được tiếng Chúa.
Giữa một thế giới chỉ biết tôn thờ vật chất, xin cho chúng con hiểu biết Chúa thật sâu xa để yêu mến Người thiết tha.
Giữa một thế giới chỉ biết chạy theo danh lợi thú, xin cho chúng con luôn đi theo Chúa là chủ chiên nhân lành của cuộc đời chúng con mà thôi. Amen.
Thiên Phúc
(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’)