Đồng Hành với Chúa vào Giêrusalem

CHÚA NHẬT LỄ LÁ C

Lc 22, 14 – 23

Thưa quý vị,

Palm Sunday 1Có lẽ nhận xét sau đây của đức cha Helder Camara giúp chúng ta dễ hiểu đau khổ và cái chết của Đức Kitô trong tuần này: “Một số linh hồn giống như cây mía, khi bị bầm dập nghiền nát, vắt ép trong chiếc máy làm đường, nó chỉ cho ra mật ngọt mà thôi.” Đau khổ của Đức Giêsu cũng vậy, nó ban cho nhân loại hạnh phúc trong tình yêu thần linh. Đau khổ của Ngài không trực tiếp cứu thế giới, mà chỉ là phương tiện. Yếu tố chính yếu cứu thế giới là tình yêu. Tình yêu khiến Ngài chịu đau khổ và cái chết vì nhân loại.

Đó là lý do tại sao trong suốt Phúc Âm Luca, Chúa Giêsu luôn miệng nói với đám đông: “Tôi phải đi lên Giêrusalem.” Và ngày hôm nay, câu mở đầu của Tin Mừng là: “Bấy giờ Đức Giêsu dẫn đầu các môn đệ, tiến lên Giêrusalem.” Trình thuật tiếp tục kể về giai đoạn cuối cùng của cuộc hành trình định mệnh này. Ngài cưỡi trên lưng lừa con và toàn dân tung hô: Hoan hô con vua Đavít, Đấng ngự đến nhân danh Thiên Chúa. Chúc tụng Thiên Chúa trên các tầng trời. Đây là khoảnh khắc cao điểm của Chúa Giêsu và các môn đệ, không khoảnh khắc nào mang tính quyết định như hôm nay, mặc dầu các môn đệ không hiểu biết gì! Và chúng ta cũng được dẫn vào mầu nhiệm tuần thánh.

Chúa Giêsu tiến vào thành thánh từ phía đông. Phía đông là phía mặt trời mọc. Một ngày mới bắt đầu. Chúa Giêsu cũng báo hiệu một kỷ nguyên mới cho nhân loại. Kỷ nguyên với mặt trời cứu độ xuất hiện. Bóng tối của bao nhiêu thế kỷ đã bị đẩy lui, những nếp sống cũ không còn thống trị nữa. Chết không phải là tận cùng. Thành công kinh tế, chính trị, văn hoá, quân sự… không còn là tiêu chuẩn để đo lường con người sinh ra trên mặt đất này. Bạo lực không còn là phương tiện để đàn áp đối thủ. Hôm nay, Chúa Giêsu, các môn đệ, đám đông vào thành thánh khởi sự một ngày mới cho toàn thể nhân loại. Nó nói với mỗi linh hồn: Thiên Chúa không hề lãng quên tình trạng đen tối của bất cứ ai. Xin đừng nghi ngờ. Các đau khổ của nhân loại không rơi vào tai điếc. Thiên Chúa đã chú ý lắng nghe và Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem để cứu chuộc.

Thực vậy, nếu chúng ta để ý, Giêrusalem là biểu tượng của thế giới này. Lúc ấy, Giêrusalem là thành phố rất quan trọng và nổi tiếng. Nó là trung tâm tôn giáo, chính trị của người Dothái và cả miền trung đông. Đi lên Giêrusalem là một niềm vui. Người ta hồ hởi lên thành thánh trong các dịp lễ lớn. Người Dothái đạo đức không hề thíêu sót bổn phận lên Giêrusalem để dâng lễ vật và tham dự các nghi thức. Đối với tín hữu Dothái, Giêrusalem là biểu tượng vĩ đại của lòng tin và danh dự dân tộc, nhất là ngôi đền đẹp đẽ nguy nga mà cha ông đã dày công xây dựng. Các lễ nghi đều diễn ra trong đền thánh hay chung quanh đền. Nhưng đối với người Rôma, Giêrusalem cũng là thành phố quan trọng về mặt quân sự, chính trị. Không những quyền bính Dothái nằm ở đó, mà quyền bính đế quốc cũng hội tụ ở đó. Như vậy Giêrusalem về nhiều mặt, là trung tâm của thế giới Dothái mà người Rôma phải lưu ý. Như vậy, hôm nay Chúa Giêsu bước vào một nơi mà các quyền lực đạo đời tập trung. Ngài vào với một tư cách đặc biệt, một sứ mệnh đặc biệt, vào dịp lễ đặc biệt của dân tộc Dothái, lễ vượt qua, kỷ niệm cha ông họ được thoát vòng nô lệ Ai cập.

Đức Giêsu và các môn đệ hiểu rõ cuộc hành trình này nguy hiểm biết bao. Các thế lực đạo đời không thể làm ngơ sự có mặt của Chúa và các môn đệ. Quan điểm tôn giáo về Thiên Chúa, về con người, về đền thờ, về tập tục, về luật Môsê đe doạ nền an ninh chung. Lòng hào hiêp đối với tội nhân, lòng thương cảm đối với những kẻ bên lề gây rối loạn xã hội. Nhất là lời dạy về Nước Trời, trực tiếp đối lập với truyền thống cha ông. Còn đối với chính quyền Rôma, Ngài thách thức sức mạnh của họ, trong việc đàn áp kẻ yếu thế bằng bạo lực tàn nhẫn. Đó là tình hình Giêrusalem khi Đức Giêsu bước vào cổng thành: “Hoan hô con vua Đavít, Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến, vinh quang trên các tầng trơì.”

Chẳng lạ gì các quyền bính thế tục mau chóng tìm bắt Chúa, thẩm tra Ngài, kết án và đóng đinh. Đó cũng là số phận của những ai muốn thiết lập Nước Trời trong xã hội, trên thế giới hôm nay. Giêrusalem chính là biểu tượng của các vị thần mà chúng ta tôn thờ: tiền bạc, chức quyền, sắc dục, tiện nghi, giàu có, tiếng tăm, địa vị. Giêrusalem tân thời của chúng ta là đủ mọi loại thoả hiệp với thế gian để được an toàn tôn giáo, chính trị mà làm ngơ trước bất công, bóc lột. Chúng ta có thể bằng lòng với hiện trạng. Việc chi phải lên Giêrusalem? Cứ trung lập và giảng giải những điều vô hại, tránh xa những rắc rối, cầu nguyện và hy vọng lên thiên đàng. Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu vào thành Gierusalem “giơ mặt chai như đá” và thách đố mỗi người theo gương Ngài, chống đối Gierusalem tân thời. Chúng ta khuất phục ai? Tôn thờ ai? Thoả hiệp với ai? Ai điều khiển cuộc đời chúng ta? Chúng ta lẩn tránh những trách nhiệm nào? Tiếng Chúa gây hiệu quả nào nơi chúng ta? Phúc Âm đòi hỏi chúng ta bổn phận nào? Cứ đặt những câu hỏi như vậy, chúng ta sẽ nhận ra thiếu sót của mình.

Trong một lớp giáo lý, cha xứ hỏi các học viên: Chúng con nghĩ thế nào về Chúa Giêsu: Ngài thành công hay thất bại? Sau lúc yên lặng và suy nghĩ, một thiếu niên đứng dậy trả lời: Thưa cha, thất bại thê thảm. Thế lực đền thờ chẳng tin vào Ngài, cho Ngài là một mối đe doạ, sai bắt và giết đi, các môn đệ trốn hết, chẳng thất bại là gì? Và họ muốn cha xứ giải quyết vấn đề! Cha xứ chỉ lên cây thánh giá, ôn tồn nói: Đó, cờ hiệu chiến thắng của chúng ta là tượng chịu nạn. Khi người tín hữu gặp cái dữ thì không trốn chạy để được an toàn, mà đối đầu trực tiếp với nó. Cái dữ luân lý phải bị đánh bại bằng bất cứ giá nào, ngay cả khi phải thiệt mạng. Chúa Giêsu làm đúng như vậy. Các con bảo Ngài thất bại hay thành công? Thưa, thành công, cả lớp đồng thanh nói. Vậy thì chúng ta không được chạy trốn, cha xứ tiếp, người công giáo không được lảng tránh đối đầu với cái dữ.

Thiết tưởng ý nghĩ của cha xứ đã rõ ràng. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã đánh bạc với thế gian và Ngài đã thua. Nhưng từ cái thua ấy mà chiến thắng nảy sinh. Thiên Chúa đã hành động qua Đức Kitô. Ngài đã thua, nhưng tất cả nhân loại đều thắng. Vậy đạo công giáo làm nhiều hơn là giải thích đau khổ và sự chết. Nó cống hiến cho cái chết và đau khổ một ý nghĩa. Chúa Giêsu đã cứu chuộc đau khổ của nhân loại. Cho nên đau khổ của mỗi người phải góp phần cứu rỗi thế giới: “Những ai không vác thập giá mình mà theo, thì chẳng xứng đáng là môn đệ ta.” Trốn tránh đau khổ chẳng giúp ích được gì, chỉ làm đau khổ tăng thêm. Đối đầu với nó mới là giải pháp làm giảm thiểu đau khổ trên thế giới.

Vậy, mỗi người chúng ta phải liên kết với Chúa Giêsu đi lên Gierusalem tân thời “giơ mặt chai như đá” với các xấu xa của lòng mình, của thế gian. Giống như Chúa Giêsu, có thể Gierusalem mới đặt chúng ta vaò tình huống thất bại. Chúng ta phải gánh lấy chê cười, nhục nhằn và cả cái chết. Hằng ngày chúng ta phải trực diện với những sức mạnh thù nghịch ghê gớm: Giáo dục thế tục, giải trừ thánh thiêng, cổ võ phá thai, trợ tử, hô hào bạo lực, những tổ chức xã hội đen, những dụ dỗ ngon ngọt, thần mammon. Phải can đảm lắm mới giữ vững lập trường theo Chúa lên Gierusalem và kinh nghiệm những gì Chúa đã trải qua. Chúng ta được Chúa mời gọi vác thập gia và khinh chê những giá trị trước đây mình trân trọng. Nhưng trước hết hãy để Chúa Giêsu vác thập giá đi tiên phong, chúng ta sẽ theo Ngài. Theo một cách cương quyết và trung thành. Theo Ngài vào Gierusalem tân thời với những thách thức của nó. Chúng ta không sợ thương tích nếu thật lòng yêu mến Chúa Kitô, nhắm thẳng con đường vâng phục Chúa Cha. Có lẽ chúng ta phải gánh chịu thiệt thòi với Ngài, đồng hoá với thất bại của Ngài. Nhưng ngang qua cái chết và phục sinh của Ngài, chúng ta kinh nghiệm sức sống mới.

Tại sao hôm nay giơ cao cành lá và vẫy chào Đức Kitô? Có phải chiến thắng rồi sao? Có phải mọi thứ trên thế giới đã đi vào ổn định? Có phải không còn đau khổ nữa? Không đúng vậy. Thế giới vẫn còn vô số những khổ cực. Chiến tranh vẫn đang tiếp diễn ở nhiều nơi trên thế giới. Người ta đang tranh giành khốc liệt quyền lực, ảnh hưởng, thị trường, sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự. Còn đầy dẫy xìke, ma tuý, aids, khủng bố, bạo lực. Chúng ta không thể nhắm mắt với thực tế rồi giơ cao cành lá vẫy chào! Thế giới còn quá nhiều gian khổ, bất công. Nhưng hôm nay Đức Kitô vào thành thánh để cứu chuộc nó. Chúa thẳng thắn đối diện với tội lỗi để tẩy trừ nó khỏi thế gian, giải phóng loài người khỏi kiếp nô lệ satan và chúng ta được tự do như dân Dothái xưa. Chẳng phải đó là nỗi vui mừng lớn lao sao? Chẳng phải đó là lý do chính đáng để đám đông xưa và chúng ta hôm nay đón chào sao? Các thần Hylạp ngày xưa đã chịu thua sự dữ, họ bị kìm kẹp không lối thoát, cho nên các triết gia Hylạp phát triển một hệ thống triết lý định mệnh rất phong phú: Các thần lại chào thua tài trí của mình. Đến thời đông phương cống hiến học thuyết phiếm thần, thì con người lại rơi vào vòng luẩn quẩn của nghiệp chướng, luân hồi. Nguyền rủa số phận, nguyền rủa cái dữ là phạm thượng, vì cái dữ cũng là thần!

Chúa Giêsu chiếng thắng tất cả não trạng đó, cứu chuộc đau khổ, trả lại hạnh phúc cho nhân loại. Hôm nay khởi sự tiến trình ấy, chúng ta không có lý do để vui mừng sao? Thực sự Chúa vào thành thánh của mỗi tâm hồn. Nơi đó tích tụ mọi rác rến của bản tính sa ngã: kiêu ngạo, dâm dục, giả hình, cùng với những thất bại khổ đau, để biến đổi chúng nên thánh thiện. Đường lối của Ngài như bài đọc hai hôm nay chỉ ra: Vâng lời Thiên Chúa cho đến chết và chết trên thập giá. Ngài đi ngược hẳn với nếp sống của chúng ta, để thánh hoá nó. Ngài chọn thánh thánh mỗi người để chịu đau khổ và sống lại vinh quang. Chúng ta chẳng còn con đường nào khác ngoài việc noi gương Ngài. Đường lối kiêu căng giả hình của cấp lãnh đạo Do thái và quyền bính Rôma phải bị loại bỏ. Nhưng vừa đúng lúc tới cổng thành, tưởng chừng như chiến thắng đã đến nơi thì Chúa Giêsu oà lên khóc. Vì sao? Quý vị hẳn đoán ra: Thế gian từ chối Ngài, hành hạ và đóng đinh Ngài. Liệu đó là thái độ của bạn, của tôi trước sự hiện diện của Chúa? Nếu chúng ta hằng ngày chọn thế gian và những sung sướng của nó thì đúng vậy. Chúng ta chỉ là những kẻ giả hình không hơn không kém. Nhưng nếu chúng ta thực sự là môn đệ Chúa, chúng ta phải từ chối hoàn toàn bản thân mình, đi theo Ngài vào thành. Lúc ấy chúng ta có lý do để giơ cao cành lá, đón chào ơn cưú độ. Giây phút sống lại chẳng còn bao xa. Amen.

Lm. Jude Siciliano, OP.