Vatican, ngày 19 tháng 1 năm 2012 (CNA / EWTN News) .- Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cảnh báo về một “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ là điều đòi hỏi người Công giáo Mỹ phải đáp ứng với trí thông minh và can đảm.
ĐTC nói trong một bài huấn từ dành cho một nhóm giám mục Hoa kỳ đến thăm Vatican vào ngày 19 tháng 1 rằng, “Điều cấp bách là toàn thể cộng đồng Công Giáo tại Hoa Kỳ nhận ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với việc làm chứng về luân lý cách công khai của Hội Thánh gây ra bởi một chủ nghĩa thế tục triệt để đang tìm cách càng ngày càng ảnh hưởng trên các lĩnh vực chính trị và văn hóa.”
ĐTC nói rằng Ngài đặc biệt quan tâm đến “một nỗ lực đang được thi hành để hạn chế một quyền quý giá nhất trong các quyền tự do của người Mỹ, là quyền tự do tôn giáo.”
Bài huấn từ mà ĐTC đã nói với các giám mục từ các tiểu bang trong vùng Trung-Đại Tây Dương, bao gồm các tổng giáo phận Washington và Baltimore. Các ngài đang ở Roma tuần này trong chuyến viếng thăm “ad Limina” thường xuyên. Chuyến viếng thăm này nhằm thảo luận về tình trạng của Hội Thánh Hoa Kỳ với Đức Giáo Hoàng và các nhân viên tòa thánh Vatican. Hai giám mục từ Tổng Giáo Phận Phục Vụ Quân Đội Hoa Kỳ cũng tham gia trong các cuộc họp.
ĐTC nói rằng, trong những ngày qua rất nhiều giám mục đã bày tỏ mối quan ngại về những nỗ lực ở Mỹ trong việc “chối từ quyền làm theo lương tâm của những cá nhân và tổ chức Công Giáo trong việc không chịu hợp tác vào những thực việc hành mà tự bản chất là ác”.
Trong khi đó, các giám mục khác đã nói lên “khuynh hướng đáng lo ngại để giảm tự do tôn giáo xuống thành tự do thờ phượng mà thôi” và không có đảm bảo về sự tôn trọng tự do lương tâm.
Hiện nay, chính quyền Obama đang dự tính áp đặt một chỉ thị ngừa thai và triệt sản trong đó sẽ đòi buộc tất cả các công ty bảo hiểm phải cung cấp các dịch vụ ấy miễn phí.Điều luật này có một điều khoản miễn trừ về tôn giáo, nhưng nó có rất ít luật trừ cho các tổ chức Hội Thánh.
Một số tiểu bang cũng đang đẩy các cơ quan thu xếp việc nhận con nuôi Công Giáo vào chỗ phải đóng cửa hoặc hạn chế công việc của họ, vì không chịu để niềm tin của Hội Thánh về “hôn nhân” đồng tính bị tổn thương.
ĐTC cho biết rằng những vấn đề này làm nổi bật sự cần thiết của việc “có một hàng ngũ giáo dân Công Giáo chịu tham gia, thấu triệt, và được đào luyện kỹ càng, được Chúa ban cho một khả năng phán đoán mạnh mẽ chống lại nền văn hóa đang thịnh hành.” Ngài nói rằng giáo dân Mỹ phải “can đảm chống lại một chủ nghĩa thế tục suy đồi, là chủ nghĩa muốn đặt sự tham gia của Hội Thánh vào cuộc tranh luận công cộng ra ngoài vòng pháp luật.”
Ngài nói với các giám mục rằng việc chuẩn bị cho “các nhà lãnh đạo giáo dân quyết tâm dấn thân” như thế, phải là “nhiệm vụ chính của Hội Thánh tại quốc gia của các hiền huynh.”
Ngài ghi nhận rằng chuyến viếng thăm Hoa Kỳ năm 2008 đã cho Ngài một cơ hội để suy nghĩ về kinh nghiệm lịch sử về tự do tôn giáo của nước Mỹ, đặc biệt là mối liên hệ giữa tôn giáo và văn hóa.”
Ngài nói, “Ở trung tâm của mọi nền văn hoá, cho dù có nhận thức hay không, là một sự đồng thuận về bản chất của các thực tại và sự tốt lành về luân lý, và do đó, về các điều kiện để con người phát triển.”
Ngài nhận xét rằng ờ Hoa Kỳ, sự đồng thuận này “được ghi nhận trong các tài liệu lập quốc của quý hiền huynh,” là điều căn cứ trên một vũ trụ quan được hình thành bởi niềm tin và quyết tâm với các nguyên tắc đạo đức,
Tuy nhiên, ngày nay sự đồng thuận ấy đã bị soi mòn “trước dòng văn hóa mạnh mẽ mới” là dòng văn hóa “không những chỉ trực tiếp trái ngược với những giáo huấn cốt lõi về luân lý của truyền thống Do Thái-Kitô giáo, mà còn càng ngày càng them thù nghịch với Kitô Giáo.”
ĐTC nói rằng, bất chấp thái độ thù nghịch như thế, người Công Giáo Mỹ vẫn còn được Chúa mời gọi để công bố “một Tin Mừng không chỉ đề nghị những chân lý không thay đổi về luân lý, mà còn đề nghị các chân lý ấy một cách chính xác như chìa khóa mở ra cho hạnh phúc của con người và sự thịnh vượng của xã hội.”
Ngài cũng trả lời những người cố gắng hạn chế tiếng nói của Kitô hữu ở nơi công cộng hoặc lý luận rằng nên gạt sự đóng góp của họ ra ngoài vì “nguyên tắc đa số.” Đây là một mối đe dọa không những chỉ với Kitô Giáo, mà còn “với chính nhân loại và chân lý sâu thẳm nhất về con người chúng ta và ơn gọi cuối cùng, là mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa.”
ĐTC nói rằng truyền thống tôn trọng cả đức tin lẫn lý trí của Hội Thánh Công Giáo có nghĩa là nó có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại khuynh hướng hiện tại là khuynh hướng dựa trên “chủ nghĩa cá nhân cực đoan” và cổ võ “những khái niệm về tự do tách rời chân lý về luân lý.”
ĐTC cũng đề cập đến điều Ngài gọi là tư tưởng “hợp pháp” về việc tách rời Hội Thánh và Nhà Nước. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Hội Thánh phải im lặng về những vấn đề nào đó hoặc nhà nước có thể chọn gạt ra ngoài “tiếng nói của các tín hữu quyết tâm trong việc xác định các giá trị sẽ định hình tương lai của dân tộc.”
ĐTC nói rằng Ngài đánh giá cao những nỗ lực của các giám mục Hoa Kỳ trong việc duy trì liên lạc với người Công Giáo tham gia vào đời sống chính trị và giúp họ “hiểu rõ trách nhiệm cá nhân của họ là làm nhân chứng cho đức tin của mình.”
Điều này đặc biệt đúng khi nói đến những vấn đề luân lý chính của thời nay, mà Ngài xác định là “việc tôn trọng món quà sự sống của Thiên Chúa, việc bảo vệ phẩm giá con người và cổ võ những quyền đích thực của con người.”
Ngài kết luận với một giọng lạc quan bằng nhận xét về sự nổi lên của “một thế hệ người Công Giáo mới” ở Hoa Kỳ là những người có “kinh nghiệm và những xác tín sẽ có một vai trò quyết định trong việc canh tân sự hiện diện và làm chứng của Hội Thánh trong xã hội Mỹ.”
Hy vọng được hứa hẹn bởi thế hệ trẻ này phải là lý do đủ “để lập lại các nỗ lực của chúng ta ngõ hầu huy động các nguồn tài nguyên về trí tuệ và luân lý của toàn thể cộng đồng Công Giáo trong sứ vụ Phúc Âm Hóa nền văn hóa Mỹ và xây dựng nền văn minh tình yêu.”
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
Để đọc đầy đủ huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô, xin vui lòng truy cập: http://www.catholicnewsagency.com/document.php?n=1059