CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN C
Thường thì tôi sẽ không chọn giải pháp đọc những dẫn giải Kinh thánh ngay, nhưng thường cố lắng nghe thông điệp từ những tác động bên ngoài. Nhưng hôm nay, tôi phải sử dụng đến quyển hướng dẫn Thừa tác viên Lời Chúa, Độc giả Tin Mừng và Người công bố Lời” (Chicago: Liturgy Training Publication, 2010) khi soạn bài giảng lễ Chúa Nhật. Trong những quyển sách đó có những đoạn chú giải ngắn gọn về các bài đọc và tôi thường thấy khá hữu ích, nhưng với bài đọc hôm nay thì quả thật lại là một thách đố. Quả vậy, Quyển hướng dẫn Thừa tác viên Lời đề nghị đọc bản Tin mừng trước để có thể hiểu rõ bài đọc một hơn. Tôi chọn cách làm ngược lại: đọc bản văn này trước khi bước vào “lãng địa Kitô giáo” với bài Tin mừng.
Tác giả sách Khôn ngoan lấy lại một biến cố quá khứ, việc Chúa giải cứu dân Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập (đêm vượt qua) và diễn giải nó cho thế hệ tín hữu mới của thế kỷ thứ I. Chúa đã đưa ra một lời hứa (lời “thề”) với cha ông họ (mà bài đọc trích thư Do Thái gọi các ngài là “tiền nhân”), những người đang mong chờ sự giải thoát. Họ phải sống trong niềm tin, tin vào lời Chúa hứa, và hy vọng một ngày kia những lời hứa ấy sẽ được hoàn tất. Như thư Do Thái nhắc nhở chúng ta: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.”
Đức tin chưa đạt tới đích, cũng chẳng có một bằng chứng cụ thể về sự hiện hữu của nó. Cũng vậy, tín hữu có thể thấy những gì chưa thực sự nhìn được bằng mắt vì chúng ta nhìn bằng con mắt đức tin. Cũng chính niềm tin không thể nhìn thấy đó đã giữ vững những tiền nhân mà hôm nay sách Khôn Ngoan ca tụng. Đó cũng là đức tin của con cái của Apraham và Sara, mà thư Do Thái nói với chúng ta, dù họ chết mà chưa được thấy lời hứa của Thiên Chúa được hoàn tất. Cuộc đời của họ kết thúc với một chữ “Amen” đầy tín thác vào Thiên Chúa.
Chúng ta đã biết những người sống niềm tin mà những bản Kinh thánh này nhắc tới; những người đả phải thử thách nghiêm trọng bằng nhiều mất mát và đau thương nơi chính mình hay những người thân yêu. Nhưng dù có phải đối diện với muôn vàn khốn khó, các ngài vẫn không từ bỏ tin tưởng Thiên Chúa. Dù lắm khi những chứng cứ chống lại đức tin đó cứ dâng lên như sóng thủy triều trước mắt họ. Nhưng các ngài vẫn luôn tín thác và chính nhờ đức tin ấy đã cho các ngài “bằng chứng những điều không trông thấy.” Khi chúng ta trải qua những thử thách như thế, thậm chí những gì thân thiết nhất với chúng ta cũng có thể thử thách chính đức kiên cường và niềm tin của chúng ta. Chúng ta không thể đưa ra bằng chứng cụ thể về giá trị đức tin của chúng ta. Chúng ta chỉ tin, như cha ông chúng ta đã tin, vào Đấng đã hứa ở với chúng ta, Đấng mà sách Khôn ngoan đã khẳng định là xứng đáng để chúng ta tin tưởng; và chính “lời hứa” của Ngài cho chúng ta can đảm bước tiếp những bước can đảm trên hành trình đức tin của mình.
Giờ thì chúng ta đã sẵn sàng để bước vào bài Tin mừng. Để cho rõ ràng và đi vào trọng tâm, tôi chọn bài bài ngắn (Lc 12, 35-4o). Bài Tin mừng này kể một dụ ngôn quá đủ cho chúng ta ngày nay!
Dụ ngôn người đầy tớ chờ đợi chủ trở về là sự hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa đối với những ai đã chịu gian nan vất vả mà vẫn tin tưởng vào Ngài, những người đã được hai bài đọc trước tán dương. Bài thánh vịnh đáp ca đã tóm tắt như sau: “Hồn chúng tôi trông Đức Chúa là Đấng luôn phù trợ và chở che.” Dụ ngôn cho thấy rằng những ai tin tưởng đợi chờ đã không thất vọng và đã thấy lời hứa cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất nơi sự hiện diện của Đức Giêsu.
Những ai tin tưởng thì “tỉnh thức” khi chủ đến, dù cho phải chờ đợi lâu – dẫu là “nửa đêm hay lúc trời gần sáng.” Thế hệ Kitô hữu đầu tiên, những thính giả của thánh Luca, đã được khích lệ sống tỉnh thức và sẵn sàng để đón Chúa Giêsu trở lại. Đức Giêsu đã hứa với nhữg môn đệ có tinh thần cảnh giác là: khi Người trở lại, những ai hoàn thành bổn phận của mình cách đầy tin tưởng sẽ được chủ chăm sóc chu đáo. Chẳng lẽ anh chị em lại không yêu thích sự đảo ngược vai trò được mô tả trong dụ ngôn: ông chủ vừa mới trở về, đứng chờ bên bàn ăn để phục vụ những đầy tớ trung thành – sự đối đãi lạ thường mà những kẻ đầy tớ chẳng bao giờ có thể nghĩ mình như thế! Vì thế, quy tụ nơi đây để thờ phượng, chúng ta cũng đang cố gắng tin tưởng và tỉnh thức – như dụ ngôn khích lệ. Nhưng chúng ta không phải là những độc giả của thánh Luca. Cũng chẳng phải là cách ngày Đức Giêsu lên trời vài thế hệ, nhưng là 2000 năm! Nên chúng ta hết sức cần một niềm tin mà thư Do Thái đã ca tụng, “Tin là bảo đảm cho những già ta hy vọng, là bằng chứng cho những gì ta không thấy.” Chính đức tin đó và niềm hy vọng mai sau mới giúp chúng ta đủ sức tỉnh thức và đợi chờ Chúa. Chúng ta chưa từ bỏ Người, cũng chẳng phải vì chúng ta nghiến răng chịu đựng và “làm việc kiệt quệ” trong suốt những năm tháng qua. Không, nếu như thế, chúng ta chẳng khác gì những con robot được kiểm tra qua những nghi lễ bên ngoài với những quyết định khắc nghiệt.
Ngược lại, dù chúng ta có chiến đấu dài lâu, dù với tư cách như một giáo hội hay cá nhân, chúng ta vẫn tìm được niềm vui không thể diễn tả và sự tự tin trong niềm tin của chúng ta. Chúng ta cũng hy vọng rằng những gì chúng ta cảm nghiệm bây giờ thì chưa phải là trọn vẹn cuộc sống của chúng ta. Đức Giêsu là Đấng mà chúng ta vẫntrông đợi và chúng ta tuyên xưng Người là Thầy của chúng ta. Trong khi đó, chúng ta được mời gọi tiếp tục hành trình của mình, như Abraham và Sara, “không biết” nơi kết thúc, nhưng tin vào sự hiện diện của Thầy giửa chúng ta, phục vụ chúng ta, như Người thực hiện hôm nay trong hy lễ này, lương thực cần thiết cho chúng ta tiếp tục hành trình.
Làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục cố gắng để luôn là những môn đệ tín thác – nhất là những ngày này, không chỉ thế giới, mà cả Giáo hội của chúng ta đang làm chúng ta thất vọng? Chúng ta tiếp tục, chúng ta là Giáo hội của đức Kitô vì, những gì đức Giêsu nhắc đến trong dụ ngôn đã xảy đến. Người đã ngự đến trong Thánh Thần của Người, và đã “lẻn vào” trong nhà chúng ta. Quả là đức Giêsu đã dùng một hình ảnh thật tuyệt vời để nhấn mạnh đến việc trở lại bất ngờ của Người: Người giống như một kẻ trộm lén lút. Chúng ta cần phải tỉnh thức. Hãy thực hành một sự tỉnh thức đặc biệt trong tuần này – để xem chúng ta có thể bắt được “kẻ trộm” lẻn vào cuộc sống của chúng ta và khiến chúng ta ngạc nhiên hay không.
Vậy chúng ta sẽ thấy điều gì? Làm sao chúng ta biết lúc “kẻ trộm” lẻn vào? Hãy tìm kiếm sức mạnh lạ lùng trong giây phút khủng hoảng. Hãy chờ đợi một niềm vui ẩn sâu bên dưới những công việc thường ngày. Hãy đợi chờ sự bất ngờ, có thể là một bữa tiệc với người thân yêu hay bạn cũ. Hãy chờ có người đến xin anh chị em giúp đỡ để chúng ta có thể nhận ra chúng ta được mời gọi để cho đi. Hãy tìm kiếm sự hiện diện bình yên trong những giây phút cầu nguyện trong yên lặng. Hãy tìm kiếm sự phó thác được canh tân để anh chị em tiếp tục thực hiện sứ mạng mình được mời gọi. Dù Đức Giêsu có sử dụng hình ảnh ông chủ trở về hay nhình ảnh kẻ trộm đi chăng nữa, chúng ta cũng vẫn hiểu rằng, chúng ta cần nghe theo lời cảnh báo của Người là hãy tỉnh thức, biết rằng Người sẽ trở lại và vẫn mãi trở lại mỗi ngày với các môn đệ có cặp mắt và đôi tai thức thỉnh.