Đức Mến Cao Trọng Hơn Cả

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN C

Giêrêmia 1:4-5, 17-19; Tvịnh 71; 1 Côrintô 12: 31- 3:13; Luca 4: 21-30

Gần đây, một người bạn đã đề nghị tôi viết và tập trung nhiều hơn vào các bài đọc hai — thường là các thư Phaolô. Anh ấy nói đúng, tôi nên làm thế. Là người giảng thuyết, tôi cũng cảm thấy cần phải tự chất vấn: “Lần cuối cùng giảng từ thư Phaolô là khi nào?” Xin lưu ý, tôi không nói: “Giảng về Phaolô”, bởi lẽ như thế sẽ làm cho một trích đoạn Kinh thánh giống như đề tài mà người giảng thuyết cần phải “thảo luận hoặc giải thích” cho những người nghe. Thay vào đó, chúng tôi rao giảng từ Kinh thánh: chúng tôi cầu nguyện, suy tư và nghiên cứu về bài đọc cũng như cộng đoàn mình sẽ rao giảng. Chúng tôi giảng từ những gì mình đã được nghe và diễn giải làm sao cho phù hợp với những thính giả. Chắc chắn ở đây tôi đã để lại sót một điều gì đó, nhưng đây không phải là một khóa học giảng thuyết, đúng không?

Còn nếu chúng ta không phải là những nhà giảng thuyết thì những điều đã nói ở trên cũng vẫn đúng. Học hỏi Kinh thánh là một điều quan trọng. Nhưng chúng tôi muốn tạo một không gian để điều gì đó trong bản văn nói với chúng ta và làm biến đổi cuộc sống chúng ta. Vì thế, chúng ta cũng cầu nguyện và suy tư, ngõ hầu lắng nghe những điều bản văn nói với cuộc sống của mình. Tiếp đó, như những người yêu mến Lời, chúng ta tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu thêm, để có thể trở nên “sứ giả của Lời” và cũng có thể giúp những người khác lớn lên trong tình yêu của họ đối với Thiên Chúa qua Lời.

Phần giới thiệu như thế là đã đủ. Chúng ta hãy đi tiếp đến các nhiệm vụ sau: bài đọc hôm nay trích từ thư I Côrintô. Ngay cả với những người không mấy quen thuộc với thư thánh Phaolô cũng sẽ nhận ra đoạn văn hôm nay, nếu gần đây có tham dự một lễ cưới. Các đôi hôn phối hầu như luôn chọn đọc bài này trong lễ cưới của mình. Khi nghe trích đoạn này trong thư của thánh Phaolô tại một lễ cưới, lẽ thường, chúng ta và mọi người đang trong tâm trạng hạnh phúc và giác ấm áp.

Tuy nhiên, thánh Phaolô đã không viết cho chúng ta, vì thế mà chúng ta thấy thoải mái và ấm áp trong lòng. Với thánh nhân, tình yêu là một thách thức đối với các Kitô hữu trong cuộc sống hằng ngày. Đó không phải là nói, nhưng là làm. Trong khi bài đọc này đánh động lòng người nghe tại lễ cưới, nó cũng là một lời nhắc nhở rằng tình yêu Kitô giáo là một điều cao quý và luôn bao hàm sự hy sinh.

Tôi chọn bài đọc dài. Bài đọc này mở đầu thật phù hợp với câu cuối cùng trong chương 12 (câu 31) với lời hứa: “Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả.” Những vấn đề gặp phải trong cộng đoàn Côrintô là về các ơn Chúa Thánh Thần, “charismata”. Cộng đoàn này đang chia rẽ, cùng với việc quá nhấn mạnh đến một số ân huệ của Thánh Thần như thánh Phaolô nêu ra.

Chúng ta sẽ hiểu được bản văn nếu có thể lưu ý đến những điều liên quan đến thời điểm và lý do bức thư này được viết ra. Chúng ta có thể là những người hiện đại và cho rằng mình không có mấy điểm chung với cộng đoàn Côrintô. Xét cho cùng, chúng ta có điện thoại di động, vệ tinh toàn cầu, máy siêu âm cắt lớp (CAT), Internet… Thế thì làm sao chúng ta có thể có điểm nào chung với cộng đoàn Côrintô năm xưa? Bản tính con chẳng hạn! Dường như chúng ta không có thay đổi nhiều so với thời các tác giả Kinh thánh. Ngoài ra, những chia rẽ và vướng mắc trong cộng đoàn chúng ta hiện nay cũng chẳng khác mấy so với các vấn nạn mà các Kitô hữu ở Côrintô đã gặp phải.

Thánh Phaolô nhắc chúng ta nhớ: dẫu có là một người thông thái trong cộng đoàn, một nhà lãnh đạo bẩm sinh, một nhà giảng thuyết đầy sức lôi cuốn thuyết phục, một người điều khiển đội hợp xướng đầy tài năng, một thiên tài tổ chức… thì cũng chẳng là nếu hành động mà không có đức ái. Tôi có thể là một thiên tài và có uy tín trong cộng đoàn hay trong phẩm trật Giáo hội, nhưng nếu không có đức ái, thì “tôi cũng chẳng là gì”.

Chúng ta đã dùng hạn từ “yêu” ở rất nhiều nơi, đúng không? Tôi yêu kem hồ trăn, bơi lội, phim cao bồi, tàu lượn siêu tốc… Tốt thôi, nhưng thánh Phaolô không có ý dùng hạn từ yêu theo những lối này. Thánh Phaolô đã chọn một trong số các thuật ngữ chỉ tình yêu trong tiếng Hylạp. Thánh nhân chọn hạn từ “agape” thể hiện một tình yêu tự do hướng đến tha nhân; dù người ta có đáp trả hay không, thì nó vẫn lôi cuốn và xứng đáng với tình yêu của chúng ta. Đó không phải là tình yêu kiểu tình bạn hoặc là sự hấp dẫn lẫn nhau. Agape là tình yêu vị tha mà Đức Kitô đã chỉ cho chúng ta bằng cái chết của Người trên thập giá; Đó là một tình yêu cao quí đòi hỏi sự trao hiến toàn vẹn con người của ta.

Các sách Tin Mừng viết sau thánh Phaolô đã nói đến hạn từ này. Các tác giả Tin Mừng đã đặt mình và máu trong tình yêu thánh Phaolô nhắc đến. Trong Tin Mừng, tình yêu đã hhiện hữu trong mọi lời nói và hành động của Đức Giêsu: Người tha thứ cho những kẻ bắt bớ; đón tiếp những người xa lạ và tội lỗi đến dùng bữa với Người; mang hy vọng cho những ai chán chường; những lời dạy của Người như ánh sáng xua đi bóng đêm ngu muội; là lý do cho những người đang thất vọng ê chề được hân hoan vui mừng…

Bản liệt kê các hành vi của đức ái dường như bắt nguồn từ một bài thánh ca của các Kitô hữu tiên khởi. Những ngôn ngữ và tình cảm thật đáng yêu, đó là lý do chúng ta thường được nghe bài đọc này trong các lễ cưới. Tuy nhiên, hành động vì tình yêu, theo như cách mà thánh Phaolô mô tả, sẽ đòi hỏi nhiều hơn những nỗ lực của chúng ta. Tình yêu mà Phaolô nói đến (agape), chúng ta chỉ có thể có được nhờ sức mạnh của Thánh Thần. Ngài nói: trong các ân huệ của Chúa Thánh Thần thì đức ái cao trọng hơn cả đối với từng người Kitô hữu cũng như toàn thể cộng đoàn Kitô hữu.

Thánh Phaolô cho hay: hôm nay chúng ta xin ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần hầu có thể sống theo “con đường tuyệt vời hơn”. Đôi khi nẻo đường đức ái có những khác thường. Chẳng hạn, một người lính cứu hỏa liều mạng sống mình để cứu một nạn nhân ra khỏi ngôi nhà đang bốc cháy; chồng (vợ) vẫn yêu thương chăm sóc cho người bạn đời của mình bị chứng Alsheimer đã nhiều năm; một bác sĩ từ bỏ một phòng khám đang ăn nên làm ra để đến phục vụ các bệnh nhân ở một nước nghèo; những bậc cha mẹ quyết định vẫn sinh ra và nuôi dưỡng một đứa con mắc phải hội chứng Down; một nữ tu dù ở tuổi 70 bắt đầu che chở bảo vệ cho những người vô gia cư.

Chúng ta cũng hãy khẩn cầu ơn làm tươi mới của Chúa Thánh Thần để ta có thể sống một “con đường tuyệt vời hơn” trong những điều bình dị của cuộc sống vốn đòi hỏi chúng ta một tình yêu trao hiến mỗi ngày để: tôn trọng và đối xử cách công bằng với những người khác biệt với ta; có cặp mắt và đôi tai để đáp lại những người nghèo hèn túng thiếu đang bị gạt ra bên lề xã hội; tha thứ cho những người đã không thành thật với chúng ta; trung thành thực những bổn phận đòi hỏi nhiều thời gian và sức lực cho gia đình của chúng ta; trung thực trong lời nói và việc làm…

Lm Jude Siciliano, OP

Chuyển ngữ: Anh Em HV. Đaminh Gò Vấp