Đức Tin Cần Có Việc Làm Kèm Theo

Trong những tháng hè, các họ đạo thường tiến hành việc dạy giáo lý cho các em dọn mình Rước Lễ và Thêm Sức. Nhiều nơi tổ chức các buổi bồi dưỡng tu đức dành cho các bậc cha mẹ, và các giáo lý viên. Tại một số địa phương cũng có các tuần tĩnh tâm dài hạn dành cho các linh mục, tu sĩ và hội đồng giáo xứ.

Nhân dịp này, tôi xin góp ý về một vấn đề có liên hệ nhiều đến cách sống đạo hôm nay. Ðó là vấn đề: Ðức tin cần có việc làm kèm theo.

Lý do nêu lên vấn đề này, đó là vì nhiều người xem ra chỉ tin, mà không có làm. Ðức tin của họ tách rời khỏi đời sống. Ðối với họ, tin có vẻ chỉ là chấp nhận những chân lý tôn giáo, chỉ cần thưa đúng các điều Hội Thánh dạy, chỉ cần thuộc kinh, thuộc giáo lý. Cũng không thiếu người, tuy có những việc làm kèm theo đức tin, nhưng những việc ấy thực ra không phù hợp với đức tin.

Ðức Tin Cần Có Việc Làm

Thánh Phaolô là đấng đề cao đức tin. Theo ngài, ơn cứu rỗi đến với con người, nhờ tin vào Ðức Kitô, chứ không phải nhờ vào các công việc của con người. Nói thế, thánh tông đồ muốn dạy ta điều này: Ðức tin là ân huệ được ban cho ta từ thập giá Ðức Kitô, chứ không phải là kết quả của các công việc ta làm. Chủ ý ngài khuyên ta đừng tự phụ về các công việc mình làm. Ngoài ra, thánh tông đồ cũng muốn an ủi những người yếu đuối. Ngài khuyên họ đừng mất hy vọng. Bởi vì sự cứu rỗi không phải là đặc ân chỉ dành cho những người ưu tú có khả năng làm nhiều việc tốt, nhưng là một ân huệ sẽ trao ban cho tất cả những ai, tuy dù yếu đuối, vẫn vững tin vào Ðức Kitô.

Nếu ai muốn tin theo Thánh Phaolô, họ nên nhớ rằng: Ngài cũng rất quyết liệt đòi hỏi việc làm kèm theo đức tin. Thí dụ ngài viết: “Hoa trái của Chúa Thánh Thần là bác ái, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, khoan dung, trung thực, khiêm tốn, tiết đoä” (Gal 5, 22). Vô số việc phải làm.

Thánh Giacôbê càng quyết liệt hơn, ngài quả quyết: “Người ta nên công chính bởi việc làm, chứ không phải bởi nguyên đức tin” (Giac 2, 24). “Ðức tin không có việc làm kèm theo là đức tin chết” (Giac 2, 26).

Làm Cần Có Sáng Tạo

Làm là một cách tin. Nhưng làm gì?

Giáo lý chỉ nêu lên các chân lý vắn gọn. Các sách đạo thường chỉ đưa ra các gợi ý. Các giới răn chỉ vạch ra những giới hạn không được vượt qua và bổn phận phải làm. Có nghĩa là mỗi người đều được tự do sáng tạo trong việc áp dụng các giới răn, các gợi ý, các chân lý. Từ “sáng tạo” ở đây được dùng theo nghĩa rộng. Thí dụ Ðức Kitô dạy: “Thầy truyền cho các con một giới răn mới là các con thương yêu nhau, như Thầy thương yêu các con” (Gioan 15, 12). Ðó là giới răn. Ðể thực thi giới răn ấy, tôi có thể bắt chước người này người nọ. Tôi làm theo kiểu rập khuôn. Và tôi cũng có thể sáng tạo ở chỗ chọn lựa sẽ làm việc gì, làm lúc nào, làm nơi nào, làm cách nào, làm cho ai.

Chúa muốn con người sáng tạo. Ðất còn được Chúa ban cho khả năng sản sinh cây cối hoa mầu. Ðó cũng là một cách nó sáng tạo. Phương chi con người.

Riêng nơi con người tin mến Chúa, đức tin và đức mến phải là những động lực mãnh liệt và phong phú thúc đẩy sáng tạo, để các liên hệ giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với con người được luôn trẻ trung, sinh động, nói lên sức sống của một Hội Thánh không phải chỉ là kẻ đứng canh giữ kho tàng đức tin, mà là một tuổi trẻ xuất hành, ra đi trên khắp các nẻo đường không biên giới, để chia sẻ niềm tin và hy vọng.

Thời nay, để tồn tại, để cạnh tranh, để phát triển, lãnh vực nào cũng đua nhau sáng tạo. Trong lãnh vực tôn giáo, cũng đang xuất hiện nhiều sáng tạo để diễn tả đức tin, để huấn luyện đức tin, và để truyền bá đức tin. Trong Tông Huấn “Christifideles laici” (CFL. 29), Ðức Thánh Cha nhắc tới nhiều sáng tạo đang mang lại nguồn sinh khí mới, tạo nên bộ mặt mới cho thời điểm mới của Hội Thánh. Chẳng hạn như các phong trào mới, các cộng đoàn mới. Họ khác nhau về hình thức bề ngoài, về diễn tiến hình thành, về phong cách, về phương pháp huấn luyện, về lãnh vực hoạt động. Nhưng tất cả đều trở về đời sống nội tâm sâu sắc, đồng thời lại rất dấn thân vào việc cứu giúp con người và nhân bản hoá xã hội.

Với những sáng tạo đa dạng càng ngày càng tăng, Hội Thánh nhiều nơi đang chứng kiến một mùa xuân tân-phúc-âm-hoá nở rộ hoa trái, hứa hẹn một trời mới, đất mới.

Sáng Tạo Theo Mẫu Gương Ðức Kitô Cứu Ðộ

Những bước sáng tạo ấy đều có tính cách Phúc Âm, phát xuất từ ý muốn bước theo Ðức Kitô, để đáp lại ơn gọi ban đầu: “Hãy theo Thầy” (Marcô 1, 17).

Ðức Kitô là Ðấng đã áp dụng về mình lời Cựu Ước xưa: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã xức dầu cho tôi. Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khoù” (Luca 4, 18).

Ðức Kitô là Ðấng đã nói về chính mình Ngài: “Con chồn có hang, con chim có tổ. Con Người không có nơi gối đầu” (Luca 9, 59).

Ðức Kitô là Ðấng đã quả quyết: “Ai làm phúc cho kẻ bé nhỏ nhất, được kể như là làm phúc cho chính Ngài” (Math 25, 31-40).

Ðức Kitô là Ðấng đã trối lại giới răn mới: “Thầy ban cho chúng con một giới răn mới, là chúng con thương yêu nhau, như Thầy yêu thương các con” (Gioan 15, 12).

Ðức Kitô là Ðấng đã sống nghèo, đã rất thương kẻ nghèo, đã chọn kẻ nghèo làm địa chỉ ưu tiên của sứ mệnh cứu độ.

Theo hướng đó, miệng Ngài đã nói, chân Ngài đã đi, và tay Ngài đã làm: Thường thường Ngài nói là để cắt nghĩa các việc Ngài làm, các nơi Ngài đến, Ngài cứu độ bằng việc làm hơn là bằng lời nói và tâm tình.

Ðức Kitô dạy ta tin vào Ngài. Và Ngài muốn ta đầu tư đức tin ấy vào các việc làm. Ngài muốn ta diễn tả đức tin ấy bằng các hình thức đạo đức khôn ngoan, nhất là bằng việc sám hối trở về, ăn ở hiền lành, khiêm nhường, bác ái.

Chiều ngày 17 tháng 05, 1993, đài BBC trong mục “Chuyện Chúng Mình” đã nói nhiều đến Mẹ Têrêsa. Mẹ là một nữ tu năm nay ngoài 80 tuổi, ốm đau, sống nghèo, suốt đời lo cho người nghèo. Hoạt động của Mẹ nay có mặt trên 105 nước. Theo đài BBC, Mẹ sống như thế, hoạt động như thế, chỉ vì Mẹ có một đức tin tuyệt đối đối với Thượng Ðế và một đức ái vô biên với con người.

Ðúng là một đức tin sáng tạo. Một đức tin mãnh liệt được phiên dịch ra một đức ái chan hoà. Nơi Mẹ, một nữ tu già, thế giới hôm nay đang chiêm ngưỡng dung nhan một Hội Thánh trẻ trung, phản ánh hình ảnh Ðức Kitô, đầy sức sống, rất dễ thương, chói sáng niềm hy vọng cứu độ vô biên. Những sáng tạo của Mẹ rất thông minh, trong sáng, phát xuất từ một nội tâm không ngừng được thanh luyện bởi sự cầu nguyện, hy sinh quên mình, và phó thác.

Việc Làm Cứu Ðộ Ðầy Thông Minh và Trong Sáng

Như Mẹ Têrêsa, những kẻ bước theo Ðức Kitô, Ðấng cứu độ loài người cần biết đón nhận kế hoạch cứu độ Ngài dành cho bản thân họ, cũng như cần biết đến kế hoạch cứu độ Ngài dành cho nhân loại từng nơi và từng thời điểm.

Ðể biết cộng tác vào những kế hoạch cứu độ ấy, kẻ tin theo Ðức Kitô nên coi sự thông minh và trong sáng như những điều kiện quan trọng. Những việc sau đây sẽ giúp ta thực hiện phần nào những điều kiện ấy.

a. Cần thu thập nhiều dữ kiện có liên hệ đến đức tin để quan sát và phân tích tình hình.

Các dữ kiện xảy ra trong các lãnh vực có liên hệ đến con người, xã hội và dân tộc, đều thuộc về “vườn nho” Chúa sai ta chăm sóc. Ðức tin cần mở rộng tầm nhìn về các dữ kiện khách quan ấy. Sự hiểu biết hẹp hòi là một trong những nguyên nhân dẫn tới những nhận định chủ quan và những lựa chọn sai lầm. Và càng là sai lầm tai hại cho công việc đức tin, nếu ta chủ trương khép kín, trốn tránh các thực tại đụng tới sự tự ái ổn định của cá nhân ta và của tập thể của ta.

Ðọc nhiều, nghe nhiều, tiếp xúc nhiều, theo dõi nhiều, nghiên cứu nhiều, được nhiều người cộng tác, ta mới có được phần nào kinh nghiệm cần thiết về những tiến triển và những thất bại của Hội Thánh đó đây, cũng như mới thấy được những quan điểm khác nhau, và những nguy cơ trầm trọng đe doạ đức tin của mình và của cộng đoàn của mình.

b. Cần lượng giá tình hình có liên hệ đến đức tin, sau khi phân tích các dữ kiện.

Lượng giá là việc của lý trí, của lương tri, và của đức tin. Có nhiều hình thức lượng giá. Nhiều nhận định, và gợi ý về một tình hình được kể như những lượng giá quí. Chẳng hạn, khi Ðức Thánh Cha chọn đề tài cho ngày hoà bình thế giới năm nay là: “Muốn có hoà bình, bạn hãy đến với những kẻ nghèo,” thì chọn lựa ấy là một gợi ý rất sâu sát về một tình hình thế giới đã được ngài lượng giá một cách thông minh. Rồi, nhận định sau đây của Ðức Thánh Cha về tình hình quê hương ngài: “Tình hình Ba Lan hiện nay đang nổi bật bởi những chia rẽ sâu rộng, những bất đồng và tranh chấp đủ thứ. Trước tình hình này, bổn phận quan trọng của Hội Thánh tại Ba Lan là hãy xây dựng sự hiệp nhất, sự thuận hoà, và hãy đánh thức niềm hy vọng đã quá suy yếu” (L’ Observatoir Romano số 7, 1993). Nhận định trên vừa là một lượng giá, vừa là một định hướng, sau khi phân tích các dữ kiện của một tình hình.

c. Cần thanh luyện nộitâm mình.

Ðể có những việc làm đúng, những lựa chọn đúng, hợp thánh ý Chúa, ta còn cần phải có một nội tâm không ngừng được thanh luyện. Dưới đây là chương trình thanh luyện do Thánh Phaolô chỉ dạy: “Tin vào lòng Chúa xót thương, tôi khuyên anh chị em hãy lấy bản thân làm lễ vật sống động, thánh thiện và tốt đẹp, mà dâng lên Chúa. Như thế là anh chị em thờ phượng Chúa một cách xứng hợp. Anh chị em đừng học đòi thế gian. Nhưng hãy biến đổi tâm trí anh chị em nên mới, để có thể hiểu biết ý Chúa và phân biệt điều hay lẽ phải, điều tốt đẹp, điều trọn lành” (Rôma 12, 1-2). Theo lời dạy trên đây, một tình hình đức tin sẽ được nhìn đúng, hợp cái nhìn của Chúa, bởi những ai biết sống tinh thần hiến tế, không học đòi thế gian, và có tâm hồn đổi mới về nhiều phương diện. Những người như thế cũng sẽ biết lựa chọn những việc làm hợp ý Chúa, để diễn tả và để truyền bá đức tin.

Những suy nghĩ trên đây cần đưa tới kết luận thực tế. Ðối với tôi, kết luận thực tế sẽ như sau:

Tại Việt Nam hôm nay đức tin người Công Giáo đang được diễn tả bằng nhiều việc làm đa dạng. Ðặc biệt là đọc kinh, đi lễ, làm tốt bổn phận, tu sửa nhà thờ, học hỏi giáo lý, làm việc từ thiện, xây dựng tinh thần hoà giải Phúc Âm. Các việc đó là cần là tốt.

Nhưng một việc khác nên được coi là trọng hơn hết, thuộc loại nhu cầu khẩn cấp Phúc Âm, cần được xếp vào hàng ưu tiên số một, đó là việc huấn luyện nhân sự và tái đào luyện nhân sự, khởi đi từ chính bản thân mỗi người tin Chúa, không trừ một ai. Cần huấn luyện và tái đào luyện toàn diện con người giáo dân, tu sĩ, giáo sĩ, về mặt thiêng liêng, đến mặt văn hoá, đến mặt nhân bản và chuyên môn, để có một cái nhìn mới, một lương tâm mới, một sinh khí mới, một khả năng mới, rất là Phúc Âm, rất là thời sự, đầy thao thức mới.

Trong giai đoạn mà đất nước chúng ta coi việc phát triển là mục tiêu chính, Hội Thánh tại Việt Nam nên làm chứng cho đức tin của mình qua những người sống đức tin có những việc làm kèm theo, đầy thông minh, trong sáng, biết tự phát triển mình và khả năng phát triển người khác theo đúng hướng. Huấn luyện và tái đào luyện nhân sự là một đòi hỏi cấp bách của đức tin tại Việt Nam hôm nay. Công cuộc ấy rất khó khăn, sẽ phải kéo dài trường kỳ. Nếu đến hôm nay, công trình ấy chưa được quan tâm đủ, thiết tưởng là đã muộn rồi. Tôi nghĩ rằng đầu tư cho con người, huấn luyện và tái huấn luyện bản thân cũng như các người mình có trách nhiệm, đó là việc làm của đức tin, mà mỗi người chúng ta sẽ phải trả lời trước mặt Chúa.

+ GM JB Bùi Tuần