Chúa Nhật 27 Thường Niên C
Lc 17, 5-10
Trên đường lên Giêrusalem, không ít lần Chúa Giêsu dạy dỗ và hướng dẫn riêng cho các Tông đồ. Lần này cũng vậy. Người hướng dẫn cho các ông một số vấn đề liên quan đến đời sống cộng đoàn như những thói hư tật xấu dễ gây nên gương mù gương xấu hay luận về sự tha thứ cho người lỗi phạm đến mình. Tuy nhiên, với các Tông đồ, điều khiến các ngài trăn trở không chỉ trên bình diện đời sống cộng đoàn mà còn trên bình diện đời sống tâm linh nữa. Chính vì thế, các ngài đã mạnh dạn đến thưa với Chúa Giêsu điều trăn trở đó để có thể củng cố đời sống cộng đoàn: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”. Chúa Giêsu đã hướng dẫn các ông hai vấn đề liên quan đến đức tin và sự phục vụ tha nhân.
Từ Đức tin chỉ bằng hạt cải…
Theo thói quen, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp những trăn trở của môn đệ, Người dùng hình ảnh thật ngộ nghĩnh của cây dâu đất vốn chỉ biết bám vào mặt đất để sống, lại sẵn sàng vâng lời người có đức tin – dù chỉ bằng hạt cải- để mọc trên biển cả – nơi không thể xảy ra được trong thực tế. Đức tin là thế. Nó có thể làm được những điều mà con người cho là không thể. Thế nhưng đức tin là gì? Và đâu là ý nghĩa đích thực của nó?
Trước hết, đức tin không phải là kết quả được mang lại do quá trình học hỏi hay hấp thụ những kiến thức sẵn có, mà là ơn Chúa ban nhưng không cho con người. Nhưng đồng thời, đức tin còn là việc con người đáp trả lại sáng kiến đó của Thiên Chúa. Chúng ta để ý cụm từ “đáp trả lại sáng kiến của Thiên Chúa” chứ không phải là bắt Thiên Chúa làm theo ý muốn của mình như đã xảy ra rất nhiều trong tâm thức của người tín hữu. Vâng, nhiều khi chúng ta viện đến đức tin để “ép buộc” Thiên Chúa làm phép lạ theo sở thích của riêng mình. Vì không nằm trên bình diện tri thức khoa học, đức tin đôi khi không rõ ràng sáng sủa, dễ nhận thấy mà có phần không chắc chắn xen lẫn sự mờ tối. Đức tin đòi hỏi sự dấn thân và mạo hiểm của con người.
Về ý nghĩa của đức tin, theo thánh Syrilô, có hai ý nghĩa, một liên quan đến những điều Chúa Giêsu giảng dạy, đến các tín điều trong giáo hội và một liên quan đến ân sủng do Chúa Giêsu mang đến. Lời Chúa Giêsu rao giảng và tín điều do giáo hội tuyên tín là những thực tại đức tin đem đến cho người tín hữu những lợi ích thiêng liêng đích thực. Thật thế, đời sống đức tin của chúng ta được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, bằng những giáo huấn của giáo hội. Sức mạnh của Lời Chúa được sánh ví như ngọn đèn, như ánh sáng trong đêm đen để soi đường dẫn lối cho con người (x. Tv 118,105). Tin vào Chúa Kytô, bước theo đường lối của Người, chắc chắn chúng ta sẽ được Người dẫn đưa vào đời sống vĩnh cửu.
Còn theo nghĩa ân sủng, đức tin do Chúa Thánh Thần ban tặng cho con người không chỉ liên quan những điều phải tin, mà còn thực hiện những điều vượt quá sức lực con người. Đây cũng chính là đức tin mà Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ hôm nay. Cây dâu đất sẽ phải bật rễ, xuống biển đơm hoa kết trái theo lệnh truyền của người có đức tin dù nhỏ bé. Đức tin được sánh ví như hạt cải, dù nhỏ bé, nhưng nó cũng có thể lớn mạnh, toả bóng cho chim trời đến ẩn náu. Người có đức tin cũng vậy, có thể làm được những việc phi thường, họ có thể chiêm ngắm hình ảnh sống động của Thiên Chúa cũng như nhìn ngắm những ánh hào quang vinh hiển của Người.
… đến Phục vụ như những đầy tớ vô dụng
Hiệu quả do đức tin mang lại được đánh dấu bằng hành động, bằng cách thức phục vụ tha nhân. Nếu thánh Giacôbê cho rằng “đức tin không hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2, 17), Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay lại hướng các môn đệ đến cách thức phục vụ tha nhân như là hiệu quả của lòng tin, trong tinh thần khiêm tốn: “Chúng tôi chỉ là những đầy tớ vô dụng”. Thật ra chữ “vô dụng” được dịch ở đây, theo các nhà Kinh thánh không được chính xác lắm vì không lột tả hết ý nghĩa của nó. Chúng ta có thể hiểu thế này. Được cất nhắc lên để phục vụ tha nhân, thi hành chức vụ, người được cất nhắc không lấy đó để vênh vang, để hạch sách kẻ khác, trái lại chỉ xem mình như những người đầy tớ bình thường, người đầy tớ như những đầy tớ khác không hơn không kém. Đã là người đầy tớ, thì dù có làm việc thành công đến đâu, có tài năng đến mấy thì trước mắt ông chủ, cũng chẳng có công trạng gì để bắt ông chủ mang ơn. Chúa Giêsu muốn khuyên dạy các Tông đồ bài học này, đồng thời Người cũng muốn nhắc nhở chúng ta ý thức về vai trò khiêm tốn và tự hạ trong nước Thiên Chúa, theo đó trở nên người môn đệ Chúa chính là trở thành tôi tớ phục vụ mọi người.
“Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”, lời cầu xin của các tông đồ cũng chính là lời cầu xin của mỗi người chúng ta. Xin Chúa thêm lòng tin và tình mến để chúng ta trở nên những đầy tớ tín trung hầu có thể yêu mến, phục vụ Chúa và tha nhân cho xứng hợp.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb