Chúa Nhật 26 Thường Niên B
Mc 9, 38-48
Từ khi bước theo Chúa Giêsu, đây là lần đầu tiên Gioan con ông Dêbêđê với biệt danh “con của sấm sét” lên tiếng phàn nàn về việc có những người không bước theo Thầy, nhưng lại nhân danh Thầy trừ quỷ. Quả đúng là “con của sấm sét”! Ông tỏ vẻ khó chịu vì nhận thấy có người không cùng “đảng phái”, lại công khai thực thi việc bác ái. Giáo huấn của Chúa Giêsu trước vấn đề này như thế nào? Tin mừng hôm nay giúp chúng ta hiểu thêm về giáo huấn của Chúa Giêsu trước vấn đề nhậy cảm này.
Nhìn vào lịch sử dân Dothái, chúng ta thấy hơn 1250 năm về trước, cũng xảy ra một chuyện tương tự với chuyện của “Gioan sấm sét” hôm nay. Ngày đó, theo lệnh của Giavê Thiên Chúa, ông Môsê tập hợp 70 người trong số kỳ mục của dân, “phong chức” cho họ, để họ trở nên những cánh tay nối dài, giúp ông lãnh đạo và ban truyền giáo huấn cho dân Chúa. Thế rồi xảy ra sự việc trong dân có hai ông tên là Enđát và Mêđát không thuộc nhóm 70, thế mà vẫn công khai phát ngôn lệnh truyền của Giavê Thiên Chúa cho dân chúng! Vì thế Giôsuê liền đi “mách” với Môsê và khẩn cầu ông ra tay chận đứng ngày sự việc “điên rồ” của hai ông kia. Lần đó, Môsê đã trả lời Giôsuê: “Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Giavê Thiên Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là Ngôn sứ!” (x. Ds 11, 24-30). Lần này cũng thế, khi thấy việc có người nhân danh Chúa Giêsu đi làm việc phúc đức, Gioan đã ra sức ngăn cản. Có lẽ ngăn cản không xong, nên ông đem ra “đấu tố” họ, nài xin Chúa Giêsu dẹp ngay đội quân “ngoài luồng” này cho khỏi chướng tai gai mắt. “Đừng ngăn cản người ta!”, đó là câu trả lời và cũng là giáo huấn quan trọng của Chúa Giêsu không chỉ dành cho Gioan mà còn cho tất cả chúng ta.
Lý do Chúa Giêsu đưa ra lời nhận định trên là vì “không ai lấy danh nghĩa Thầy làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu Thầy” và “ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng đâu phải ai cũng hiểu đúng như vậy. Thực tế cho thấy ngay trong lòng Giáo hội, ngay trong Hội dòng vẫn còn rất nhiều hình ảnh của những “Gioan sấm sét”. Trên danh nghĩa vẫn là rao giảng danh Chúa và làm chứng cho tình yêu và sự công bình của Chúa đấy, nhưng có nơi, ông cha sở vẫn tìm mọi cách để “chém đẹp” cha phó xứ dù cha phó vẫn cố gắng hết sức để phục vụ giáo xứ và cả “phục dịch” cha sở nữa. Thế nhưng “ông kẹ” này vẫn lấy quyền bề trên – viện dẫn rằng đã được minh định trong giáo luật, để trói cha phó phục dịch cho những tư lợi thấp hèn, bất kể cha phó cũng là thành viên của hội dòng. Ông cha sở này không hiểu rằng trước khi ông là cha sở, thì ông thuộc về một Hội dòng, mà tinh thần của Hội dòng là gì nếu không phải là sống tình huynh đệ, bác ái và công bình chứ không phải vị luật và xét nét từ ly từng tý hành vi của anh em. Từ cái nhìn thiển cận này, nên cũng như “Gioan sấm sét”, ông cảm thấy rất khó chịu khi thấy cha phó sống được giáo dân yêu mến và quý trọng hơn ông. Nếu ông hiểu rằng cha phó và cả ông nữa khi nhân danh Chúa Giêsu để lo việc mục vụ không vì vinh quang cá nhân mà chỉ để làm vinh danh Chúa, thì có lẽ ông đã không “chém đẹp” cha phó, hay tìm mọi cách để “hãm bớt” lòng nhiệt thành của ngài.
Chúng ta nói nhiều, bàn nhiều đến nạn kỳ thị tôn giáo, thế nhưng ít khi bàn đến hoặc nói đến nạn kỳ thị xảy ra ngay trong chính Giáo hội, Hội dòng và ngay môi trường giáo xứ. Thế nên, Lời Chúa hôm nay thúc giục chúng ta tự duyệt xét lại thái độ của mình trước những việc nhân danh Chúa Giêsu để phục vụ tha nhân. Chúng ta biết một khi đặt công việc phục vụ tha nhân –một việc làm hữu ích đặt trên nền tảng bác ái- dưới lăng kính ganh tỵ, xoi mói và chê bai,… vô hình trung, chúng ta tự đặt mình vào thái độ của “Gioan sấm xét” hôm nay. Đây là một thái độ ích kỷ nếu không muốn nói là thiếu bác ái và sự công bằng. Hơn ai hết, Chúa Giêsu đã cho chúng ta một mẫu gương tuyệt vời khi đối diện với những người anh em thực thi công bình bác ái. Theo đó, tất cả những ai thực thi công bình bác ái, phục vụ tha nhân đồng loại đều thuộc về Chúa Giêsu và Giáo hội của Người. Đây là giáo huấn rất quan trọng. Thế nên đừng vì những lợi lộc thấp hèn mà đánh mất giáo huấn trọng yếu này.
“Không ai lấy danh nghĩa Thầy làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta thấm nhuần chân lý này, để trong cuộc sống, chúng ta không ngừng thực thi và cổ võ những giá trị công bình bác ái Kytô giáo không chỉ cho chúng ta mà còn cho anh em đồng loại.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn