Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất (Lc. 24,31).
Hai môn đệ đồng hành nhịp bước trở về quê cũ. Lòng hoang mang vì tin vui Chúa sống lại nửa thật nửa ngờ. Chán nản bỏ lại sau lưng tất cả. Ôm nỗi buồn đành cất bước ra đi. Bỏ lại bạn bè cùng người thân tín. Tìm về chốn cũ nẻo đường xưa. Hai ông muốn quên đi những phút giây ghê rợn. Trời u ám chiều tà nỗi buồn da diết. Tưởng chừng biến cố thập hình đã vùi chôn. Ngày khép lại với hành trang sầu buồn tiến bước. Lòng quặn đau khi nhớ đến Thầy gục ngã. Chia xớt cùng ai nỗi sầu cay đắng. Kìa người khách lạ tiến đến xin đồng hành. Chúa Giêsu đã hiện thân cùng sánh bước. Chứng minh giải thích con đường thánh giá Chúa phải đi. Tỉnh giấc đón nhận tin vui phục sinh niềm hoan lạc. Hai môn đệ mau cất bước tìm về xum họp. Sứ mệnh làm nhân chứng mời gọi khẩn thiết. Cùng nhau mang Tin Vui Phục Sinh đến mọi người.
Sự kiện Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết là một tin vui tuyệt vời. Chưa từng có ai đã được sống lại từ cõi chết mà cứ sống mãi. Chúa sống lại ra khỏi mồ là một sự kiện duy nhất vượt ngoài không gian và thời gian. Các sự kiện diễn tiến rất đơn sơ và có tính thuyết phục. Một phép lạ cả thể đã xảy ra trước mắt nhiều người. Sau khi sống lại Chúa đã hiện ra nhiều lần với nhiều người và trong những hoàn cảnh khác nhau. Chúa Giêsu vẫn chọn đi theo con đường khiêm tốn và tiệm tiến. Chúa sống lại có uy quyền tuyệt đối, nhưng Chúa vẫn từng bước củng cố lòng tin của từng môn đệ. Sứ mệnh làm nhân chứng cho Chúa Kitô phục sinh rất quan trọng. Quan trọng đến nỗi hầu hết các môn đệ đã lấy chính sự sống mình làm nhân chứng.
Truyện kể hai môn đệ đã buồn chán và thất vọng bỏ về quê. Chúa Giêsu không bỏ lỡ cơ hội, Ngài xuất hiện đồng hành với các ngài. Chúa giải thích cặn kẽ những lời các tiên tri đã loan báo về Đấng Cứu Thế. Người Đầy Tớ Đau Khổ phải hoàn tất mọi lời đã mặc khải. Tiên tri Isaia đã loan báo: Này đây, người tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng (Is. 52,13). Ngài phải đi qua cái chết để bước vào sự sống. Chúa sống lại xuất hiện như một con người, nhưng con người sẽ không bao giờ chết nữa. Sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Thánh Phaolô viết: Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người (Rm. 6,9). Người đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Người hiện diện đó với hai môn đệ, nhưng đồng thời Người cũng hiện ra với các môn đệ khác. Chúa gặp gỡ với cử chỉ rất trìu mến, nhẹ nhàng không trách móc, không rầy la, Chúa dẫn các môn đệ trở về xum họp để chuẩn bị cho sứ mệnh cao cả hơn.
Các môn đệ chưa hiểu hết mầu nhiệm của sự sống lại và ơn cứu độ. Giáo lý của Chúa qúa cao siêu và lạ lùng. Đây là giáo lý tối thượng được mặc khải và tỏ lộ cho con người. Chúng ta không ngạc nhiên vì các môn đệ còn bỡ ngỡ và ngờ vực. Chúng ta không nên suy diễn sự yếu kém niềm tin của các tông đồ. Trong hoàn cảnh đau thương của các ngài, ai có thể nói rằng mình đã vững tin. Những ngờ vực của Tôma, của Phêrô và của các tông đồ là rất chính đáng. Tuy rằng Chúa Giêsu đã loan báo trước sự kiện Chúa sẽ chịu đau khổ, chết và ngày thứ ba sẽ sống lại. Nhưng biến cố chịu nạn của Chúa qúa đột ngột và đau thương, các Tông Đồ không thể lãnh hội được ý nghĩa. Một biến cố xảy ra vượt ngoài tầm trí hiểu và ước tính của con người. Chúa đã dẫn đưa các tông đồ từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Nhìn thấy Chúa sống lại hiện diện nhưng vẫn chưa thể tin: Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!(Ga. 20,27).
Trên đường Emmaus, hai môn đệ được lắng nghe lời Chúa. Tâm trí các ông mở ra và các ông bắt đầu am hiểu Kinh Thánh. Những mặc khải trong Thánh Kinh đều có liên quan đến lịch sử ơn cứu độ về cái chết và sự sống lại. Việc Chúa sống lại không dừng tại đây mà mới là bắt đầu. Chúa mang lại niềm vui ơn cứu độ qua sự kết hợp mật thiết với Chúa qua việc Bẻ Bánh. Chúa dẫn các ông vào huyền nhiệm của Bí Tích Thánh Thể. Đây là thánh lễ đầu tiên do chính Chúa Giêsu thực hiện sau khi Ngài sống lại: Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông (Lc 24,30). Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể và lấy chính Thịt Máu Mình làm của ăn dưỡng nuôi chúng ta. Sự sống lại của Chúa Kitô tiếp tục hiện diện trong nghi thức Bẻ Bánh. Đây chính là lễ hiến dâng tình yêu để đền tội. Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ thi hành việc này để nhớ đến Chúa: Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.”(Lc. 22,20).
Anh em hãy làm việc này để nhớ đến Thầy. Đây là lời dặn dò quí trọng và thiết nghĩa nhất. Chỉ có nơi Bí Tích Thánh Thể này, chúng ta mới gặp gỡ và tưởng nhớ đến Chúa cách trọn hảo nhất. Mình Chúa trở nên của ăn, Máu Chúa trở nên của uống cho thân xác và linh hồn chúng ta. Việc Chúa Giêsu bẻ bánh trước mặt hai môn đệ là dấu chứng tuyệt vời nhất để họ nhận ra Chúa. Giáo Hội suốt hai ngàn năm qua, không có giây phút nào mà không có những thánh lễ toàn thiêu không đổ máu dâng trên bàn thờ tưởng nhớ đến Chúa Giêsu. Bí tích Thánh Thể trở thành trung tâm điểm của những người tin. Và chỉ nơi Bí Tích này chúng ta tìm được nguồn sự sống. Chúa Giêsu đã phán: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống (Ga. 6, 54-55).
Trung tâm điểm đời sống Giáo Hội luôn luôn găn kết với Bí Tích Thánh Thể. Tất cả những sinh hoạt chính của Giáo Hội được lồng trong Phụng Vụ Thánh Lễ. Các nghi thức phong thánh, phong chân phuớc, phong chức giám mục, linh mục, khấn dòng, thánh hiến nhà thờ, ban bí tích Thêm Sức… đều được cử hành trong thánh lễ. Cử hành thánh lễ là cử hành niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh. Chúa Kitô là nguồn sống của Giáo Hội. Kết hợp với Chúa Kitô, chúng ta sẽ được hưởng ban ân sủng: Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được (Ga. 15,5). Chúng ta sẽ nhận ra Chúa Kitô hiện diện qua nghi thức Bẻ Bánh. Chúa hiện diện qua lời của Ngài, qua Bí Tích Thánh Thể và qua cộng đồng dân Chúa. Được tham dự thánh lễ là được chia sẻ niềm hạnh phúc và hưởng nếm niềm vui muôn đời trong tình yêu Chúa.
Trong thế giới hiện tại, chúng ta biết rằng có rất nhiều người có khuynh hướng thù nghịch với Thiên Chúa. Họ muốn hoàn toàn tự do độc lập quyết định về số mệnh của mình. Họ từ chối lời mời gọi trở nên con cái Chúa. Họ viết truyện, làm phim, vẽ tranh ảnh và tuyên truyền báng bổ Danh Thánh Chúa. Họ còn nhạo cười, dề môi bỉu miệng và tẩy chay Đấng ban nguồn sự sống như những người Do-thái xưa. Chúa Giêsu nhắn nhủ: Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi (Ga. 15,6). Kết cục đời họ sẽ đi về đâu vào ngày tận cuối. Hạnh phúc đời họ chỉ là con đường thênh thang rộng mở nơi trần thế. Tàn hơi kiệt sức và thần chết đến. Ánh sáng cuối đường sẽ lịm tắt. Họ sẽ bơ vơ trong đêm tối rợn rùng. Hố sâu vực thẳm sẽ chờ đón chôn vùi mọi ước vọng. Thần chết đón chờ nơi ngục tối. Cùng đích cuộc đời là chốn ngục tù tăm tối. Biết nương nhờ ai trong cơn cùng cực khổ đau.
Chúa Giêsu đã phục sinh. Alleluia! Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Chúa chúng ta. Chúng ta hãy cậy trông vào sự quan phòng của Chúa. Chúa chính là nơi chúng ta nương tựa và chốn ẩn thân. Chúa là cùng đích của cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy đặt trọn niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh. Chỉ nơi Chúa Kitô, chúng ta tìm được nguồn an vui đích thực. Chúng ta có Thiên Chúa để tôn thờ, có cùng đích để hướng tới và có Nước Trời để về vui hưởng hạnh phúc.
Trong cuộc lữ hành trần thế, Chúa mời gọi mỗi người chúng ta tiếp tục ra đi làm nhân chứng. Làm chứng nhân cho Chúa Kitô Phục Sinh trong gia đình, nơi cộng đoàn và mọi nơi chúng ta đang sinh hoạt. Chúng ta không còn phải sợ hãi khi đối diện với sự đau khổ và sự chết nữa. Chúng ta có niềm hy vọng vào Chúa Kitô Sống Lại. Chúng ta sẽ cùng được chung hưởng hạnh phúc với Chúa muôn đời. Amen.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York