Chúa Nhật 5 Phục Sinh B
Ga 15, 1-8
Gốc nho này, Chúa bứng từ Aicập Đuổi chư dân lấy chỗ mà trồng… … bóng um tùm phủ xanh đầu núi, cành sum xuê rợp bá hương thần, nhánh vươn dài tới phía đại dương, chồi mọc xa đến tận miền sông Cả. (Tv 79,9.11-12)
Đọc những câu thánh vịnh trên, có lẽ chúng ta sẽ thắc mắc, tại sao khi viết về cây nho mà tác giả thánh vịnh lại miêu tả bằng những hình ảnh như gốc, bóng um tùm, cành sum xuê, nhánh vươn dài, chồi mọc xa… khác với hình ảnh về cây nho – hay đúng hơn là dây nho được trồng thiếu gì ở Ninh Thuận, Nha Trang hoặc xa hơn là ở Bordeaux, Bourgogne bên Pháp? Thực hư thế nào?
Trước hết, đối với cư dân Palestine, cây nho vốn được xem là tài sản quý. Palestine lâu nay vẫn được xem là nơi có những cây nho “khổng lồ”. Cây phát triển to lớn thành những cây cổ thụ với cành lá sum xuê chứ không phải như những dây nho nhỏ xíu được cắt tỉa gọn gàng như những vùng nêu trên. Còn nữa, ở Êphêxô trong đền thờ thần Diana, người ta có thể thấy nguyên một chiếc thang gỗ lớn được tạc từ một gốc nho duy nhất đem về từ đảo Chypre. Chính vì vậy, chúng ta thấy có những hình ảnh “vĩ đại” được miêu tả về cây nho của tác giả thánh vịnh. Cây nho trở thành biểu tượng cho sự phú túc, cho sự hào phóng của Thiên chúa đối với dân riêng của người. Hiểu được như thế về cây nho vùng Palestine, chúng ta sẽ hiểu hơn về trình thuật tin mừng hôm nay.
Trước hết, Chúa Giêsu sánh ví chính Người là cây nho thật. Cây nho thật, khác với cây nho dại- điều mà ngôn sứ Giêrêmia đã từng lên tiếng khiển trách dân Israel. “Ta đã trồng ngươi như cây nho hảo hạng, cây nho thuần chủng. Sao ngươi lại thoái hoá thành cành nho tạp chủng?” (Gr 2, 21). Như thế, cây nho thật, nho thuần chủng là loại nho giống tốt, được chủ chăm sóc kỹ càng nên sinh nhiều trái thơm ngon, không giống như cây nho dại, nho tạp chủng, nho bị bỏ hoang nên sinh ra toàn trái nho bệnh tật và chua lòm. Chúa Giêsu chính là cây nho quý nhất mà Chúa Cha đã vun trồng, cắt tỉa chăm sóc để đem lại hoa trái thánh thiện công chính và sự sống dồi dào cho nhân loại. Sự chăm nom săn sóc của Chúa Cha đối với cây nho là Chúa Giêsu cho thấy tình yêu vô bờ bến Người đã ưu ái dành cho Chúa Con như là mối dây liên kết tình Cha – Con. Chính vì thế, khi đến thế gian, Chúa Giêsu đã tự hiến sự sống mình, kết thành những trái nho mọng nước, ngạt ngào hương thơm để tôn vinh Chúa Cha và đem lại ơn cứu rỗi cho con người.
Không chỉ có thế, Chúa Giêsu còn sánh ví mỗi người chúng ta là cành nho được liên kết với thân nho là chính Đức Kytô. “Thầy là cây nho, anh em là cành”. Khi khẳng định như thế, Chúa Giêsu muốn rằng các môn đệ của Người cần phải liên kết mật thiết với Người như cành nho được xuất phát và liên kết với cây nho. Điều này thật hiển nhiên. Vì có như thế nó mới được dưỡng nuôi bằng chính nhựa sống chảy ra từ chính thân nho. Tuy nhiên kinh nghiệm làm nho cho thấy rằng mục đích chính của chủ vườn nho là mong sao cho những cành nho kia sinh nhiều trái mọng nước. Để được điều đó, nếu cành nho không được cắt tỉa, thì nó chỉ có cành lá sum xuê, nhiều nhánh vươn dài mà chẳng có trái. Nhờ cắt tỉa, cây nho đau đớn, rướm máu, tuôn đổ nhựa sống, nảy sinh những hoa trái mọng nước. Cắt tỉa, làm cho sạch là hình ảnh của sự tinh luyện thử thách. Chắc chắn chẳng vui gì khi phải cắt tỉa, vứt bỏ những cành, nhánh nho nhưng nếu không như thế thì làm sao sinh nhiều hoa trái, làm sao sinh lợi. Vì thế tinh luyện thử thách là điều cần thiết để giúp chúng ta trưởng thành hơn.
Chúa Giêsu chính là thân nho nơi ngập tràn nhựa sống Thần linh. Nhựa sống Thần linh ấy chính là Mình và Máu Người hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta là những cành nho mong được tiếp nhận nhựa sống Thần linh ấy để sinh nhiều hoa trái. Muốn vậy, chúng ta hãy mau mắn đến với Chúa Giêsu qua bí tích Thánh Thể để kín múc nhựa sống Thần linh ấy; đồng thời hãy để cho Lời Chúa “cắt tỉa” và “rửa sạch” những gì là sum xuê, là tươi tốt của những cành nho không sinh lợi, đó là những đam mê, những dục vọng, những đố kỵ, ghen tương,… Cắt tỉa và rửa sạch những cành nho ấy, chắc chắn chúng ta sẽ nhẹ nhàng hơn và vui sướng hơn vì chúng ta được gắn kết mật thiết với Chúa trong Tình yêu.
Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta duyệt xét lại cuộc sống đạo của mình. Là những cành nho được liên kết với Chúa Giêsu qua bí tích thánh tẩy, chúng ta đã thật sự liên kết với Chúa, với Giáo hội trong yêu thương và phục vụ chưa? Hay vẫn còn đó những cành lá thừa thải là những dục vọng thấp hèn, vị kỷ nhỏ nhen, không quan tâm đến nhu cầu của những anh em nghèo khổ,v.v… Chúng ta chỉ thật sự ở trong Chúa Kytô, liên kết với Chúa Kytô khi chúng ta biết sống cho người anh em mình cách chân tình, vô vị lợi. Và khi ấy, nhựa sống của cây nho thần linh là Chúa Kytô sẽ nuôi dưỡng và bổ sức cho chúng ta, biến chúng ta thành những cành nho sinh lợi, gắn kết thật sự với Chúa Kytô- cây nho của Thiên Chúa.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb