Gia Đình

LỄ THÁNH GIA

(Hc 3, 3-7. 14-17a; Cl 3, 12-21; Mt 2, 13-15. 19-23).

Chúa Giêsu đã hạ sinh trong môi trường đời sống gia đình. Gia đình Thánh bao gồm có Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse. Thánh Giuse là người công chính đã chu toàn bổn phận của người cha nuôi. Ngài luôn mau mắn thực hành ý Chúa qua các cuộc báo mộng của thiên thần: Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người” (Mt 2, 13). Giuse không quản ngại đường xa đêm tối, chỉ một lòng trung kiên bảo vệ an toàn cho Chúa Hài Nhi. Ông thi hành ngay lập tức khi được lệnh trốn sang Ai-cập: Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm (Mt 2, 14). Và khi cả gia đình được trở về quê quán: Ông liền chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel (Mt 2, 21). Tình yêu đáp trả tình yêu. Thánh Giuse có một tâm hồn thánh thiện, một trái tim rộng mở và một tình yêu vô điều kiện. Ngài đã nêu gương sáng trong vai trò làm cha và làm chồng. Thánh Giuse khiêm hạ, thế mà sau gần hai thiên niên kỷ, năm 2014, Ủy Ban Phụng Vụ mới ban hành việc đọc thêm tên thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Trinh Nữ, trong các Kinh Nguyện Thánh Thể.

holyfamily4Gia đình là tổ ấm yêu thương. Gia đình lý tưởng bao gồm cha, mẹ và con cái chung sống với nhau cách thuận hòa. Mỗi thành viên trong gia đình có trách nhiệm chu toàn bổn phận của mình. Tác giả sách Đức Huấn Ca đã khuyên dậy: Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời (Hc 3, 5). Gia đình là một đơn vị căn bản trong đời sống cộng đồng xã hội. Gia đình là nơi ươm mầm hạt giống tâm linh và là cái nôi vào đời. Chúng ta có thể quan sát một tổ chim ẩn dấu trên cành cây. Chúng ta có thể quan sát, để chuẩn bị một tổ ấm, chim cha và chim mẹ đã dùng sức lao động và sự cần cù của mình tha từng cọng rác về bện tổ uyên ương. Khi hoàn thành ổ ấm, đôi chim đã quanh quyện bên nhau để cùng chăm sóc, bảo vệ và đỡ nâng. Sau khi liên hợp đẻ trứng, đôi chim thay phiên nhau canh chừng và ấp ủ trứng cho tới khi trứng nở con. Chim con được nuôi dưỡng và bảo vệ một cách cẩn thận trong ổ ấm cho tới khi đủ lông đủ cánh mới tập ra ràng. Cặp chim mẹ cha lo tập tành và hướng dẫn chim con từng bước, giúp chúng hòa nhịp vào cuộc sống. Thật là tuyệt vời!

Từ đầu hết, Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam, có nữ. Nam nữ kết hợp với nhau nên vợ, nên chồng làm thành một gia đình. Những trang đầu của sách Sáng Thế Ký đã ghi nhận sự mạc khải về sự kết hợp nhiệm mầu: Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương một thịt (Stk 2, 24). Vợ chồng kết hợp nên một trong yêu thương. Mục đích của đời sống hôn nhân gia đình là yêu thương và sinh sản con cái. Con cái lưu truyền dòng giống và nối tiếp sự sống. Có một sự gắn bó linh thiêng dòng máu giữa cha mẹ và con cái. Con cái là do sự kết hợp tình yêu và thân xác của mẹ cha. Cha mẹ yêu thương con cái và con cái thảo kính cha mẹ: Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ (Hc 3, 6). Niềm vui trong đời sống gia đình là sự hòa hợp hỗ tương, có cho và có nhận. Sự sống giữa cha mẹ và con cái là một sợi chỉ xuyên suốt gắn bó trực hệ. Con cái có bổn phận đáp ân trả nghĩa và hiếu thảo: Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi (Hc 3, 14-15).

Trong đời sống vợ chồng, tình yêu là chìa khóa. Tình yêu là cái không thể mua và không thể bán. Tình yêu chỉ có thể trao tặng một cách tự do và vô vị lợi. Thiếu tình yêu, đời sống gia đình sẽ trở thành như cái lồng chim. Người ta ví đời sống hôn nhân gia đình giống cái lồng chim sơn son thết vàng tuyệt đẹp. Những con chim sống bên trong muốn bay ra ngoài, trong khi những con bên ngoài muốn bay vào. Bởi đó hôn nhân hấp dẫn cứ tiếp diễn không ngừng, hết đời này sang đời khác. Có những cuộc sống hôn nhân thất bại như chim nhốt lồng, nhưng chúng ta cũng phải chân nhận rằng có rất nhiều cuộc sống hôn nhân rất hạnh phúc. Họ biết thông cảm tha thứ và yêu thương nâng đỡ lẫn nhau. Thánh Phaolô khuyên rằng: Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện (Col 3, 14). Yêu thương thì chín bỏ làm mười. Trong cuộc đôi co tranh luận, hãy nhớ rằng thắng được chồng hay thắng được vợ, thì vẫn thua thắng chính mình.

Mỗi cuộc hôn nhân gia đình là một cuộc lữ hành tình yêu. Cuộc sống nào cũng có lúc vui lúc buồn, lúc thành công khi thất bại, lúc mạnh khoẻ khi ốm đau và thăng trầm năm chìm bảy nổi. Đời sống con người rập khuôn với sự chuyển động của thiên nhiên. Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông biến đổi không ngừng. Thiên nhiên vạn vần có ngày thanh bình êm ả và có ngày giông gió ồn ào. Sinh hoạt đời sống vợ chồng con cái trong gia đình cũng luôn hấp dẫn và lo âu, vì luôn có những sự cố xảy đến. Mỗi ngày sống là một ngày hoàn toàn mới. Kinh nghiệm của đời sống hôn nhân cũng đòi hỏi vợ chồng phát huy thích thời. Không có khi nào trễ, nếu vợ chồng muốn bắt đầu đổi mới cách sống hôm nay. Khó có thể lấy một cặp gia đình nào đó để làm gương mẫu chung, vì mọi người đều bất toàn. Người ta nói rằng ở trong chăn mới biết chăn có rận. Đừng xét đoán ai cả, vì đôi khi chúng ta nhìn thế mà không phải thế. Đừng suy bụng ta ra bụng người mà bị bé cái lầm.

Thánh Phaolô khuyên dạy cả vợ lẫn chồng: Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép (Col 3, 18). Phục tùng trong Chúa như Giáo Hội phục tùng Chúa Giêsu, là đầu của Nhiệm Thể. Lời khuyên này không dễ thực hiện trong hoàn cảnh văn hóa hiện tại, vì người phụ nữ có quyền bình đẳng và quyền tự do. Nhưng Phaolô dậy thêm rằng: Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó (Col 3, 19). Đức yêu thương là cốt lõi. Khi đã yêu thương thật lòng thì mọi sự dễ dàng cảm thông. Trong đời sống, vợ chồng có thể tự vấn đo lường mức độ tình yêu qua sự trao đổi kinh nghiệm sống. Nếu hằng ngày vợ chồng cứ luôn gây gỗ, to tiếng, giận hờn, nói lời chì chiết, bắt bẻ và hay gây sự, xin hãy ý tứ vì có lẽ tình yêu đang bước vào mùa Thu của cuộc sống gia đình.

Thánh Phaolo đã khuyên dạy người chồng và vợ, ngài cũng không quên nhắc nhở những người con trong nhiệm vụ phải vâng lời cha mẹ như chính Chúa Giêsu đã vâng phục cha mẹ của Ngài: Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa (Col 3, 20). Có qua có lại mới toại lòng nhau. Con cái thảo hiếu và cha mẹ nêu gương sáng cho con bắt chước. Đừng dạy một đàng, làm một nẻo, con cái sẽ không kính phục. Cha mẹ có bổn phận giáo dục và yêu thương con cái: Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt (Col 3, 21). Sự hài hòa trong cách cư xử sẽ tạo một bầu khí gia đình yên vui đầm ấm. Biết rằng không có ai hoàn hảo, nhưng mỗi người cố gắng hãm bớt cái tôi ích kỷ, để sống hòa đồng trong mối tương giao. Chúng ta cùng học với gia đình Thánh Gia Thất, hãy nhìn xem Giuse là người thợ mộc đơn thành, Đức Maria thôn nữ dịu hiền sống chung với Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, các Ngài đã tự chu toàn bổn phận mình một cách tuyệt vời trong đời sống gia đình.

Lạy Chúa, đời sống gia đình của chúng con có biết bao niềm vui, nỗi buồn và những khó khăn chồng chất, xin cho chúng con biết nhận ra giá trị đích thực của tình yêu gia đình. Chúng con sẽ cố gắng hoàn thành tốt vai trò của mình để xây dựng một mái ấm gia đình trong yêu thương, vui vẻ và hạnh phúc.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng