1 Các Vua 3: 5, 7-12; Tv 119; Roma 8: 28-30; Matthêu 13: 44-52
Một người bạn tôi thuê một bộ phim có tên là “Everest” đây là tên của một ngọn núi cao nhất thế giới. Phim này dựa vào một câu chuyện thật nói về một nhóm leo núi, khi leo, gặp một cơn bão thình lình đổ ập tới. Họ bị mắc kẹt lại trên núi; một số đã chết và có một người sống sót nhưng phải bị cắt cụt ngón tay và ngón chân vì chúng bị đông đá.
Đối với tôi, họ là những người thật điên rồ, có lẻ vì tôi là người sợ độ cao. Người ta hỏi người còn sống sót: “Ông còn muốn leo lên núi Everest nữa không?” ông ta lập tức trả lời: “Dĩ nhiễn, là tôi sẽ leo lại” Người ta hỏi tiếp: “tại sao?”. Người leo núi trả lời: “Ông cứ leo thử một lần rồi sẽ hiểu. Khi lên tới đó, chúng ta mới thấy quý từng giây phút của cuộc sống, vì sự sống có được tuỳ thuộc vào kinh nghiệm leo núi của bạn. Khác với cuộc sống hằng ngày mà bạn thường thấy nơi gia đình, ngoài sở làm và cả những việc trong xã hội; nó có một nhận thức khác với khi chúng ta leo núi; đối diện với cái chết trong từng giây phút.”
Tôi không hiểu điều đó. Tôi biết những người leo núi có một khái niệm khác về đời sống, đó là một thế giới khác với thế giới của tôi. Những người leo núi khác cũng đều gật đầu đồng ý với người leo núi được phỏng vấn. Những người đó hình như sống một thế giới khác hẳn với thế giới của tôi. Họ là những người sống trong thế giới của họ, và tôi là người đứng bên ngoài nhìn vào thế giới của những người đó.
Trong những dụ ngôn Chúa Giêsu nói với các môn đệ, hình như có những người đứng bên trong và những người đứng bên ngoài nhìn vào. Chúa Giêsu có kinh nghiệm về Thiên Chúa và về đời sống bên trong của Thiên Chúa và Ngài muốn chia sẻ với các môn đệ.”là người đứng bên trong” đang bắt đầu hiểu ý của Chúa Giêsu về đời sống và về Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu kể những chuyện dụ ngôn cho những người đứng bên ngoài, thì những người đó không hiểu được. Đối với những người đứng bên ngoài dụ ngôn là những chuyện điên rồ, họ không thể hiểu được. Nhưng đối với chúng ta, những môn đệ muốn theo chân Chúa Giêsu, mặc dù chúng ta không phải là những người thông thái về Kinh Thánh, và không hoàn toàn là môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng chúng ta đã vào bên trong nơi phụng vụ này là nơi chúng ta có tai của đức tin và chúng ta biết Chúa Giêsu muốn dạy những gì. Đây là đời sống mà chúng ta đã chấp nhận mặc dù có thể nguy hiểm, vì chúng ta đã tin đó là sự thật. Những dụ ngôn này có sự khôn ngoan mà chúng ta không thể tự mình có được.
Vì thế khi nghe những dụ ngôn Chúa Giêsu dạy ngày hôm nay: Một người gặp được một kho báu dấu trong một thửa ruộng. Khi người đó gặp được kho báu thì như đời sống của ông ta thay đổi và cho ông ta nhiều hứa hẹn, vì ông ta bán hết những tài sản ông ta có để mua thửa ruộng có kho báu. Và chuyện nữa, một người thương gia tìm được một viên ngọc quý, ông ta bán đi tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc quý ấy.
Chúng ta cũng như hai người trong dụ ngôn, chúng ta đã hy sinh mọi sự của mình vì chúng ta đã tìm được kho báu quý giá mà chúng ta có thể tìm được. Như bài đáp ca nói, chúng ta là những “hố đất”, chúng ta chứa đựng một kho quý giá, và chúng ta sẵn sàng hy sinh mọi sự để gìn giữ kho quý giá ấy. Chúng ta “mua tất cả thửa ruộng”.
Chúng ta không sống theo những giá trị chung quanh: chúng ta chọn lòng thành thật, mặc dù chúng không thêm lợi ích gì trong công ăn việc làm; đối với tất cả mọi người chúng ta đem đến lòng thương yêu không những chỉ gia đình chúng ta, mà còn với những người khác mặc dù họ cho rằng những người đó không đáng được chúng ta thương yêu; chúng ta trung thành với người bạn đường trong hôn nhân hay trong tình bằng hữu, mặc dù thế gian không trung thành với lời hứa; chúng ta giúp những người cần đến chúng ta, mặc dù chúng ta không nợ nần gì với họ; chúng ta nhìn vào tương lai với lòng đầy hy vọng, mặc dù có nhiều điều làm chúng ta chán nản và thất vọng; chúng ta tha thứ những người đã làm phiền lòng chúng ta, mặc dù trong thế gian thường người ta không dễ quên những điều phiền lòng họ v.v…
Tất cả những điều vừa nói trên không có ý nghĩa gì đối với những người đứng bên ngoài, vì họ không hiểu. Như việc leo núi Everest không có ý nghĩa gì đối với tôi, nhất là khi có những người bị chết vì leo núi. Điều đó không đáng để hy sinh. Nhưng khi Chúa Giêsu nói đến những chuyện tìm được kho báu, hay viên ngọc quý, tôi đánh liều hy sinh tất cả để có thể giữ được kho báu và viên ngọc quý đó. Tôi cảm thấy tôi đã tìm được điều gì quý báu mà tôi đã tìm kiếm suốt đời, mặc dù tôi không nghĩ đến. Tôi đã gặp một kho báu và tôi đã cố gắng hy sinh tất cả những gì tôi đã có để đạt được kho báu ấy, như hai người trong dụ ngôn đã bán hết tài sản mình để có được của quý họ đã gặp.
Đó là điều nguy hiểm, có thể nguy hiểm hơn leo núi, vì tôi đánh liều dựa trên Chúa Kitô và những gì Chúa Kitô hứa hẹn với tôi hàng ngày, và đôi khi tôi phải hy sinh rất nhiều. Nhưng thường thì những hy sinh hàng ngày không đến nỗi nặng nhọc mấy, nhưng là những hy sinh luôn tiếp tục. Tất cả đều để đạt kho báu quý giá. Thật ra thì có những thứ khác mà thế gian cho là quý giá, như những lợi tức cho tài sản riêng mình với bất kỳ giá nào, dùng thời gian để tận hưởng khoái lạc riêng cho mình. Tôi sẵn sàng bỏ qua những “viên ngọc” đó mỗi khi tôi cảm thấy chúng cản trở tôi đạt được viên ngọc quý giá hơn tất cả.
Trong Kinh Thánh viên ngọc là hình ảnh của sự khôn ngoan. Và trong bài đọc thứ nhất, Thiên Chúa cho vua Sa-lô-mon chọn điều gì vua muốn Thiên Chúa cho mình. Thiên Chúa sẽ cho vua. Vua đã chọn và xin sự khôn ngoan, và đó là điều chúng ta cầu xin ngày hôm nay. Nếu có ai hỏi vì sao chúng ta họp nhau trong phụng vụ hôm nay, chúng ta có thể trả lời “chúng ta là những người đi tìm và đã gặp kho quý báu, và chúng ta vui mừng vì của đó”
Chúng ta xin được ơn khôn ngoan để giúp chúng ta chọn điều phải hàng ngày, để chúng ta biết chúng ta phải tránh xa điều gì để sống theo đường lối của Thiên Chúa; để biết chúng ta phải chọn những điều gì để gìn giữ kho quý báu chúng ta đã tìm được; để biết chúng ta phải thay đổi điều gì kể cả những điều nhỏ mọn để chúng ta có thể kinh nghiệm nhiều hơn đời sống với Thiên Chúa; để chúng ta biết phải làm gì để tìm những liên hệ tốt, và để biết những liên hệ nào có thể làm hại mà chúng ta cần phải bỏ đi; để biết chúng ta nên dùng thời giờ và năng lực chúng ta có để phục vụ Thiên Chúa là kho quý báu của chúng ta. Cũng như vua Sa-lô-mon, chúng ta ao ước và cầu xin cho được ơn khôn ngoan. Và Thiên Chúa sẽ ban ơn ấy cho chúng ta, như Ngài đã ban cho vua Sa-lô-mon.
Vì sao chúng ta họp mặt ở đây? Vì chúng ta không muốn bị đánh lừa vì viên ngọc giả hay vì vàng giả. Thật không đáng tỵ nào cả! Chúng ta muốn của quý thật trong đời sống chúng ta, và chúng ta biết những của ấy là gì. Chúng ta đã tìm gặp được kho báu và chúng ta biết ngay là những của khác không đáng giá bằng kho báu ấy.
Trong phúc âm Chúa Giêsu nói đến những người “bé mọn”. Họ là những người có ơn khôn ngoan, không bởi sức riêng của họ, hay bởi địa vị hay học vấn riêng của họ. Những người bé mọn ấy như có linh cảm biết Chúa Giêsu muốn dạy những điều gì, và họ sống theo sự khôn ngoan họ đã lãnh nhận.
Tôi còn nhớ, một hôm tôi hỏi cha tôi là ông muốn quà gì vào lễ Giáng Sinh. Ông trả lời “Ông muốn một cái thiệp có chữ ký của bà và các con cháu của ông, và ông muốn tất cả mọi người trong gia đình có mặt xung quanh bàn ăn dịp lễ “Giáng Sinh”. Lúc đó tôi làm linh mục đã được 10 năm. Nhưng tôi còn phải học hỏi nhiều điều về kho báu, và cha tôi đã 80 tuổi đã là thầy dạy khôn ngoan cho tôi. Ông tôi đã tìm được “viên ngọc quý giá” và đã chia sẻ với tôi.
Lm Jude Siciliano OP
Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP