Giáo Lý Viên và Thầy Cô là Tác Nhân của Tân Phúc Âm Hóa

Năm nay, Giáo Hội Hoa Kỳ sẽ cử hành Chủ Nhật Giáo Lý vào ngày 16 tháng 9 năm 2012, và sẽ tập trung vào chủ đề “Giáo Lý viên và Thầy CôTác Nhân của Tân Phúc Âm Hóa.” Chúa Nhật Giáo Lý là một cơ hội tuyệt vời để suy nghĩ về vai trò của mỗi người trong việc truyền thụ đức tin và làm nhân chứng cho Tin Mừng nhờ bí tích Rửa Tội.  Chúa nhật Giáo lý là một cơ hội cho tất cả để tái cam kết dấn thân cho sứ sụ này như là một cộng đồng đức tin.

Chỉ Nam Quốc Gia về Dạy Giáo Lý nói rằng “Mục tiêu của việc dạy Giáo Lý là hiệp thông với Đức Chúa Giêsu Kitô. Dạy Giáo Lý đưa người ta vào Mầu Nhiệm của Đức Kitô, để gặp gỡ Người, và để khám phá ra chính mình và ý nghĩa của đời mình trong Người. (NDC, số 19B).Hiệp thông với Đức Kitô là chia sẻ tình yêu và sự sống của Người trong thân thể của Ngườ là, Hội Thánh.

Phúc Âm Hóa là rao giảng và làm chứng cho đức tin của chúng ta trong cuộc sống của mình để người khác có thể trở thành môn đệ của Chúa.  Và đây là mệnh lệnh mà Chúa truyền cho mỗi người chúng ta khi Rửa Tội. Tiếc thay, chúng ta đang sống trong một thế giới và xã hội bị tục hóa.  Nhiều người và chính quyền đang cố gắng loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống xã hội, và công tác Phúc Âm hóa càng ngày càng trở nên khó khăn.

Để làm sống lại đức tin, ĐTC Bênêdictô XVI “với tông thư ‘Cánh Cửa Đức Tin’ ngày 11 tháng10 năm 2011, đã tuyên bố rằng một “Năm Đức Tin” sẽ bắt đầu vào ngày 11 tháng 10 năm 2012 và kết thúc vào ngày 24 tháng mười một năm 2013.  Ngày 11 Tháng 10 năm 2012, ngày thứ nhất của Năm Đức Tin, là ngày kỷ niệm 50 khai mạc Công Đồng Vaticanô II. . .  và cũng là kỷ niệm hai mươi ra đời của Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo.  Trong Năm Đức tin, người Công Giáo sẽ có dịp cầu học hỏi và suy nghĩ về các tài liệu của CĐ Vaticanô II và giáo lý để họ có thể đào sâu sự hiểu biết của họ về đức tin”

Để thực hiện kế hoạch của Hội Thánh cho Năm Đức Tin, các giáo lý viên đóng một vai trò quan trọng là thầy cô và nhân chứng của đức tin.  Đó là lý do tại sao Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ (HĐGMCGHK) đã chọn “Giáo Lý viên và Thầy Cô là Tác Nhân của Tân Phúc Âm Hóa” làm chủ đề cho năm Giáo Lý này. Bạn có thể tải các tài liệu của HĐGMCGHK tại: http://www.usccb.org/beliefs-and-teachings/how-we-teach/catechetical-ministry/catechetical-sunday/new-evangelization/index.cfm

Theo các Giám Mục Hoa Kỳ thì “Tân Phúc Âm Hóa mời gọi mỗi người chúng ta đào sâu đức tin của mình, tin vào sứ điệp Tin Mừng và đi ra rao giảng Tin Mừng. Trọng tâm của Tân Phúc Âm Hóa mời gọi tất cả mọi người Công giáo Phúc Âm Hóa chính mình và sau đó đi ra rao giảng Tin Mừng.  Một cách đặc biệt, Tân Phúc Âm Hóa đặt trọng tâm vào việc ‘tái đề nghị’ Tin Mừng cho những người đã trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin.  ĐTC Bênêđictô XVI kêu gọi tái đề nghị Tin Mừng ‘cho những khu vực chờ đợi việc truyền giáo đầu tiên và những khu vực có gốc rễ Kitô giáo sâu xa nhưng đã trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về đức tin do việc tục hóa.’ Tân Phúc Âm Hóa mời gọi mỗi người Công giáo canh tân mối quan hệ của họ với Chúa Giêsu Kitô và Hội Thánh của Người.” (xem trang web của HĐGMCGHK).

Chúng ta cần Tân Phúc Âm hóa bởi vì “Tân Phúc Âm hóa cung cấp hy vọng. Chúa Giêsu ban cho tất cả mọi người sự nghỉ ngơi và an ủi trước những gánh nặng của thế gian (Matthew 11:28) bằng cách cung cấp cho chúng ta niềm hy vọng vào ơn cứu độ và sự sống đời đời.  Qua việc ‘tái đề nghị’ Tin Mừng, Hội Thánh tìm cách an ủi tất cả những ai đang gánh nặng. Việc Tân Phúc Âm Hóa cung cấp món quà đức tin, hy vọng, tình yêu và sự sống mới trong Đức Kitô.” (xem trang web của HĐGMCGHK).

Tóm lại, mục đích của Tân Phúc Âm hóa là đem người ta đến đức tin vào Đức Kitô cùng hoán cải trở về với Người.   Như tác nhân của Tân Phúc Âm hóa, các giáo lý viên là những người làm cho điều này xảy ra trong chính cuộc đời và gia đình mình, rồi sau đó trong các lớp học, giáo xứ, nghề nghiệp của mình và trong tất cả mọi người họ gặp.

Không ai có thể cho điều mình không có!  Không ai có thể dạy những gì mình không biết!

Đức Kitô và Hội Thánh muốn mỗi giáo lý viên trở nên tác nhân của Tân Phúc Âm Hóa trong thời dại này.  Tác nhân là những người hay vật làm môi giới để một việc có thể xảy ra.  Tác nhân của Tân Phúc Âm hóa là những người làm cho Đức Kito6 và Lời Chúa được đón nhận và sinh hoa quả nơi những người họ tiếp xúc.  Theo thuật ngữ khoa học thì tác nhân là chất xúc tác để cho tình yêu của Chúa Giêsu có thể phản ứng nơi bất cứ ai mà họ tiếp xúc.

Là giáo lý viên, để thành tác nhân của Tân Phúc Âm hóa, để dẫn người ta đến một cuộc gặp gỡ Đức Chúa Giêsu Kitô, yêu mến Người, cùng chia sẻ tình yêu và sự sống của Người, chúng ta phải yêu mến Đức Kitô trước và phải biết Đức Kitô và Giáo Huấn của Người, phải có một liên hệ mật thiết với Đức Kitô và Hội Thánh Người.

Để biết Chúa Giêsu và Giáo Huấn của Hội Thánh Người, chúng ta cần được đào luyện.  Các Giáo Phận và Tổng Giáo Phận có rất nhiều chương trình đào luyện để giúp các bạn trong mùa hè và trong suốt cả năm, chẳng hạn như ở TGP Galveston-Houston, có Chương trình Đào Luyện Mùa Hè, chương trình FTCM, Chương Trình Đào Luyện Cán Bộ Giáo Lý, Xưng Tội Rước Lễ Lần Đầu, Phối Hợp Viên Thêm Xức, … Ngoài ra, Ủy Ban Giáo Lý Việt tại Hoa Kỳ sẽ có ba ngày tĩnh tâm cho các Giáo Lý viên từ ngày 3 – 5 tháng 8 năm 2012 tại Houston.  Xin nhấn vào đây http://www.giaoly.org/vn/tinhtamgl/ để biết thêm chi tiết.  Ban Giáo Lý Việt Nam thuộc TGP Galveston-Houston cũng sẽ tổ chức một ngày Giáo Lý viên Việt Nam tại Nhà Thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam vào thứ Bảy mùng 1 Tháng 9, từ 8:30 AM đến 7:00 PM.  Muốn biết thêm chi tiết xin liên lạc giaolygh@gmail.com. Các Giáo Phận và Cộng Đoàn Việt Nam khác chắc chắn cũng có những chương trình còn quy mô hơn như Religious Education Congress của TGP Los Angeles hay các TGP khác.

Thực ra, ngày nay, chúng ta có thể học hầu như tất cả mọi thứ từ sách vở và internet, nhưng trong việc dạy giáo lý, vai trò của giáo lý viên vẫn còn rất cần thiết. Chúng ta có thể đọc để có kiến thức, nhưng trong đời sống đức tin, hầu hết chúng ta cần phải theo một số gương sáng, cần người khuyến khích , hiểu biết và giải thích những điều khó hiểu cho chúng ta.  Đó là lý do tại sao Chỉ Nam Quốc Gia về Dạy Giáo Lý (NDC) nói, “Không có tài liệu, tài nguyên hoặc các công cụ Giáo Lý nào – dù tuyệt vời đến đâu đi nữa – có thể thay thế các Giáo Lý viên” (trang 279).  Điều này không có nghĩa là chúng ta không cần kiến thức, phương pháp hay hiểu biết về dạy học.  Nhưng có nghĩa là chúng ta “là chuyên gia, các nhân chứng trực tiếp và những người rao giảng Tin Mừng không thể thay thế được. . . là người đại diện cho sức mạnh cơ bản của các cộng đồng Kitô hữu” (Redemtoris Missio, # 73, 1989) hay “Con người của Giáo Lý viên là phương tiện mà trong đó sứ điệp đức tin được nhập thể” (Chỉ Nam Giáo Lý Quốc Gia [NCD], số 266).

Khi được đào luyện một cách vững chắc về tâm linh như một Giáo Lý viên, tôi sẽ đáp lại lời nhắc nhở của Chúa Thánh Thần bằng cả trái tim tôi.  Rồi, như Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (CCC) nói, tôi sẽ trước hết tìm kiếm “giá trị tuyệt vời của việc biết Đức Kitô Giêsu”; tôi sẽ sẵn sàng chịu mất tất cả mọi thứ để “được Đức Kitô và được tìm thấy Người”, cùng “để biết Người và quyền năng phục sinh của Người, và [để] chia sẻ  sự đau khổ của Người, trở nên giống như Người trong cái chết của Người, để nếu khả dĩ có thể đạt được sự sống lại từ cõi chết”. Từ sự hiểu biết yêu thương này về Đức Kitô nảy sinh ước muốn rao giảng Người, để “Phúc Âm hóa”, và dẫn người khác đến trả lời “có” về đức tin trong Đức Chúa Giêsu Kitô (x. GLCG 428-429).

Do đó, một Giáo Lý viên phải hy sinh càng nhiều càng tốt để học tất cả những gì có thể giúp “Phúc Âm hóa” chính mình và dẫn người khác đến với Đức Kitô. Kiến thức mà không có một tình yêu Đức Kitô đích thực chỉ dẫn chúng ta đi ngược lại với Đức Kitô. Tuy nhiên, là những Giáo Lý viên tốt, chúng ta cũng cần có nhiều kiến thức thức hơn và nhiều công cụ tốt hơn bởi vì mặc dù “Giáo Lý viên quan trọng hơn các công cụ của họ, tuy nhiên các công cụ tốt trong tay các giáo lý viên điêu luyện có thể làm được rất nhiều để nuôi dưỡng sự tăng trưởng trong đức tin” (NCD, 249).

Việc đào luyện và huấn luyện là điều cần thiết nhưng chưa đủ.  Chúng ta không nên cậy vào tài năng và khả năng riêng trong việc thi hành sứ vụ của mình, nhưng hoàn toàn cậy vào sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần. Chỉ Nam GDC nói, “Trong việc thực hành giáo lý, dù kỹ thuật sư phạm tân tiến nhất hoặc những giáo lý viên tài ba nhất cũng bao giờ có thể thay thế được hoạt động âm thầm và vô hình của Chúa Thánh Thần. Thật ra chính Ngài là nhân vật chính của toàn thể sứ mệnh Hội Thánh; chính Ngài là giáo lý viên chính; chính Ngài là ‘Thầy nội tâm’ của những người lớn lên trong Chúa.  Thực ra, Ngài là cảm hứng chính cho tất cả công việc giáo lý và cho tất cả những ai làm công việc này” (GDC, 288).

Để trở thành những giáo lý viên và tác nhân tốt của Tân Phúc Âm hóa, chúng ta trước hết phải được Phúc Âm hóa để trở thành những chứng nhân tốt của Đức Kitô, bởi vì “người thời đại sẵn sàng lắng nghe các nhân chứng hơn là các thầy cô, và nếu họ có lắng nghe các thầy cô, chỉ bởi vì những thầy cô ấy là những nhân chứng” (ĐTC Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, 41).

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Matthew 11:28
View in: NAB
28Come to me, all you that labour, and are burdened, and I will refresh you.