Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa
Mc 1, 6b -11
Sông Giođan không chỉ là cảnh quan thiên nhiên kỳ thú mà còn là địa danh chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử Cứu độ. Hôm nay cũng vậy. Chính dòng sông này chứng kiến việc Chúa Giêsu đi vào dòng nước, cúi mình nhận lấy phép rửa từ chính tay Gioan nhằm chuẩn bị cho sứ vụ rao giảng Người sẽ thực hiện. Thấy gì qua sự kiện trọng đại này?
Trước hết, trong Tin mừng, chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã không đến từ miền Giuđê hay từ thành Giêrusalem mà lại đến từ Nazarét, miền Galilê- một làng quê hẻo lánh vốn bị thiên hạ xem chả ra gì : “Từ Nazaret, làm sao có gì hay?” (Ga 1, 46). Danh tính của “Đấng quyền năng” xuất thân từ một làng quê “khỉ ho cò gáy”, không trống kèn, không cờ lọng, không người đón rước, cũng chẳng ai tung hô, cứ âm thầm đến bên dòng sông, xếp hàng như bao người khác để xin chịu phép rửa từ tay Gioan- vị tiền hô của mình.
Thế nhưng, chỉ từ khi dưới dòng sông Giođan đi lên, khi con người này thấy “các tầng trời xé ra”, thì mọi việc đã hoàn toàn đổi khác. Theo truyền thống Dothái, từ thời các Ngôn sứ cuối cùng thì các tầng trời, nơi Thiên Chúa ngự, đã khép lại. Ngôn sứ không còn nữa, nên mối liên lạc giữa Thiên Chúa và loài người cũng bị cắt đứt. Bởi thế cho đến hôm nay, khi Chúa Giêsu đáp lại tiếng van nài của vị Ngôn sứ trong cảnh lưu đày khốn khổ : “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống” (Is 63, 19b) thì đúng là một thời mới đã mở màn, mối liên lạc đã được tái lập giữa Thiên Chúa và loài người.
Mặt khác, chúng ta thấy kiểu nói “xé ra” còn một lần nữa xuất hiện trong tin mừng Máccô khi thánh sử miêu tả Chúa Giêsu tắt thở trên Thánh giá: “Bức màn trướng trong đền thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới” (Mc 15, 38). Điều này cho thấy những gì khai mở của ngày hôm nay sẽ được hoàn tất mỹ mãn trên đồi Canvê. Chúa Giêsu mở một lối đi cho hết tất cả mọi người được tự do đến với Thiên Chúa.
Bên dòng sông Giođan hôm nay, chúng ta không những được chiêm ngắm cảnh “các tầng trời xé ra” mở ra một trang sử mới trong mối liên hệ giữa Thiên Chúa và nhân loại mà còn được chiêm ngưỡng Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình Chúa Giêsu. Nói đến chim bồ câu, chúng ta thường hay nghĩ đến biểu tượng của hoà bình, còn ở đây, không chỉ có vậy, đó còn là biểu tượng cho Tình yêu của Thiên Chúa đến trần gian (x. Dc 2,14; 5,2). Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay là khởi đầu cuộc tạo thành mới. Và vì thế, hình ảnh chim bồ câu ngự xuống như gợi nhớ đến sách Sáng thế khi mà Thần Khí Giavê Thiên Chúa bay là là trên mặt nước trong cuộc tạo thành (x. St 1,2). Không dừng lại ở đó, biến cố này còn để đánh dấu ngày Chúa Giêsu được xức dầu tấn phong bởi Chúa Thánh Thần và minh nhiên xác nhận Người chính là Đấng Cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa cho nhân loại.
Chưa hết, ngày hôm nay, dòng sông Giođan còn chứng kiến tiếng vọng từ trời cao chứng thực cho biến cố trọng đại này. “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Được trích dẫn từ ba câu Kinh thánh khác nhau trong Cựu ước, tiếng vọng đó không gì khác hơn nhằm minh định rằng chính Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, là quân vương và là người Tôi trung của Thiên Chúa. (x. Tv 2, 7; St 22, 2; Is 42,1). Người Tôi Trung đó hôm nay được Thần Khí Giavê Thiên Chúa ngự xuống, xức dầu phong vương và sai đi rao giảng Tin mừng giữa lòng nhân loại. Chính Người là nguồn mạch bình an, là ơn cứu rỗi cho toàn thể nhân loại.
Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa là dịp để mỗi người chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta được làm con cái Chúa qua bí tích rửa tội. Có thể nói, chính Chúa Kytô đã đi vào dòng sông Giođan để thánh hiến dòng sông, thánh hiến nguồn suối mát hầu đem đến cho chúng ta sự sống trường sinh. Sông Giođan thật có phúc vì được Thiên Chúa ghé thăm, chúc lành và thánh hoá. Ước gì mỗi Kytô hữu cũng sẽ trở nên những dòng sông Giođan để đem ơn Chúa, đem nguồn suối hoan lạc của tình yêu Thiên Chúa thấm đẫm thế giới này.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb