Nhận ra lầm lỗi của mình là điều rất khó. Có người ví von rằng mỗi người đều mang một gùi đầy tội sau lưng và một gùi công đức trước ngực. Vì thế, người ta chỉ thấy công đức mà không thấy được lầm lỗi của mình.
Ông Dale Carnegie, một học giả trứ danh người Mỹ viết nhiều cuốn sách nổi tiếng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới quả quyết rằng: “Tôi đã bỏ ra gần 70 năm trong đời để khám phá ra chân lý nầy là dù người ta có lỗi nặng đến đâu, thì trong 100 lần phạm lỗi thì có tới 99 lần người ta tự cho mình là vô tội.”
Chúng ta hãy nhìn lại trường hợp cụ thể về vua Đavít được thuật lại trong Kinh Thánh (Sách Samuen).
Một buổi chiều nọ, vua Đavít tản bộ trên sân thượng và chợt thấy một phụ nữ xinh đẹp đang tắm, đó là bà Bat-shêba, vợ của Uria. Vua sai người đưa bà đến với vua. Ít lâu sau đó, Bat-shêba báo tin cho vua hay là bà đã có thai với nhà vua.
Khi biết chuyện, vua Đa-vít tìm cách ‘bán cái’ cho chồng của bà là Uria.
Vua cho triệu Uria từ mặt trận trở về, cho ông ta ăn uống thật no say rồi truyền cho Uria về nhà thăm vợ. Hai đêm liền, Uria nằm ngủ trong đền vua với những tên lính canh mà không chịu về nhà.
Thấy kế hoạch ‘bán cái’ không xong, vua Đa-vít ra lệnh cho tướng Yôab mượn tay quân giặc giết chết U-ria ngoài chiến trường.
Sau đó, khi đã mãn tang chồng, Bat-shêba được vua Đavít đón vào cung làm vợ chính thức của nhà vua.(II Sam11 và 12)
Vua Đavít đã phạm một tội tày trời, thế mà vẫn ung dung như không có gì xảy ra. Đúng là trong hàng trăm lần phạm lỗi, may ra chỉ có một lần người ta nhận ra mình có tội. Và một khi con người không tự thấy được tội lỗi của mình để ăn năn sám hối thì cần phải có ai đó đến nhắc bảo họ.
Thế là Thiên Chúa sai tiên tri Natan đến cảnh tỉnh vua. Khuyên vua thì phải lựa lời, không khéo thì mất đầu như chơi. Nhà tiên tri trình với vua: “Trong thành kia, có một người giàu sang phú quý có cả đến hàng ngàn chiên dê và bò, trong khi đó, một người nghèo bên cạnh chỉ có một con chiên nhỏ mà ông ta rất yêu quý, coi như đứa con gái của ông. Thế rồi khi người giàu có khách, ông tiếc của không dám bắt chiên mình đãi khách mà lại cho tôi tớ đi bắt con chiên độc nhất của người nghèo làm thịt”
Nghe đến đây, vua Đavít bừng bừng nổi giận. Vua quát: “Nó đáng chết, tên ác nhân đó! Nó phải bị trừng phạt và phải bồi thường gấp bốn vì việc nó đã làm.”
Tiên tri Natan thưa: “Người ấy chính là vua. Nhà vua đã có nhiều thê thiếp lại còn nhẫn tâm giết chết Uria và cướp vợ của ông ta”.
Bấy giờ vua Đavít mới nhận ra tội mình và ăn năn khóc lóc thảm thiết.
Nếu không được tiên tri Natan cảnh tỉnh, vua Đavít đã không nhận ra tội lỗi của mình và không thể hối cải. Tội của mình, mình chứa đựng trong cái gùi sau lưng nên không thấy được. Vì thế, giúp người khác nhận ra lỗi của họ là điều rất cần thiết và là một nghĩa vụ thiêng liêng.
Lời Chúa hôm nay thiết tha kêu mời chúng ta hãy ra công sửa lỗi cho anh em mình. Qua bài đọc I, Thiên Chúa dùng miệng tiên tri Ê-dê-ki-en răn dạy chúng ta: “Nếu ngươi không cảnh cáo kẻ gian ác, giúp nó từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó phải chết vì sự gian ác của nó, nhưng còn máu nó, Ta sẽ đòi ngươi” (Edêkien 33, 7-9). Và qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su truyền dạy: “Nếu anh em của ngươi trót phạm tội, thì ngươi hãy đi sửa lỗi nó”…
Hãy nên tấm gương soi cho người khác và để người khác làm tấm gương soi cho ta.
Tấm gương soi tuyệt đối cần thiết cho mọi người. Không có tấm gương soi, người ta không biết mặt mũi mình ra sao, có ghèn đầy mắt cũng không biết, có cơm dính cằm cũng chẳng hay, râu tóc rối bù như tổ quạ cũng chẳng biết gì. Tấm gương soi tuy tầm thường nhưng rất cần thiết giúp con người nhận ra những vết nhơ trên khuôn mặt mình. Thế nên dù nghèo hèn túng thiếu, nhà nào cũng cố sắm cho mình một tấm gương.
Tuy nhiên, tấm gương thuỷ tinh tráng thuỷ chỉ phản chiếu khuôn mặt mà không thể phản chiếu tâm hồn, chỉ cho thấy những vết nhơ trên trán mà không cho thấy vết bẩn trong tim, thấy những xấu xa trên khuôn mặt mà không thấy những sa đoạ trong tâm hồn hay trong cuộc sống. Vì thế, người ta cần thêm một tấm gương soi khác, đó là lời nhắc bảo của những người chung quanh. Thiếu những lời nhắc bảo nầy là thiếu mất tấm gương tối cần thiết để soi hồn.
Tiên tri Natan ngày xưa là tấm gương soi giúp vua Đa-vít thấy được những vết bẩn khủng khiếp trong tâm hồn. Thiếu tấm gương soi quý báu như Natan, vua Đa-vít không thể thấy được lầm lỗi của mình và sẽ không hề biết ăn năn sám hối.
Trở thành tấm gương soi cho người khác là một lệnh truyền rất quyết liệt của Thiên Chúa.
“Nếu ngươi không cảnh cáo kẻ gian ác, giúp nó từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó phải chết vì sự gian ác của nó, nhưng còn máu nó, Ta sẽ đòi ngươi”. (Edêkien 33, 7-9).
“Nếu anh em của ngươi trót phạm tội, thì ngươi hãy đi sửa lỗi nó”… (Matthêu 18, 15)
Vì lòng bác ái với anh em và vì lời Chúa truyền dạy, chúng ta hãy là tấm gương soi giúp người khác thấy được tội lỗi và những sai lầm của họ; đồng thời vui lòng để cho người khác trở thành tấm gương soi cho mình để chúng ta có thể nhận ra lầm lỗi của ta.
Lm. Ignatiô Trần Ngà