CHÚA NHẬT 6 TN B (Lv 13,1-2.44-46; 1 Cr 10,31-11,1; Mc 1, 40-45)
“Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Trăng nằm yên trên cành liễu đợi chờ
Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò” (thơ Hàn Mạc Tử)
“Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa
Lầu ông Hoàng đó thuở nào trăng
Hàn Mặc Tử đã qua
Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng
Tiếng chim kêu đau thương, như nức nở dưới trời sương
Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người tìm về giữa đêm buồn
Đường lên dốc đá nhớ xưa hai người đã một lần đến
Tình yêu vừa chớm xót thương cho chàng cuộc sống phế nhân
Tiếc thay cho thân trai, một nửa đời chưa qua hết
Trách thay cho tơ duyên chưa thắm nồng đã vội tan
Hồn ngất ngây điên cuồng cho trời đất cũng tang thương, mà khổ đau niềm riêng.
Hàn Mặc Tử xuôi về quê cũ, dấu thân nơi nhà hoang
Mộng Cầm hỡi thôi đừng thương tiếc, tủi cho nhau mà thôi
Tình đã lỡ xin một câu hứa, kiếp sau ta trọn đôi
Còn gì nữa thân tàn xin để một mình mình đơn côi.
Tìm vào cô đơn đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến
Người xưa nào biết, chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa
Chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm ôm trăng vỡ
Khóc thương thân bơ vơ, cho đến một buổi chiều kia
Trơì đất như điên cuồng khi hồn phách vút lên cao
Mặc Tử nay còn đâu?
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ
Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi chăng…”
Đó là bài ca về thi nhân Hàn Mạc Tử, do nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác do nguồn cảm hứng từ những áng thơ bất hủ và chuyện tình thương tâm của nhà thơ nàỵ.
Ít nhiều gì chúng ta hơn một lần nghe nói về chàng thi sĩ tài hoa vắn số này. Thơ của chàng rất hay nhưng cung mệnh đời của chàng quá vắn. Chàng nằm xuống để rồi không biết bao nhiêu người đã nuối tiếc cho con người “tài hoa bạc mệnh này”.
Hàn Mặc Tử đã sống đạo, chết đạo và sáng tác thơ Đạo một cách tha thiết khiến nhiều người cho Tử là một “nhà thơ tôn giáo”, nhưng thực sự Tử đã vượt hẳn lên cái mục đích “truyền bá đức tin” của những thừa sai và giáo đồ trong giai đoạn tiên khởi ở Việt Nam. Thơ của Hàn Mạc Tử là một sự cảm nghiệm độc đáo! Đọc thơ Tử, người ta bèn thấy nguồn đạo trong thơ Tử không hạn hẹp với ý nghĩa một tôn giáo mà là một cái gì thuộc về hoàn vũ.
Bài Thánh Nữ Đồng trinh trứ danh của Hàn Mạc Tử đã diễn đạt lại ý tứ của kinh Kinh Mừng quen thuộc của người Công giáo với một giọng vô cùng thành khẩn:
… Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn,
Giầu nhân đức, giầu muôn hộc từ bi,
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lậm lụy vừa trải qua dưới thế
Tôi cảm động rưng hai hàng lệ
…Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước,
Cho tình tôi nguyên vẹn tựa trăng rằm .
Nhà thơ Hàn Mạc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, cũng như không biết bao nhiêu người mang trong mình chứng bệnh phong khắc nghiệt này rất đau khổ. Chưa nói đến chuyện người ta phải cách ly, thì những người bệnh phong này phải tự tìm cách cách ly với những người lành sạch. Nguyễn Trọng Trí chưa cần đợi người ta xua đuổi, cách ly, đã tìm đến ngôi nhà hoang để dấu mình trong những ngày cuối đời khi mang trong mình chứng bệnh quái ác này.
Hàn Mặc Tử, cũng như bao thi nhân vĩ đại có điểm độc đáo phi thường là đau khổ không dìm sâu họ xuống bùn đen mà đưa họ lên cao lên cao gần Thượng Đế
Ở Hàn Mặc Tử, thể xác đau đớn ê chề nhưng linh hồn thì thăng hoa trong sáng nhờ đôi cánh của tôn giáo được chắp vào trí tưởng của thi nhân.
Hàn Mặc Tử trong tận cùng đau khổ của thế gian đã tự ví mình: khi xưa ta là chim phượng hoàng, Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất”; ý tứ mình “cao cường hơn ngọn núi”; hồn mình “chơi vơi trong khí hậu chín tầng mây”
Chắc có lẽ không cần phải nói nhiều, ai trong chúng ta cũng biết tác hại của bệnh phong là như thế nào. Chẳng ai trong chúng ta muốn cho mình bị chứng bệnh ấy. Những bệnh nhân phong rất tội nghiệp, chân tay của họ không lành lặn như những người bình thường. Họ làm việc gì cũng khó cả vì chân tay của họ cứ teo dần teo dần. Nghiệt một cái là bệnh phong thuộc dạng lây lan để rồi từ ngàn xưa người ta vẫn thường kỳ thị những ai mang chứng bệnh này. Người ta sợ đến độ phải cách ly những ai mang bệnh phong để giữ gìn cho những người sạch không nhiễm bệnh.
Phải đọc kỹ đoạn sách Lê-vi nói về bệnh phong chúng ta sẽ rõ quy định như thế nào về những người bệnh phong. Môsê và Aharon được Đức Chúa phán rất rõ ràng về chứng bệnh này. Có hai loại phong: phong hủi và phong hủi kinh niên.
Người bệnh phong hủi là: “Khi trên da thịt người nào phát ra nhọt, lác hoặc đốm, và cái đó trở thành vết thương phong hủi, thì người ta sẽ đưa người ấy đến với tư tế A-ha-ron hoặc với một trong các tư tế, con của A-ha-ron. Tư tế sẽ khám vết thương trên da thịt nó: nếu lông ở vết thương đã chuyển sang màu trắng và vết thương xem ra lõm vào da thịt, thì đó là vết thương phong hủi; sau khi khám, tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế. Nếu là đốm trắng trên da thịt, mà xem ra không lõm vào da, và lông không chuyển sang màu trắng, thì tư tế sẽ cô lập người mắc vết thương trong vòng bảy ngày. Đến ngày thứ bảy, tư tế sẽ khám nó: nếu chính mắt tư tế thấy là vết thương vẫn y nguyên, không lan ra trên da, thì tư tế sẽ lại cô lập nó trong vòng bảy ngày nữa. Đến ngày thứ bảy, tư tế sẽ tái khám nó: nếu vết thương đã mờ đi và không lan ra trên da, thì tư tế sẽ tuyên bố người ấy là thanh sạch: đó là lác; nó sẽ giặt áo và sẽ ra thanh sạch. Nhưng nếu lác cứ lan ra trên da, sau khi người ấy đã được tư tế khám để được tuyên bố là thanh sạch, thì nó phải được tư tế tái khám. Tư tế sẽ khám: nếu lác đã lan ra trên da, tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế: đó là bệnh phong hủi.” (Lv 13, 2-8).
Còn người bị phong hủi kinh niên là: “Khi trên người nào có vết thương phong hủi, thì phải đưa nó đến với tư tế. Tư tế sẽ khám: nếu ở trên da có nhọt trắng, và nhọt ấy làm cho lông chuyển sang màu trắng, và trong nhọt có thịt đỏ lòm sùi ra, thì đó là bệnh phong hủi kinh niên ở da thịt nó. Tư tế sẽ tuyên bố nó là ô uế; tư tế sẽ không cô lập nó, vì nó là ô uế. Nhưng nếu phong hủi ấy cứ loang ra trên da và phủ tất cả da của người bệnh, từ đầu đến chân, bất kỳ đâu đâu mắt tư tế nhìn thấy, thì tư tế sẽ khám: nếu phong hủi phủ tất cả da, thì tư tế sẽ tuyên bố người bệnh là thanh sạch: nó đã chuyển tất cả ra màu trắng, nó thanh sạch. Nhưng ngày nào thấy người ấy có chỗ thịt đỏ lòm, thì nó sẽ ra ô uế; tư tế sẽ khám chỗ thịt đỏ lòm và sẽ tuyên bố người ấy là ô uế; thịt đỏ lòm là ô uế: đó là bệnh phong hủi. Hoặc khi thịt đỏ lòm lại chuyển sang màu trắng, thì nó sẽ đến với tư tế; tư tế sẽ khám nó: nếu vết thương đã chuyển sang màu trắng, tư tế sẽ tuyên bố vết thương là thanh sạch: người ấy thanh sạch.” (Lv 13, 9-17).
Sách Lê-vi quy định rất rõ ràng về người nào mắc chứng bệnh này cũng như quy định khi nào người mắc bệnh này được lành sạch.
Ngày hôm nay, khoa học tiến bộ nên số người bị phong cùi đã giảm hẳn vì người ta đã tìm cách khống chế căn bệnh mang tính di truyền này. Thế nhưng, chưa phải căn bệnh này đã chấm dứt. Đâu đó vẫn còn những trại phong quy tụ bệnh nhân lại để nuôi dưỡng, để chăm sóc, để nâng đỡ họ trong những ngày cuối đời. Chúng ta vẫn nghe đâu đó những trại phong Quả Cảm, Thanh Bình, Bến Sắn, Phước Tân, … Ai nào đó một lần đến và tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh phong cùi sẽ thấy họ thiệt thòi, họ đau khổ như thế nào.
Bệnh nào cũng vậy chứ không riêng gì bệnh phong cùi. Ai đã mang trong mình mầm bệnh thì đều mong được chữa lành. Với người bệnh cùi, được chữa lành quả là điều vô cùng hạnh phúc vì họ được hội nhập với cộng đồng, không còn bị cách ly, không còn bị miệt thị, không còn bị phân biệt đối xử nữa.
Người hạnh phúc mà chúng ta vừa được nghe thánh Máccô thuật lại trong trang Tin mừng hôm nay đó không ai khác là anh chàng bị phong hủi. Anh ta nghe tiếng tăm đồn đãi về Chúa Giêsu và tìm đến với Chúa Giêsu để xin Ngài chữa cho anh được lành bệnh. Anh tin vào Chúa Giêsu và anh lành bệnh. Chúa cũng truyền cho anh đi trình diện cho các vị tư tế theo luật Môsê truyền dạy.
Quan niệm của người Do Thái rất buồn cười, cách riêng là những người Biệt Phái và Pharisêu. Họ cho rằng tất cả những ai bệnh hoạn tật nguyền là do người đó phạm tội nên bị trừng phạt. Họ không cho những người bệnh hoạn tật nguyền là những người kém may mắn hơn họ nhưng họ kết luận rằng vì những người đó phạm tội trong tâm hồn nên mới bị bệnh như vậy. Chẳng hiểu họ dựa vào đâu, chứng cứ nào để kết luận điều ấy.
Chúng ta còn nhớ cái anh què được Chúa chữa lành vác chõng mà về. Với người Do Thái, anh què chính là do tội lỗi của anh chứ người ta không công nhận đó là những khiếm khuyết về thể xác của con người.
Những người Do Thái trong đó có Pharisêu, Biệt Phái và cả chúng ta nữa, đều có cái nhìn, quan niệm khác với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn bên trong tâm hồn còn chúng ta, chúng ta vẫn mang trong mình thói quen nhìn bề ngoài.
Thật ra, bệnh ngoài da cũng sợ nhưng sợ hơn là bệnh trong tâm hồn. Có những người bề ngoài trông rất sạch sẽ, thơm tho nhưng bên trong lại quá ư là phong hủi. Mà cũng lạ! Những người mang chứng phong trong tâm hồn thì lại sơn phết cho mình cái mã bên ngoài cực kỳ đẹp. Chúng ta còn nhớ, hơn một lần Chúa nói với Pharisêu và Biệt Phái là “Đồ thứ mồ mả tô vôi! Bên ngoài trông đẹp nhưng bên trong là một dúm xương khô!”.
Thế đấy! Nhiều người bên trong mang chứng bệnh phong hủi kinh khủng nhưng bên ngoài vẫn cố che đậy và đi khinh chê những người bệnh ngoài da.
Như Hàn Mạc Tử, anh mang trong mình chứng bệnh phong hủi, chứ tâm hồn anh quá đẹp, qúa thơ mộng. Anh đã để lại cho đời nhiều bài thơ bất hủ. Hàn Mạc Tử chắc có lẽ là người con yêu của Đức Mẹ nên Hàn Mạc Tử có những bài thơ về Đức Mẹ thật tuyệt vời. Bề ngoài thì anh bệnh nhưng trong tâm của anh thật sạch.
Chuyện cần, đó là chữa tâm hồn, chữa lòng mình cho sạch chứ không phải là chuyện bên ngoài. Chưa chắc bệnh ngoài da là xấu, bệnh trong lòng xấu mới là điều đáng sợ. Đừng đánh giá bề ngoài vì bề ngoài đôi khi là bóng bẩy nhưng bên trong thối hoắc. Đôi khi bên ngoài nó sần sùi, nham nhám chút nhưng bên trong cả là một tâm hồn cao thượng, một tâm hồn trong sạch. Những người phong cùi bề ngoài đấy nhưng trong lòng họ còn sạch hơn những người sạch bên ngoài mà bên trong thì hôi thối.
Hôm nay, Chúa chữa chàng thanh niên bị phung hủi nghĩa là Chúa đã giải thoát được cho anh cả chứng bệnh ngoài da và chứng bệnh tâm hồn vì như đã nói người Do Thái cho rằng anh bệnh hoạn tâm hồn nên anh mới bị ngoài da. Chúng ta, may mắn hơn anh ta là chúng ta không bị phong hủi ngoài da, nhưng chắc hẳn trong tâm hồn mỗi người chúng ta còn lợn cợn điều gì đó trong tâm hồn và chúng ta chạy đến Chúa để xin Chúa chữa cho chúng ta những cái lợn cợn trong tâm hồn để tâm hồn để chúng ta được thanh sạch hơn, được thơm tho hơn để đón mời Chúa đến và ngự lại trong lòng chúng ta.
Anmai, CSsR