Chúa Nhật 23 Thường Niên C
(Lc 14, 25-33)
Chúng ta biết, trên hành trình về Giêrusalem, không chỉ có Chúa Giêsu và các môn đệ mà còn có khá đông dân chúng đi theo Người. Đây không chỉ là hình ảnh của các môn đệ hiện tại mà còn là hình ảnh các môn đệ trong tương lai của Chúa. Trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu dạy họ về những điều kiện cần có để trở nên môn đệ Người.
Rất thẳng thắn, Chúa Giêsu nói với dân chúng về hai điều kiện tiên quyết cho hết những ai muốn đi theo Người. Hai điều kiện được gói gọn trong hai động từ, đó là “dứt bỏ” mọi sự và “vác” thập giá bước theo Chúa Giêsu.
Trước hết, người theo Chúa Giêsu cần phải dứt bỏ tất cả. Luca dùng động từ Hylạp có nghĩa là “ghét” để diễn tả lối nói trong ngôn ngữ Cựu ước vốn không có kiểu nói so sánh. Như thế, chúng ta có thể hiểu lời nói của Chúa Giêsu trong ngôn ngữ thời đó không có nghĩa Người cho phép hay khích lệ những ai theo Người thì phải xem nhẹ các mối quan hệ gia đình. Ngôn ngữ thời đó cho phép chúng ta hiểu kiểu nói mạnh mẽ của Chúa Giêsu trong thời đại hôm nay là nếu ai theo Người mà yêu Người ít hơn hay không thương Người hơn những người thân thì không đáng làm môn đệ Người. Chúng ta để ý động từ ở đây có nghĩa là “yêu ít hơn” và “không thương hơn” chứ không phải là ghét bỏ. Rõ ràng là, Chúa Giêsu không hề có ý dạy chúng ta phải đoạn tuyệt với mọi mối quan hệ máu mủ thiêng liêng trong gia đình dòng tộc. Người mời gọi chúng ta cần phải trân quý, nuôi dưỡng và giữ gìn tất cả các mối quan hệ ấy thông qua tình yêu tuyệt đối là Thiên Chúa. Hơn ai hết, Chúa Giêsu đã tự nguyện “dứt bỏ” điều mà hôm nay Người nói với dân chúng. Người vốn là Thiên Chúa, nhưng đã từ bỏ địa vị cao sang, mặc lấy thân xác yếu hèn của con người, và cuối cùng chấp nhận khổ giá và chết trên thập tự (x. Pl 2, 6-8).
Không chỉ dứt bỏ mọi sự, trở nên trống rỗng, người môn đệ theo Chúa còn phải vác thập giá theo Chúa mỗi ngày trong đời sống của mình. Con đường lên Giêrusalem mà Chúa đang đi chính là con đường dẫn đến thập giá, con đường dẫn đến đồi Canvê để rồi bỏ mạng tại nơi đó. Là môn đệ Chúa, chúng ta đừng mong sẽ thoát được những gian lao khốn khó, thoát những thập giá trong đời. Đơn giản bởi vì thập giá trong đời sống của Kytô hữu được ví như cây gậy dùng để leo núi. Nó có ích cho người leo núi bởi nó không chỉ có tác dụng dò đường, giúp đỡ chúng ta khỏi mỏi gối chồn chân, khỏi té ngã và biết đâu còn bỏ cuộc nữa. Người leo núi cần đến cây gậy để có thể chinh phục đỉnh núi thế nào thì người Kytô cũng nhờ cây thập giá, qua cây thập giá để trở nên người môn đệ đích thực của Chúa, đạt tới nước trời như vậy. Không chỉ thế, vác thập giá mỗi ngày, người Kytô không chỉ trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu- Đấng đã chết trên thập giá để cứu rỗi nhân loại, mà còn tuyên xưng niềm tin và rao truyền niềm tin đó cho muôn người.
Từ bỏ mọi sự, vác thập giá bước theo Chúa Kytô vẫn luôn là lời mời gọi đòi hỏi những ai bước theo phải xác tín rõ ràng, suy xét kỹ lưỡng giống như dụ ngôn người muốn xây tháp và ông vua trước lúc đi giao chiến, để tránh tình trạng liều lĩnh, nhắm mắt đưa chân, không có định hướng. Một khi chúng ta đã suy xét kỹ càng, không để mình vấn vương bất cứ chuyện gì, ý thức bước theo Chúa bằng một lối đi đầy ngỡ ngàng, một lối đi cần có niềm tin, tình yêu và quyết tâm, chúng ta sẽ vui vẻ dấn thân cũng như chấp nhận mạo hiểm để theo Chúa – Đấng là nền tảng, là trọng tâm, là nguồn mạch và là tuyệt đối của đời sống chúng ta.
LM Phạm Ngọc Ngôn, csjb