Hãy Đem Đến cho Xã Hội Chút Tình Người!

(Mc 1,40-45)

Một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người, đó là tính hợp quần, tính đoàn thể: Bất cứ con người nào cũng đều mang trong mình nhu cầu muốn được giao lưu với người khác, muốn được thuộc về một gia đình, muốn được thuộc về một đoàn thể hay một cộng đồng.

Vì thế, sự đau khổ lớn nhất của một bệnh nhân phong cùi không chỉ là bệnh tật đang ngày đêm gặm mòn cơ thể anh, nhưng trước hết là sự ghê tởm và xa tránh của đồng loại, là sự bị cô lập khỏi xã hội loài người. Anh không còn được sống trong gia đình, không còn được tiếp xúc với người khõe mạnh hay không còn được sống chung trong làng xóm với người khác, nhưng phải sống ở một nơi biệt lập hẳn với người khác, ở trong những túp lều hay trong những hang động xa xôi hẻo lánh. Vì sợ lây bệnh, nên không một ai dám bắt tay hay động vào người anh. Ðó thật là một bản án vô cùng nặng nề, là cả một cực hình khủng khiếp nhất mà con người phải gánh chịu. Vì thế, trong một cuốn tiểu thuyết nổi danh tựa đề là « La Peste » – Bệnh Dịch, Albert Camus đã trình bày rất ấn tượng về tình trạng của người bị mắc bệnh dịch: phải sống ra sao, bị đối xử như thế nào, v.v… Nhất là ông đã làm cho người đọc hiểu được sự tác động của bệnh dịch trên tâm trạng và trên cả cuộc sống người bệnh trầm trọng như thế nào!

Ngày nay bệnh phonh cùi hay bệnh hủi không còn mang tính cách nghiêm trọng nữa, vì nó có thể chữa lành. Một thứ bệnh khủng khiếp từng tiêu hủy bao nhiêu triệu nhân mạng trong hằng thế kỷ qua đã hoàn toàn bị chận đứng. Ðó thật là một niềm vui quá to lớn, là một ơn lành vô cùng trọng đại cho toàn thể nhân loại. Con người có thể thở phào nhẹ nhõm và sống tin tưởng lạc quan hơn.

Thế nhưng ngày nay, một loại vi khuẩn của bệnh « phong cùi » kiểu mới đã tái xuất hiện dưới những dạng thức và danh xưng hoàn toàn khác hẳn, đang tác hại trên nhân loại và đã biến bao nhiêu người thành « người hủi thời đại ». Dĩ nhiên, ở đây tôi không muốn chỉ đề cập tới những bệnh nhân bị nhiễm vi trùng Xi-đa, HIV hay những người nghiện xì ke ma túy, nhưng cả những người bị tàn tật đang phải sống nhờ vào sự bố thí của xã hội, những người vô gia cư đang lang thang đầu đường xó chợ hay những tội phạm và thân nhân của họ, v.v….

Có lẽ con người trong bất cứ thời đại hay trong bất cứ xã hội nào cũng phải mang ơn những người bệnh phong cùi, những người đang bị đẩy ra ngoài lề xã hội, bởi vì nhờ họ bệnh mà chúng ta mới biết được rằng mình còn có quá nhiều may mắn và hạnh phúc là không bị nhiễm những thứ vi trùng của những căn bệnh độc hãi đó. Và cũng nhờ vậy mà chưa bị xã hội cô lập, tẩy chay, chưa bị đẩy ra ngoài lệ xã hội.

Tuy nhiên, ai tự quá đề cao mình, cho mình là quan trọng, là « cái rốn » của vũ trụ, người đó đương nhiên coi kẻ khác là đối thủ nguy hiểm của mình và không thể chấp nhận cùng cho đứng trên một chiến tuyến với mình đươc, nhưng tìm cách gạt bỏ ra ngoài lề xã hội. Vâng, theo tâm lý, khi thấy có ai đó có lối sống khác với chúng ta, tư duy khác với chúng ta, có tư tuởng chính trị khác với chúng ta hay giao lưu với những người chúng ta không quen biết,nhất là với những người chúng ta không ưa, v.v… tự nhiên chúng ta cảm thấy anh ta là người xa lạ, cảm thấy mình đang bị đe dọa và rôi tìm cách xa lánh, cô lập anh ta và tìm cách đẩy anh ta ra ngoài lề: Loại người này không thể chấp nhận được, y không thuộc về quỉ đạo của chúng tôi. Tiếp đế, vì không ưa nên đổ thừa cho bỏ ghét, cốt tìm cách loại trừ cho bằng được loại đối tượng mà chúng ta không ưa như thế!

Trong khi đó, Ðức Kitô, Ðấng mà chúng ta được mang trên mình tên gọi của Người – Kitô hữu – lại có quan điểm và cách cư xử hoàn toàn khác hẳn. Ðối với Người, trước hết tất cả mọi người đều là con cái Thiên Chúa, được Thiên Chúa dựng nên, được Thiên Chúa vô cùng yêu thương và đã được Người kêu mời hưởng ơn cứu rỗi. Ðức Giêsu không chỉ dạy cho con người biết rằng họ đều là anh chị em với nhau, bởi vì họ có một Cha chung trên Trời, nhưng chính Người đã sống như thế. Sự cố Ðức Giêsu chữa lành người bệnh cùi được tường thuật lại trong bài Phúc Âm của Chúa Nhật hôm nay là một ví dụ điển hình về thái độ và cách xử sự đầy nhân bản của Ðức Giêsu.

Trước hết, một cuộc sống như người bị bệnh phong này đang sống, kể như là không còn sống nữa, sống mà cũng như đã chết. Ðó là cái chết về mặt tinh thần, cái chết « xã hội, trước khi chết thực sự về mặt y khoa. Do đó Ðức Giêsu đã thương cho số phận của anh ta nên đã giơ tay ra và nói với người bệnh đáng thương đang đứng trước mặt mình: « Tôi muốn cho anh nên sạch và khỏi bệnh!» Vâng, tình thương của Ðức Giêsu đối với loài người chúng ta không chỉ bằng lời nói suông, không chỉ bằng tâm tình thông cảm và an ủi lý thuyết, nhưng bằng chính việc làm cụ thể, bằng sự dấn thân trọn vẹn.

Bởi vậy, chúng ta cần phải thành thực tự hỏi lòng mình:

  • – Làm thế nào để những người mắc phải những thứ bệnh khủng khiếp như phong hủi hay Xi-đa – xưa kia cũng như ngày nay – có thể tin tưởng được rằng họ vẫn được chấp nhận, khi chính họ lại không cảm nghiệm được điều đó trong đời sống hằng ngày?
  • – Làm thế nào để cho vợ con và thân nhân của của những người phạm pháp còn tin tưởng vào sự thiện hảo và lòng tốt của đồng loại được, khi họ đang bị người láng giềng lối xóm nghi kỵ, tránh né và cô lập?
  • – Làm thế nào để những người vợ/chồng ly dị nhau và nay lại lập gia đình với người khác, còn tin tưởng vào lòng thương xót và khoan dung vô bờ của Thiên Chúa, khi họ bị chính nghững người Kitô hữu khác đối xử một cách bất khoan dung với họ, xua đuổi họ, nhất là tẩy chay không cho họ được lãnh nhận các Phép Bí Tích?
  • – Làm thế nào để một người luôn bị thất bại trong cuộc đời, luôn chỉ gặp đau khổ và cảm thấy mình bỏ rơi, còn có thể sống lạc quan và tin tưởng vào hạnh phúc được, khi không có lấy một người còn biết thông cảm và chia sẻ số phận hẩm hiu của anh ta, cùng đồng hành và động viên anh ta, giơ tay mắn chặt tay anh ta và thăm hỏi thân tình?

Chắc chắn rằng xã hội chúng ta, Giáo Hội chúng ta cũng như mỗi người Kitô hữu chúng ta sẽ không bị mất mát hay thiệt hại gì cả, nếu chúng ta biết gạt bỏ những định kiến và cố gắng đem đến cho cuộc sống xã hội thêm chút tình người, thêm chút tình nhân bản nữa, một chút nữa thôi! Nếu được như thế, bài Tin Mừng về biến cố Ðức Giêsu chữa lành người phong cùi trong Chúa Nhật hôm nay khi được đọc trong tất cả các nhà thờ trên toàn thế giới sẽ không trở thành uổng công vô ích! Nếu được như thế, phép lạ Ðức Giêsu đã làm để chữa lành bệnh xưa sẽ còn được tái diễn mãi, ít là được « lành bệnh » về mặt tinh thần, và giải cứu « người bị bệnh phong » ra khỏi chốn ngục tù sự chết và đem anh ta trở lại cuộc sống mới trong tin tưởng và an hòa.

LM Nguyễn Hữu Thy