Hãy Đến và Hãy Ăn


Chúa Nhật XX Thường Niên Năm B

Sách Cách Ngôn 9,1-6; Thư Êphêsô 5,15-20; Tin Mừng Yoan 6,51-58

Cũng như trong các Chúa nhật trước, các bài đọc Kinh Thánh hôm nay dường như muốn lôi kéo suy tư của chúng ta ngay vào mầu nhiệm Thánh Thể.  Nhưng vì đây là bí tích nhiệm mầu và phong phú, những tư tưởng trực tiếp về Thánh Thể vừa phải được chuẩn bị, vừa phải được khai triển.  Chúng ta hãy đọc lại bài sách Cách Ngôn như dẫn nhập vào bài Tin Mừng và coi bài thư Phaolô như quyết tâm theo sau nhận thức của chúng ta về chính các lời của Ðức Kitô dạy dỗ hôm nay.

1.  Hãy Ðến

Trước hết chúng ta hãy nhận lấy lời đức khôn ngoan mời đến dự tiệc Người đã dọn.

Sách Cách Ngôn trong đoạn văn này tỏ ra phi thường.  Quả vậy, thường tình người ta chỉ coi sự khôn ngoan như là một kho tàng kiến thức giá trị hoặc như một tư cách tốt của tâm trí con người.  Ở đây ngược lại, sách Cách Ngôn nhìn khôn ngoan như bậc thần linh, và phải nói như là hiện thân của Thiên Chúa nếu không phải làchính bản thân Người.  Người là chính sự khôn ngoan.  Người không chỉ ở nơi cao xa, biệt lập với con người.  Ðấng Thiên Chúa của đạo mạc khải bao giờ cũng lấy làm vui thích ở giữa con cái loài người.  Người khác hẳn các thần minh nơi mọi tôn giáo khác.  Người chân thật chứ không trừu tượng.  Người ở giữa chúng ta chứ không ngự nơi xa cách.

Chính vì vậy mà sách Cách Ngôn hôm nay viết: đức khôn ngoan đã xây nhà cho mình…  Hẳn là tác giả đã nghĩ tới sự hiện diện của Yavê nơi Luật pháp, nơi Lều Giao ước, nơi Ðền thờ ở trong dân Chúa.  Không có dân nào có Chúa của họ ở gần như dân riêng của Chúa, Người có nhà của mình ở giữa dân.  Ðó là đền thờ Yêrusalem; và đúng hơn đó là bất cứ hình thức hiện diện nào của Người như Luật pháp, Lều Giao ước vv..

Có hiểu như vậy mới dễ cắt nghĩa câu Cách Ngôn sau: “Người đã đẽo bảy cây cột”.  Tác giả không có ý đếm các cây cột của đền thờ Yêrusalem, cũng chẳng muốn nhắc đến dinh thự nào ở trong dân Chúa.  Trong quan niệm của người đồng thời với ông, nhà có nhiều hàng cột là nhà sang và đẹp; và con số 7 nói đến ý nghĩa hoàn toàn.  Tức là đối với ông sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã đến hiện thân ở giữa loài người, đặc biệt ở trong dân Chúa, nơi Ðền thờ Người.  Nhà của Người rất khang trang và tươm tất.

Người ở đó làm gì?  Sách viết tiếp: Người hạ súc vật, hãm rượu, rồi dọn bàn; đoạn sai nữ tỳ đi mời khách đến dự yến.  Những ai từng đọc Kinh Thánh, hẳn đã nhận ra trong câu văn này một đề tài rất quen thuộc.  Các tiên tri vẫn loan báo: vào thời thiên sai, Yavê sẽ mở tiệc thết các dân tộc trên núi thánh.  Và hình ảnh bữa ăn luôn được Kinh Thánh dùng để nói đến sự thân mật mà Thiên Chúa muốn chia sẻ với dân Người.  Như vậy, ở đây sách Cách Ngôn muốn viết rằng: Thiên Chúa dựng lều ở giữa chúng ta…; Người mở tiệc mời ta đến dự.  Mọi sự đã sẵn sàng rồi: không những thịt và rượu đã dọn xong mà bàn cũng đã được kê.  Người lại sai tôi tớ đi mời khách đến dự.

Sách Cách Ngôn nói đến các nữ tỳ là vì đã hình dung đức Khôn ngoan như một bài quý phái; chứ chữ này phải hiểu về hết thảy các ngôn sứ mà Thiên Chúa đã sai đến với loài người…  Họ được phái đến với những kẻ “ngây ngô khờ dại”, cũng như sau này Yoan viết: Lời Chúa được gửi đến cho những tâm hồn bé mọn.  Tuy nhiên chẳng ai cấm chúng ta hiểu những kẻ ngây ngô khờ dại đây là tất cả loài người tội lỗi.  Nếu đã khôn thì họ đã không sa ngã và không đang đi trong sự lầm lạc.  Dù sao nhìn vào kết quả, chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng, Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa chúng ta đã được tiền định cho những kẻ nghèo khó và bé mọn, bởi vì chân lý thánh giá luôn luôn là một điều điên dại đối với sự khôn ngoan của thế gian.  Chúng ta hẳn cũng nhớ dụ ngôn về các khách dự tiệc kể trong Phúc Âm.  Những kẻ khôn ngoan đã chối khéo, không đến dự tiệc, trong khi nhiều kẻ hèn mọn đã đến và đã được no thỏa.

Ở đây, sau khi dự tiệc của đức Khôn ngoan, người ta sẽ trút bỏ được sự ngây ngô và được sống vì sẽ biết đi trong đường lối hiểu biết.

Như vậy bài sách Cách Ngôn hôm nay không trực tiếp nói đến Thánh Thể.  Chúng ta được biết lòng Chúa yêu thương loài người.  Người không nỡ bỏ họ đi trong lầm lạc; Người đến ở giữa dân, sai các sứ giả đi kêu mời chúng ta đến nghe Người dạy dỗ để nên khôn ngoan mà được sống.  Tác giả sách Cách Ngôn muốn nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Người và nhất là sự mạc khải của Người trong sách Thánh…  Nhưng những lời của ông có thể trở thành lời tiên tri loan báo về Ngôi Lời là sự khôn ngoan của Thiên Chúa sẽ đến cắm lều ở giữa chúng ta khi nhập thể cứu đời.  Chính Người sẽ mời gọi và sai các Tông đồ của Hội Thánh đi kêu mời chúng ta đến dự tiệc Người dọn.  Và như thế, bài sách Cách Ngôn hôm nay rất thích hợp để dẫn chúng ta vào bài Tin Mừng.

2.  Hãy Ăn

Nói thật ra, từ bài sách Cách Ngôn sang bài Tin Mừng có một sự đột ngột mà chỉ có đức tin mới chấp nhận được Ðức Yêsu không xưng mình là sự khôn ngoan nhập thể; hay là lời ban sự sống.  Giá có như vậy thì giữa bài Tin Mừng hôm nay và bài sách Cách Ngôn sẽ có sự liên tục nhiều hơn.  Nhưng đàng này, những câu tuyên bố như thế, Ðức Yêsu đã làm trước cả rồi…  Ðoạn Tin Mừng hôm nay đã đi vào phần chót của một bài diễn từ dài.  Sau khi hóa bánh ra nhiều để nuôi dân.  Người đã khuyến khích họ hãy nỗ lực tìm cho được thức ăn ban sự sống đời đời chứ đừng chỉ cặm cụi lo cho được lương thực hư nát.  Và bánh ban sự sống đời đời trước hết là chính Người Con mà Thiên Chúa đã sai xuống trần gian để ai tin vào Người thì sẽ được sống.  Người thật là sự khôn ngoan của Thiên chúa đã nhập thể để dẫn đường chỉ lối cho những kẻ tin Người.  Lời Người có sức ban sự sống.

Nhưng không phải chỉ có bấy nhiêu.  Nơi Người không phải chỉ có lời hằng sống.  Chính Người còn là Bánh bởi trời xuống.  Thịt Người là của ăn; Máu Người là của uống.  Người ta muốn được sống phải ăn thịt và uống máu Người.

Không có đức tin, ai có thể hiểu và nhận được những lời như vậy?  Người Dothái lập tức thắc mắc và phản đối, cũng không có gì lạ.  Họ bảo rằng: làm sao người này lại có thể lấy thịt mình cho người ta ăn?  Nhưng rồi họ sẽ thấy chính họ sẽ lấy thịt và máu Người khi họ hành hạ và giết Người trong mầu nhiệm Thập giá.  Chính khi họ tra tấn, đánh đập xác thịt Người và làm cho hết mọi giọt máu của Người đổ ra, họ đã biến Người nên chiên vượt qua bị sát tế để giải phóng nhân loại tội lỗi khỏi xiềng xích sự chết và được sống.  Thịt máu Người quả thực sẽ ban sự sống cho người ta.

Nhưng ở đây không những Yoan nghĩ đến cuộc tử nạn cứu độ của Ðức Yêsu trong ngày thứ Sáu tuần lễ Vượt qua.  Người không tách rời hy lễ đổ máu ấy khỏi lễ dâng tại bàn tiệc ly và các thánh lễ còn đang cử hành trong Hội Thánh.  Người còn nghĩ tới Thánh Thể, nhưng luôn luôn suy nghĩ về Thánh Thể mật thiết gắn bó với mầu nhiệm thập giá.  Nói cách khác, trong đoạn Tin Mừng này Yoan nghĩ về Thánh Thể.  Người khẳng định niềm tin bánh rượu trên bàn thờ là Thịt Máu Ðức Kitô.  Và bí tích Thánh Thể này ban sự sống thật và bảo đảm sự sống lại sau này cho chúng ta, vì lẽ bánh mà Ðức Kitô ban đây chính là Thịt của Người đã được thí ban để cho thế gian được sống (c.51).  Người đã liên kết bánh bàn thờ với Thân Thể Người ở trên thập giá.  Thế mà chính trên cây gỗ này lại treo giá cứu chuộc trần gian.  Như vậy, Thánh Thể có sức ban sự sống vì năng lực của Ðức Kitô nằm trên thập giá.  Tại đây Người sống và sống lại nhờ Chúa Cha thế nào thì ai ăn Thịt và uống Máu Người trong Thánh Thể cũng được sống và sống lại như thế.

Chúng ta có đức tin, nên hiểu được những lời này.  Và chúng ta thấy Ðức Yêsu đã làm hơn sự khôn ngoan ở trong sách Cách Ngôn.  Người đã làm trọn nhưng cũng đã làm vượt quá mọi lời tiên tri trong Cựu Ước.  Khi Người sinh ra làm Ðấng Emmanuel, tức là Thiên Chúa ở cùng chúng tôi, không những Người đã là hiện thân của sự khôn ngoan của Thiên Chúa để xây nhà trong bản tính nhân loại và không ngừng làm vang lời Khôn ngoan cứu sống của Thiên Chúa nơi tâm hồn những kẻ tin theo Người.  Hơn nữa, Người còn dọn thịt và rượu trên bàn thờ thập giá là chính Thịt Máu Người; và mời gọi các tâm hồn đơn sơ bé mọn đến nhận lấy mà được sống.  Ðây thật là sự khôn ngoan của thập giá mà sự khôn ngoan của thế gian không thể nào chấp nhận được.  Chúng ta đã nhờ đức tin mà chấp nhận thì như lời sách Cách Ngôn đã báo trước chúng ta đã trút bỏ được sự ngây ngô và trở nên khôn ngoan.  Nhưng chúng ta có sống đúng như vậy không?  Ðó là điều mà bài thư Phaolô hôm nay muốn trao đổi với chúng ta.

3.  Hãy Cảm Tạ Chúa

Thánh Tông đồ nói: Nếu muốn tỏ ra khôn ngoan chứ không phải khờ dại, thì chúng ta phải để ý đến cách ăn ở.  Người cũng suy nghĩ như tác giả bài sách Cách Ngôn: Khôn ngoan không phải là một mớ kiến thức hay là một tư cách của trí tuệ, nhưng là một cách sống, một nếp sống thể hiện trong hành động và trong thực tế.  Người khôn theo thánh Tông đồ, là người biết “xử dụng” cuộc đời vì lẽ đời này xấu xa.

Có lẽ bấy giờ Phaolô đang bị giữ ở Rôma.  Người thấy Tin Mừng của Chúa bị cản trở tại nhiều nơi.  Hội Thánh gặp nhiều khó khăn.  Và có thể tội lỗi cũng đã lộ mặt trong nhiều cộng đồng tín hữu.  Tất cả khiến Phaolô nhìn đời bằng con mắt ít cảm tình.  Hơn nữa chính xã hội Rôma thời bấy giờ cũng không đáng lạc quan.

Tuy nhiên đấy vẫn chỉ là hiện tượng.  Nhà thần học Phaolô còn có cái nhìn xa hơn.  Thế gian đã đóng đinh Ðức Yêsu, Vua vinh hiển thì bản chất của nó là xấu.  Và sống theo nó là khờ dại vì mầu nhiệm phục sinh của Ðức Kitô đã sáng ngời làm chứng mưu đồ thế gian giết Ðấng vinh hiển đã thất bại hoàn toàn.  Ai dại gì mà còn sống theo thế gian.

Nhưng thế gian vẫn bao trùm lấy người ta.  Con người vẫn phải sống ở trong đó.  Người khôn ngoan không phải là kẻ ra khỏi thế gian vì điều này không có thể làm được.  Họ chỉ có thể ở trong thế gian, nhưng không còn thuộc về thế gian.  Và sống như vậy là theo thánh Phaolô biết xử dụng cuộc đời.

Thú thực chính từ ngữ mà Phaolô dùng và ở đây chúng ta chuyển ngữ là “xử dụng” có một nội dung rất khó diễn tả.  Nó gợi lên hình ảnh một người nội trợ tốt đi chợ mua sắm cho gia đình.  Bà khéo léo vừa chi ít tiền vừa sắm đầy đủ cho đời sống của mọi người trong gia đình.  Thánh Phaolô bảo: người khôn ngoan đạo đức cũng vậy.  Họ biết dùng những sự ở đời để mua sắm sự sống đời đời.  Và cho được như vậy, họ phải tìm hiểu và thi hành thánh ý Chúa (c.17).

Nhưng nhờ ai mà biết được thiên ý?

Thánh Phaolô đáp: chúng ta đã được tràn đầy Thánh Thần.  Chính Người hiểu thấu cung lòng thâm sâu của Thiên Chúa.  Và Người đã được ban cho chúng ta trong giai đoạn hiện nay của Hội Thánh.  Người ngụ nơi lòng chúng ta như ở trong đền thờ.  Và như vậy Người là sự khôn ngoan hiện nay của ta, vì như lời sách Cách Ngôn viết: đức khôn ngoan đã xây nhà ở với con cái loài người, và vì Thánh Thần là hồng ân đặc biệt của thời thiên sai chỉ được ban cho loài người khi Ðức Yêsu đã hoàn tất mầu nhiệm tử nạn phục sinh.

Ở đây chúng ta hãy chú ý điểm mà thánh Phaolô so sánh.  Người bảo: đừng say sưa rượu chè, chỉ tổ hư thân; nhưng hãy làm sao cho được no đầy Thánh Thần.  Chúng ta không nghĩ rằng người muốn nói việc say sưa rượu chè sẽ đem lại nhiều tội lỗi.  Nhưng chắc là người muốn nói đến nếp sống say mê những sự thế gian dẫn đến diệt vong.  Ngược lại phải no đầy Thánh Thần như các Tông đồ trong ngày lễ Hiện xuống mà người ta tưởng là các ngài say rượu.

Ðọc những câu này trong bối cảnh của Phụng vụ hôm nay, chẳng ai có thể cấm chúng ta áp dụng rằng: đừng coi Thánh Thể là vấn đề bánh rượu làm no say thân xác, nhưng hãy tin đó là thần lương ban Thánh Thần cho ai nhận lấy như Thịt Máu Ðức Yêsu.  Ai cư xử như vậy chắc chắn là nhận được sự sống đời đời và trở nên khôn ngoan thật sự như bài sách Cách Ngôn và bài Tin Mừng đã nói.

Giờ đây chúng ta sắp chạm trán với những thực tại linh thiêng ấy.  Chúng ta sẽ hiệp dâng bánh rượu, để chứng kiến bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa Kitô trong mầu nhiệm cứu thế.  Thánh Phaolô bảo chúng ta hãy hết lòng tung hô chúc tụng theo các bài kinh lễ và nhất là hãy cảm mến tạ ơn nhân danh Ðức Yêsu, để như vậy chúng ta được tràn đầy Thánh Thần là sự khôn ngoan của Thiên Chúa bây giờ ở với chúng ta.  Nhờ đó chúng ta sẽ được Người soi sáng hướng dẫn luôn thi hành ý Chúa khiến chúng ta biết xử dụng cuộc đời chóng qua để đạt tới hạnh phúc Nước Trời.

“Ai ăn thịt và uống máu Ta thì được sống đời đời”.

Ðức Giêsu đặc biệt nhấn mạnh nhiều lần hai từ “thịt” và “máu”.  Thịt – máu, nghĩa là trọn vẹn con người.  Sự sống của Ngài được trao ban cho chúng ta.  Hiệu quả của sự việc ăn thịt – uống máu Ðức Giêsu: là được kết hiệp với Ngài, hiệp thông với anh em và được sự sống đời đời.

Ðức Giêsu vẫn mời gọi chúng ta và sẵn sàng ban thịt máu cho chúng ta trong bí tích Thánh Thể.  Chúng ta hãy hân hoan đón tiếp Người để được hạnh phúc trường sinh.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương chúng con, đến nỗi hiến ban chính mình để nuôi sống chúng con.  Với bí tích Thánh Thể, chúng con được trở nên giống Chúa, được tháp nhập vào Chúa và sống bằng sự sống của Chúa.  Xin giúp chúng con luôn giữ tâm hồn trong sạch để đón rước Chúa.  Và mỗi khi rước Chúa, chúng con ý thức mình phải sống thế nào để chứng tỏ sự sống của Chúa đang hoạt động trong chúng con.  Amen.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa)

Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm