Chúa Nhật thứ Hai Mùa Vọng – Năm C
Mỗi năm, khi Mùa Vọng đến, hình ảnh khắc khổ của Thánh Gioan Tẩy Giả lại được nhắc đến với lời kêu gọi sám hối. Sám hối đã trở thành một điều kiện không thể thiếu để mừng lễ Giáng Sinh. Bởi lẽ làm sao chúng ta có thể đón Chúa đến nếu tâm hồn ta còn chất chứa thù hận ghen ghét và biết bao nết xấu?
Sám hối cũng chính là một trong những nội dung chính yếu của Tin Mừng do Đức Giêsu rao giảng, và là điều kiện cần thiết để có thể đón nhận và sống lời Chúa dạy.
Gioan đã xuất hiện từ sa mạc. Ông khiêm tốn tự nhận mình chỉ là một tiếng kêu trong sa mạc để gọi mọi người trở về với Chúa. Với dáng điệu của một nhà ẩn tu khắc khổ, ông đã thu hút sự chú ý của mọi người. Lời giảng của ông đơn sơ mà sâu sắc, chân thành mà mạnh mẽ. Với cách dùng hình ảnh cụ thể, vị Tiền Hô đã kêu gọi mọi người phải canh tân sửa đổi cuộc sống để có thể nhìn thấy Chúa và gặp gỡ Người.
Sám hối và canh tân, đó cũng là điều Đức Thánh Cha Bênêđitô mời gọi các tín hữu trong Giáo Hội hoàn vũ cùng thực hiện trong Năm Đức tin này. Ngài viết: “Năm Đức Tin là lời mời gọi hãy hoán cải một cách đích thực và được đổi mới, trở về với Chúa là Đấng duy nhất cứu độ thế giới” (Tự sắc Porta Fidei, số 6). Chúng ta cần sám hối vì đã có những lỗi phạm đến đức tin như tin dị đoan, mê tín hoặc vô tín, tức là không tin vào Chúa hay có những thực hành không hợp với quy định của Giáo Hội.
Tuy vậy, tâm tình sám hối không phải là tang tóc u buồn, nhưng hân hoan hy vọng vì tin vào lượng từ bi của Chúa. Ngôn sứ Ba-rúc (Bài đọc I) đã diễn tả điều đó rất cụ thể và rõ ràng. Ông nói với chúng ta về quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa. Ngày Ngài đến có thể là ngày trừng phạt đối với người gian ác, nhưng lại là ngày hân hoan và hạnh phúc đối với những ai sống công chính thánh thiện. “Thiên Chúa sẽ dẫn đưa Í-ra-en đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Ngài”.
Cùng với lời mời gọi sám hối, hòa giải, việc chuẩn bị đón Chúa đến còn được thể hiện qua những cố gắng thực hành tình yêu thương. Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu thành Phi-lip-phê: “Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn” (Bài đọc II). Quả vậy, khi chúng ta thực thi tình mến, là lúc chúng ta gặp được Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Chính trong tình yêu thương mà chúng ta thấy Chúa hiện diện trong cuộc sống. Khi thực hành đức yêu thương, chúng ta tiếp nối sứ mạng của vị Tiền Hô Gioan, tức là qua đức yêu thương, chúng ta giúp anh chị em mình trở về với Chúa.
Đồi cao hãy bạt xuống, hố sâu hãy lấp đầy, con đường quanh co cần uốn cho ngay thẳng. Vâng, những hình ảnh đơn sơ mà cụ thể này chính là điều nhắc nhở chúng ta sửa soạn tâm hồn để đón Chúa đến. Tiếng gọi của vị Tiền Hô đang vang lên nơi mỗi người chúng ta hôm nay. Giữa cuộc sống bon chen và đầy tham vọng, chúng ta bị ám ảnh và lôi kéo bởi biết bao thế lực giằng co, có những lúc không thể thoát ra được. Mùa Vọng chính là thời điểm nhìn lại chính mình. Với ơn phù trợ của Chúa, với lòng khiêm hạ của bản thân, chúng ta có thể bạt đi đồi cao của sự ích kỷ kiêu ngạo, chúng ta có thể uống thẳng những chỗ quanh co uẩn khúc.
Cuộc sống hôm nay đang được phát triển và trở nên phồn thịnh về nhiều mặt. Tuy vậy, xã hội đang có nguy cơ trở nên hoang mạc hóa, khi thiếu tình liên đới. Vì thiếu vắng tình thương, có lúc ta đang sống giữa thành thị mà ngỡ mình đi trong hoang địa; có khi đang ở giữa một rừng người mà ta cảm thấy hiu quạnh cô đơn.
Xin Chúa cho chúng ta biết thành tâm thiện chí để đón Chúa. Người đang đến trong cuộc đời chúng ta. Chỉ có những tâm hồn đơn sơ chân thành mới có thể nhận ra Người.
+Gm Vũ Văn Thiên
Giám Mục Hải Phòng