Hãy Đứng Thẳng và Ngẩng Cao Đầu

CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG C
Lc 21, 25-28.34-36 

Tin mừng Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng được đặt trong bối cảnh Chúa Giêsu cùng với các môn đệ và dân chúng trầm trồ khen ngợi công trình hùng vĩ và tráng lệ của Đền thờ Giêruslem do vua Hêrôđê Cả trùng tu vào khoảng năm 20 trước công nguyên và kéo dài tới thời tổng trấn Rôma Albinus khoảng năm 63 sau công nguyên mới hoàn thành. Chúa Giêsu đã nhân cơ hội đó để giáo huấn cho các môn đệ cũng như dân chúng về sự sụp đổ của thành Gierusalem.

Trong Cựu ước, chúng ta thấy rằng các Ngôn sứ đã dùng thể văn khải huyền (apocalypsis) để đề cập đến “Ngày của Chúa”. “Ngày của Chúa” được xem như là thời gian Thiên Chúa ra tay can thiệp để trừng trị những kẻ gian ác- nhằm chỉ các đế quốc xâm lược, đồng thời cứu thoát những ai trung thành, tức Israel trung tín. Ngôn sứ Êdêkien loan báo sự sụp đổ của đế quốc Aicập; Isaia loan báo sự sụp đổ của đế quốc Babylon; Giôen loan báo ngày Chúa xét xử dân Người;… Khi sử dụng thể văn khải huyền, các tác giả đã sử dụng hình ảnh một vũ trụ bị biến dạng, bị đảo lộn, tất cả đều rơi vào trạng thái tối tăm hỗn độn.

Chúa Giêsu cũng dùng những hình ảnh rất quen thuộc của thời ấy để diễn tả những biến cố cuối cùng. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy có một điểm khác biệt. Nếu như các Ngôn sứ loan báo “Ngày của Chúa” thì Chúa Giêsu lại loan báo “Ngày của Con Người”, tức là ngày Đức Kytô quang lâm. Chúng ta biết, ngày quang lâm của Đức Kytô trong Tân ước diễn tả hai chiều kích. Trước hết đó là ngày mà Con Người sẽ thi hành việc xét xử như mục tử tách chiên ra khỏi dê để thi hành án phạt đối với những kẻ gian ác trên toàn thế giới; đồng thời đó cũng còn là ngày cứu thoát những người tín trung để ân thưởng cho họ. Nói khác đi, đó chính là ngày Chúa đến để phán xét toàn thể nhân loại nhằm đưa loài người đến chung hưởng trời mới đất mới trong nước Thiên Chúa.

Thông qua ngôn ngữ khải huyền diễn tả các biến cố cuối cùng, các Ngôn sứ đều cho thấy nổi khiếp sợ tột cùng của con người. Vấn đề này được hiểu như thế nào? Có thể những gì Kinh thánh đã loan báo chưa hẳn là những hiện tượng tự nhiên sẽ xảy ra theo nghĩa đen, mà đó có thể là những xáo trộn lớn ngay trong chính tâm hồn mỗi người khiến họ cảm thấy cắn rứt lương tâm, cảm thấy tất cả đều đảo lộn, đều đổi thay. Bên cạnh đó, chúng ta cũng còn thấy điều này, theo cái nhìn của Kinh thánh, thì vạn vật trong hoàn vũ đều liên quan chặt chẽ với con người. Con người có thể làm cho vũ trụ tốt hơn hoặc ngược lại. Theo chiều hướng đó, chúng ta thấy tội lỗi và lối sống sa đọa của con người sẽ ảnh hưởng đến toàn thể vũ trụ và ơn cứu độ của con người cũng “lây lan” đến cả vũ trụ. “Muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,20-21

Tuy nhiên, dù biến cố cuối cùng ấy có xảy ra thể nào chăng nữa, bổn phận người Kytô hữu – những người tin vào Chúa Kytô – phải có lòng tin và niềm hy vọng mong chờ ngày Chúa quang lâm. Thái độ của chúng ta là trước những biến cố xảy ra là “hãy đứng thẳng và ngẩng cao đầu” vì thời giờ cứu chuộc đã đến.

Để được như vậy, Chúa Giêsu khuyên nhủ các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta đừng để những nổi lo lắng sự đời cũng như những bữa tiệc chè chén say sưa làm cho chúng ta quên mất ngày quang lâm của Chúa; trái lại chúng ta cần phải sẵn sàng để đề phòng những gì xảy đến, đó là thái độ tỉnh thức và cầu nguyện đón chờ Chúa đến.

Ngày Chúa đến. Điều đó thật hiển nhiên đối với mỗi người Kytô hữu. Chúa có thể đến vào bất cứ lúc nào. Đó có thể là giờ phút cuối cùng của mỗi người trong lúc lâm chung; đó có thể là ngày thế mạt. Chúa cũng có thể đến qua những biến cố, những “thời điềm”, qua những người thân cận,… Điều quan trọng là chúng ta có biết ý thức về những thời điềm ấy để tỉnh thức và cầu nguyện hầu có thể hiên ngang đứng thẳng và ngẩng cao đầu nghinh đón Chúa hay không mà thôi.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb