CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH – LỄ THĂNG THIÊN
Cv 7: 55-60; Tv. 97; Kh 22: 12-14, 16-17; Ga: 17: 20-26
Thông điệp mà hai người đàn ông đã nói với các môn đệ cũng là nói với chúng ta. Chúng ta sẽ không bị bỏ mặc một mình để hoàn tất một danh mục “những việc phải làm và không được làm” mà Đức Giêsu để lại. Không có loại danh mục như thế. Những gì Người hứa là gửi Thánh Thần để trợ giúp. Nếu Thánh Thần không đến thì các môn đệ và cả chúng ta chỉ có nước đóng cửa tiệm mà về nhà và quên đi việc cố gắng trở thành Kitô hữu trong một thế giới thờ ơ lạnh nhạt này! Nếu không có Thánh Thần, chúng ta có thể bị bỏ mặc với những cố gắng công thức hóa các lời dạy của Đức Giêsu thành một mớ những lối hành xử. Như thế thì thật là tẻ nhạt, quan liêu và trống rỗng làm sao!
Không phải mãi tuần tới mới là lễ Hiện Xuống, song ngay hôm nay chúng ta đang ở giữa thời điểm mà Đức Giêsu đã nói: mong đợi “lời hứa của Cha,” Thánh Thần đến vào ngày lễ Hiện xuống. Dĩ nhiên, Thánh Thần đang ở với chúng ta; Đức Giêsu đã hoàn thành lời của Người, và gửi cho chúng ta Đấng Được Hứa. Cũng thế, Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta một cơ hội để đụng chạm đến những gì mang lại cảm giác giống như đang sống trong thời kỳ đợi trông và chưa hoàn tất. Dù có quà tặng của Thần Khí, chúng ta vẫn đang ở khoảng giữa của thời điểm đức Giêsu Thăng thiên và ngày Người trở lại vào giờ tận thế. Quá nhiều việc còn bỏ dở dang trong đời sống của mỗi chúng ta, trong giáo xứ và trong thế giới. Chúng ta vẫn còn nghe vang vọng lời khuyến dụ của bài đọc Khải huyền, “Ai nghe hãy nói ‘Xin Ngài ngự đến.” Ai khát hãy đến; ai muốn, hãy đến lãnh nước trường sinh.”
Chúng ta là một dân đang chờ đợi. Tuần này, Chúng ta được nhắc nhớ điều đó khi chúng ta cử hành ngày lễ vọng để đón Thần Khí đến cuộc sống chúng ta một lần nữa vào ngày lễ Hiện xuống. Trong lúc chờ đợi, chúng ta biểu tỏ qua lời Kinh Lạy Cha: “Nước Cha trị đến…” Chúng ta muốn được là khí cụ mang đến sự hoàn tất của vương quốc tình yêu, hiệp nhất và công bình mà Đức Giêsu đã loan báo. Trong sự chờ đợi, chúng ta cũng cầu nguyện bằng câu cuối cùng trong Tân Ước, được trích trong sách Khải huyền rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến.”
Bài Tin mừng của ngày hôm nay trích lại diễn từ từ biệt của Đức Giêsu và lời cầu nguyện của Người trong đêm trước ngày chịu nạn. Người sẽ nhìn vượt khỏi những người đang cùng bàn và hướng đến tương lai, để thấy chúng ta những người sẽ tin vào Người nhờ những lời rao giảng của họ. Sách Công vụ Tông đồ bắt đầu các tường thuật về những gì các môn đệ đầu tiên đã thực hiện nhờ tác động của Thánh Thần. Họ không còn sợ hãi và đi rao giảng khắp mọi nơi. Chúng ta đã đón nhận và chấp nhận những lời của các môn đệ, và cùng với các ngài, chúng ta đã cảm nghiệm được sự sống của Thánh Thần. Thánh Thần đó làm cho chúng ta có thể sống một đời sống của tình yêu hy hiến mà Đức Giêsu đã dạy.
Chẳng hạn, trong bài đọc Công vụ hôm nay, chúng ta chứng kiến cái chết của vị tử đạo đầu tiên là Têphanô. Chúng ta đừng bỏ qua điểm tương đồng trong cái chết của Têphanô, cũng có lời cầu nguyện cho những kẻ hành hình, với cái chết của Đức Giêsu? Sẽ đến ngày chúng ta được thông ban Thần Khí của Đức Giêsu, chúng ta cũng sẽ cầu nguyện như Têphanô “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy linh hồn con.”
Ngày đó có thể vẫn còn xa. Chúng ta đang trong thời điểm lưng chừng, đang mong đợi sự hoàn tất mọi sự trong Đức Giêsu. Chúng ta nghe thấy câu mà hai người đàn ông đã hỏi lúc Chúa Thăng Thiên, “Sao các ông còn đứng đó mà nhìn lên trời?” Trong lúc chờ đợi sự trở lại của Đức Giêsu, chúng ta có việc phải làm. Chúng ta phải sống đời sống thường nhật của mình với sự hướng dẫn của những lời cuối cùng mà Đức Giêsu nó với các môn đệ – chúng ta hành động vì hiệp nhất; hoa trái của sự hiện diện đầy yêu thương của chúng ta trong thế giới. Chúng ta được hứa ban cho Thần Khí và vì vậy chúng ta mở lòng ra với sự nhân ái và yêu thương đối với tất cả mọi người thuộc mọi tôn giáo và truyền thống.
Trong khi đợi chờ Đức Giêsu trở lại và mọi sự được hoàn tất trong Người, chúng ta tin rằng lời hứa của Đức Giêsu đã được hoàn trọn. Chúng ta đã được Thần Khí làm cho mạnh mẽ và vì thế có thể gạt đi những hận thù và trao tặng sự tha thứ. Nhờ Thần Khí của Người, đời sống của chúng ta được ghi dấu cũng bằng chính tình yêu của Đức Giêsu. Qua Thần Khí, chúng ta học được sự tín thác mỗi ngày và phó thác đời mình hơn nữa trong bàn tay của Thiên Chúa. Chúng ta sống mỗi ngày trong khoảnh khắc hiện tại khi chúng ta phục vụ và yêu thương những người thân cận. Trong tất cả lời nói, hành động, suy nghĩ, yêu thương và trao tặng, chúng ta nguyện rằng Đức Giêsu sẽ nối kết chúng ta lại trong một mái nhà, một công việc và trong tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống, để giúp chúng ta làm việc thiện trong danh của Người. Chúng ta cầu xin “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến.” Vì chúng ta cầnThánh Thần của Người để giữ vững niềm hy vọng và nỗ lực như môn đệ của Người trong một thế giới không ngừng chối bỏ và chống đối này.
Sứ vụ mà Đức Giêsu nhận từ Chúa Cha là bộc lộ qua đời sống của Người tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Giờ đây, lời cầu nguyện của Đức Giêsu cho thấy ước mong của Người rằng: Người và Cha sẽ cư ngụ trong cộng đoàn những người tin và tình yêu của cộng đoàn sẽ phản chiếu sự hiện diện yêu thương của Cha và Con. Nếu chúng ta làm chứng cho tình yêu linh thánh giữa chúng ta, thì tình yêu đó sẽ lôi kéo người khác đến với chúng ta (“… để tình Cha đã yêu thương Con ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa”). Sứ vụ của Giáo hội là phản ánh tình yêu mà chúng ta đã biết nơi Đức Kitô.
Đức Giêsu muốn rằng chúng ta cũng sẽ phản ánh sự hiệp nhất giữa Người và Chúa Cha. Đó là một lệnh truyền cho chúng ta – cả trong Hội thánh cũng như giữa các Giáo hội. Nếu chúng ta chưa phản ánh hoàn toàn sự hiệp nhất như Đức Giêsu với Cha, chúng ta được khuyên hãy nghe Người nói, “Con đã cho họ biết danh Cha và sẽ còn cho họ biết nữa”. Đức Giêsu muốn mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta. Để nhận biết Thiên Chúa của chúng ta là công việc tiệm tiến; Đức Giêsu tiếp tục mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta và bày tỏ ước muốn của Thiên Chúa vì sự hiệp nhất của chúng ta,
Hôm nay, khi lên hiệp lễ, chúng ta sẽ hiểu được sự hiệp nhất đã có trong chúng ta: chúng ta sẽ nhận cùng một Mình và Máu của Chúa. Nhưng chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ việc thiếu sự hiệp nhất giữa chúng ta. Thực ra, dường như ngày nay sự khác biệt ngay trong Hội thánh của chúng ta lớn hơn gấp nhiều lần sự khác biệt giữa các giáo hội. Khi hiệp lễ sẽ cho ta một cơ hội để cầu xin Đức Giêsu rằng sự hiệp nhất Người với Cha được phản ánh một cách hoàn hảo hơn nữa trong chính giáo hội của chúng ta và giữa tất cả người tin.
Một thuyết minh viên trên truyền hình cách đây vài ngày đã cho rằng vụ bê bối về lạm dụng hiện nay trong Giáo hội của chúng ta là khủng hoảng tồi tệ nhất của chúng ta trong 200 năm qua. Thần Khí mà Đức Giêsu đã hứa cần đến để làm mới lại một lần nữa, như Người đã làm trong ngày lễ Hiện Xuống, với luồng gió và hình lưỡi lửa. Bởi vì chúng ta đang trong tuyệt vọng và cần hơi thở chữa lành và khôn ngoan của Thần Khí. Chúng ta cần Thần khí để nhóm lên một ngọn lửa mới trong chúng ta để chúng ta có thể chú tâm trọn vẹn cho sứ vụ Đức Giêsu đã trao cho chúng ta khi Người ra đi là: Hãy loan báo Tin Mừng bằng lời nói và cả việc làm.
Anh Em HV Đaminh chuyển ngữ