Thứ Hai Tuần 30 TN, Năm lẻ.
Bài đọc: Romans 8:12-17; Luke 13:10-17.
Nhiều người nghĩ mình có tự do để làm bất cứ điều gì mình mong muốn; nhưng họ sẽ nhận ra ngay đó không phải là sự tự do đích thực. Ví dụ, việc hút sách. Một người nghĩ họ có tự do để thử; nhưng chỉ vài ba lần, họ nhận ra họ không còn tự do để thôi hút, và từ đó, họ làm nô lệ cho cần sa, ma túy.
Các Bài Đọc hôm nay giúp con người nhận ra và sống theo tự do đích thực. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô so sánh tình trạng của các tín hữu trước và sau khi người tín hữu tin vào Đức Kitô. Trước đây, họ làm nô lệ cho Lề Luật và cho tội lỗi; và hậu quả là họ không có bình an và phải chết. Kể từ khi tin vào Đức Kitô, người tín hữu trở thành con người mới và bắt đầu một cuộc sống mới, quá khứ tội lỗi được xóa sạch nhờ máu của Đức Kitô thanh tẩy, và họ chính thức trở thành con cái Thiên Chúa. Như con cái, họ sẽ cùng được chung hưởng gia tài với Đức Kitô cả đời này và đời sau. Trong Phúc Âm, Đức Kitô từ chối để Lề Luật ngày Sabbath ngăn cản tình yêu và lòng thương xót của Ngài cho một người đàn bà bị gù lưng đã 18 năm. Ngài mạnh dạn chữa lành Bà cho dù gặp chống đối từ phía ông Trưởng Hội Đường.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.
1.1/ Luật cha con của Rôma: Theo luật “patria potestas” của Rôma, người cha trong gia đình có toàn quyền và suốt đời trên con cái của mình, cho dù người con đã khôn lớn hay lập gia đình. Vì thế, rất khó cho người con thoát khỏi sự kiểm soát của người cha và rất khó trong thủ tục nhận con nuôi. Để nhận con nuôi, một người phải được chuyển quyền “patria potestas” từ người cha trước qua người cha sau theo thủ tục sau:
(1) Thủ tục đầu tiên gọi là “mancipatio.” Người cha phải bán con mình cách biểu tượng bằng việc dùng đồng và cân ba lần. Hai lần đầu người cha bán con cách biểu tượng và mua lại con mình; nhưng lần thứ ba người cha không mua lại nữa; vì thế quyền “patria potestas” bị tiêu hủy.
(2) Kế tiếp là thủ tục “vindicatio.” Đây là một nghi lễ mà người cha nuôi phải ra trước thẩm phán của tòa án Rôma, và trình lên một thỉnh nguyện để chuyển quyền “patria potestas” về cho mình. Nếu được thẩm phán phê chuẩn, ông sẽ chính thức thành cha nuôi của người con đó.
Khi một người đã chính thức thành con nuôi của cha mới, ông sẽ được thừa hưởng những đặc quyền sau: (1) Ông sẽ mất hết những quyền lợi đối với gia đình cũ, nhưng sẽ được hưởng tất cả quyền lợi đối với gia đình mới; vì ông chính thức có một người cha mới. (2) Ông có quyền thừa hưởng gia tài của người cha mới; cho dù người cha mới có con cái thêm sau này, tất cả được thừa hưởng đồng đều. (3) Tất cả quá khứ của người con nuôi được xóa bỏ; chẳng hạn: nợ nần. Ông được coi như một con người mới bắt đầu một cuộc đời mới mà quá khứ không còn ảnh hưởng gì trên ông.
1.2/ Chúng ta đã trở thành con cái Thiên Chúa: Có lẽ đây là hình ảnh trong trí óc của Phaolô khi ông so sánh cuộc đời của các tín hữu trước và sau khi tin vào Đức Kitô. Chúng ta có thể liệt kê 3 đặc quyền của người tín hữu như sau:
(1) Thiên Chúa đã chuộc chúng ta bằng giá máu của Người Con Ngài: Tội lỗi đã làm con người xa Thiên Chúa. Để chuộc lại, Thiên Chúa đã phải hy sinh trả giá bằng máu của Đức Kitô, Người Con Một của Ngài. Thánh Phaolô xác tín: “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa… Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.” Thánh Thần được ví như vị Thẩm Phán của tòa án Rôma.
(2) Ngài đã xóa bỏ mọi lầm lỗi quá khứ của chúng ta: Nhờ Đức Kitô gánh lấy tội lỗi của con người; nên mọi tội lỗi quá khứ được xóa bỏ. Người tín hữu có thể làm lại cuộc đời mà không lo sợ ảnh hưởng của tội lỗi trong quá khứ. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu: “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thánh Thần khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thánh Thần cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Abba! Cha ơi!”
(3) Chúng ta chính thức được thừa hưởng gia tài của Thiên Chúa: “Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.”
2/ Phúc Âm: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!”
2.1/ Lòng thương xót của Chúa khi nhìn thấy đau khổ của con người: Một con người bình thường sẽ cảm thấy xót xa khi nhìn thấy một người mẹ lưng còng; hậu quả của những tháng ngày hy sinh lam lũ ngòai đồng để có cơm bánh cho đàn con. Có đau mắt thì mới biết thương người mù, có còng lưng như Bà thì mới biết nỗi khổ nhục của người lúc nào cũng chỉ nhìn xuống đất. Chúa Giêsu xót xa khi nhìn thấy Bà và không cầm lòng được trước đau khổ của Bà nên Ngài ra tay chữa Bà dẫu Bà không xin (chắc Bà cũng chẳng nhìn thấy Chúa để xin) và dẫu là ngày Sabbath, nên Đức Giêsu gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.
2.2/ Sự vô tâm của ông Trưởng Hội Đường: Cùng nhìn một người đàn bà lưng còng, nhưng cách nhìn và phản ứng của ông Trưởng Hội Đường khác hẳn với cách nhìn và phản ứng của Đức Kitô. Sự đau khổ của Bà không là mối quan tâm của ông, nhưng việc không giữ ngày Sabbath của Chúa làm tổn thương đến địa vị của ông và làm ông mất mặt với dân chúng. Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày Sabbath, ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày Sabbath!”
2.3/ Chúa vạch trần sự sai trái của ông: Trước hết, Chúa mắng ông là “Đồ giả hình;” vì xem ra ông giữ Luật, nhưng lại vi phạm Luật khi phải bảo vệ những gì liên quan đến quyền lợi của mình. Chúa đưa ra một ví dụ: “Thế ngày Sabbath, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước?” Thứ đến, Chúa chỉ cho thấy sự vô tâm của ông khi đối xử con người không bằng con bò hay con lừa: “Còn bà này, là con cháu ông Abraham, bị Satan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày Sabbath sao?”
Đứng trước những lời sửa dạy của Chúa, con người có 2 thái độ: tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta hãy sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để được tự do sống như những người con cái Chúa. Đừng sống theo tiêu chuẩn con người hay ích kỷ của cá nhân chúng ta.
– Chúng ta phải đặt tình yêu và lòng thương xót lên trên những lợi lộc vật chất hay giữ Lề Luật bên ngoài. Đừng bao giờ vô tâm và vô cảm trước những đau khổ và nhu cầu của tha nhân.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP