Từ thế kỷ XIII đến nay, Giáo hội luôn khuyến khích và cổ võ mọi Kitô hữu hãy siêng năng lần hạt Mân côi. Đó là những phút suy gẫm ngắn gọn, đơn giản, nhưng không kém phần thâm sâu về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Ơn cứu độ được ngỏ với mọi người trong cuộc đời Đức Kitô được toát lược lại thành bốn phần, bắt đầu từ mầu nhiệm nhập thể và đời sống ẩn dật tại Nazaret, cuộc đời rao giảng, rồi đến cuộc tử nạn và phục sinh.
Cả đời Mẹ là đồng hành với Đức Kitô, mọi biến cố trong cuộc đời của Đức Kitô đều là một lời mời gọi Mẹ dấn thân vào một niềm tin đem lại phúc ân bởi trời. Đọc kinh Mân côi là cùng với Mẹ nhìn ngắm trong hân hoan tình yêu cứu độ mà Chúa đang thực hiện cho con người : “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51); đọc kinh Mân côi cũng là nhìn ngắm Mẹ đi bên cạnh Chúa như thế nào, từ lời ‘xin vâng’ trong ngày truyền tin, lúc ngồi dưới chân con mình như một môn đệ, khi đi bên cạnh Đức Kitô trên đường thập giá và ôm xác con mình dưới chân thập giá, khi thấy con mình phục sinh khải hoàn trong vinh quang mang theo muôn vàn hồng ân cho hết thảy những ai tin.
Làm sao có thể nói cho hết được tình thương bao la của Chúa khi mang lấy cái tên của một con người, và cho phép một thụ tạo có thể đặt tên cho Thiên Chúa của mình : “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su” (Lc 1,31). Hân hoan bởi tin vào tình thương của Chúa, lời đáp trả đầu tiên của Mẹ là hai tiếng ‘xin vâng’, hai tiếng đơn sơ của một cô thôn nữ quê mùa chất phác nhưng đã làm cả đất trời thay đổi.
Kinh Mân côi vừa diễn tả tình thương đến quên mình của Chúa đối với từng người vừa cho thấy cái sức mạnh ban ơn cứu độ của đức tin. Nhờ đó, mỗi người có thể hát lên hân hoan lời kinh Kính mừng, vì cái phúc nơi Đức Mẹ là sự mở đầu và thành toàn cái phúc mà Chúa sẽ ban cho những ai tin : “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà …”
Vì thế, kinh Mân côi được coi là một việc đạo đức quí báu cho hết mọi người, từ người quê mùa đến Đức Giáo hoàng. Có đến trên 50 vị Giáo hoàng ban bố văn kiện khuyên lần hạt Mân côi. Riêng Đức Lêô XIII thì trong 18 năm (1883-1901) đã có đến 12 thông điệp nói đến kinh Mân côi.
Kinh Mân côi quí báu vì lời kinh đơn sơ mà lại chứa đựng chân lý cứu độ. Đó chính là sức mạnh của kinh Mân côi, sức mạnh của ánh sáng và chân lý có thể dẹp tan bóng tối và sự lầm lẫn, như lời Đức Mẹ khi dạy thánh Đaminh dùng kinh Mân côi mà chống bè Albigenses.
Đức Cha Dupanloup là một viện sĩ thời danh của Pháp, tác giả cuốn ‘Lettres sur l’éducation des filles’, thường hay nhắc lại câu chuyện này :
Khi mới làm linh mục, ngài thường dạy các em nhỏ chuẩn bị rước lễ lần đầu là nếu mỗi ngày đọc ba kinh Kính Mừng dâng mình cho Đức Mẹ, và giữ cho đến chết, thì Đức Mẹ sẽ không bỏ rơi trong giờ phút sau cùng.
Sau này khi ngài làm Giám mục thì có cô con gái duy nhất của một vị tướng bị mắc bịnh ung thư lúc còn trẻ. Cô đã phát bệnh sau khi sinh đứa con đầu lòng năm 20 tuổi. Cả gia đình không biết phải báo tin này như thế nào cho cô nên mới nhờ Đức Cha báo tin và giúp cô dọn mình chết lành. Ngài nhận lời nhưng cũng thấy bối rối vì không biết phải bắt đầu như thế nào. Bước vào phòng bệnh nhân, ngài hỏi :
“Chúa định cho con phải đau đớn quá nhỉ?!”
Nhưng bệnh nhân tươi cười và hỏi lại :
“Đức Cha có tin chắc con được lên thiên đàng không?”
Đức Cha trả lời : “Cha hy vọng Chúa sẽ cho con lên thiên đàng”.
Bệnh nhân lại nói : “Đức Cha thì hy vọng, còn con thì tin chắc là con sẽ được lên thiên đàng”
“Làm sao mà con lại dám tin chắc là con được lên thiên đàng?”
“Thì chính Đức Cha đã dạy con mà”
Đức Cha ngạc nhiên : “Cha đã dạy con khi nào?”
Cô trả lời : “Khi con học lớp giáo lý chuẩn bị xưng tội rước lễ lần đầu, Đức Cha đã dạy chúng con nếu mỗi ngày đọc ba kinh Kính Mừng, và dâng mình cho Đức Mẹ và giữ thói quen này cho đến chết thì chắc chắn là Đức Mẹ sẽ không bao giờ bỏ chúng con. Con đã giữ thói quen đọc ba kinh Kính Mừng mỗi ngày; đặc biệt, từ ngày lập gia đình, con còn đọc thêm mỗi ngày năm chục kinh. Mỗi ngày con nói với Đức Mẹ năm mươi lần ‘Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử’ thì làm sao mà Đức Mẹ bỏ con được?”
Và Đức Giám mục Dupanloup kết luận : “Thay vì tôi yên ủi cô thì cô lại yên ủi tôi”.
Đúng thế, còn gì phải lo âu khi có Đức Mẹ, ‘đấng toàn năng bởi lời cầu nguyện’, ở bên tôi khi tôi đọc kinh Mân côi.
Đức Mẹ đã hiện ra ở Lộ đức với tràng chuỗi trên tay; còn ở Fatima, Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ Lucia, Phanxicô, và Giacinta đang lần hạt và nhắn nhủ ba mệnh lệnh cho thế giới là ăn năn thống hối, tôn sùng Mẫu tâm, và siêng năng lần hạt Mân côi. Có người mẹ nào thấy con mình đang lâm nạn mà không chạy đến cứu giúp, có khi còn sẵn lòng chết thay cho con?
Đức Mẹ làm gì cho nhân loại hôm nay?
Đức Mẹ tha thiết kêu gọi : “Hãy siêng năng lần hạt Mân côi”
Lm. HK