Người xưa có câu: “chọn mặt gửi vàng”. Nghĩa là để tin tưởng một ai cũng cần xem mặt, xem hoàn cảnh, gia cảnh người đó để đánh giá về họ có đáng tin hay không? Thế mà, vẫn sai lầm. Vẫn chọn sai người. Vì “Sông sâu còn có kẻ dò – Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”.
Vâng, lòng người nham hiểm hơn núi sông, biết người còn khó hơn dự đoán thời tiết. Thời tiết còn có xuân hạ thu đông và sáng – trưa – chiều – tối, còn con người, giữa mảng tối và sáng thật khó phân biệt. Thời tiết còn có hiện tượng bên ngoài để suy đoán những điều sẽ xảy ra, còn lòng người vẫn cò thể đóng kịch đến mức độ “nói vậy mà không phải vậy”. Có ai đó nói không ngoa rằng: con người là một diễn viên tài ba nhất, vì họ có thể đóng kịch để lừa dối nhau suốt cả đời mà vẫn không bại lộ. Thực vậy, có người bên ngoài ôn hậu hiền lành, trong lòng lại kiêu căng ngạo mạn, không có việc gì lợi mà không dám làm; có người bộ dạng như quân tử, thực ra là tiểu nhân; Có người bên ngoài nhu mì, nhưng nội tâm cương trực; Có người xem có vẻ kiên trinh, thực tế lại nhút nhát. Điều này cho thấy con người thật phức tạp, khó mà biệt được thực hư một người.
Có lẽ mỗi người trong chúng ta đều nghe biết về Chí Phèo trong truyện của Nam Cao. Chí Phèo là đứa con hoang, được mô tả là một người dị dạng, một tên lưu manh, nát rượu chuyên rạch mặt ăn vạ và sẵn sàng sinh sự với mọi người. Chí Phèo là kẻ trên không sợ Trời, dưới không sợ người. Người ta tránh Chí Phèo hơn tránh ôn dịch. Chí Phèo đem lòng yêu Thị Nở. Thị Nở là một cô gái xuất thân từ một nhà có mả hủi, tuổi đời ngoài 30, dở hơi, nghèo và rất xấu. Xấu ma chê quỷ hờn. Xấu đến nỗi người ta tránh thị như tránh một con vật rất ghê tởm.
Ấy vậy mà cả hai con người ấy vẫn nhận ra bản chất tốt đẹp của nhau. Thị Nở thấy Chí Phèo là một người hiền lành. Hiền như đất. Vẫn thường cho Thị xin lửa và có lần con cho Thị xin rượu về bóp chân. Ngược lại, Chí Phèo cũng thấy Thị Nở là một người có duyên. Thị Nở đã biết nấu cháo hành nóng cho Chí Phèo ăn, giúp cho Chí Phèo tỉnh cơn say và làm sống lại nơi Chí Phèo ý thức về sự lương thiện của bản thân mình.
Cuộc sống con người luôn phức tạp. Phức tạp đến nỗi khó lòng đánh giá nhau từ bên ngoài. Thực tế, vẫn có những người thân phận chẳng ra gì như Chí Phèo và Thị Nở, bị coi là cặn bã và thậm chí là quái thai của xã hội. Thế nhưng, ngay cả nơi những con người ấy bản chất tốt đẹp mà Thiên Chúa đã trao ban cho họ vẫn không hư đi, khả năng nhận ra những điều tốt đẹp nơi người khác của họ cũng không mất đi. Vì thế, không gì có thể khiến chúng ta tuyệt vọng về con người. Con người vốn là hình ảnh của Thiên Chúa. Là tinh hoa của trời đất. Là chóp đỉnh của quá trình sáng tạo vũ trụ và vạn vật. Con người dù tội lỗi mấy đi chăng nữa, cũng không thể xoá nhoà hình ảnh của Thiên Chúa nơi mình. Con người dù tha hoá mấy đi chăng nữa, cũng không thể huỷ hoại bản chất tốt đẹp của mình. Con người dù có bị dục vọng thống trị mấy đi chăng nữa, cũng vẫn không ngừng toả sáng bản chất của mình là “nhân linh ư vạn vật”.
Vâng, con ngừơi chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Không ai xấu, vì khi tạo dựng, Thiên Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp. Bản tính giống hình ảnh Thiên Chúa vẫn còn nơi con người đó. Họ làm việc xấu chứ con người họ vẫn cao qúy, vẫn mang phẩm giá làm người, thế nên ta vẫn phải yêu thương và tôn trọng. Hãy yêu thương để giúp họ phục hồi phẩm gia cao đẹp của con người mà bấy lâu nay họ bị phủ lấp bằng tội lỗi và đam mê. Bên cạnh đó, có những người có thể rất xấu về diện mạo nhưng tâm hồn họ lại thanh cao. Họ có thể là những con người có “duyên lặn vào trong” dầu rằng bên ngoài chẳng có gì hay ho.
Như thế điều quan yếu là hãy biết nhận ra điều tốt nơi nhau. Cho dù họ có xấu đến đâu, mình vẫn có thể tìm ra điều tốt nơi họ. Hơn nữa, nhân vô thập toàn. Ai trong chúng ta mà không bị tội lỗi, tật xấu, đam mê mù quáng làm mất đi hình ảnh đẹp trong lòng anh em hay trước mắt mọi người. Mỗi người chúng ta đều cần người khác đánh giá tốt về mình thì chính chúng ta cũng hãy nói tốt và nghĩ tốt với tha nhân.
Khi Chúa hiển dung trong bản tính Thiên Chúa để củng cố niềm tin nơi các tông đồ. Ngài cũng nhắc nhở chúng ta cũng phải biết tỏ ra phẩm giá cao quý nơi mỗi người chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa qua cách đối như con cái sự sáng để tạo niềm tin nơi nhau. Đồng thời cũng phải biết tôn trọng nhau vì đều được tạo dựng giống hình ảnh Người. Chúa Giê-su Ngài hoà nhập vào đời nhưng Ngài không đồng hoá mình như bao tội nhân. Ngài đã trở nên giống như con người ngoại trừ tội lỗi. Con người chúng ta không thể đồng hoá mình với con vật như thuyết Duy Vật đã nói, để rồi sống theo bản năng, chiều theo tính xác thịt nhưng luôn biết chế ngự tính xác thịt nơi bản năng con người. Chúa hiển dung là lời mời gọi chúng ta hãy toả sáng hình ảnh của Chúa trong đời sống của mình khi thống trị tật xấu và đam mê. Hãy chế ngự tính hư nết xấu trong con người cùa mình. Hãy để hình ảnh Chúa tỏ hiện nơi chúng ta qua đời sống thanh sạch, công bằng, bác ái và yêu thương. Con người không thể là con vật thuần tuý vì con người không chỉ có thể xác mà còn có hồn thiêng bất tử, nên không thể chiều theo thể xác mà đánh mất linh hồn, hay tự huỷ trong những đam mê tội lỗi. Con người phải hơn con vật khi biết chế ngự tính hư nết xấu, làm theo lẽ phải và hướng về sự thiện.
Ước gì hình ảnh Chúa đừng đánh mất nơi chúng ta. Ước gì hình ảnh Chúa luôn tỏ hiện qua đời sống thanh cao, luôn biết sống theo công lý và tình thương. Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết gìn giữ phẩm giá cao đẹp của mình là hình ảnh Thiên Chúa. Xin đừng để những đam mê mù quáng làm hoen ố hình ảnh tốt đẹp ấy nơi mỗi người chúng ta.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền